Tuy nhiên, đồng tiền luôn có hai mặt và cuộc đời luôn ẩn chứa những nghịch lý. Khi con người tưởng chừng làm chủ được mọi sự, chế ngự được mọi loài và làm chủ được mọi hiện tượng thiên nhiên, thì con người lại nhận ra một sự thật phũ phàng về sự yếu đuối và giới hạn của mình để sau tất cả, con người cay đắng nhận ra sự bất lực của mình trước Thiên Chúa, trước vũ trụ thiên nhiên, đồng loại, và chính mình. Sự bất lực của con người dưới lăng kính Ki-tô giáo là do hậu quả của tội lỗi. Khi lạm dụng tự do và không vâng phục Thiên Chúa, con người đã phá vỡ mối tương quan của mình với Thiên Chúa, với muôn vật và với nhau. Từ đó, sự hài hòa và ổn định vốn có đã bị phá hủy, để rồi dù cố gắng, con người vẫn không thể tự mình hàn gắn các tương quan cũng như chinh phục mọi loài. Thay vào đó là sự đổ vỡ, rạn nứt và sự phá hủy khiến con người không thể tự mình đạt được hạnh phúc đích thực mà mình mong muốn và khát khao…
Thật vậy, chúng ta không phủ nhận sự vươn lên và khả năng đáng kinh ngạc của con người trong mọi lĩnh vực của đời sống. Con người không ngừng nỗ lực để phục vụ cho các nhu cầu căn bản của con người, hầu mưu cầu hạnh phúc. Nhờ đó, con người không ngừng cải biến thiên nhiên và biến đổi xã hội để nhân loại ngày một tiến bộ và văn minh hơn nhờ những thành tựu về mọi mặt, nhất là về khoa học và kĩ thuật. Những công trình, những ứng dụng, những nghiên cứu, những phát minh, những chính sách… giúp con người mỗi ngày leo lên cao hơn trong đỉnh cảo tri thức. Nhờ đó, cuộc sống của nhiều người ngày một no đủ và sung túc hơn nhờ tạo ra nhiều tài sản, nhiều phương tiện hơn cho những nhu cầu của con người…
Dẫu vậy, đứng trước một Thiên Chúa cao cả, con người dường như vẫn muốn chạy trốn Ngài như A-đam và E-và xưa, nhưng khi không thể chạy trốn, họ lại tìm cách chống trả, loại trừ và giết chết. Điều đó được con người hiện thực hóa trong chính cuộc khổ nạn của Chúa Giê-su, khi con người tưởng như đã hoàn tất tham vọng loại trừ Thiên Chúa của mình. Cũng vậy, con người vẫn không ngừng tìm cách loại trừ và giết chết Thiên Chúa bằng các luồng tư tưởng vô thần, sự dửng dưng tôn giáo, cùng với sự tàn ác của mình trên thiên nhiên và đồng loại bất chấp mọi tiêu chuẩn luân lý, như để chứng minh cho nhân loại thấy rằng không có Thiên Chúa và nếu có chăng nữa thì Ngài cũng chỉ là một thực thể vô dụng và hoàn toàn có thể loại bỏ. Tuy nhiên, con người đã sai, để rồi sau những ngoan cố, những sự bất trị, nhiều người đã giật mình nhận ra thân phận yếu ớt và tội lỗi của mình, một sinh vật thật hèn kém và nếu không được Thiên Chúa ghé mắt nhìn và nhẫn nại khoan dung, thì không thể hiện hữu. Thật vậy, con người thật nhỏ bé trước Thiên Chúa và nếu Ngài chỉ lãng quên con người dù chỉ một khoảnh khắc, con người ngay lập tức trở về với hư vô.
Kinh Thánh cho thấy khi lạm dụng tự do phạm tội, con người làm tổn thương và méo mó hình ảnh Thiên Chúa nơi mình, cũng như cắt đứt mối dây hiệp thông với Thiên Chúa, nhất là con người phải lãnh nhận những hậu quả do tội gây ra là đau khổ và phải chết. Trước đau khổ và cái chết, có lúc con người không chấp nhận và phản kháng, tìm cách loại trừ; có lúc kêu gào than trách Thiên Chúa; nhưng cuối cùng khi không thể vượt thắng và nhận ra thân phận tất yếu phải đau khổ và phải chết của mình, con người nhận thấy sự hữu hạn đến đáng thương của mình trước sự cao cả của Thiên Chúa. Con người muốn làm chủ sự sống, nhưng rồi khi phải chết, con người mới thấy sự sống nằm ngoài tầm kiểm soát của mình. Nhờ đó, nhân loại sau khi không thể thỏa mãn bằng những thú vui hay những giá trị vật chất tầm thường, đã biết quay đầu trở về, đặt niềm tin và chân nhận sự hiện hữu của một hữu thể toàn tri và đầy yêu thương là Thiên Chúa. Từ đó, thắp lên niềm hy vọng về một cuộc sống bất tử sau cái chết, mà chỉ có nơi Thiên Chúa nhờ cái chết và sự phục sinh của Đức Giê-su Ki-tô, khát vọng sống mãi của con người mới được tái lập và thỏa mãn cách trọn vẹn.
