Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19
Lời Chúa: Rm 4,1-8 (năm lẻ), Lc 12,1-7
✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca (Lc 12,1-7)
1 Khi ấy, đám đông tụ họp hàng vạn người, đến nỗi giẫm lên nhau. Bấy giờ Đức Giê-su bắt đầu nói, trước hết là với các môn đệ : “Anh em phải coi chừng men Pha-ri-sêu, tức là thói đạo đức giả. 2 Không có gì che giấu mà sẽ không bị lộ ra, không có gì bí mật mà người ta sẽ không biết. 3 Vì thế, tất cả những gì anh em nói lúc đêm hôm, sẽ được nghe giữa ban ngày ; và điều anh em rỉ tai trong buồng kín, sẽ được công bố trên mái nhà.
4 “Thầy nói cho anh em là bạn hữu của Thầy được biết : Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác, mà sau đó không làm gì hơn được nữa. 5 Thầy sẽ chỉ cho anh em biết phải sợ ai : hãy sợ Đấng đã giết rồi, lại có quyền ném vào hoả ngục. Thật vậy, Thầy nói cho anh em biết : anh em hãy sợ Đấng ấy. 6 Năm con chim sẻ chỉ bán được hai hào, phải không ? Thế mà không một con nào bị bỏ quên trước mặt Thiên Chúa. 7 Ngay đến tóc trên đầu anh em cũng được đếm cả rồi. Anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ.”
Sống công chính chân thật, minh bạch (15.10.2021)
Ngày 15.10: Lễ Nhớ Thánh Tê-rê-xa A-vi-la, trinh nữ, tiến sĩ Hội Thánh
Tin Mừng hôm nay mở đầu chương 12 của Luca, Chúa Giêsu bước vào dạy dỗ một loạt bài giáo lý cho các môn đệ và chung cho toàn thể dân chúng trong chương trình truyền giáo của Người.
Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu nói riêng với các môn đệ: Vì cực ghét thói đạo đức giả hình của những người Pharisêu mà khi truyền giáo Chúa đã đụng độ, nên Người dặn các ông: “Anh em phải coi chừng men Pharisêu, tức là thói đạo đức giả”. Chúa muốn các ông sống công chính chân thật, minh bạch giữa ban ngày, như có lần Chúa đã dạy: “Có thì nói có không thì nói không”(Mt 5,35-37). Vì lối sống dối trá, che dấu không thể lừa dối ai được, nhất là đối với Thiên Chúa, Đấng thấu suốt mọi sự: “Không có gì che giấu mà sẽ không bị lộ ra, không có gì bí mật mà người ta sẽ không biết”. Chúa biết người sống công chính chân thật, thường bị những thế lực đen tối thù ghét và con người cũng thường sợ những thế lực đó. Do vậy Chúa đã ân cần trấn an các môn đệ đừng sợ chi, Người nhắm tới những nhà cầm quyền Do Thái bấy giờ: “Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác, mà sau đó không làm gì được hơn. Thầy sẽ chỉ cho anh em biết phải sợ ai: hãy sợ Đấng đã giết rồi, lại có quyền ném vào hỏa ngục”.
Đây chính là lời dạy chân lý, là lề luật vàng cho người tin Chúa mà giới răn thứ nhất đã khẳng định: “Ngươi phải kính mến Thiên Chúa là Chúa ngươi hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi”. Thật vậy! Thiên Chúa Đấng đã tạo dựng nên cả hồn xác tôi, từng giây, từng phút tôi sống được là nhờ vào Người, nên Người là Chúa tể có toàn quyền cao nhất trên tâm hồn và thân xác ấy.
Đây cũng là lời dạy chân lý, làm cho những người tin Chúa yên tâm, tin tưởng, vui tươi, hy vọng… để cuộc sống của họ ở trần gian này dù gặp nhiều giông tố bão táp, nhưng họ vẫn sống bình an. Bởi vì Đấng có quyền trên thân xác họ là Thiên Chúa quyền năng lại yêu thương, yêu thương hơn cả cha mẹ trần gian nữa thì còn có gì tôi phải lo, phải sợ nữa. Người biết tôi mọi sự, mọi khát vọng nhu cầu “ngay cả những tóc trên đầu tôi đã được Người đếm cả”, là cứu cánh của tôi đến muôn thuở muôn đời.
