Theo chương trình, 19g Cha xứ mới dâng Thánh lễ cầu nguyện cho các linh hồn đã qua đời trong giáo xứ tại Vườn Thánh. Nhưng khi hoàng hôn vẫn còn đang dùng dằng, nấn ná, chưa muốn màn đêm thay ca, trên đường làng đã thấy tấp nập người đi lễ. Trên tay ai cũng có nén hương, hoa tươi và nến, để thắp trên mộ ông bà, cha mẹ, tổ tiên. Gia đình ai nấy tề tựu bên mộ phần người thân của mình, điện nến như sao, hương hoa ngào ngạt, người người nhộn nhịp, nhìn từ xa chẳng khác nào một công viên lung linh, rực rỡ sắc màu.
Vườn Thánh giáo xứ tôi tọa lạc trên một khu đất cạnh bìa làng, gọi là gò Chắt, bốn bề là những thửa ruộng lúa và hoa màu quanh năm xanh tốt. Giáo dân mỗi khi ra đồng ruộng cấy cày, chăm sóc hoa màu, đều đi qua cổng vườn Thánh, nơi có hai dòng chữ to đắp nổi vào hai cột trụ cổng: “Hỡi người còn sống – Hãy nhớ đến tôi”.
Giữa vườn là cây Thánh giá lớn, hướng về cổng làng, nơi con đường dốc thoai thoải dẫn lên nhà thờ, với tháp chuông cao vút, uy nghi, bề thế. Tiếng thánh ca phát ra từ chiếc loa đặt ở giữa vườn làm mọi người dịu đi nỗi nhớ thương người thân: “Sự sống này chỉ thay đổi mà không mất đi, lúc con người nằm yên giấc ngủ, mắt nhắm lại rồi là thấy tương lai. Trọn kiếp người nay không còn nước mắt nụ cười, nhưng con tin rằng ngày mai trong Chúa chẳng có nỗi buồn đẹp mãi niềm vui”.
Đúng 19g, đoàn rước cùng Cha xứ ra đến vườn Thánh, tiếng kèn âm vang, tiếng trống rộn rã, cờ bay phấp phới trong làn gió heo may se se lạnh. Mọi người hợp với ca đoàn theo lời ca nhập lễ trong niềm xác tín vào Thiên Chúa: “Tôi tin rằng Đấng cứu chuộc tôi hằng sống và ngày tận thế tôi sẽ từ bụi đất sống lại và trong thân thể này, tôi sẽ được chiêm ngưỡng Đấng cứu chuộc tôi”.
Vâng! Vẫn biết rằng chúng ta tin như vậy, nên khi ông bà, cha mẹ, người thân chúng ta nằm xuống, ngoài việc nhớ thương, đau buồn, thì chúng ta cũng nhủ lòng sẽ thường xuyên xin lễ, đọc kinh cầu nguyện cho họ. Nhưng, than ôi! Phần vì nỗi buồn thương phai nhạt theo năm tháng, phần vì mải mưu sinh cơm áo gạo tiền, phần vì bao thú vui trần thế đã làm ta quên đi người thân ở thế giới bên kia, đang mỏi mòn chờ ta.
Vì vậy mà trong trăm ngàn ngôi mộ được người thân sửa sang, hương hoa tươm tất, thì thấp thoáng một số mộ vẫn đang buồn hiu trông ngóng. Nhưng với tâm tình cùng là con một Chúa, những gia đình có mộ người thân nằm cận kề, đã dang tay thắp lên mộ họ những nén hương thơm thảo. Mọi người cùng lắng lòng trong phút giây Cha xứ rảy nước phép trên khắp các ngôi mộ, những giọt nước phép rơi trên các bia đá, dưới ánh nến trông long lanh như những giọt nước mắt của người quá cố, nước mắt của sự mừng vui vì được cầu nguyện, nhớ thương.
Trong Thánh lễ, Cha xứ cũng ý thức mọi người hãy báo hiếu tổ tiên, không chỉ bằng những ngôi mộ kiểu cách, ốp lát bằng đá đẹp đủ màu sắc. Mà còn bằng đời sống đạo đức, khiêm nhường và phục vụ, nhất là trong Năm Thánh Lòng Thương xót.
Thật ý nghĩa biết bao, khi Hội thánh đã nhắc nhở chúng ta bằng cách dành riêng tháng mười một là tháng cầu cho các linh hồn đã qua đời. Trong tháng này, đi qua các nghĩa trang Công giáo, ở đâu ta cũng thấy thấp thoáng bóng người đứng lặng nguyện cầu cho người thân. Rồi khi hoàng hôn lặng lẽ buông, thì cũng là lúc nhịp trống lại rộn rã cùng mọi người trên con đường làng đi viếng vườn Thánh.
Viếng xong, nhiều người còn nán lại bên mộ người thân, như muốn tâm sự với người ở thế giới bên kia, có còn nhớ về thời cùng chung một mái ấm, vui buồn sướng khổ, cùng nhau sẻ chia, nhưng giờ này đã đôi bờ cách biệt. “Ai “ơi? Chúng ta đều có tổ tiên, nhưng: ai còn nhớ, hay ai đã quên?
Mờ-inh