Cũng vậy, khi đối diện với vũ trụ thiên nhiên, vì đã trở thành một sinh vật yếu đuối do tội lỗi khi khước từ Thiên chúa, nên con người không còn sống trong sự hài hòa với vũ trụ nhưng trong tráng thái đối nghịch và mâu thuẫn. Nhất là khi con người luôn mang nơi mình sự kiêu ngạo và tham vọng làm chủ và thống trị thiên nhiên, con người tìm cách khai thác, biến thiên nhiên thành nô lệ để bóc lột và thỏa mãn những nhu cầu của mình. Con người coi thiên nhiên là mảnh đất màu mỡ cho những tham vọng, biến thiên nhiên thành nô lệ phục dịch quá mức, để rồi khi thiên nhiên nổi giận và trở lại tấn công con người nơi những thiên tai, những biến đổi mà nguyên nhân đến từ chính sựu tàn phá quá mức của con người, thì con người chỉ còn biết bất lực hứng chịu cơn giận giữ ấy trong sự hối hận muộn màng và đau đớn. Biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lụt, băng tan, động đất, sóng thần, dịch bệnh... cùng vô số thiên tai ngày càng đe dọa sự tồn vong của nhân loại. Khi đó, con người tưởng kiêu hãnh lại trở nên thật nhỏ bé và yếu ớt trước sức mạnh phá hủy của thiên nhiên. Sự biến đổi của thiên nhiên do tác động tiêu cực của con người ngày càng trở nên nghiêm trọng và đáng báo động khiến nhiều người bừng tỉnh và bắt đầu có những động thái nhằm khắc phục hậu quả và ngừng việc bóc lột Mẹ trái đất và phá nát ngôi nhà chung. Tuy nhiên, vẫn còn đó những cá nhân, tổ chức hay quốc gia dường như bỏ ngoài tai sự cảnh tỉnh của thiên nhiên cũng như mặc kệ những tiếng ai oán của bao con người đã đang và sẽ hứng chịu bao đau thương do những thiên tai gây ra để rồi đẩy trái đất ngày một gần hơn bờ vực của sự tự hủy diệt.
Trong cuộc sống, chúng ta có thể thấy, một sự kiện, một công trình, một công việc, một dự án, một đại lễ… có thể đã được chuẩn bị rất công phu và chu đáo thậm chí chắc chắn thành công. Nhưng chỉ một cơn giông, một cơn mưa, một trận bão, một cơn động đất hay một thiên tai hay nhân tai khủng khiếp nào đó thình lình ập đến, có thể làm cho mọi nỗ lực của con người trở nên vô nghĩa… Để rồi, khi ngước mắt lên trời và nhìn vũ trụ thiên nhiên như đang giận dữ, con người chỉ biết cúi mình để nhận ra sự nhỏ bé và bất lực đến đáng thương của mình. Từ đó, nhiều người biết khiêm tốn và trân trọng, cũng như ý thức hơn trong việc sử dụng và khai thác thiên nhiên, hầu gìn giữ sự hài hòa mong manh của vũ trụ. Thiên nhiên sẽ như người mẹ bao bọc và nuôi sống con người, nhưng nó sẽ là thần chết, nếu con người tiếp tục khai thác và tàn phá quá mức khiến sự cân bằng thuở tạo dựng vốn tốt đẹp bị phá vỡ không thể tái tạo…
Cuối cùng, khi đối diện với chính mình, con người đã đang và có lẽ sẽ tiếp tục muốn thống trị nhau, bởi con người mang nơi mình một khát vọng quyền lực. Thật vậy, lịch sử nhân loại không thiếu những trang sử tuyệt đẹp của hòa bình, của tình yêu và lòng nhân ái mà con người đã và vẫn đang tiếp tục muốn đem đến cho nhau. Thật vậy, khát vọng của con người là được sống và sống hạnh phúc bên nhau và với nhau trong một thế giới đại đồng trong một ngôi nhà chung ắp tiếng cười và trần ngập yêu thương. Thế nhưng, sự ích kỉ cố hữu do sự tổn thương tự bản tính phải chết do tội đã khiến con người dù nỗ lực vẫn hoàn toàn bất lực trong việc kiến tọa hòa bình và xây dựng một trật tự hài hòa giữa con người với nhau. Thay vì giải quyết xung đột bằng con đường hòa giải và yêu thương, con người lại thích sử dụng bạo lực và giết chóc để rồi, khi bạo lực ngày càng lan tràn và như không có điểm dừng, thì một nền hòa bình đích thực càng trở nên xa vời và mãi chỉ là một giấc mơ.
