Chuỗi Mân Côi và MV “Giêsu, Chúa bên con”

Tháng Mân Côi về, chợt nhớ đến MV “GIÊSU, CHÚA BÊN CON” của Hoàng Xuân Phú – trong đó có hình ảnh một tràng chuỗi Mân Côi bị ông làng chài bỏ lại trong thánh đường và bức tượng Lòng Chúa Thương Xót mà ông tìm thấy nơi biển khơi…

Chuỗi Mân Côi và MV “Giêsu, Chúa bên con”

NIỀM CẢM HỨNG

“Khi học xong khóa Quản Trị Công nghệ Truyền Thông, chắc chắn con phải làm một sản phẩm về Công Giáo để đóng góp cho đời và cho Giáo Hội.” – Hoàng Xuân Phú đã từng nói như vậy với người bố kính yêu của mình.

Thế rồi, một lần kia, gặp người bạn thân, Phú hỏi: “Sao lúc này ít thấy mày đi dự lễ? Mà khi mày đi dự lễ, tao thấy mày cứ ngồi ngoài sân nhà thờ không vậy?”

Người bạn trả lời: “Ừ tao bận công việc nhiều lắm. Giờ lễ lại cứ hay trúng vào lúc tao bận…”

Tuy nhiên, ngay sau đó người bạn ấy nói thêm: “Nhưng, mày biết không, bây giờ thì khác rồi. Tao thấy tao không thể xa Chúa trong cuộc sống này nữa…”

Câu nói này trở thành niềm cảm hứng để Xuân Phú xây dựng câu chuyện trong MV “GIÊSU, CHÚA BÊN CON”. Anh đã nóng lòng thực hiện MV này 1 năm trước khi ra trường, sớm hơn dự định…

CÂU CHUYỆN

Trong MV “GIÊSU, CHÚA BÊN CON” do Hoàng Xuân Phú thực hiện, có biểu tượng chủ yếu lấy từ Kinh Thánh – biểu tượng Phêrô chài lưới – được hội nhập vào thực tế của ngày nay qua hình ảnh “ông làng chài”.

Ông làng chài này từng thường xuyên đến nhà thờ dự lễ, nhưng chỉ là đi lễ theo thói quen của một người có đạo. Thấy người ta đi lễ thì mình cũng đi, thế thôi. Đến với Chúa, nhưng lòng không mở ra với Ngài, ông không có chiều sâu đức tin trong tâm hồn. Tuy nhiên ông vẫn thường lần hạt Mân Côi theo quán tính.

Rồi một biến cố rủi ro xảy ra với ông. Ông trách móc Chúa. Ông nhìn Chúa với ánh mắt không thiện cảm. Ông bỏ rơi cỗ tràng hạt xuống nền nhà thờ, trả lại cho Đức Mẹ như một thái độ giỗi hờn: Mẹ ơi, có hiểu con không? Rồi ông ra đi. Ông xa Chúa từ đó.

Cuộc sống cứ thế trôi đi…

Một lần kia, đi đánh bắt cá, ông tình cờ chài được một bức tượng Lòng Chúa Thương Xót. Ông mang về nhà để lên kệ. Ngay trong đêm đó, ông được Chúa Thương Xót đánh động. Ông cầm pho tượng lên, bỗng dưng ngẩn ngơ chiêm nghiệm về bao biến cố của đời mình. Quãng thời gian ông xa Chúa như những thước phim chiếu chậm, hiện lên rất rõ trong đầu ông. Ông cảm nhận được Chúa luôn bên ông dù ông đã quên Chúa. Ông bỗng bật khóc khi nhớ lại lúc ông bỏ nhà thờ, bỏ Chúa…

Ngay trong đêm đó, ông quyết định trở lại nhà thờ.

Trên đường quay về ngôi nhà thờ rất quen thuộc trước đây, tâm trạng của ông không hề đơn giản. Ông phải đối diện với những khó khăn về thể lý và đức tin. Những tội lỗi bất xứng đè nặng trong trong trái tim rất tăm tối của ông, giống như ngọn đèn soi đêm – ông đang cầm trong tay – bỗng bị tắt lúc ông đang đi đến nhà thờ.

Cứ lần mò như thế trong đêm tối, rồi thì ông cũng đến được nhà Chúa. Mở cửa nhà thờ ra để nhấc những bước chân đầu tiên qua ngưỡng cửa, ông thấy như tâm trí mình bị bao trùm kín mít trong tội. Chính vì vậy, thật lạ lùng, ông cũng thấy như mọi người trong nhà thờ này ai nấy đều mặc đồ trùm đầu kín mít. Sao vậy nhỉ? Mình có nằm mơ không? Bầu khí thật ngột ngạt…

Nhưng dù ngột ngạt đến đâu đâu nữa, thì ông cũng phải cố lấy hết can đảm, gạt qua tội lỗi nặng nề của mình mà tiến lên. Ông chậm rãi bước về phía bàn thờ, rồi bỗng khuỵ xuống – nơi trước đây ông đã từng bỏ rơi cỗ tràng hạt – với lòng hối lỗi ăn năn thẳm sâu.

Ánh sáng bỗng bừng lên và ông cảm nhận được Lòng Chúa Thương Xót bao trùm lấy con người tội lỗi của ông. Ông quỳ ở đó đúng vào lúc đoàn người mặc áo trắng trong nhà thờ – chính là ca đoàn – tới giờ tiến lên cung thánh để hát thánh ca theo chương trình mà họ đã định trước. Lúc ấy, ông cảm nhận được bàn tay của Chúa nâng ông lên và dắt ông đến gần với Chúa hơn…

Đứng trước bàn thờ, ông cảm nhận được Chúa luôn bên ông và nâng đỡ ông. Ông bắt đầu làm Dấu Thánh Giá, cầu nguyện và quay về bên Chúa…

Ông từng giỗi hờn khi buông rơi tràng chuỗi Mân Côi ở đây. Và Mẹ Maria đã không quên đứa con từng phụng phịu ra đi. Đứa con ấy của Mẹ nay đã quay về với Chúa đầy tình thương xót.

Trái tim ông tràn ngập niềm tri ân, hòa quyện theo những lời ca thánh thiện, diễn tả chính cuộc đời của ông, từ trong đêm đen, bỗng tràn ngập ánh sáng thần thiêng: “Con đâu hay rằng: lời ca cậy tin vang lên trong bóng đêm… Giêsu, Chúa bên con, bên Ngài ngập tràn hồng ân, chân lý, an bình… Còn đó khúc hát sốt mến tri ân…”

QUÁ TRÌNH THỰC HIỆN MV

Phú làm cho Chúa, Chúa sẽ làm cho Phú…” Đó là câu động viên của chị Trâm Hoàng khi Phú bắt đầu làm MV.

Thực ra, từ những ngày đầu tiên, vì gặp quá nhiều khó khăn về đức tin, tài chính, nhân sự, trang phục, tai nạn… Phú đã định buông xuôi, không thực hiện dự án nữa.

Phú phải chịu những áp lực từ những người xung quanh khi họ nói: “Mày làm như vậy để làm gì, có ích gì cho mày hay không mà mày làm, có khác gì vứt đống tiền qua cửa sổ không?”; “ Mày bớt ảo tưởng đi, mày mới là sinh viên mà đòi làm những cái này, mày nghĩ mày đủ trình độ để làm với quy mô này hả?”; “Bỏ đi làm cái vừa vừa thôi, cũng chỉ là bài tập thôi, có nhất thiết làm quy mô cỡ này không? Ở ngoài, những bên sản xuất lớn còn chưa làm mà mày đòi làm, mày nghĩ mày là ai?”… Và còn nhiều lời nói nặng nề hơn như thế nữa…

