Kỷ niệm 60 năm Thông điệp “Hoà bình Dưới thế” của ĐGH Gioan XXIII

Lễ Phục sinh năm nay rơi vào ngày 9/4 – ngày mà cách đây đúng 60 năm, các đài truyền hình và báo chí trên khắp thế giới đã đăng tải hình ảnh Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII ký thông điệp cuối cùng của ngài, Pacem in Terris – “Hòa bình dưới thế”.

Để liên kết thông điệp với việc cử hành Tuần Thánh về cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô – biến cố và mầu nhiệm làm nền tảng cho niềm tin và hy vọng của Giáo hội – Đức Gioan XXIII đã thực sự ấn định ngày ban hành thông điệp là ngày 11/4. Vào năm 1963, đó là Thứ Năm Tuần Thánh, bắt đầu Tam Nhật Vượt Qua.

Thật khó để chúng ta, sau nhiều năm, đánh giá được tác động của thông điệp của Đức Gioan XXIII. Vào thời điểm đó, cuộc Chiến tranh Lạnh giữa phương Tây và khối Liên Xô đang ngày càng căng thẳng. Năm 1961, công việc xây dựng Bức tường Berlin đã được bắt đầu, với mục đích được tuyên bố là ngăn chặn “bọn phát xít phương Tây”, như cách họ gọi, xâm nhập và “làm ô nhiễm” các quốc gia xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu. Trên thực tế, bức tường được dùng để ngăn chặn các cuộc đào tẩu từ Đông sang Tây.

Điều được quan tâm rộng rãi vào thời điểm đó là nguy cơ chiến tranh hạt nhân sắp xảy ra. Năm 1961, Liên Xô đã cho nổ 31 thiết bị hạt nhân, trong đó có thiết bị nhiệt hạch lớn nhất từng được kích nổ. Được đặt biệt danh là Sa hoàng Bomba, nó được ước tính mạnh hơn ít nhất 1.500 lần so với tổng lực của những quả bom nguyên tử được ném xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki, với đám mây hình nấm do vụ nổ tạo ra tăng gần gấp tám lần chiều cao của đỉnh Everest.

Hoa Kỳ đã đáp trả vào năm 1962 bằng cách cho nổ 35 thiết bị hạt nhân, cứ 5 ngày lại nổ một thiết bị. Tuy nhiên, chính 13 ngày, từ ngày 15 đến ngày 28 tháng 10 cùng năm – là những tuần mà phiên họp đầu tiên của Công đồng Vatican II đang diễn ra tại Roma – đã gây ra sự rùng mình lo lắng tột độ trên toàn thế giới. Sự chú ý tập trung vào các sự kiện ở Caribe, gần biên giới Mỹ Latinh – cuộc đối đầu nguy hiểm giữa Hoa Kỳ và Liên Xô được gọi là cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba, cuộc chiến tranh hạt nhân gần nhất giữa các siêu cường trên thế giới.

Trong những ngày tháng 10 đó, Đức Giáo hoàng Gioan XXIII chắc chắn đã theo dõi những diễn biến của Công đồng mà ngài đã kêu gọi triệu tập ba năm trước. Tuy nhiên, ngài cũng rất tích cực – cũng như những người khác – trong việc tìm cách cung cấp các kênh liên lạc giữa hai siêu cường với hy vọng ngăn chặn thảm họa.

Đến ngày 25/10, ngài cảm thấy đã đến lúc đưa ra lời kêu gọi công khai cho hòa bình, trên Đài phát thanh Vatican: “Chúng tôi cầu xin tất cả các chính phủ đừng làm ngơ trước tiếng kêu này của nhân loại. Họ hãy làm tất cả những gì có thể để bảo vệ hòa bình… Cổ võ, ủng hộ, chấp nhận đối thoại, ở mọi cấp độ và trong mọi thời điểm, là một quy luật khôn ngoan và thận trọng, kéo xuống phúc lành của trời đất.”

Cả hai phía của cuộc tranh luận, chắc chắn, được thông tin đầy đủ về điều Đức Giáo hoàng nói: ngày hôm sau, diễn văn của ngài được in trên trang nhất của báo Pravda, tờ báo chính thức của những người Xô Viết.

Khoảng vào cuối năm thứ 5 triều đại Giáo hoàng của mình, Đức Gioan XXIII hết sức được kính trọng – không chỉ vì đóng góp của ngài cho việc giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân ở Cuba, nhưng còn vì cách ngài cởi mở với người khác dù họ là ai, phân biệt cẩn thận giữa điều có thể bị xem là sai lầm và những người có thể bị xem là sai lỗi.

Ngài được nói đến rất nhiều như “vị Giáo hoàng Tốt lành”. Cách thế của ngài được đặc trưng bởi thái độ tôn trọng người khác và sẵn sàng tham gia đối thoại, với các Kitô hữu, với các hệ phái tôn giáo khác, vv. Ngài đã bỏ câu “người Do Thái bất trung” trong kinh nguyện truyền thống vào Thứ Sáu Tuần Thánh và đến với người Do Thái, ý thức cách sống động những liên kết sâu xa giữa đức tin Kitô giáo và đức tin của người Do Thái. Vào tháng 1/1963, ngài được Tạp chí Times chọn là “Nhân vật của Năm, 1962”, một dấu hiệu cho thấy ngài được nhiều người tôn trọng.

Trong tình cảnh mà cuộc xung đột hạt nhân được xem như mối đe doạ đối với nhân loại, Đức Gioan XXIII đề nghị một trật tự thế giới được xây dựng dựa trên 4 cột trụ là sự thật, công lý, tình yêu và tự do. Thông điệp của ngài nói với tất cả những người thiện chí, và ý nghĩa bao gồm này đã được nhiều người đáp lại cách tích cực. Chính Liên Hiệp quốc đã tổ chức một hội nghị để học hỏi về thông điệp “Hoà bình Dưới Thế”.

Tinh thần hoà nhập thấm đẫm trong thông điệp, với sự khẳng định xuyên suốt thông điệp về phẩm giá của mỗi con người và một danh sách chi tiết về các quyền con người. Sự nhìn nhận về quyền con người trong thông điệp của Đức Gioan XXIII cũng có ảnh hưởng sâu sắc đối với Công đồng Vatican II và đối với các Giáo hoàng kế nhiệm ngài. Diễn văn của Thánh Giáo hoàng Phaolô VI trước Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc vào tháng 10/1965 xảy ra trong bầu khí mà Đức Gioan XXIII đã tạo ra. Vào năm 1967, Đức Phaolô VI, theo lý luận của thông điệp “Hoà bình Dưới Thế”, đã thành lập ngày Thế giới Hoà bình, được Giáo hội cử hành vào ngày 1/1 hàng năm. Từ đó, Sứ điệp của các Đức Giáo Hoàng mỗi năm tạo thành một phần quý giá của học thuyết Kitô giáo về nhiều chiều kích của hoà bình.

Trong một cuộc phỏng vấn cách đây 5 năm, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng Pacem in Terris vẫn là “một sự dấn thân lâu dài cho hòa bình”. Nhiệm vụ của Giáo hội, Đức Phanxicô nói, không phải là “làm cho các chính phủ thay đổi, mà là đưa logic của Tin Mừng vào suy nghĩ và cử chỉ của những người cai trị”.

Những lời kêu gọi không ngừng của Đức Thánh Cha Phanxicô – tuần này qua tuần khác trong năm qua – vì hòa bình ở Ucraina và những lời tố cáo của ngài về điều mà ngài mô tả là “cuộc chiến vô lý và tàn ác” này lặp lại lập trường của những người tiền nhiệm của ngài đối với xung đột bạo lực. Đồng thời, để duy trì một lập trường đáng tin cậy có thể cho phép hòa giải giữa hai bên trong chiến tranh và chấm dứt chiến sự, Đức Thánh Cha – đang tìm kiếm một sự cân bằng ngoại giao tế nhị, nhờ đó ngài không đứng về bên nào – đã nói rằng ngài sẽ không đến thăm Kyiv mà không đến thăm Moscow. Với tư cách là người lãnh đạo của một Giáo hội hiện đang thực sự mang tính toàn cầu hơn bao giờ hết, Đức Phanxicô nhận thức được nhiều cách mà cuộc xung đột được nhìn nhận và giải thích ở những nơi khác nhau trên thế giới. Trong khi kịch liệt lên án sự khủng khiếp của chiến tranh và tìm cách chấm dứt nó, ngài cũng cẩn thận để tránh bị đồng nhất với bất kỳ nhóm chính trị cụ thể nào của các quốc gia, đông hay tây, bắc hay nam. Cách tiếp cận của ngài gợi nhớ đến cách tiếp cận khó khăn nhưng cân bằng của Thánh Gioan XXIII và thông điệp “Hoà bình Dưới thế”, 60 năm sau khi được công bố.

60 năm sau, thông điệp “Hoà bình Dưới thế” tiếp tục là ngôi sao dẫn đường chỉ đường cho những ai, đặc biệt trong lĩnh vực ngoại giao, dấn thân thúc đẩy đối thoại giữa các dân tộc và xây dựng hòa bình giữa các quốc gia. Đức Tổng Giám Mục Gabriele Giordano Caccia, Quan Sát Viên Thường Trực của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc ở New York, tin chắc về điều này. Trong một cuộc phỏng vấn với báo Osservatore Romano, ngài nhấn mạnh tính thời sự của Thông điệp của Thánh Gioan XXIII và nhắc lại sự ủng hộ của Vatican đối với các tổ chức quốc tế và chủ nghĩa đa phương trong thời điểm được đánh dấu bằng chiến tranh và xung đột chưa từng có trước đây của cuộc khủng hoảng Cuba.

Theo Đức Tổng Giám Mục Caccia, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhiều lần nhắc lại thông điệp “Hoà bình Dưới thế” trong mười năm đầu tiên của triều đại Giáo hoàng của ngài và thậm chí còn nhiều hơn nữa kể từ khi cuộc chiến ở Ucraina bắt đầu. Tài liệu gần đây nhất mà Đức Thánh Cha Phanxicô tham khảo rộng rãi Thông điệp “Hoà bình Dưới thế” nhất là bài phát biểu ngày 9/1 năm nay trước Ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh để mừng năm mới theo thông lệ. Bài diễn văn rõ ràng tiếp nhận và bình luận về một số khía cạnh của Thông điệp dưới ánh sáng của tình hình hiện tại và trả lời chính xác câu hỏi này, khẳng định rằng “hòa bình có thể thực hiện được dưới ánh sáng của bốn điều thiện cơ bản: sự thật, công lý, tình yêu và tự do. Đây là những nền tảng điều chỉnh cả mối quan hệ giữa các cá nhân con người và mối quan hệ giữa các cộng đồng chính trị”. Thật thú vị khi xem cách Đức Thánh Cha phát triển những tiêu chí này trong hoàn cảnh ngày nay với những chỉ dẫn rõ ràng về các vấn đề khác nhau của xã hội chúng ta. Trong số các đoạn của diễn văn này, cũng có một đoạn về mối đe dọa hạt nhân, mà từ đó Thông điệp của Đức Gioan XXIII một cách nào đó đã bắt đầu, trong đó chúng ta thấy có bao nhiêu tiến bộ đã được thực hiện khi bày tỏ sự lên án không chỉ việc “sử dụng” mà thậm chí còn cả việc “sở hữu” những vũ khí như vậy. Trên thực tế, Đức Thánh Cha Phanxicô tuyên bố: “Tôi chỉ có thể nhắc lại ở đây rằng việc sở hữu vũ khí nguyên tử là vô đạo đức vì – như Đức Gioan XXIII đã nhận xét – có những người có khả năng chịu trách nhiệm về sự hủy diệt và đau đớn mà một chiến tranh sẽ gây ra, không loại trừ khả năng một sự kiện không lường trước được và không kiểm soát được có thể châm ngòi cho bộ máy chiến tranh chuyển động”.

Hồng Thủy 

Nguồn: Đài Vatican News

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *