Trong kho tàng thần thoại hết sức phong phú và sâu sắc của Người Ky Lạp, có câu chuyện về nàng Pandora và chiếc hộp do thần Zeus trao cho. Theo truyện kể, thần Zeus muốn trả thù việc Prometheus ăn cắp lửa trời trao cho con người làm vũ khí tự vệ, nên đã tạo ra người phụ nữ đầu tiên là nàng Pandora. Thần Zeus trao cho Pandora một chiếc hộp đậy kín và dặn không được mở nó ra. Pandora đã không kìm hãm được tính tò mò, nên đã mở hộp ra, và từ trong hộp, những hạt giống của mọi thứ tai ương như thiên tai, bệnh tật chiến tranh… đã bay ra và gieo rắc vào cuộc sống con người mọi thứ bất hạnh. Pandora vội đậy nắp hộp lại, và trong hộp chỉ còn lại một hạt giống duy nhất, đó là hạt giống hy vọng. Thần thoại ấy cho thấy con người chỉ có thể đối diện với mọi tai họa khổ đau bằng cách sống niềm hy vọng mà thôi…
Từ xa xưa người ta đã nhận ra tầm quan trọng của thái độ biết hy vọng. Tuy nhiên, nói cho cùng, niềm hy vọng như thế vẫn chỉ là một thái độ chủ quan, tự tạo ra cho mình một thứ mồi giả, để không rớt vào tình trạng buông xuôi, nản chí mà thôi. Nhìn một cách tổng quát, chúng ta có thể thấy quả thật vận mạng con người ở trong một hoàn cảnh khá bi đát. Một đàng con người phải đối diện trong thế không cân sức với những mối đe dọa của cả “thiên tai” lẫn “nhân tai”, cả về thể lý lẫn luân lý; đàng khác, con người chỉ có thể hy vọng mà lại không nắm chắc được nền tảng để hy vọng. Niềm phấn khởi của thế giới Châu Âu từ thời Phục Hưng về năng lực con người, trải qua suốt thời Cận đại và Hiện đại, càng ngày càng lộ rõ thế không cân sức. Con người càng phát triển và tưởng như có thể chống lại mọi mối đe dọa thì lại càng nhận ra mình không thể chiến thắng được chính mình, không thể thay đổi được chính những thói xấu của mình…
Chắc chắn chúng ta có thể thấy rất nhiều sự khác biệt quan trọng giữa thái độ “hy vọng nhân bản” như thế với thứ hy vọng của nhiệm cục cứu độ Kitô giáo. Niềm Hy Vọng Kitô giáo mà ngôn ngữ nhà đạo quen gọi là đức Cậy, là một nhân đức đối thần, nghĩa là nhằm tới chính Chúa, nhằm tới chính Chúa Giêsu. Niềm Hy vọng Kitô giáo là nhân đức giúp người Kitô hữu nhận ra có Chúa đồng hành trên bước đường đời và nhờ đó mà nhận ra sự thành toàn chung cuộc của ơn Cứu độ đã tỏ hiện, trong dạng “men” hay “hạt cải”, trên hành trình trần gian này. Như thế niềm Hy vọng Kitô giáo không phải là một thái độ chủ quan, không phải là một biện pháp tâm lý, nhưng gắn liền với thực tại, gắn liền với lịch sử ơn Cứu độ đang tỏ hiện và đan bện vào lịch sử trần thế. Niềm Hy vọng Kitô giáo không phải là một ảo tưởng, dù là một ảo tưởng tốt, nhưng là thái độ tỉnh thức trong đức Tin để khám phá ra để Chúa đang hiện diện trong lịch sử đời mình…
Thiên Chúa trong truyền thống Do Thái Kitô giáo là một Thiên Chúa nhập cuộc chứ không phải là một Thiên Chúa xa cách. Nối tiếp mầu nhiệm Sáng Tạo, mầu nhiệm Nhập Thể, Ngôi Hai Thiên Chúa làm người, là một biến cố thực hiện Lời Hứa Cứu Độ của Thiên Chúa trong sách Sáng Thế 3,15 (lời hứa ban Dòng dõi người nữ đạp đầu con rắn), mầu nhiệm ấy chính là nền tảng vững chắc của niềm Hy vọng Kitô giáo.
“Ngôi Lời đã trở nên người phàm, và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật” (Ga 1, 14)
Tất cả những điều ấy càng cho thấy đức Tin Kitô giáo không phải chỉ thuộc về một thế giới khác, song song với cuộc sống thực và chỉ nhằm để cứu rỗi linh hồn… Nhưng đức Tin Kitô giáo muốn đưa ra một giải pháp căn bản và cần thiết cho thân phận con người.
Thế giới ngày hôm nay là một thế giới có quá nhiều biến động. Con người trong thế giới hôm nay chẳng những phải đối diện với thiên tai , bệnh tật, chiến tranh,…nhưng nhất là phải mang vác chính cuộc đời mình, một cuộc đời chưa được tính toán xong… Năng lực của con người đủ sức để xóa đói giảm nghèo trên toàn thế giới, để cung cấp một nền giáo dục căn bản cho mọi trẻ em, để xây dựng một cuộc sống ấm no cho mọi người…nhưng chỉ vì con người không thắng được sự ác trong chính mình, nên bao nhiêu tai họa vẫn đổ xuống trên thân phận con người… Hơn lúc nào hết, con người trong thế giới hôm nay khao khát tìm được một nền tảng vững chắc để có thể sống niềm hy vọng, một niềm hy vọng không phải do con người tự tạo ra cho mình.
Mặt khác, trong đời sống đức Tin, Giáo hội đang phải đối diện với “cơn lốc” của trào lưu thế tục hóa. Thách đố này càng thôi thúc người Kitô hữu khám phá ra chiều kích đức tin trong vận hành của lịch sử trần thế, khám phá ra những dấu chỉ của Nước Thiên Chúa đã có mặt và đang lớn lên trong thế giới…
“Sau khi ông Gioan bị nộp, Đức Giêsu đến miền Galilê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. Người nói : ‘Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hồi và tin vào Tin Mừng” (Mc 1, 14-15)
Đối diện với thách đố của thế giới hiện đại, sứ mạng Kitô giáo hôm nay chính là sống đức Tin trong chiều kích đức Cậy, thể hiện đức Tin qua những biến cố và sự kiện của cuộc sống, loan báo vận hành của đức Tin trong thực tại, trên hành trình lịch sử, gắn liền với niềm hy vọng Cánh Chung Kitô giáo.