Truyền thống rước kiệu Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô

1. Các giám mục giáo hạt quân đội Liên hiệp Âu châu nhóm họp

Hôm 01 tháng Sáu vừa qua, khóa họp của các giám mục giáo hạt quân đội tại 27 nước thuộc Liên hiệp Âu châu, đã khai diễn tại Bruxelles, bên Bỉ, và bàn về những thách đố hiện nay trong bối cảnh an ninh chung và chính sách quốc phòng tại Liên hiệp này, hậu quả của chiến tranh Ukraine và con đường dẫn đến việc giải trừ võ trang.

Khóa họp do Ủy ban Giám mục Liên hiệp Âu châu, gọi tắt là COMECE tổ chức, với mục đích cống hiến cho các giám mục quân đội cơ hội trao đổi với các vị sĩ quan quân đội trong Liên hiệp Âu châu về nhưng thách đố đang gia tăng.

Khóa họp bắt đầu với thánh lễ do Đức Cha Gintaras Grusas, Tổng giám mục giáo phận Vilnius và cũng là Giám mục giáo hạt quân đội Lituani, kiêm Chủ tịch Liên Hội đồng Giám mục Âu châu, chủ sự.

Tiếp đến, linh mục Manuel Barrios Prieto, Tổng thư ký Ủy ban COMECE, đã trình bày chương trình của khóa họp. Trong chương trình cũng có cuộc trao đổi về những biến cố chính trị địa lý mà giám mục quân đội cần đặc biệt chú ý, khi đối thoại với các tổ chức Giáo hội cũng như công việc của các vị tuyên úy quân đội. Diễn giả về vấn đề này là ông Pawel Herczynsk, Giám đốc phân bộ chính sách An ninh và phòng ngừa xung đột của tổ chức này. Ông đại diện tướng Bart Laurent và David Pustzai, đặc trách về chính sách giải trừ võ trang.

2. Truyền thống rước kiệu Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô

Truyền thống rước kiệu Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô

Hàng triệu người Công Giáo trên thế giới sẽ cử hành Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô hay còn được gọi là Corpus Christi đúng vào ngày thứ Năm 16 tháng Sáu tới đây. Bên cạnh thánh lễ, các buổi cử hành còn kèm theo một cuộc rước Mình Thánh Chúa qua các đường phố.

Ngày lễ Mình và Máu Thánh Chúa là một lễ trọng trong năm phụng vụ của Giáo Hội Công Giáo, trong đó chúng ta bày tỏ niềm xác tín về sự hiện diện của Chúa Giêsu Kitô trong bí tích Thánh Thể. Ngày chính lễ là ngày thứ Năm sau Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi. Tuy nhiên, từ năm 1969, Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục cho phép các Giám Mục bản quyền theo nhu cầu của từng địa phương lễ Corpus Christi có thể được mừng vào ngày Chúa Nhật tiếp theo.

Tại Köln, thánh lễ Corpus Christi sẽ được Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki, Tổng Giám Mục Köln cử hành tại Kölner Dom, tức là Nhà thờ Chánh Tòa Köln của tổng giáo phận. Người Đức gọi lễ Mình Máu Thánh Chúa là Fronleichnam. Danh từ này vượt ra khỏi biên giới nước Đức và rất phổ biến tại Âu Châu như tại Thụy Sĩ, Áo và Hung Gia Lợi.

Xét về mặt dân số Công Giáo tổng giáo phận Köln là giáo phận lớn nhất Âu Châu với số người Công Giáo lên đến hơn 2 triệu người.

Trong thông báo của tổng giáo phận hôm thứ Bẩy 4 tháng 6, thánh lễ sẽ được diễn ra trước tiền đình nhà thờ vì ngôi nhà thờ lớn này không đủ sức chứa hàng chục ngàn những người tham dự. Cùng đồng tế với ngài còn có 5 Giám Mục trong đó có 3 Giám Mục Phụ Tá và hai Giám Mục đã về hưu.

