Đã mang thân phận con người thì ai cũng phải đối mặt với những nỗi đau khổ. Có hai loại đau khổ; đau khổ về tinh thần và khổ đau về thể xác. Sự đau khổ về tinh thần còn có thể được người khác làm vơi bớt khi họ cảm thông, sẻ chia, song cái đớn đau về thể xác thì không một ai, cho dù gần gũi và yêu thương ta cách mấy họ cũng khổng thể mang thay hay chịu giúp cho ta được. Đó là nói về phương diện con người, nhưng đối với Thiên Chúa thì khác, những kẻ đau khổ vì bệnh, đặc biệt là “những người đau lâu ốm dài” hãy “chạy” đến với Đức Giêsu để từ đó tìm được sự an ủi, phù trợ cần thiết để vượt qua các cơn đau đớn. “Hãy đến với Ta, hỡi tất cả những ai vất vả, gồng gánh nặng nề, Ta sẽ nâng đỡ, bổ sức cho các ngươi.” (Mt 11, 28). Đó là lời mời gọi của Đức Giê su đến với những ai đang gặp khổ đau. Thánh Phaolô đã xác nhận: “Ơn Thầy đủ cho con” (2Cr 12, 9).Vì thế, những ai đang đau khổ về tinh thần cũng như vì bệnh tật hãy nhìn lên Thập giá với một ý thức rằng: Đức Giê su là Đấng vô tội mà Người còn phải chịu biết bao đau đớn trên con đường chịu khổ nạn khi xưa, phần chúng ta là những người mang nhiều tội lỗi thì lẽ nào chúng ta lại ca thán, phàn nàn hay trách móc vì những đau khổ mà chúng ta đang phải chịu đựng do bệnh tật mang đến hay sao? (Trong thực tế có khi bệnh nhân vì quá đau đớn do cơn đau hành hạ triền miên lâu ngày nên họ mất niềm tin, mất lý trí và nói ra những lời tiêu cực, oán trách!)
Nhận thức rằng: chúng ta không thể trốn tránh được đau khổ, vì đó là hậu quả của tội nguyên tổ cũng như tội lỗi của riêng mình, vì thế cho nên, nếu chúng ta có thái độ tiêu cực, nói những lời xúc phạm mất lòng Chúa, thì tất cả những đau khổ mà bản thân mình phải chịu sẽ trở thành vô nghĩa, uổng công. Vì vậy, thay vì miễn cưỡng chịu đựng, chúng ta hãy vui lòng đón nhận những đau khổ để biến những nỗi khổ đau ấy trở thành công trạng cho mình. Đây là thái độ khôn ngoan vì biết chấp nhận thập giá mà Chúa gửi đến với tấm lòng kính sợ Chúa, kết hợp với những đau thương của Chúa Giê su trên Thánh Giá, để trở thành của lễ đền tội dâng lên Thiên Chúa.
Người ta thường nói: “Lửa thử vàng, gian nan thử thách con người”, thật vậy, qua đau khổ Thiên Chúa muốn tinh luyện, sàng lọc để cho chúng ta trở nên xứng đáng với tình yêu bao la của Người hơn.
Phải bước qua đau khổ thì mới đến được bờ bến vinh quang, “phải có ngày Thứ Sáu Tuần Thánh thì mới có ngày mừng Lễ Phục sinh”. Đó là chân lý. Thánh Phao lô trong thư gửi cho tín hữu Roma đã cho chúng ta biết: “Thật vậy, tôi nghĩ rằng: những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta”. (Rm 8, 18). Thiên Chúa không muốn đoạ đày chúng ta! Nhưng để cho chúng ta trở nên hoàn thiện hơn, xứng đáng hơn, Người thử thách chúng ta để rồi những ai kiên tâm chịu đựng, bền chí đến cùng sẽ được Người ân thưởng.
Đa Minh Trần Văn Chính.