Điều này được thấy rất rõ trong lịch sử hiện hữu của con người: bạo lực, hận thù, giết chóc, xung đột và nhất là chiến tranh vẫn tiếp tục hiện hữu và phá vỡ mọi tương quan, cũng như làm cho nền hòa bình trở nên ngày càng xa vời tầm tay của con người. Có một chân lý mà con người luôn muốn phủ nhận là hòa bình đích thực chỉ có nơi Thiên Chúa, và ngoài Ngài ra, con người không thể tìm đâu được hạnh phúc đích thực. Thế nhưng, vì tương quan với Chúa đã bị phá vỡ, nên sự hòa bình sẽ không bao giờ hiện hữu nếu con người chưa tái lập mối tương quan với Thiên Chúa. Con người chia rẽ nhau, mà câu chuyện tháp Babel là một minh chứng thật sống động và dầy tính hiện sinh. Vì thế, dù có nỗ lực, cố gắng nhưng, khi con người chỉ muốn xây dựng hòa bình theo ý mình và trên nền tảng là con người, muốn loại trừ Thiên Chúa khỏi nền hòa bình ấy. Do đó, dù càng nỗ lực con người càng đau khổ và gây đau khổ cho nhau khiến bạo lực và chiến tranh vẫn dai dẳng và chẳng có khi ngừng.
Không những thế khi trở về với chính mình, nơi tâm hồn con người vẫn còn đó sự bất an, chia rẽ do những lắng lo, bất toàn và yếu đuối cùng tội lỗi mà những thú vui, những vật chất không thể lấp đầy. Càng tìm kiếm thỏa mãn nơi vật chất, tâm hồn con người càng trống rỗng và cô đơn. Hướng chiều về điều xấu, càng tìm cách chạy trốn Thiên Chúa, con người càng điên cuồng lao vào vòng xoáy của tội lỗi và tuyệt vọng để rồi hoặc lặng người nhận ra Thiên Chúa vẫn còn đó, vẫn ngay bên và trở về với Ngài hoặc tàn phá tâm hồn và cuộc đời trong sự hư vô. Những khát vọng, những trống vắng nơi tâm hồn con người chẳng thể được lấp đầy bằng tiền bạc, danh vọng hay thậm chí quyền lực, nhưng chỉ nên viên mãn trong Thiên Chúa, Đấng là Tình Yêu và bình an đích thực mà con người hằng mơ ước…
Tuy nhiên, con người vẫn khao khát và luôn nỗ lực để xây dựng hòa bình. Bên cạnh số nhỏ nhân loại tham vọng chế ngự và thống trị để rồi gây đau khổ cho bao người, thì vẫn còn đó bao tâm hồn, cách cá nhân hay nơi các tổ chức vẫn miệt mài góp sức mình xây dựng nền văn minh tình thương, mà Giáo hội là một nhân chứng sống, khi đã và đang tiếp tục sứ mạng gieo mầm sự sống và tình yêu trên thế giới. Nhất là giãi sáng Tin Mừng tình yêu, sự sống và hòa bình mà Con Một Thiên Chúa đã dùng chính cái chết và sự phục sinh của mình để mang lại cho nhân loại. Nhờ đó, bộ mặt thế giới bớt bị biến dạng, thân phận con người ngày một được tôn trọng và đời sống con người cũng dần được cải thiện, dù vẫn còn đó những vấn đề và vô số vấn nạn đang cần mọi người chung tay cộng tác để giải quyết và đẩy lui…
Sau tất cả khi ngước mắt lên trời, con gười phải nhận ra sự nhỏ bé của kiếp nhân sinh, sự bất lực của phận người và sự đáng thương của nhân loại. Để nhờ đó, con người biết khiêm tốn chân nhận sự hèn yếu của mình để biết trở về với Thiên Chúa, trả lại cho Ngài vị trí trung tâm và tuyệt đối để xây dựng thế giới dưới ánh sáng Tin Mừng. Cùng với đó, con người luôn biết ý thức để tôn trọng thiên nhiên và phẩm giá của đồng loại và chính mình là hình ảnh Thiên Chúa. Chỉ khi ấy, những đau khổ của con người trên trái đất mới mong được chữa lành và nên hòa bình đích thực mới có thể được thiết lập trong sự thật và rình yêu.
Tác giả: Lighthouse