Sau thánh lễ, Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki kính cẩn cung nghinh Mình Thánh Chúa qua các đường phố cùng với các Giám Mục, linh mục và đông đảo anh chị em giáo dân trong một đoàn rước đầy mầu sắc.

Martin Luther là một người quyết liệt chống lễ Mình Máu Thánh Chúa. Ông ta chống lại mọi chuyện rước sách. Đặc biệt, việc rước Mình Thánh Chúa qua các đường phố bị ông ta cho là một việc phạm thánh trầm trọng. Từ đó, người Tin Lành chống đối rất mạnh ngày lễ Corpus Christi. Năm 1548, Anh Giáo ngả theo Tin Lành và cấm chỉ việc cử hành ngày lễ này. Tuy nhiên, sau đó họ đã dần dần tái lập ngày lễ này.

Ngày nay, Lễ Mình Máu Thánh Chúa được cử hành trong các Giáo Hội Công Giáo Rôma, Anh Giáo, Giáo Hội Luther, Giáo Hội Công Giáo Cổ, và là ngày nghỉ lễ chính thức tại Áo, Brazil, Bolivia, Bosnia và Herzegovina, Colombia, Croatia, Cộng hòa Dominican, Haiti, Đông Timor, Liechtenstein, Monaco, Panama, Peru, Ba Lan, San Marino, Thụy Sĩ, Grenada, Saint Lucia, Trinidad và Tobago và một số tiểu bang tại Đức và Tây Ban Nha.

Ngày lễ Mình và Máu Thánh Chúa là một trong 5 lễ trọng trong năm mà một giám mục giáo phận không được rời khỏi giáo phận của mình, ngoại trừ những lý do khẩn cấp.

Corpus Christi là một ngày lễ nghỉ tại sáu bang của Đức, trong đó có bang Bavaria, quê hương của Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16, nơi hầu hết các thành phố và thị trấn vẫn tổ chức các cuộc rước kiệu truyền thống. Các ông cưỡi ngựa giơ cao thánh giá trong khi các cô gái trẻ, ăn mặc như các cô phù dâu trong trang phục truyền thống màu trắng.

Thành phố Appenzell của Thụy Sĩ là một trong những nơi thu hút khách du lịch rất mạnh trong dịp lễ Corpus Christi. Trong đoàn rước rất dài, đầy mầu sắc, qua các phố xá người ta thấy các thiếu nữ cũng như các bà mẹ Công Giáo mặc trang phục Taefeli-Meedli đã có từ thời Trung Cổ long trọng rước Mình Thánh Chúa từ nhà thờ chính tòa Appenzell đến quảng trường chính của thành phố.

Người Ba Lan gọi lễ Corpus Christi là Święto Bożego Ciała. Đó là một dịp lễ tưng bừng tại tất cả các thành phố, thị trấn và làng mạc. Sau thánh lễ tại nhà thờ, các đoàn rước tiến qua các đường phố với các thiếu nhi rước tượng Đức Mẹ đi đầu, tiếp theo là các linh mục kính cẩn cung nghinh Mặt Nhật theo sau, cùng với đông đảo anh chị em giáo dân, vừa đi, vừa cầu nguyện và hát. Sau đám rước, họ trở về nhà thờ và chầu Thánh thể suốt cả ngày đến chiều tối.

Nhân đây, Thụy Khanh xin trình bày với quý vị và anh chị em một vài nét về lịch sử ngày lễ Corpus Christi.

Vào năm 1246, tại Toà giám mục Liège của Bỉ quốc, người ta thấy có cuộc gặp gỡ bất thường giữa Đức Cha Rôbectô de Thorate và sơ Juliana, một nữ tu khiêm hạ và thánh thiện của Dòng Augustinô. Sơ Juliana đến xin yết kiến vị Giám mục sở tại để dâng lên một lời thỉnh cầu: xin giáo quyền cho thiết lập ngày lễ kính Mình Thánh Chúa Giêsu.

