1. ĐTC bắt đầu chuyến tông du đến Malta
Sáng thứ Bảy 2/4, Đức Thánh Cha bắt đầu chuyến tông du 2 ngày đến Malta. Ngài đến sân bay Fiumicino lúc 8 giờ 10 sáng và được chào đón bởi Đức cha Gianrico Ruzza của giáo phận Porto-Santa Rufina, nơi có phi trường Fiumicino.
Máy bay A320 của hãng hàng không ITA chở Đức Thánh Cha, đoàn tuỳ tùng và các nhà báo khởi hành lúc 8 giờ 39 phút. Trên chuyến bay khoảng 1 tiếng rưỡi từ Roma đến Malta, Đức Thánh Cha chào các nhà báo của nhiều hãng tin khác nhau cùng đi với ngài. Một nhà báo đã hỏi liệu ĐTC có suy xét đến việc thăm Kyiv không. Và ngài nói rằng nó là một đề xuất đang được xem xét.
Máy bay đáp xuống sân bay quốc tế Malta lúc 10 giờ. Sứ thần Toà Thánh tại Malta và Trưởng nghi lễ đã đón Đức Thánh Cha tại cầu thang máy bay. Tại sân bay, Đức Thánh Cha được Tổng thống George William Vella và phu nhân chào đón, cùng với hai em bé Malta tặng hoa cho ngài.
Tại sân bay, nghi thức chào đón chính thức đã diễn ra với việc giới thiệu đoàn tuỳ tùng của hai phía, quốc thiều của hai nước và duyệt qua hàng quân danh dự.
Sau đó, ĐTC di chuyển bằng xe đến Dinh Đại Sư ở Valletta để thăm hữu nghị Tổng thống Cộng hoà Malta.
Tổng thống George William Vella của cộng hoà Malta sinh năm 1942, chuyên về lĩnh vực y khoa và làm việc nhiều năm với tư cách là chuyên viên y học hàng không. Năm 1977 ông được bổ nhiệm làm cố vấn của hãng hàng không Air Malta về hàng không dân sự. Ông được bầu vào Quốc hội lần đầu tiên năm 1978. Sau đó ông giữ các chức vụ phó Thủ tướng và Ngoại trưởng. Năm 2019, ông được bầu làm tổng thống Cộng hoà Malta. Ông Vella lập gia đình và có ba người con. Trong buổi thăm hữu nghị, Đức Thánh Cha có chào thăm gia đình của Tổng thống.
Sau khi thăm hữu nghị Tổng thống, ĐTC có một cuộc gặp ngắn với Thủ tướng Malta trước khi di chuyển đến Đại sảnh Hội đồng để gặp Chính quyền và ngoại giao đoàn.
2. Đức Thánh Cha gặp chính quyền và ngoại giao đoàn
Buổi gặp gỡ diễn ra trước hết với diễn văn chào mừng của Tổng thống Malta. Tổng thống nhắc đến việc ngày nay máu vẫn tưới đẫm mặt đất tại Châu Âu, 75 năm sau chiến tranh thế giới thứ hai, mạng sống của nhiều người vô tội bị tước đoạt. Tổng thống bày tỏ sự hiệp nhất với Đức Thánh Cha trong việc thúc đẩy hoà bình, không chỉ tại Ucraina, mà còn tại nhiều nơi đang xung đột khác như ở Yemen, Rwanda, Syria và nhiều nơi khác trên thế giới.
Tổng thống Malta gọi việc xây dựng hoà bình là một ơn gọi của Malta và không ngừng làm việc theo định hướng này.
Tuy nhiên, Tổng thống cũng đề cập đến khả năng giới hạn của đất nước nhỏ này cần được hỗ trợ bởi các nước khác để có các nguồn lực để chào đón những người di cư tìm đến Malta.
Sau diễn văn của Tổng thống, Đức Thánh Cha đáp lời, trước hết bằng việc bày tỏ sự biết ơn Tổng thống và người dân Malta vì sự đón tiếp dành cho ngài như tổ tiên của vùng đất này đối xử với Thánh Phaolô trong hành trình thánh nhân đến Roma, “một cách nhân đạo hiếm có” (Cv 28, 2).
Bốn luồng gió, bốn ảnh hưởng đến đời sống xã hội và chính trị
Đức Thánh Cha nói: “Nhờ vị trí địa lý, Malta có thể được gọi là trái tim của Địa Trung Hải. Nhưng không chỉ bởi địa lý: trong hàng ngàn năm sự giao thoa của các sự kiện lịch sử và sự gặp gỡ của các dân tộc khác nhau đã biến hòn đảo này trở thành trung tâm của sức sống và văn hóa, tinh thần và vẻ đẹp, một giao lộ có thể đón nhận và hài hòa những ảnh hưởng từ nhiều nơi trên thế giới. Sự đa dạng về ảnh hưởng này làm cho chúng ta liên tưởng đến nhiều loại gió thổi qua đất nước. Không phải ngẫu nhiên mà trong các bản đồ cổ đại về Địa Trung Hải, ‘hoa hồng gió’ thường được mô tả gần đảo Malta. Tôi muốn mượn hình ảnh ‘hoa hồng gió’, mô tả gió theo bốn điểm chính của la bàn, để phác hoạ bốn ảnh hưởng thiết yếu đối với đời sống xã hội và chính trị của đất nước này”.
Gió phương bắc, ngôi nhà chung châu Âu
Đức Thánh Cha quảng diễn rằng các luồng gió thổi qua các đảo Malta chủ yếu là từ phía tây bắc. Phương bắc gợi nhớ đến châu Âu, đặc biệt ngôi nhà của Liên minh châu Âu, được xây dựng như nơi ở cho một đại gia đình duy nhất liên kết trong việc duy trì hòa bình. Đoàn kết và hòa bình là món quà mà người dân Malta cầu xin Chúa mỗi khi quốc ca được cất lên. Hòa bình theo sau sự thống nhất và đi lên từ đó. Điều này nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của việc làm việc cùng nhau, đặt sự gắn kết trước mọi sự chia rẽ, củng cố nguồn gốc và giá trị chung đã tạo nên sự độc đáo của xã hội Malta.
Nhưng để đảm bảo một sự chung sống xã hội tốt đẹp, việc củng cố cảm giác thuộc về thì chưa đủ; cần phải củng cố nền tảng của việc sống chung, dựa trên luật pháp và tính hợp pháp. Trung thực, công bằng, ý thức trách nhiệm và minh bạch là những trụ cột thiết yếu của một xã hội dân sự trưởng thành.
Từ điểm này, Đức Thánh Cha cầu mong việc cam kết xóa bỏ bất hợp pháp và tham nhũng sẽ mạnh mẽ như ngọn gió thổi từ phương bắc, quét qua các bờ biển của đất nước. Ngoài ra, theo Đức Thánh Cha ngôi nhà châu Âu, vốn dấn thân thúc đẩy các giá trị công bằng và bình đẳng xã hội, cũng đi đầu trong các nỗ lực bảo vệ ngôi nhà thụ tạo rộng lớn hơn. Và ở Malta, nơi vẻ đẹp rực rỡ của phong cảnh làm dịu bớt khó khăn, thụ tạo xuất hiện như một ân ban. Do đó, nơi đây phải được bảo vệ khỏi lòng tham tiền bạc và đầu cơ xây dựng, điều không chỉ gây thiệt hại đến cảnh quan nhưng đến cả tương lai.
Gió phương tây, nguồn giá trị tuyệt vời
Đức Thánh Cha nói tiếp luồng gió thứ hai đến từ phương tây. Gió phương bắc thường kết hợp với gió đến từ phương tây. Quốc gia châu Âu này, đặc biệt là giới trẻ, chia sẻ lối sống và tư duy phương Tây. Từ đó, bắt nguồn những điều tuyệt vời như những giá trị của tự do và dân chủ, nhưng cũng có những nguy cơ cần cảnh giác. Để phát triển lành mạnh, điều quan trọng là phải giữ gìn ký ức và tôn trọng sự hòa hợp giữa các thế hệ, không để mình bị đồng hoá bởi sự công nhận giả tạo và thực dân hóa tư tưởng.
Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Nền tảng sự phát triển vững chắc là con người, tôn trọng sự sống và phẩm giá của mỗi người. Tôi biết người Malta dấn thân đón nhận và bảo vệ sự sống. Trong Sách Công vụ Tông đồ, người dân của đảo này được biết đến vì đã cứu nhiều người. Tôi khuyến khích quý vị tiếp tục bảo vệ sự sống từ khi bắt đầu đến khi kết thúc tự nhiên, nhưng cũng luôn bảo vệ sự sống ở mọi thời điểm khỏi sự vứt bỏ và lãng quên. Tôi đặc biệt nghĩ đến phẩm giá của những người lao động, người già và người bệnh. Và đối với những người trẻ, những người có nguy cơ vứt bỏ những điều tốt đẹp mà họ đang có mà đuổi theo những ảo tưởng để lại nhiều trống rỗng bên trong. Đây là hậu quả của chủ nghĩa tiêu thụ, thờ ơ trước nhu cầu của người khác và tai hoạ của ma túy, bóp nghẹt tự do bằng cách tạo ra cơn nghiện và lệ thuộc. Chúng ta hãy bảo vệ vẻ đẹp của sự sống!”
Gió phương nam, quan tâm đến di dân
Về gió đến từ phương nam, Đức Thánh Cha đề cập đến những người di cư. Ngài cám ơn chính quyền dân sự và người dân Malta vì sự chào đón dành cho người di cư nhân danh Tin Mừng, tính nhân văn và tinh thần hiếu khách đặc trưng của người Malta. Theo gốc từ Phê-nê-xi, Malta có nghĩa là “bến cảng an toàn”. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, trước sự gia tăng dòng người, nỗi sợ hãi và bất an đã tạo ra sự ngã lòng và thất vọng. Để tiếp cận tốt vấn đề di cư phức tạp, phải đặt điều này trong những viễn tượng rộng lớn hơn về thời gian và không gian. Về thời gian: hiện tượng di cư không phải là tình trạng nhất thời, nhưng đánh dấu thời đại chúng ta. Nó mang theo những gánh nặng của những bất công trong quá khứ, khai thác, biến đổi khí hậu, của những cuộc xung đột mà hậu quả là họ phải trả giá. Từ phía nam nghèo nàn và đông dân cư, hàng loạt người di chuyển đến phía bắc giàu có hơn: đây là một thực tế, và không thể bị bỏ qua bằng việc đóng cửa lỗi thời, bởi vì nó sẽ không tạo ra thịnh vượng và hội nhập. Từ quan điểm không gian, tình trạng khẩn cấp di cư ngày càng gia tăng – ở đây chúng ta nghĩ đến những người tị nạn từ Ucraina bị chiến tranh tàn phá – đòi hỏi những đáp ứng trên diện rộng và được chia sẻ. Không thể có chuyện một số quốc gia gánh vác tất cả vấn đề trong khi các quốc gia khác dửng dưng! Vì lợi ích riêng, các quốc gia văn minh không thể phê chuẩn những thỏa thuận ám muội với những kẻ bất lương bắt người khác làm nô lệ. Địa Trung Hải cần sự đồng trách nhiệm của châu Âu, để một lần nữa trở thành sân khấu mới của tình liên đới và không phải là tiền đồn của một vụ đắm tàu bi thảm của nền văn minh.
Liên quan đến vụ đắm tàu, Đức Thánh Cha đề cập đến Thánh Phaolô, đã đến bờ biển này một cách bất ngờ trong chuyến vượt biển cuối cùng trên Địa Trung Hải và được cứu giúp. Ngài nói: “Nhân danh Tin Mừng mà Thánh Phaolô đã sống và rao giảng, chúng ta hãy mở rộng tâm hồn và tái khám phá vẻ đẹp của việc phục vụ người cần được giúp đỡ. Chúng ta hãy giúp nhau để không coi người di cư như một mối đe dọa và không khuất phục trước cám dỗ xây dựng những cây cầu rút ván và dựng các bức tường. Người khác không phải là một loại virus mà chúng ta cần được bảo vệ, nhưng là một người cần được chào đón. Chúng ta đừng để sự thờ ơ dập tắt ước mơ chung sống! Tất nhiên, chào đón là công việc khó khăn và đòi hỏi hy sinh. Đối với Thánh Phaolô cũng vậy: để cứu mình, trước tiên cần phải hy sinh hàng hóa của con tàu (Cv 27, 38). Nhưng những hy sinh vì một điều tốt đẹp hơn, cho sự sống của con người, là kho báu của Thiên Chúa!”
Gió phương đông, cầu mong hoà bình
Đức Thánh Cha nói đến hướng gió cuối cùng, gió đến từ phương đông, thường thổi vào lúc bình minh. Nhưng chính từ phía đông của châu Âu, từ phía Đông nơi ánh sáng đầu tiên phát sinh, bóng tối của chiến tranh đã đến. Chúng ta đã từng nghĩ rằng những cuộc xâm lược của các quốc gia khác, những cuộc giao tranh tàn bạo trên đường phố và những mối đe dọa từ nguyên tử là những ký ức đen tối của một quá khứ xa xôi. Tuy nhiên, những luồng gió băng giá của chiến tranh, vốn chỉ mang đến cái chết, sự huỷ diệt và hận thù, đã ập xuống cuộc sống của nhiều người và ảnh hưởng đến tất cả chúng ta. Và một lần nữa một số người quyền lực, đáng buồn là đã bị cuốn vào những tuyên bố lạc hậu về lợi ích quốc gia, đang kích động và gây ra những xung đột, trong khi dân chúng cảm thấy cần phải xây dựng một tương lai mà, hoặc sẽ cùng nhau, hoặc chẳng có tương lai nào cả. Giờ đây, đêm tối chiến tranh đã giáng xuống nhân loại, chúng ta đừng làm cho giấc mơ hòa bình tan biến.
Malta, nơi toả sáng rực rỡ giữa lòng Địa Trung Hải, có thể truyền cảm hứng cho chúng ta, bởi vì việc khôi phục vẻ đẹp khuôn mặt nhân loại bị biến dạng vì chiến tranh là điều cấp thiết. Một bức tượng Địa Trung Hải tuyệt đẹp có niên đại hàng thế kỷ trước Chúa Kitô mô tả hòa bình như một phụ nữ, Eirene ôm sao Diêm Vương, biểu tượng sự phong phú. Bức tượng nhắc nhớ chúng ta rằng hòa bình tạo ra thịnh vượng và chiến tranh chỉ tạo ra nghèo đói. Và đặc biệt trong bức tượng đó, hòa bình và thịnh vượng được miêu tả như một người mẹ đang ôm một trẻ thơ trong tay. Tình yêu dịu dàng của những người mẹ, những người mang lại sự sống cho thế giới, và sự hiện diện của phụ nữ là sự thay thế thực sự cho sự gian hiểm của quyền lực, dẫn đến chiến tranh. Chúng ta cần lòng trắc ẩn và sự quan tâm, chứ không phải những tầm nhìn ý thức hệ và những thứ mị dân, nuôi dưỡng bằng những lời lẽ thù hận và không quan tâm đến cuộc sống cụ thể của dân chúng.
Đức Thánh Cha than phiền vì chiến tranh đã tái xuất hiện một cách áp đảo trong sự dụ dỗ của chế độ chuyên quyền, trong các đế quốc mới, trong sự xâm lược lan rộng, trong việc không có khả năng xây dựng cây cầu và bỏ rơi những người nghèo nhất. Từ đây, cơn gió chiến tranh lạnh bắt đầu thổi qua.
Thực vậy, cuộc chiến đã được chuẩn bị với các khoản đầu tư lớn và các thương vụ mua bán vũ khí. Và thật đáng buồn khi thấy lòng nhiệt thành đối với hòa bình, nảy sinh sau Thế chiến thứ hai, đã suy yếu như thế nào trong những thập kỷ gần đây, cũng như buồn khi thấy hành trình của cộng đồng quốc tế, với một số ít cường quốc tiến lên vì lợi ích riêng, tìm kiếm không gian và khu vực ảnh hưởng. Và vì vậy, không chỉ hòa bình, mà nhiều vấn đề lớn, chẳng hạn như cuộc chiến chống nạn đói và bất bình đẳng, trên thực tế đã bị loại khỏi các chương trình nghị sự chính trị chính.
Nhưng giải pháp cho các cuộc khủng hoảng của mỗi bên là quan tâm đến tất cả, bởi vì các vấn đề toàn cầu đòi hỏi các giải pháp toàn cầu. Chúng ta hãy giúp nhau lắng nghe khát vọng hòa bình của dân chúng, chúng ta hãy làm việc để đặt nền móng cho một cuộc đối thoại ngày càng rộng lớn hơn, chúng ta hãy trở lại gặp gỡ nhau trong các hội nghị quốc tế vì hòa bình, nơi chủ đề giải trừ quân bị là trọng tâm, với cái nhìn hướng đến các thế hệ sau! Và những khoản tiền lớn tiếp tục được dành vũ khí sẽ được chuyển sang phát triển, sức khỏe và dinh dưỡng.
Kết thúc bài diễn văn, Đức Thánh Cha, Tổng thống và Phu nhân, Thủ tướng Chính phủ và Phu nhân, Đức Hồng y Quốc vụ khanh Toà Thánh, Tổng Thư ký Thượng Hội đồng Giám mục, Đức Tổng Giám mục của Malta và Giám mục của Gozo ra ban công để chào mọi người đang hiện diện tại Quảng trường.
3. ĐTC chủ sự giờ cầu nguyện tại đền thánh Đức Mẹ Ta’ Pinu
Đền thánh Ta’ Pinu
Đền thánh Ta’ Pinu là nơi hành hương nổi tiếng nhất của Malta. Nhà thờ được xây theo kiến trúc gô-tích với Thánh giá kiểu Latinh. Bên trong nhà thờ có lưu giữ rất nhiều lời khấn nguyện, bằng chứng lòng đạo đức bình dân của người dân Malta.
Vào những năm 1500, tại nơi này đã có một nhà nguyện nhỏ. Năm 1575, khi nhà nguyện bị bỏ hoang và hư hoại, đặc sứ của Đức Gregorio XIII đã ra lệnh phá bỏ nhà nguyện. Nhưng khi công việc mới bắt đầu thì một công nhân bị gãy tay. Sự việc được hiểu như là một dấu chỉ và do đó công việc phá dỡ nhà nguyện được dừng lại. Nhà nguyện ban đầu thuộc tài sản của dòng họ Gentili, sau đó được một người tên Pino Gauci mua lại; từ đó có tên Ta’ Pinu. Pino Gauci đã nới rộng và tu sửa nhà nguyện, đặt trong nhà thờ một bức ảnh Đức Mẹ Hồn xác lên trời do hoạ sĩ người Ý Amedeo Perugino vẽ. Bức ảnh vẫn được lưu giữ cho đến ngày nay.
Để kỷ niệm 100 năm lần hiện ra đầu tiên, Đại hội Đức Mẹ Quốc tế lần thứ IX đã được tổ chức tại Malta vào tháng 9/1983. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã cử hành Thánh lễ tại thềm đền thờ vào ngày 26/5/1990.
Đến gần đền thánh, Đức Thánh Cha chuyển sang dùng papamobile – xe mui trần của Đức Thánh Cha. Đến đền thánh, ngài đi xe vào lối bên cạnh, trong khi 3.000 tín hữu chờ đợi ngài tại quảng trường lớn.
Viếng Đức Mẹ
Tại cửa vào đền thánh, Đức Thánh Cha được cha giám đốc đền thánh chào đón. Sau đó ngài cùng với Đức Hồng y Mario Grech, Tổng Thư ký Thượng Hội đồng Giám mục, Đức Tổng Giám mục của Malta và Đức Giám mục của Gozo tiến vào nhà nguyện của đền thánh. Đến trước ảnh Đức Mẹ, Đức Thánh Cha đã dâng kính Đức Mẹ một cành hoa hồng mạ vàng và đọc 3 kinh Kính Mừng, rồi ngài đến trước bàn thờ chính, chào và chúc lành cho các bệnh nhân hiện diện trong đền thờ và đi đến thềm đền thờ.
Hiện diện tại buổi cầu nguyện có đại diện của Giáo hội địa phương, có các thiếu nhi, thanh thiếu niên, người trẻ, các gia đình và các thành viên của các hiệp hội của Giáo hội; cũng có các vị đại diện chính quyền dân sự của đảo Gozo, cũng như rất đông linh mục, tu sĩ nam nữ và thành viên các tu hội đời.
Bắt đầu giờ cầu nguyện, Đức cha Anthony Teuma, giám mục của Gozo đã có lời chào mừng Đức Thánh Cha đến với Gozo, “một đảo nhỏ nhưng có trái tim vĩ đại”, chào mừng Đức Thánh Cha đến với “nhà của chúng con và của Mẹ chúng con – đền thánh Đức Mẹ Ta’ Pinu”.
Chứng từ cảm động của đôi vợ chồng Sandi và Domenico Apap
Tiếp đến là phần trình bày chứng từ. Đầu tiên là chứng từ của đôi vợ chồng Sandi và Domenico Apap, kết hôn được 29 năm và có một con gái và một cháu ngoại. Bà Sandi cho biết, 4 năm sau khi kết hôn, khi mới 23 tuổi, bà bắt đầu bị chứng đa xơ cứng. Cuộc sống của họ thay đổi khi các triệu chứng của căn bệnh của bà gia tăng và các ước mơ của tuổi trẻ cũng tan theo. Hiện nay tình trạng sức khoẻ của bà phức tạp hơn do không thể di chuyển và lại bị nhiễm Covid-19. Thật khó để chấp nhận căn bệnh này. Bà thường tự hỏi tại sao Chúa lại để cho tất cả điều này xảy ra. Nhiều lần bà kêu lên: “Chúa ơi, Chúa ở đâu?” Nhưng cũng có điều gì đó đã giúp bà không tuyệt vọng và bà nói, “Lạy Chúa, Chúa biết cuộc đời con. Con phó thác mọi sự trong tay Chúa.”
Còn ông Domenico thì nhìn nhận rằng bà Sandi vợ ông là quà tặng lớn nhất Thiên Chúa ban cho gia đình. Ông nói: “Kinh nghiệm đau khổ mà chúng con đã trải qua và tiếp tục cùng nhau sống không chỉ không huỷ diệt chúng con hay làm chúng con xa cách nhau, nhưng liên kết chúng con hơn, củng cố chúng con trong tình yêu thương nhau như một gia đình.” Nhiều lần ông đặt câu hỏi với Chúa và không tìm được câu trả lời như mong muốn. Nhưng dần dần Chúa ban cho ông ơn hiểu rằng sứ vụ của ông là ở bên cạnh vợ và cùng bà vác thập giá. Ông nói: “Tôi học được rằng khi đau khổ được sống với tình yêu, nó không còn là đau khổ nữa mà trở thành niềm vui.”
Tiếp đến là chứng từ của Jennifer Cauchi, chia sẻ về sự an bình khi đến với Đức Mẹ và chứng từ của Francesco Pio Attard, với băn khoăn thao thức làm sao Giáo hội gìn giữ kho tàng đức tin, và thực hiện sứ vụ ngôn sứ…
Bài giảng của Đức Thánh Cha
“Giờ” của Chúa Giêsu và khởi đầu của Giáo hội
Sau bài Phúc âm trích từ Tin Mừng thánh Gioan, thuật lại những lời cuối cùng của Chúa Giêsu trên Thánh Giá, Đức Thánh Cha bắt đầu bài giảng với “giờ” của Chúa Giêsu, trong Tin Mừng thánh Gioan là giờ chết của Người trên thập giá, với hình ảnh Mẹ Maria và thánh Gioan đứng dưới chân Thánh Giá, khi “mọi sự dường như đã mất, đã hết, vĩnh viễn;” với lời cầu nguyện của Chúa Giêsu: “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mt 27,46; Mk 15,34), cũng là lời cầu nguyện của chúng ta vào những lúc đau khổ.
Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng “giờ” chết của Chúa Giêsu “không có nghĩa là sự kết thúc của lịch sử. Nhưng nó đánh dấu sự khởi đầu của một sự sống mới.” Một giờ khác tràn đầy sự sống được bắt đầu. Đó là thời gian của Giáo hội. “Bắt đầu với hai người đứng bên dưới Thánh giá, Chúa sẽ quy tụ một dân tộc tiếp tục đi trên những nẻo đường quanh co của lịch sử, mang trong lòng mình sự an ủi của Thánh Linh, để lau khô nước mắt của nhân loại.”
Nói về đền thánh Đức Mẹ Ta’ Pinu, Đức Thánh Cha nhận xét rằng, từ một nhà nguyện nhỏ đang bị hư hỏng, sắp bị phá bỏ, một loạt các sự kiện sẽ xoay chuyển tình thế, ngôi nhà thờ nhỏ bé ấy đã trở thành đền thánh quốc gia, là điểm đến của những người hành hương và là nguồn sống mới. Một nơi từng bị nghĩ rằng đã bị bỏ rơi thì giờ đây làm sống lại đức tin và hy vọng trong Dân Chúa. Từ đó Đức Thánh Cha mời gọi đánh giá ý nghĩa của “giờ” của Chúa Giêsu đối với cuộc sống của chúng ta. Ngài nói: “Giờ cứu độ đó cho chúng ta biết rằng, để canh tân đức tin và sứ mạng chung của chúng ta, chúng ta được mời gọi trở về nguồn cội, trở về với Giáo hội sơ khai mà chúng ta nhìn thấy dưới chân Thánh giá nơi con người của Mẹ Maria và Thánh Gioan.”
Khám phá lại những điều cốt yếu trong đức tin của chúng ta
Theo Đức Thánh Cha, quay trở lại những nguồn cội, trước tiên, có nghĩa là khám phá lại những điều cốt yếu trong đức tin của chúng ta. Quay trở lại với Giáo hội sơ khai không có nghĩa là cố gắng tái tạo mô hình Giáo hội của cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi; cũng không có nghĩa là lý tưởng thái quá cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi. “Nhưng trở về nguồn cội là trở về với trọng tâm và khám phá lại cốt lõi của đức tin: tương quan của chúng ta với Chúa Giêsu và việc rao giảng Tin Mừng cho toàn thế giới của Người”, như các môn đệ đầu tiên, như bà Maria Mađalena và Gioan, sau khi nhìn thấy ngôi mộ trống, với sự phấn khích tột độ đã vội vã trở về loan báo tin mừng Chúa phục sinh; như các tông đồ, mỗi ngày trong đền thờ và tại tư gia, họ không ngừng giảng dạy và loan báo Tin Mừng về Đức Kitô Giêsu (Cv 5,42).
Một đức tin được xây dựng và không ngừng đổi mới
Đức Thánh Cha lưu ý rằng đời sống của Giáo hội không bao giờ chỉ là “một quá khứ để tưởng nhớ”, nhưng là một “tương lai tuyệt vời để xây dựng”, luôn tuân theo các kế hoạch của Thiên Chúa. Chúng ta cần một đức tin được xây dựng và không ngừng đổi mới trong cuộc gặp gỡ cá nhân với Chúa Kitô, trong việc lắng nghe lời Người hằng ngày, trong việc tham gia tích cực vào đời sống của Giáo hội và trong lòng đạo đức bình dân đích thực. Ngài cảnh giác rằng chúng ta không được xem nhẹ sự khủng hoảng đức tin, sự thờ ơ thực hành tôn giáo, đặc biệt là hậu quả của đại dịch, và sự dửng dưng của nhiều người trẻ đối với sự hiện diện của Chúa khi nghĩ rằng, xét cho cùng, vẫn còn một tinh thần tôn giáo nhất định. Những nghi lễ hoành tráng không luôn là dấu chỉ của đức tin sống động.
Phát triển nghệ thuật chào đón tha nhân
Đức Thánh Cha giải thích tiếp rằng quay trở lại ban đầu cũng có nghĩa là phát triển nghệ thuật chào đón. Những lời của Chúa Giêsu trên Thánh giá, nói với Mẹ Người và với thánh Gioan, kêu gọi chúng ta làm cho việc chào đón trở thành dấu ấn của người môn đệ. Việc thánh Gioan chào đón Đức Maria vào nhà ngài là một dấu hiệu cụ thể cho thấy chúng ta nên sống điều răn cao trọng nhất, giới răn yêu thương, như thế nào. Việc thờ phượng Thiên Chúa được thực hiện qua sự gần gũi với anh chị em của chúng ta.
Chào đón tha nhân: phép thử sự thấm nhuần tinh thần Tin Mừng
Việc chào đón nhau, nhân danh Chúa Kitô, vẫn mãi là một thách đố, trước hết là đối với các mối tương quan trong Giáo hội, vì việc truyền giáo của chúng ta sẽ sinh hoa trái nếu chúng ta cùng nhau làm việc trong tình bạn và tình hiệp thông huynh đệ. Nhưng theo Đức Thánh Cha, việc chào đón cũng là phép thử để đánh giá xem Giáo hội đã thấm nhuần tinh thần Tin Mừng đến mức độ nào. Chúng ta cũng không thể chào đón nhau trong các mái ấm của những ngôi nhà thờ đẹp đẽ, trong khi bên ngoài rất nhiều anh chị em của chúng ta phải đau khổ, bị đóng đinh bởi nỗi đau, sự nghèo đói và bạo lực.
Giờ cầu nguyện với kinh Magnificat, kinh Lạy Cha và phép lành Đức Thánh Cha ban cho cộng đoàn.
Rời đền thánh Đức Thánh Cha đi xe hơi trở lại cảng Mgarr cách đó 10 km, từ đó ngài đi tàu 20 phút để đến cảng Cirkewwa của đảo Malta và từ đó Đức Thánh Cha di chuyển về Toà Sứ thần cách đó 21 km để dùng bữa tối và nghỉ đêm, kết thúc ngày thứ nhất trong chuyến viếng thăm Malta.
Vatican News