Ở đời, người ta chỉ hay tôn sợ hàng quyền quý, kẻ lắm của nhiều tiền. Người có quyền thế và lắm của nhiều tiền cũng vẫn tự đắc với những thứ của mình ấy. Nhớ lại khi quan Philatô tra vấn Chúa Giêsu mà Người không trả lời, ông đã vỗ ngực la lên : “Ông không trả lời ta ư, ông không biết rằng ta có quyền tha và cũng có quyền đóng đanh ông vào thập tự ư?” và Chúa đã dạy cho ông một điều: “Nếu trên không ban cho ông thì ông chẳng có quyền gì trên tôi !”(Ga 19,10-11). Lời Chúa dạy là lẽ phải, sự thật còn cho những người đang nắm giữ quyền bính, có nhiều tiền cúa hiểu được rằng: nguồn cội của mọi thứ đó là Thiên Chúa. Giúp họ biết tôn sợ, đúng người, đúng nơi, đúng mức. Điều này trước Chúa Kitô hàng nghìn năm Thánh Kịnh đã dạy: “Đừng tin tưởng nơi người trần thế, nơi người phàm chẳng cứu nổi ai, họ tắt hơi là trở về cát bụi, dự định bao điều ngày ấy tiêu tan” (Tv 145).
Nhật ký truyền giáo của cha Pio Ngô Phúc Hậu có mẩu chuyện hay: Mấy cụ già ở Cà Mâu vừa được theo đạo Chúa nhờ công Cha dạy. Một cụ băn khoăn: “Cha ơi nhưng con vẫn còn thương Đức Phật quá”. Cha Pio: thương thì con cứ thương, nhưng tượng Chúa thì con để trong lồng kính, còn tượng Đức Phật con để ở bên ngoài.
Ngày nay ngoài điều răn 4 “thảo kính cha mẹ”, giáo lý Hội Thánh dạy còn phải tôn kính các vị cầm quyền trong đạo ngoài đời cho. Được bày tỏ lòng biết ơn với các vị có công với dân với nước… nhưng tất cả đều ở bên dưới việc tôn thờ Thiên Chúa là Đấng tạo dựng trời đất .
Lạy Chúa Giêsu, con xin cảm tạ Ngài vì đã dạy cho con những điều phải tin, những việc phải làm, nhất là đã chi cho con Đấng có quyền trên hết cuộc đời con là Thiên Chúa. Được sống như thế con được an vui ngay ở cuộc đời dương thế này và ngay sau còn được hưởng Chúa muôn đời nữa. Amen.
Giuse Ngọc Năng.
Các con đừng sợ (16.10.2020)
Thánh Justinô là một triết gia nổi tiếng của Kitô giáo vào thế kỷ thứ 2; ngài đã bị bắt giam tại Rôma cùng với một số Kitô hữu khác, vì tội tuyên truyền tôn giáo trong trường học do ngài điều khiển. Ra trước tòa, khi được hỏi về hành động của mình, thánh nhân dõng dạc tuyên bố:
– Suốt đời tôi, tôi đã đi tìm kiếm chân lý; tôi đã nghiên cứu sâu xa các triết lý Ðông Phương, Hy Lạp và Rôma; thế nhưng cuối cùng tôi đã tìm được giáo thuyết chân thật.
Quan tòa liền hỏi giáo thuyết chân thật đó là gì? Thánh nhân giải thích:
– Thưa là giáo thuyết của Chúa Giêsu Nazaret, giáo thuyết này nhằm giải phóng chúng ta khỏi các ngẫu tượng và dạy chúng ta thờ phượng một Thiên Chúa độc nhất, hằng sống và chân thật, là Ðấng tạo thành trời đất, là Ðấng cứu rỗi nhân loại.