Phú đã từng mất hết hy vọng và bị lung lay đức tin khi trải qua những khó khăn trong quá trình lên ý tưởng và triển khai dự án này. Phú nhớ hoài không bao giờ quên, cách ngày bấm máy 1 tuần, không có nơi nào nhận gia công trang phục cho MV vì quá khó. Không một đơn vị nào dám bung cái áo gốc ra từng mảnh nhỏ vì nó có quá nhiều chi tiết và những chi tiết đó rất khó. Khi đơn vị cuối cùng – mà Phú đã liên hệ – từ chối gia công trang phục thì Phú đã khóc ngay trên bàn mixer âm thanh trong lúc đang thiết kế công trình.

Khi ấy, Phú vừa trách Chúa, vừa khẩn nài: “Sao con làm cho Chúa mà Chúa không giúp con? Xin Chúa giúp con… để có nơi nào đó nhận gia công trang phục. Bây giờ con xin phó thác hết mọi sự cho Chúa. Amen”.

Đúng 5 phút sau, có một đơn vị gọi lại: “Cô đã thỉnh được một ni cô trong chùa Thường Chiếu ở Long Thành ra giúp con về số trang phục này.” Phú đã rất vui. Mọi gánh nặng như đều đã được gỡ xuống. Sang ngày hôm sau, trong vòng 2 tiếng đồng hồ, bên đơn vị đó đã hoàn thành hết các chi tiết và cắt vải hàng loạt cho Phú.

Dù sao thì Phú cũng thấy “Kỳ này cây Thánh Giá của con vác nặng quá, bố ơi!” – Phú nói với ba của mình như thế, khi hai bố con ngồi lủi thủi tâm sự với nhau trong lúc cậu con thực hiện dự án MV của mình tại nhà nguyện Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận Sài Gòn (TTMV).

Dự án được ấp ủ trong 2 năm và bắt tay thực hiện trong 11 tháng. Số lượng người tham gia dự án kể cả diễn viên online và offline là khoảng 100 người. Đoàn được đưa rước đi Long Hải, rồi đi đến TTMV và những nơi khác nữa… bằng những xe buýt 30 chỗ. Do bị con hàu và đá chém tại Long Hải nên có tới 70% tổng số người của đoàn phải bị đổ máu! Kinh phí đòi hỏi thật là lớn…

Khi làm xong MV, hai bố con của Phú cảm thấy như mình vừa được Chúa ban cho một phép lạ. Cả đoàn làm phim cũng phải khẳng định như thế. Họ nói có lẽ tụi mình quá thành tâm nên Chúa giúp cho thời tiết thuận lợi và mọi sự khó khăn đều vượt qua được, nhờ có những ân nhân thương tình giúp đỡ…

Điều đặc biệt là trước khi bấm máy, Phú đều yêu cầu tất cả đoàn đứng trước cung thánh cầu nguyện, dù người Công giáo trong đoàn chỉ có 3 hay 4 bạn thôi, nhưng tất cả đoàn đều rất thành tâm… Nhiều bạn vì tinh thần trách nhiệm nên phải tự tìm Kinh Thánh để đọc và hiểu, mong làm cho đúng nội dung và tinh thần của MV.

Khi ra mắt mọi người, MV đã được nằm trong top 3 Music Video của cuộc thi về các sản phẩm truyền thông EOS SUMMER 2022. Ngay trong buổi công chiếu, Phú được mời đích danh phát biểu cảm nghĩ về lý do tại sao lại chọn chủ đề tôn giáo mà không phải là chủ đề khác.

MV được nhiều đạo diễn nổi tiếng công nhận, được chiếu liên tục một tuần lễ ở đại sảnh trường Đại học Hoa Sen. Đạo diễn Aaron Toronto đã nói những lời này khi xem xong MV: “Bạn là người can đảm khi chọn chủ đề tôn giáo cho sản phẩm của mình để dự thi. Bạn nằm trong số ít người trên thế giới làm viêc này.”

Vi Hữu & Xuân Đức (TGPSG)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *