Cuối thu, làn gió heo may hiu hiu, se se, man mác vờn quanh những chiếc lá vàng rơi lác đác trong vườn, rồi tinh nghịch rợt đuổi nhau khắp đường làng ngõ xóm quanh co, như thầm mách bảo mọi người: Mùa báo hiếu đã về. Dù hằng ngày khi linh mục dâng lễ vẫn cầu nguyện cùng Chúa cho các linh hồn đã qua đời. Nhưng hằng năm Hội thánh vẫn dành riêng tháng mười một, để mừng vui với các thánh đã khải hoàn Thiên quốc và cầu nguyện cách đặc biệt hơn, khẩn thiết hơn, cho những linh hồn còn đang phải thanh luyện. Nhất là vào ngày mồng 2 đầu tháng 11, cha xứ sẽ dâng lễ tại Vườn thánh, ngày đó, Vườn thánh đông vui như một công viên trong ngày hội. Hương nhang lan tỏa bên những lẵng hoa rực rỡ sắc màu cùng ánh nến lung linh, vẳng tiếng Thánh ca vang lên dìu dặt đầy xác tín: “Cuộc sống này vào nấm mộ mà không mất đi, Chúa thương từng bụi cây lá cỏ, đâu muốn con người phải nát tan đi. Tron kiếp này, ai theo đường sự sống trọn lành, mai sau sẽ được Phục Sinh trong Chúa, được sống muôn đời cuộc sống hiển vinh”. Vườn thánh mang vẻ ấm cúng và gần gũi lạ thường, nó khác hẳn với bầu khí tang tóc, lạnh lẽo, rờn rợn, vốn thường thấy nơi các nghĩa trang. Vậy mà buồn thay, nhiều tôn giáo bạn vẫn nghĩ rằng người Công giáo không thờ ông bà, tổ tiên.
Quê tôi cũng có một nghĩa trang nằm ở một khu rừng mang tên: rừng Dàng, là nơi chôn cất chung không chỉ cho người dân xã tôi, mà còn cho tất cả công dân thuộc thị xã Phú Thọ. Tất tần tật, mọi tầng lớp, mọi tôn giáo, đều an táng tại đây, quản trang cứ theo sổ sách mà theo dõi, ai nằm được 5 năm là có giấy báo đến tận nhà, phải cải táng để người khác có chỗ… “nằm”. Cốt của các tôn giáo bạn thì chuyển sang khu rừng bên cạnh, còn của người Công giáo thì được rước long trọng về Vườn thánh, Chẳng biết ở các nơi khác thế nào, chứ ở quê tôi, tôn giáo bạn khi có người nhà qua đời, đưa đến nghĩa trang chôn cất xong là họ vội vã ra về, không khóc, không quay nhìn lại đằng sau và không thường đến thăm nom mộ, vì sợ… hồn theo về. Vì vậy, nói không quá, chứ trước đây nghĩa trang là nơi kiếm tiền của một số người.
Mỗi dịp Tết đến Xuân về, vài thùng nước vôi quét lên trên những nấm mộ đơn sơ cho những gia đình nghèo, mấy thùng sơn nước cho những gia đình khá giả hơn và gạch ốp lát cho những đại gia, thế là họ đã kiếm bộn tiền, chứ chưa nói đến dịch vụ cải táng. Thi thoảng, các đại gia cưỡi trên những chiếc xe bóng láng, đỗ trước cổng nghĩa trang, đã có nhóm người đứng chờ sẵn, đón lấy mấy bọc trái cây, bánh kẹo, hương hoa, cùng mấy lời dặn dò của đại gia. Đám người nhanh chóng mất hút sau những nấm mộ nhấp nhô, còn đại gia thì đứng dựa lưng vào thành xe phì phèo hút thuốc. Lát sau đám người quay ra cũng lại to nhỏ gì đó với đại gia, rồi nhận những đồng tiền xanh còn phẳng nếp và thơm mùi… seri. Đại gia nhanh chóng lên xe lao vút đi, nhả lại đám khói ngoằn ngoèo bay lên, như nhắn lại với ông bà cha mẹ rằng: “Tôi đã làm tròn bổn phận”. Nhưng nhiều đại gia đâu có biết, nhiều lần, nhiều vụ, hương hoa đã “dâng” sai phần mộ. Nhìn những cảnh như vậy, mới thấy người Công giáo thật hạnh phúc, hạnh phúc ngay cả khi đã trở thành tro bụi. Cả việc cải táng ông bà tổ tiên để đưa về Vườn thánh cũng vậy, người Công giáo quê tôi đều do con cháu làm lấy chứ không thuê mướn. Phần thì yên tâm hơn vì làm cẩn thận, phần thì để cho con cháu nhìn vào mà báo hiếu, vì theo các cụ dạy: “Sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đấy”.