Quan tòa lại hỏi:
– Vậy ông là một Kitô hữu ư?
Thánh nhân liền tuyên xưng:
– Phải, tôi là một Kitô hữu và tôi lấy làm vinh dự được làm Kitô hữu cùng với các bạn tôi đây.
Quan tòa ra lệnh cho thánh nhân và các bạn của ngài phải tế thần, thánh nhân trả lời một cách cương quyết:
– Chúng tôi không tôn thờ ngẫu tượng, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng tôi là những người vô thần. Chúng tôi thờ lạy một Thiên Chúa thiêng liêng, Cha của Chúa Giêsu. Một người có đầu óc lành mạnh không thể từ bỏ tôn giáo chân thật để chạy theo một tôn giáo giả.
Thấy không thể thuyết phục được thánh nhân bỏ đạo, quan tòa ra lệnh đánh đòn rồi xử trảm thánh nhân và các bạn.
Ðứng trước cái chết, ai cũng run sợ. Chúa Giêsu đã không thoát khỏi tâm trạng ấy: Ngài run sợ đến toát mồ hôi máu. Vậy đâu là sức mạnh giúp Chúa Giêsu thắng vượt sự sợ hãi ấy? Thưa, chính là sự kết hiệp với Chúa Cha. Niềm tín thác vào sự hiện diện và tình yêu của Chúa Cha đã giúp Chúa Giêsu thắng vượt mọi thử thách và yếu hèn trong thân phận làm người.
Ðó cũng là bí quyết của tất cả các thánh tử đạo. Sách Công vụ Tông Ðồ kể lại đầy đủ chi tiết cái chết của vị tử đạo tiên khởi là thánh Stêphanô. Thánh nhân cũng phải trải qua những giây phút kinh hãi như chính Chúa Giêsu; nhưng sách Công vụ Tông đồ mô tả thái độ của ngài như sau: “Ngài được đầy Thánh Thần, đăm đăm nhìn trời cao thấy vinh quang của Thiên Chúa và thấy Chúa Giêsu đứng bên hữu Thiên Chúa”. Chỉ bằng một ánh mắt luôn hướng về trời cao như thế, con người mới có thể lướt qua thử thách và sợ hãi. Thánh Justinô đã có được sự bình thản trước cái chết, bởi vì ngài luôn tin tưởng vào Thiên Chúa hằng sống và chân thật.
Nhìn lại cung cách của một số vị tử đạo, chúng ta có được sức mạnh của Lời Chúa trong đời sống con người. Sứ điệp Tin Mừng hôm nay tập trung vào hai chữ: “Ðừng sợ” được Chúa Giêsu lặp lại nhiều lần. Ðây chính là một mệnh lệnh của Chúa Giêsu chạy xuyên suốt toàn bộ Tin Mừng. Trong biến cố Truyền tin, thiên sứ đã nói với Ðức Maria: “Ðừng sợ”. Khi Chúa Giêsu sinh ra, các thiên sứ đã loan báo tin vui bằng lời trấn an các mục đồng: “Ðừng sợ”. Ðây là công thức sẽ được Chúa Giêsu lặp lại nhiều lần với các môn đệ, và cao điểm là lúc Ngài tuyên bố: “Các con đừng sợ, vì Thầy đã thắng thế gian”.
Khi được bầu làm Giáo Hoàng, trong diễn văn đầu tiên tại quảng trường thánh Phêrô, Ðức Gioan Phaolô II đã dõng dạc tuyên bố: “Ðừng sợ, hãy mở rộng cửa cho Chúa Kitô”. Thật thế, khi con người mở rộng cửa cho Chúa Kitô, khi con người để Chúa Kitô sinh động trong tâm hồn, khi con người chỉ sống bằng sự sống của Chúa Kitô, thì lúc đó con người sẽ lướt thắng được mọi sợ hãi, và chỉ lúc đó, con người mới có thể lên tiếng công bố Lời Chúa cho mọi người.
Nguyện xin sức sống của Chúa Kitô tràn ngập tâm hồn chúng ta, để cả cuộc đời chúng ta trở thành lời ca tụng Chúa trước mặt mọi người.
