Đức Thánh cha cử hành thánh lễ phong chân phước cho nữ tu Anna Chúa Giêsu

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Sáng Chúa nhật, ngày 29 tháng Chín năm 2024, tại Tòa Sứ thần Tòa Thánh ở Bruxelles, thủ đô Vương quốc Bỉ, Đức Thánh cha Phanxicô đã tiếp kiến ông Charles Michel, Chủ tịch sắp mãn nhiệm của Hội đồng Âu châu. Ông là người Bỉ, năm nay 49 tuổi, đã từng làm Thủ tướng Bỉ trong 5 năm, từ tháng Mười năm 2014 đến năm 2019 thì được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Âu châu và ông sắp mãn nhiệm kỳ hai, vào tháng Mười Hai năm nay.

Sau đó, Đức Thánh cha giã từ các nhân viên Tòa Sứ thần để tới Sân vận động Vua Baudouin, cách đó mười ba cây số rưỡi để cử hành thánh lễ duy nhất cho các tín hữu tại nước này.

Đây là sân vận động lớn nhất ở Bruxelles, được xây cất hồi năm 1929 và được khánh thành năm sau đó, nhân dịp kỷ niệm 100 năm nước Bỉ được độc lập. Sau Thế chiến thứ II, sân được đổi tên là sân Heysel, có thể tiếp nhận khoảng 70.000 người. Năm 1985, xảy ra tai nạn đau thương, trong trận bóng đá chung kết giải vô địch bóng đá của các câu lạc bộ Âu châu, giữa đội Juventus của Ý và Liverpool của Anh. Cơ cấu không ổn định và việc xử lý không thích hợp, đã khiến cho 39 khán giả thiệt mạng và 600 người bị thương. Sau đó, từ 1994 đến 1995, sân này được hoàn toàn sửa chữa lại theo các tiêu chuẩn mới về an ninh và được mở lại, với tên là Sân vận động Vua Baudouin và chỉ đón nhận tối đa 50.122 khán giả. Nhưng trong thánh lễ Đức Thánh cha cử hành, có một khu vực sau lễ đài và sân chỉ có thể đón nhận được 35.000 người.

Đức Thánh cha đến sân vận động lúc 9 giờ 15, và đi xe vòng quanh để chào thăm các tín hữu.

Hiện diện trong thánh lễ bắt đầu lúc 10 giờ, cũng có Quốc vương và Hoàng hậu Bỉ, ông bà Đại quận công của Luxemburg và nhiều chức sắc khác. Đồng tế với Đức Thánh cha, có khoảng hai mươi hồng y và giám mục, đặc biệt là Đức Hồng y Marcello Semeraro, Tổng trưởng Bộ Phong thánh, với hàng trăm linh mục.

Nghi thức phong chân phước

Đầu thánh lễ, sau nghi thức thống hối, có nghi thức phong chân phước cho nữ tu Anna Chúa Giêsu (1545-1621), người Tây Ban Nha, thuộc dòng kín Cát Minh, đã thiết lập Đan viện dòng này tại Bỉ, và đã qua đời tại đây năm 1621, thọ 76 tuổi.

Đức Tổng giám mục Terlinden, Tổng giám mục Giáo phận Bruxelles sở tại xin Đức Thánh cha phong chân phước cho nữ tu Anna, và tiếp đó một linh mục dòng Cát Minh, cùng với nữ tu dòng này, tóm tắt tiểu sử của nữ tu bằng tiếng Pháp và tiếng Flamand.

Nữ tu tục danh là Anna de Lobera Torres, sinh ngày 25 tháng Mười Một năm 1545, được chính thánh nữ Têrêsa đón nhận vào Đan viện Cát Minh cải tổ ở Avila năm 1571, và năm sau, đi theo thánh nữ đến Salamanca và khấn dòng tại đây. Mười năm sau đó, vâng lời thánh Têrêsa, chị Anna đến thành Granada để mở một đan viện, rồi sau đó lập một đan viện ở Madrid. Tại đây, chị Anna làm hết lòng cộng tác để xuất bản, lần đầu tiên, các tác phẩm của thánh Têrêsa, vào năm 1588. Cũng tại đây, chị Anna phải chiến đấu để bênh vực tinh thần của thánh nữ.