Vị Giám mục thánh thiện và khôn ngoan Rôbectô đã hỏi vị nữ tu về động lực thúc đẩy lời thỉnh cầu này. Sơ Juliana thành thật trình bày với Đức Cha rằng hồi nhỏ sơ có thấy hình một vầng trăng rằm với một đốm đen trên đó. Mãi về sau, trong một lần hiện ra, Chúa Giêsu đã giải thích cho Sơ Juliana về ý nghĩa của giấc mơ ngày xưa: vầng trăng rằm tượng trưng cho chu kỳ phụng vụ trong năm; đốm đen là vì trong chu kỳ đó vẫn còn thiếu một ngày lễ để vinh danh Thân Mình Cực Thánh của Chúa Giêsu. Theo Sơ Juliana, ngoài Thứ Năm Tuần Thánh, ngày tưởng niệm việc thiết lập Bí Tích Thánh Thể, Chúa Giêsu còn muốn Giáo Hội có một ngày khác để tôn kính Mình Máu của Ngài.

Kèm với lời giải thích và tỏ bày ý muốn, Chúa Giêsu còn nêu lên ba lý do của việc làm này:

Thứ nhất, Ngài khát khao niềm tin vào Bí tích Thánh Thể được càng ngày càng vững vàng mạnh mẽ nơi mỗi người Kitô hữu;

Thứ hai, Ngài ao ước mọi tín hữu múc được sức mạnh thiêng liêng nơi Bí tích Thánh Thể để có thể can đảm thực thi các nhân đức;

Thứ ba, Ngài mong muốn người tín hữu có cơ hội sửa chữa cho những phạm thánh và bất kính mà loài người đã gây nên.

Dường như được ơn Chúa soi sáng và sắp xếp, nên Đức Cha Rôbectô de Thorate đã lắng nghe và tin tưởng những điều Sơ Juliana nói. Thế rồi, chẳng bao lâu sau, ngài cho thiết lập trong địa phận một ngày lễ kính Mình Thánh Chúa hay còn được gọi là Corpus Christi (tiếng Latinh).

Đức Cha cũng đã trình cho Đức Giáo Hoàng Ubanô IV về những gì ngài đang thực hiện trong địa phận. Và rồi, đến năm 1264, Đức Ubanô đã cho công bố với Giáo Hội hoàn vũ việc chọn ngày thứ Năm sau lễ Chúa Ba Ngôi làm ngày kính Mình Thánh Chúa cách đặc biệt.

Tập quán trên đã được tuân giữ từ thế kỷ 13 cho đến những thập niên gần đây. Sau Công đồng Vaticanô II, một vài sửa đổi đã được thực thi, trong đó lễ Corpus Christi có thể được dời vào ngày Chúa Nhật sau Lễ Chúa Ba Ngôi theo nhu cầu của địa phương. Suốt hơn 8 thế kỷ trôi qua, cứ đến ngày lễ Kính Mình Thánh Chúa, khắp nơi, trong nhiều giáo xứ, người ta tổ chức chầu lượt, lôi cuốn biết bao nhiêu giáo hữu đến kính thờ suy tôn Chúa Giêsu trong Phép Thánh Thể.

3. Đức Giáo Hoàng, và Thượng Phụ Kirill có thể gặp nhau tại đại hội tôn giáo ở Kazakhstan vào tháng 9

Hôm thứ Ba, Vatican thông báo rằng Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tới Kazakhstan vào tháng 9 để tham dự hội nghị thượng đỉnh liên tôn quốc tế, dự kiến sẽ thu hút sự tham gia của Thượng phụ Chính thống giáo Nga Kirill.

Hội nghị thượng đỉnh do chính phủ Kazak chủ trì với tiêu đề “Đại hội các nhà lãnh đạo thế giới và các tôn giáo truyền thống”, được tổ chức từ ngày 14 đến 15 tháng 9, tại thủ đô Nur-Sultan.