Ngày nay, dịch vụ hỏa táng đã thu hút hầu hết các đám hiếu. Vì vậy, nghĩa trang vốn là nơi đìu hiu, hoang lạnh, nay lại càng thêm vắng vẻ, cô quạnh với số mộ còn lại đa số là của người Công giáo, dịch vụ nghĩa trang vì thế cũng suy tàn. Cỏ dại mọc um tùm, những đám xấu hổ (trinh nữ, mắc cỡ) lan tràn khắp nơi, khoe những bông hoa nhỏ bé tim tím xinh xinh nhưng đầy hoang dại, nép bên những cặp mắt lá xếp hình chữ V đều tăm tắp, một bước chân lướt qua, hay một cái đụng chạm nhẹ, là chúng vội vã “khép mi”.
Vì đang bệnh, nên tôi chỉ ở nghĩa trang chốc lát rồi vội vã ra về. Vừa đến cổng nghĩa trang thì một chiếc Mercedes màu đen bóng loáng đỗ xịch ngay trước mặt, một đôi trai gái ăn mặc rất fashion bước ra. Tôi nghe tiếng chàng nói với nàng:
-Đã lâu rồi hôm nay anh mới đến đây, mẹ anh bị tai nạn giao thông và mất sau đó hai ngày. Mộ của mẹ hiện đang nằm bên khu đã cải táng, hôm nay anh đưa em đến thăm và trình diện với mẹ nhé!
Cô gái giãy nảy như đỉa phải vôi:
-Ôi! Khiếp lắm, em không đi đâu, tưởng anh đưa em đi Shopping hay đi chơi đó đây, không ngờ anh lại đưa em đến nơi chết chóc này sao? Nếu cần thì về nhà làm mâm cơm cúng mời cụ về… “ăn”, cớ sao phải đến nơi mồ mả ghê rợn này. Thôi! Anh muốn thì đi một mình, em ngồi trong xe đợi anh.
Nói xong cô gái chui tọt vào trong xe và đóng rầm cửa lại, tôi thấy ánh mắt chàng trai thật buồn trong làn gió heo may vừa thoảng qua. Tôi thì nhìn cô gái và thầm mong, ước gì cô là người Công giáo, để biết được điều luật Chúa dạy phải thảo hiếu cha mẹ, để nghe linh mục chia sẻ, tâm tình trong những ngày lễ cầu hồn, từ đó sẽ hiểu hơn thế nào là đạo hiếu của kẻ làm con. Bất giác tôi nghĩ, cô đã đọc bài thơ: “Mẹ của anh” do thi sĩ Xuân Quỳnh sáng tác chưa nhỉ? Những vần thơ mà tôi rất thích và thường hay chia sẻ với các bạn trẻ khi đi đồng hành với các huynh đoàn trong những khóa Chân Lý:
Phải đâu mẹ của riêng anh
Mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi
Mẹ tuy không đẻ không nuôi
Mà em ơn mẹ suốt đời chưa xong
…
Chắt chiu từ những ngày xưa
Mẹ sinh anh để bây giờ cho em.
Ừ! Không có cha mẹ làm sao bây giờ ta có… “Anh”. Những làn gió heo may như lạnh hơn trong ráng chiều cuối thu bảng lảng, làm tâm tư tôi thêm buồn man mác. Lan man dọc đường đi, lát sau tôi cũng về đến Vườn thánh giáo xứ, tiếng Thánh ca làm lòng tôi ấm lại lạ kỳ:
Sự sống không mất nhưng chỉ đổi thay, đã qua bao ngày trọn một kiếp này. Dù sống hay chết tin còn ngày mai. Sự sống không mất nhưng chỉ đổi thay.
Hồng Minh