Năm 1604, cùng với chân phước Anna di Bartolomeo và bốn nữ đan sĩ khác, chị Anna, sang Pháp và dưới sự hướng dẫn Đức Hồng y Pierre Bérulle. Chị lần lượt lập ba Đan viện Cát Minh nhặt phép, tại Paris (1604), Pontoise và Dijon (1605). Sau đó, chị chấp nhận lời mời của Đại quận công nước Bỉ đến thành lập các đan viện tại Bruxelles, Louvain và Mons năm 1607. Rồi chị trở về Bruxelles. Sau vài năm chịu nhiều đau khổ nội tâm và thể lý, chị qua đời trong tiếng tăm thánh thiện, được củng cố bằng nhiều ơn lành và phép lạ.

Án phong chân phước cho nữ tu Anna Chúa Giêsu được khởi sự ngay sau khi chị qua đời và được nộp tại Roma, hồi năm 1878. Ngày 28 tháng Mười Một năm 2019, Đức Thánh cha Phanxicô đã cho công bố sắc lệnh nhìn nhận các anh hùng của nữ tu Anna Chúa Giêsu và ngày 14 tháng Mười Hai năm ngoái (2023), ngài cho công bố sắc lệnh nhìn nhận một phép lạ nhờ lời chuyển cầu của vị tôi tớ Chúa, mở đường cho việc phong chân phước.

Tiếp đó, Đức Thánh cha đọc công thức phong chân phước và cho phép tôn kính vị chân phước theo giáo luật hiện hành.

Bức họa đơn sơ về vị chân phước Anna được trình bày và hài cốt được rước lên đặt trước tượng Đức Mẹ, trong khi đó cộng đoàn hát kinh Gloria, tôn vinh Chúa.

Bài giảng của Đức Thánh cha

Trong bài giảng, Đức Thánh cha đi từ các bài đọc trong thánh lễ, đặc biệt là từ câu trong sách Dân Số, ghi lại lời ngôn sứ Môisê cầu mong toàn dân trở thành ngôn sứ của Chúa, xin Chúa đặt thần khí của Ngài trên họ (Ds 11,29). Tiếp đến, trong Tin mừng, Chúa Giêsu bảo các môn đệ đừng lấy làm cớ vấp phạm mà ngăn cản những người trừ quỷ nhân danh Ngài (Mc 9,38). Chúa dạy họ đừng ngỡ ngàng, vì tự do của Thiên Chúa (Mc 9,39-40). Đức Thánh cha nói:

“Chúng ta hãy quan sát kỹ những phản ứng của ngôn sứ Môisê và của Chúa Giêsu, vì những chi tiết ấy cũng liên hệ đến cả chúng ta và đời sống Kitô của chúng ta. Thực vậy, với phép rửa, tất cả chúng ta đã nhận lãnh một sứ mạng trong Giáo hội. Nhưng đây là một hồng ân, chứ không phải là một tước hiệu hay danh hiệu để tự hào. Cộng đoàn các tín hữu không phải là một nhóm những người được đặc ân, nhưng là một gia đình của những người được cứu độ, và chúng ta không được sai đi để mang Tin mừng trong thế giới do công trạng của chúng ta, nhưng là vì ơn Chúa, vì lòng thương xót và tín nhiệm mà Chúa tiếp tục dành cho chúng ta với tình thương của Chúa Cha, vượt lên trên mọi giới hạn và tội lỗi của chúng ta. Chúa thấy nơi chúng ta điều mà chính chúng ta không nhận thấy được. Vì thế, Chúa gọi, sai đi và kiên nhẫn đồng hành với chúng ta ngày qua ngày”.