Sự tham gia của chính Đức Thánh Cha Phanxicô, đã được đồn đãi trong nhiều tuần, đã được xác nhận trong một tuyên bố hôm thứ Ba đánh dấu kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao giữa Tòa thánh và Kazakhstan. Tòa Thượng phụ Chính thống giáo Nga đã nói rằng Kirill sẽ tham dự.

Trong tuyên bố của mình, Vatican cho biết “Kazakhstan chia sẻ tầm nhìn toàn cầu về Giáo Hội Công Giáo dựa trên các lý tưởng về lòng tốt, công lý, đoàn kết và lòng nhân ái” và bản thân Giáo Hội Công Giáo “hoan nghênh vai trò của Kazakhstan trong việc thúc đẩy đối thoại liên văn hóa và liên tôn giáo”.

Cả Tòa thánh và Kazakhstan, theo tuyên bố, “đồng ý rằng văn hóa đối thoại phải là một trong những giá trị cơ bản của thế giới đương đại. Việc tiếp tục chung sống hòa bình trước những thách thức đương đại chỉ có thể đạt được thông qua đối thoại toàn diện và bao gồm”.

“Do đó, Kazakhstan hoan nghênh quyết định của Đức Giáo Hoàng Phanxicô tham dự Đại hội lần thứ 7 các nhà lãnh đạo các tôn giáo truyền thống và thế giới, sẽ được tổ chức tại Nur-Sultan vào tháng 9 năm 2022”. Tuyên bố cho biết sự tham gia của Đức Giáo Hoàng đã được xác nhận trong cuộc họp ngày 11 tháng 4 giữa Đức Giáo Hoàng và Tổng thống Kazak Kassym-Jomart Tokayev.

Nếu cả Đức Thánh Cha Phanxicô và Thượng Phụ Kirill đều tham dự hội nghị thượng đỉnh như đã thông báo, điều đó có thể giúp họ có cơ hội gặp nhau. Vatican đã hủy bỏ cuộc gặp gỡ đã lên kế hoạch giữa hai người vào tháng này tại Giêrusalem do những vấn đề chính trị gây ra bởi các tuyên bố của Thượng Phụ Kirill.

Kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào ngày 24 tháng 2, gây ra một cuộc chiến tranh bạo lực và gây ra cuộc khủng hoảng di dời hàng loạt với hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa của họ, Kirill đã bị chỉ trích trong cộng đồng quốc tế trước tiên vì sự im lặng của ông ta và sau đó là sự ủng hộ rõ ràng của ông ta đối với cuộc xung đột.

Ngoại trưởng Vatican, Hồng Y Pietro Parolin, trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo La Stampa của Ý vào tháng trước, đã bác bỏ lời biện hộ của Kirill về cuộc chiến vì lý do Kitô giáo, nói rằng sự phát triển của chủ nghĩa thế tục là đáng lo ngại nhưng “cách chống lại hiện tượng này không bao giờ có thể bạo lực “.

Ngài nói: “Mọi cuộc chiến tranh, như một hành động xâm lược, là một hành động chống lại cuộc sống của con người và do đó là một hành động phạm tội. Do đó, không thể tìm thấy lời biện minh nào trong lời Chúa, luôn luôn là lời nói của sự sống không phải là sự chết.”

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhiều lần lên án chiến tranh và đã đưa ra nhiều lời kêu gọi hòa bình, nhưng ngài đã cẩn thận tránh nêu đích danh Nga hoặc Tổng thống Vladimir Putin là những kẻ gây hấn trong cuộc xung đột kéo dài hơn 100 ngày qua.

Trong khi các trợ lý hàng đầu của Đức Giáo Hoàng như Đức Hồng Y Parolin lên án việc Kirill lấy cớ bảo vệ đạo đức Kitô để biện minh cho chiến tranh, Đức Giáo Hoàng đã kiềm chế không đưa ra bất kỳ lời chỉ trích công khai trực tiếp nào đối với Kirill và những tuyên bố của ông nhằm giữ nguyên vẹn nhiều thập kỷ đối thoại đại kết.