Đừng sợ! Hãy tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa (19.10.2018)
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đưa ra lời trấn an vào giữa lúc các môn đệ của Ngài nhận ra sự chống đối của những người biệt phái đối với Chúa Giêsu. Theo Chúa Giêsu Kitô, người môn đệ cũng phải chịu số phận chống đối. Đó là chuyện đương nhiên, không thể có con đường nào khác. Ngay trong chính bản thân, những xâu xé, giằng co cũng là chuyện không thể tránh khỏi. Thế nhưng Chúa Giêsu khuyên chúng ta hãy an tâm, bởi vì Thiên Chúa luôn ở bên cạnh chúng ta. Ngài không cất khỏi chúng ta những chống đối, đau khổ và sự chết. Ngài chỉ cho chúng ta thấy đâu là ý nghĩa của đau khổ, đâu là cùng đích của cuộc đời.
Cậy theo Chúa, con cậy trông Chúa
Để lòng con chan chứa niềm tin
Nguyện xin Chúa hãy giữ gìn
Cho con kiên vững đức tin vẹn toàn
*
Cậy trông Chúa hân hoan tiến bước
Dù cho đời mưu chước quỷ ma
Lòng con son sắt mặn mà
Tin tưởng nơi Chúa mãi là niềm vui
Thiên Chúa luôn quan tâm, lo lắng cho cả những sinh vật bé nhỏ, tưởng như không đáng kể. Đó là những con chim sẻ là thức ăn rẻ tiền nhất vào thời Đức Giêsu. “Thế mà không một con nào rơi xuống đất ngoài ý Cha”. Ngay cả đến những sợi tóc ở trên đầu chúng ta cũng được Thiên Chúa đếm cả rồi. Dù một sợi cũng được Thiên Chúa giữ gìn. Chính vì thế chúng ta được giải cứu khỏi những sự khó khăn, những nỗi lo sợ rình rập, để luôn được bình an và hạnh phúc trong tình yêu thương của Chúa.
Cậy trông Chúa khắp nơi, mọi lúc
Miệng vang lời hát khúc hoan ca
Lòng con chân chất thật thà
Tựa nương vào Chúa thiết tha cùng Ngài
*
Cậy trông Chúa vẫn hoài luôn mãi
Vững niềm tin, sợ hãi tiêu tan
Khổ đau, gian khó cũng tàn
An lành hạnh phúc tràn lan khắp cùng
*
Cậy trông Chúa tưng bừng phấn khởi
Xây dựng đời chính bởi yêu thương
Bảo nhau cất bước chung đường
Cùng đi theo Chúa tìm phương sáng ngời
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy can đảm sống thật, hành động thật và một lòng tin tưởng phó thác nơi Chúa. Đừng sợ những khó khăn thử thách trong đời sống đạo. Biết đón nhận con đường khổ giá như là điều kiện cần cho phần rỗi của mình. Khi chúng ta tin và sống đạo, chắc hẳn chúng ta không thể thoát khỏi sự hiểu lầm, chống đối và đôi khi phải chấp nhận cả cái chết nữa. Tuy nhiên, chúng ta sẽ khám phá ra ý nghĩa của đau khổ và qua đó chúng ta sẽ thấy cùng đích của cuộc đời nằm ở nơi Thiên Chúa chứ không phải những thứ mau qua, chóng hết ở đời này.
Lòng con vẫn mãi vui tươi
Hài hòa thân thiện cùng người anh em
Niềm vui cứ thế tăng thêm
Khắp nơi mọi lúc ấm êm thuận hòa
*
Cậy trông tín thác vào Cha
Là nguồn hạnh phúc bao la ngút ngàn
Hồng ân thánh đức vô vàn
Làm cho cuộc sống thắm tràn yêu thương
Lạy Chúa, trước mặt Chúa, chúng con không phải chỉ là những con người vô danh, nhưng chúng con được Chúa biết đến, được Chúa quan tâm và yêu thương vô vàn. Điều này làm cho chúng con an tâm cho số phận của mình và luôn tin tưởng phó thác nơi lòng thương yêu quan phòng của Chúa. Chúng con xin cảm tạ lòng thương yêu vô biên Chúa. Amen.