“Vậy, nếu chúng ta muốn cộng tác với một tâm hồn cởi mở và ân cần với hoạt động tự do của Chúa Thánh Linh mà không trở thành cớ vấp phạm, cản trở một ai vì sự kiêu hãnh và cứng nhắc của chúng ta, thì chúng ta cần thi hành sứ vụ với lòng khiêm tốn và vui tươi”.

Nhắc đến bài đọc thứ hai, từ thư của thánh Giacôbê, tố giác những kẻ giàu có bóc lột nhân viên và người nghèo, sẽ phải chịu những tai ương, Đức Thánh cha nhận xét rằng: “sự ích kỷ, cũng như tất cả những gì ngăn cản bác ái, là gương mù gương xấu, vì nó đè bẹp những người nghèo, hạ nhục phẩm giá con người và bóp nghẹt tiếng kêu của người nghèo (Xc Tv 9,13).

Đức Thánh cha nói: “Điều này được áp dụng cho thời thánh Phaolô cũng như cho chúng ta ngày nay. Ví dụ, chúng ta hãy nghĩ đến những gì xảy ra khi người ta chỉ áp dụng nguyên tắc lợi lộc và tiêu chuẩn thị trường như căn bản đời sống của cá nhân và cộng đoàn (Xc E.V 54-58). Người ta tạo ra một thế giới, trong đó không còn chỗ cho những người gặp khó khăn, không còn lòng thương xót đối với những người lầm lỗi, cũng chẳng có cảm thông đối với người đau khổ và thất bại”.

“Chúng ta hãy nghĩ đến những gì xảy ra, khi những trẻ nhỏ bị gương mù, bị đánh đập, bị lạm dụng do những người lẽ ra phải săn sóc các em. Hãy nghĩ đến những vết thương đau đớn và bất lực, trước tiên của các nạn nhân, mà cả nơi gia đình các em và trong cộng đoàn. Tôi nghĩ đến những câu chuyện của vài người “bé nhỏ” ấy mà tôi đã gặp hôm qua. Tôi lắng nghe họ, tôi đã cảm thấy đau khổ của họ vì bị lạm dụng và tôi lập lại điều này ở đây: trong Giáo hội, có chỗ cho tất cả mọi người, nhưng tất cả chúng ta sẽ bị xét xử và không có chỗ cho lạm dụng, không có chỗ cho sự che đậy lạm dụng! Lên án những kẻ lạm dụng và giúp đỡ họ được chữa lành khỏi bệnh lạm dụng này. Không được che đậy sự ác: sự ác cần được vạch trần, sự ác mà ta biết, như một số người bị lạm dụng, đã can đảm làm. Kẻ lạm dụng phải bị xét xử. Cần xét xử kẻ lạm dụng, dù họ là giáo dân nam, nữ, linh mục hay giám mục.

Sau cùng, nhắc đến gương chân phước Anna Chúa Giêsu, được phong chân phước trong ngày, đã theo vết thánh nữ Têrêsa Avila, Đức Thánh cha nói:

“Trong một thời kỳ có những gương mù gương xấu đau thương, trong và ngoài Giáo hội, chân phước Anna và các bạn đồng hành, qua cuộc sống đơn sơ và thanh bần, cầu nguyện, lao tác và bác ái, đã biết đưa bao nhiêu người trở về với đức tin, đến độ có những người định nghĩa các đan viện do chị thành lập tại thành phố này là “một tai ương tinh thần”.

“Do chọn lựa, chân phước Anna không để lại các tác phẩm nào. Trái lại, chị dấn thân thực hành điều mà chị đã học được trước (Xc 1 Cr 15,3) và qua chứng tá cuộc sống, chị góp phần nâng Giáo hội trỗi dậy trong một thời kỳ rất khó khăn”.

Kinh Truyền tin

Cuối thánh lễ, Đức Thánh cha đã chủ sự kinh Truyền tin. Trong lời ngỏ trước khi đọc kinh, Đức Thánh cha cám ơn Đức Tổng giám mục sở tại, và bày tỏ lòng biết ơn nồng nhiệt đến Quốc vương và Hoàng hậu Bỉ.

Ngài cũng cám ơn tất cả những người đã cộng tác vào việc tổ chức cuộc viếng thăm này, đặc biệt những người cao tuổi và bệnh nhân đã cầu nguyện. Đức Thánh cha nói thêm rằng: “Giờ đây, chúng ta hãy hướng về Đức Trinh Nữ và cùng nhau đọc kinh Truyền tin. Kinh này rất phổ biến nơi các thế hệ đi trước và đáng được tái khám phá: đó là một tổng hợp mầu nhiệm Kitô giáo mà Giáo hội dạy chúng ta đưa vào giữa những bận rộn hằng ngày. Tôi trao cho anh chị em, đặc biệt cho các bạn trẻ và tôi phó thác tất cả anh chị em cho Đức Mẹ rất thánh của chúng ta. Mẹ ở cạnh bàn thờ này, được trình bày như Tòa Đấng Khôn ngoan.

Kêu gọi hòa bình

Sau khi ban phép lành cho mọi người, Đức Thánh cha bày tỏ đau buồn vì những tin tức đau thương đến từ Liban, với những cuộc oanh kích gây chết chóc cho hàng trăm người và gây nên những tàn phá rộng lớn. Đức Thánh cha kêu gọi ngưng chiến và đối thoại, tìm giải pháp hòa bình.

Israel tiếp tục oanh kích, gọi là chống các vị trí của lực lượng Hezbollah vì đã bắn những tên lửa vào Israel, và đang đe dọa xua quân bào Liban.

Đức Thánh cha cũng kêu gọi trả tự do cho các con tin Israel còn bị Hamas cầm giữ và xúc tiến cứu trợ nhân đạo cho dân chúng tại Gaza.

Đức Thánh cha không quên mời gọi mọi người cầu xin Chúa ban ơn hòa bình cho Ucraina đau thương, Palestine và Israel, Sudan, Myanmar và tất cả những phần đất bị chiến tranh tác động.

Kêu gọi khởi sự và đẩy mạnh án phong chân phước cho Vua Baudoin của Bỉ, đồng thời cho biết khi về Roma ngài sẽ đẩy mạnh, và không quên kêu gọi các giám mục Bỉ tích cực cộng tác vào tiến trình này.

Viếng mộ Vua Baudoin

Sáng thứ Bảy, ngày 28 tháng Chín, sau khi gặp gỡ các giám mục và cộng đoàn Công giáo Bỉ, tại Vương cung thánh đường Koekelberg, lúc trở về, Đức Thánh cha đã viếng mộ Vua Baudoin, trị vì nước Bỉ từ năm 1951 đến 1993. Đức Thánh cha ca ngợi nhà vua đã can đảm, thoái vị trong vòng 36 tiếng đồng hồ để khỏi ký nhận dự luật cho phá thai đã được quốc hội Bỉ thông qua.

Khi xuống hầm mộ, Đức Thánh cha đã được Quốc vương và Hoàng hậu Bỉ, cùng với một số người thuộc Hoàng gia, đón tiếp. Ngài cầu nguyện trong im lặng trước mộ nhà vua, và ca ngợi lòng can đảm, đồng thời kêu gọi dân Bỉ hãy nhìn đến gương nhà vua, giữa lúc các luật lệ gian ác đang được thi hành. Đức Thánh cha ám chỉ đến những luật phò phá thai và làm cho chết êm dịu từ nhiều năm nay hiện hành tại Bỉ. Ngài cầu mong án phong chân phước cho Vua Baudoin được sớm thực hiện.

VATICAN MEDIA Divisione Foto

Sau thánh lễ, Đức Thánh cha ra phi trường căn cứ không quân Melsbroek để đáp máy bay về Roma, kết thúc chuyến tông du lần thứ 46 của ngài tại Luxemburg và Bỉ.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *