Được biết và yêu mến Chúa là một ơn phúc mà không phải ai cũng được lãnh nhận ngay từ khi mới chào đời. Những người sinh ra trong gia đình không có ai theo Đạo không biết Chúa là một điều đương nhiên. Những người anh chị em này chỉ tin nhận Chúa khi có một biến cố nào đó xảy ra trong đời họ, giúp họ có động lực đi tìm Chân Lý.
Thật vậy, người ta bảo “gần Chùa gọi bụt bằng anh,” người đạo gốc nhiều khi đánh mất cái cảm thức đức tin vì họ thấy mọi sự tự nhiên quá. Họ được biết Chúa từ nhỏ nhưng lại không chịu khó vun trồng đức tin, thành ra dù có được gieo nơi đất tốt, hạt giống cũng khó lòng lớn lên được vì thiếu sự chăm sóc. Ngược lại, đối với anh chị em mới theo Đạo, đức tin của họ là một đức tin trưởng thành. Họ đến với Chúa bằng một sự tự nguyện và nhờ vậy, họ hiểu rõ và yêu mến những giá trị quí báu của đức tin.
Khi viết những dòng này, tôi nhớ đến những người ngoại giáo đã thực hiện những cuộc trở lại ngoạn mục như thế.
Người đầu tiên ấy là cha giáo tập của tôi. Ngài là một người sắc tộc thiểu số ở Indonesia. Sống trên vùng núi trùng điệp, ở cái độ tuổi 14, ngài đã may mắn gặp được các nhà thừa sai đến truyền giáo ở khu vực của mình. Cậu bé mới 14 tuổi nhưng đã có lòng mến Chúa cách kì lạ. Bất chấp sự cấm cản của gia đình, và nhất là ông nội, cậu bé ấy vẫn quyết định chịu phép Dìm để trở nên con cái Chúa. Người ông giận tím mặt, đuổi cậu ra khỏi nhà. Cậu được những người hàng xóm cưu mang và đến khi đủ tuổi, đã gia nhập Dòng Chúa Cứu Thế. Chúa dùng ngài một cách thật kì lạ. Sau khi chịu chức, bề trên sai ngài đi du học và làm việc chẳng những cho Dòng Chúa Cứu Thế Indonesia mà còn cho cả vùng Á – Úc. Sau hơn 10 năm làm giám tập cho nhà tập của Dòng ở Philippines, nay ngài trở về đất nước của mình để làm nhà đào tạo, tiếp tục huấn luyện các thế hệ trẻ.
Người thứ hai hiện lên trong đầu tôi là một vợ chồng cô giáo dạy tiếng Anh người Singapore. Một lần qua sự giới thiệu của bạn bè, cô đến với Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp để tham dự giờ hành hương kính Đức Mẹ. Ơn Chúa tác động thế nào ấy mà sau đó không lâu, cô và chồng cùng gia nhập Hội Thánh. Cô lại còn sang Philippine để học thần học với mong ước được phục vụ Hội Thánh cách đắc lực hơn. Hiện giờ, cô và chồng qua Việt Nam cũng được mười mấy năm rồi. Sứ mạng của họ là đi dạy tiếng Anh cho các cha, các thầy, các sơ ở nhiều Dòng tu, chủng viện tại Việt Nam. Họ yêu mến, say mê làm việc này vì họ biết đây là nhu cầu rất lớn của giáo hội Việt Nam và thấy hạnh phúc khi được đóng góp phần công sức nhỏ bé của mình.
Người thứ hai là một Việt kiều tại Úc, theo đạo cũng vì lí do hôn nhân. Lần đầu gặp anh, tôi không nghĩ anh là đạo theo bởi anh là một thành viên năng nổ, tích cực hầu việc Chúa, và là một thành viên của ban lãnh đạo của cộng đồng. Phải đến khi nói chuyện với chị nhà, tôi mới biết anh không phải là đạo gốc. Anh chia sẻ: Đi đạo thấy nhiều điều hay quá, nhất là sự gắn kết giữa con cái Chúa.
Một người khác tôi từng gặp cũng đặc biệt không kém. Khi đến thăm nhà, tôi thấy trên bàn thờ gia tiên vẫn để ban thờ Phật. Tôi ngạc nhiên vì cứ nghĩ chị là đạo gốc, thì được chị giải thích: Mình để đó để thắp hương cho bố mẹ, bố mẹ chị theo đạo Phật. Chị kể: Hồi ấy gặp một linh mục, mình có nhiều thắc mắc lắm, hỏi ngài đủ thứ chuyện đông tây trên trời dưới bể. Thế rồi, đến thời điểm Chúa định, chị đã tin nhận Chúa và thậm chí có giai đoạn còn gia nhập một Dòng Tu. Nhưng vì bố mẹ già không có người chăm lo, nên chị đành trở về phụng dưỡng cho đến khi các ngài khuất bóng. Cho đến bây giờ chị vẫn độc thân và giữ lời khấn riêng với Đức giám mục.
Những con người mà tôi kể trên là một số ít trong số rất nhiều người đón nhận Chúa ở độ tuổi trưởng thành. Không phải cứ sinh ra là người có Đạo thì mặc định là người biết và yêu mến Chúa. Cũng không phải ai theo đạo cũng rơi vào tình trạng “ Lấy Được Vợ, Tôi Thôi Nhà Thờ.” Ơn Cứu Độ của Thiên Chúa vẫn dư tràn, chan chứa tuân đổ trên người đạo gốc lẫn người tân tòng. Vấn đề là, người ta có mở lòng ra đón nhận, và chịu khó nuôi dưỡng cái mầm Đức tin nơi mình hay không mà thôi.
Duc Trung Vu, CSsR
gpbuichu.org