HOÀI THANH
Căn nguyên của đạo đức giả là tà tâm (20.10.2017)
Gã Đầu Bạc
Chúa định sao, con theo vậy (14.10.2016)
Lời Chúa hôm nay mời gọi ta hãy tin tưởng vào Thiên Chúa. Người có quyền và làm chủ tất cả vạn vật, cảnh huống. Người thông suốt tất cả mọi sự và “Ai sống làm sao Người trả cho như vậy”. Và Người luôn quan phòng trong mọi cảnh huống đời ta.Trong cuộc sống, nhiều khi ta tưởng như Thiên Chúa bỏ rơi để mặc ta chơi vơi giữa đời. Nhưng không! Người là Cha luôn yêu thương con cái, là Tạo Hóa dựng nên ta từ hư không và luôn chăm sóc ta. Mọi thành công hay thất bại, đau khổ hay sướng vui đều không ngoài ý định quan phòng của Thiên Chúa.
Chỉ với lòng tin tưởng phó thác tuyệt đối vào lòng thương xót của Chúa, ta mới có thể vượt qua mọi thử thách: cuộc sống gian khổ, không làm ta lạc đường; tha nhân chê cười đe dọa, không làm ta nản chí nao núng.
3. Sống Lời Chúa:
Một lần nữa, chúng ta được kêu gọi “nhìn ngắm Lòng Thương Xót của Chúa cách chăm chú hơn, để có thể trở nên dấu chỉ hữu hiệu cho hành động của Thiên Chúa.”
3. Cầu nguyện:
Lạy Chúa, xin dõi theo bước đường con đi, xin dẫn con theo đường Chân lý của Ngài.
Rao giảng trên mái nhà (17/10/2014)
“Vì thế, điều anh em nghe rỉ tai trong buồng kín, sẽ được công bố trên mái nhà.” (Lc 12,3).
Suy niệm: Thánh Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II trong sứ điệp ngày truyền thông thế giới lần thứ 35 (21/05/2001) đã nói: Cái mái nhà ngày nay “bị chiếm cứ bởi cả rừng ăng-ten chuyên phát đi thu lại đủ thứ thông tin từ tứ phương thiên hạ.” Và dưới cái nhìn đó, ngài đã nhận ra lệnh truyền “rao giảng Tin Mừng trên mái nhà” có một ý nghĩa mới: “Chúng ta phải chuyển đạt Lời Đức Ki-tô cho thế giới năng động của các phương tiện truyền thông hiện đại và bằng cũng chính những phương tiện truyền thông đó của nó” (số 1). Đó là sứ mạng dấn thân mà Giáo Hội không có lý do để từ khước.
Mời Bạn: Sứ mạng rao giảng trên mái nhà có nhiều thách đố: các phương tiện truyền thông không chỉ truyền tải thông tin, mà còn nhào nặn thông tin vì những ý đồ khác nhau khiến cho ranh giới giữa cái thật và cái ảo trở nên mong manh; thế nhưng cũng có nhiều lợi điểm: chân lý được loan truyền thật nhanh đến thật nhiều người ở khắp nơi trên thế giới (x. số 2). “Điều quan trọng là làm thế nào người ta vẫn có thể nghe được sứ điệp Lời Chúa ở giữa đám thông tin ồn ào náo nhiệt đó” (số 1).
Chia sẻ: Bạn dùng những phương tiện truyền thông thế nào để thánh hoá bản thân mình và dùng chúng để “rao giảng Tin Mừng trên mái nhà”?
Sống Lời Chúa: Nếu có dịp bạn e-mail một câu Lời Chúa cho một người bạn của mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin thêm sức cho con, để dù gặp thời thuận tiện hay không, con vẫn dám dùng mọi phương tiện truyền thông hiện đại để rao giảng Lời Chúa cho thế giới hôm nay.