Lần gần nhất ngài công khai phê bình giáo chủ Chính thống giáo Nga là trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo Ý Corriere della Sera xuất bản ngày 3 tháng 5, khi Đức Phanxicô nói rằng Kirill không nên “biến mình thành cậu bé giúp lễ của Putin”.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng khi ngài và Kirill nói chuyện trên Zoom vào giữa tháng 3, Kirill “đã dành 20 phút đầu tiên cầm một tờ sớ để đọc tất cả lý do của cuộc chiến.”

“Tôi đã lắng nghe anh ấy, và tôi nói với anh ấy, ‘Tôi không biết gì về chuyện này. Thưa anh, chúng ta không phải là giáo sĩ của nhà nước, chúng tôi không thể sử dụng ngôn ngữ của chính trị, nhưng phải dùng ngôn ngữ của Chúa Giêsu. Chúng ta là những mục tử chăn dắt cùng một dân thánh của Thiên Chúa. Đó là lý do tại sao chúng ta phải tìm kiếm con đường hòa bình, để ngừng tiếng nổ của vũ khí.”

Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa ngay lập tức phản hồi lại nhận xét của Đức Thánh Cha. Họ nói “Đức Thánh Cha Phanxicô đã chọn một giọng điệu không chính xác để chuyển tải nội dung cuộc nói chuyện này với Đức Thượng Phụ; Những tuyên bố như vậy khó có thể góp phần thiết lập một cuộc đối thoại mang tính xây dựng giữa Giáo Hội Công Giáo Rôma và Chính thống giáo Nga, là điều đặc biệt cần thiết vào thời điểm hiện tại “.

Vào thời điểm đó, cuộc gặp thứ hai giữa hai người đang được thảo luận sau cuộc gặp đầu tiên lịch sử ban đầu của hai vị ở Havana vào năm 2016, đánh dấu cuộc gặp gỡ đầu tiên như vậy giữa một giáo hoàng và giáo chủ Nga.

Tuy nhiên, cuộc họp dự kiến diễn ra vào giữa tháng 6 tại Giêrusalem, đã bị Vatican hoãn lại vì có khả năng thất bại về mặt ngoại giao do tranh cãi xung quanh cuộc chiến Ukraine và sự ủng hộ của Kirill đối với cuộc chiến này.

Kirill đã phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ cả cộng đồng quốc tế và từ chính cộng đồng Chính thống giáo về quan điểm của mình.

Liên minh Âu Châu hôm thứ Hai đã công bố một gói trừng phạt mới đối với Nga, bao gồm lệnh cấm vận đối với hầu hết các hoạt động nhập khẩu dầu của Nga, và trong đó đưa Kirill vào trong danh sách đen của họ. Tuy nhiên, chính phủ Hung Gia Lợi đã phản đối việc đưa nhà lãnh đạo Giáo hội Nga vào.

Đầu tuần này, Giáo hội Chính thống giáo Nga tại Ukraine, vốn nhiều năm trung thành với Kirill và Giáo hội Chính thống giáo Nga, đã thông qua các biện pháp cắt đứt quan hệ với Giáo hội Chính thống giáo Nga do Putin xâm lược Ukraine.

Các biện pháp này đã được thông qua vào ngày 27 tháng 5 và được thông báo sau một hội nghị đặc biệt ở Kyiv tập trung vào “các vấn đề nảy sinh do hành động xâm lược quân sự của Liên bang Nga đối với Ukraine”.

“ Chúng tôi không đồng ý với quan điểm của Thượng phụ Kirill của Mạc Tư Khoa… về cuộc chiến ở Ukraine,” tuyên bố cho biết.

Nếu Đức Thánh Cha Phanxicô và Kirill thực sự tham dự hội nghị thượng đỉnh Kazak, điều đó có thể tạo cơ hội cho họ tổ chức một cuộc trò chuyện mà không phải đau đầu về mặt ngoại giao do một cuộc gặp chính thức được lên lịch.


Source:Crux

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *