1. Ấn Giáo cực đoan tấn công các nữ tu, đóng cửa khoa cấp cứu của một bệnh viện Công Giáo
Trong bản tin đánh đi hôm thứ Hai 19 tháng 7, Thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc cho biết Khoa Cấp cứu của Bệnh viện Công Giáo Nazareth ở Mokama, phía đông nam Patna, thuộc bang Bihar, Ấn Độ, đã phải đóng cửa sau vụ tấn công xảy ra vào ngày 16 tháng 7.
Theo báo cáo của nữ tu Anjana Kunnath, Quản lý Bệnh viện Nazareth ở Mokama, một nhóm khoảng 30 người đã tấn công các Nữ tu Bác ái Nazareth, là những người điều hành bệnh viện, và tàn phá Khoa Cấp cứu.
Nhóm này đã đưa một người đàn ông bị thương nặng do đạn bắn, nhưng bác sĩ trực khám người này và xác nhận là anh ta đã chết.
“Đám đông khẳng định rằng người đàn ông vẫn còn nhịp tim. Họ đe dọa và khủng bố các nhân viên y tế, các nhân viên bảo vệ và các bệnh nhân khác”, Sơ Kunnath nói.
Đám đông đánh đập thô bạo nữ tu Aruna Kerketta, là người đang điều hành trong phòng cấp cứu, trong khi “một số cảnh sát từ Mokama khoanh tay làm khán giả trong khi đám đông cư xử bạo lực”.
Bệnh nhân, một người đàn ông 40 tuổi, tên là Pankaj Kumar Singh, bị bắn chết trên đường đi làm về trên một chiếc xe máy. “Thật là bi thảm khi đột ngột mất đi một thanh niên như thế. Nhưng việc khủng bố y tá và bác sĩ đang làm nhiệm vụ cũng bi thảm không kém,” Sơ Kunnath nói với cảnh sát.
Hiện bệnh viện chỉ còn có thể điều hành dịch vụ khám chữa bệnh ngoại trú và nội trú dành cho các sản phụ.
Chị Kunnath nhấn mạnh: “Bệnh viện của chúng tôi phục vụ người dân địa phương, không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào”.
Bệnh viện Nazareth bắt đầu hoạt động từ năm 1948 với 25 giường bệnh và dần dần phát triển lên 150 giường vào năm 1965. Nhà dòng, có trụ sở tại Kentucky, Hoa Kỳ, đã khởi xướng dự án này theo lời mời của Đức Giám Mục Patna và các tu sĩ Dòng Tên địa phương. Năm 1984, bệnh viện được mở rộng để trở thành một cơ sở 280 giường với sự giúp đỡ của một cơ quan tài trợ của Đức. Các Nữ tu Bác ái Nazareth cũng đã khởi động một số dự án y tế như “Mahila Mandals”, một chương trình chủng ngừa, một chương trình kiểm soát bệnh lao và bệnh phong. Năm 2004, bệnh viện đã mở trung tâm chăm sóc cộng đồng để điều trị bệnh nhân AIDS. Trong hơn 70 năm, bệnh viện đã điều trị cho hàng trăm nghìn người, hầu hết là người nghèo, đến từ nhiều quận ở Bihar, Tây Bengal và thậm chí cả biên giới Nepal. Bệnh viện cũng tổ chức các khóa đào tạo y tá và nhân viên y tế.
Source:Fides
2. Đức Hồng Y Sako cảnh giác bầu cử gian lận tại Iraq
Đức Hồng Y Louis Raphael Sako, Thượng phụ Công Giáo Canđê, tỏ ra nghi ngờ sự minh bạch của cuộc bầu cử quốc hội tại nước này vào tháng Mười năm nay.
Trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Rudaw ở miền Kurdistan, bắc Iraq, hôm 16/7/2021 vừa qua, Đức Hồng Y Sako nói rằng nguy cơ gian lận và kinh nghiệm về những vụ tước đoạt số ghế trong quốc hội dành cho các ứng viên thuộc các cộng đoàn Kitô, sẽ thúc đẩy nhiều cử tri Kitô tẩy chay các cuộc bầu cử chính trị tại nước này, vào tháng Mười tới đây. “Tôi nghi ngờ cuộc bầu cử sẽ minh bạch và công chính vì tình trạng dường như không thích hợp. Có những nhóm dân quân và tiền bạc để sử dụng để lèo lái những chọn lựa chính trị, vì thế sẽ có những gian lận trong cuộc bầu cử”.
Đức Hồng Y Sako đến viếng thăm mục vụ tại miền Kurdistan trong những ngày qua. Trong cuộc phỏng vấn, Đức Hồng Y nói đến “sự mệt mỏi” của các cử tri Kitô, vì xác tín số ghế quốc hội dành riêng cho các thành phần Kitô thuộc các cộng đoàn khác nhau sẽ lại bị các đảng phái và lực lượng chính trị mạnh tước đoạt mất.
Hệ thống bầu cử của Iraq dành 5 trong tổng số 329 ghế quốc hội cho các ứng cử viên Kitô. Cuộc bầu cử quốc hội lần trước đây tại Iraq đã diễn ra hồi tháng Năm năm 2018. Hồi đó, Đức Hồng Y Sako đã nhiều lần lên tiếng phê bình sự phân hóa của các lãnh tụ và các nhóm Kitô, vì do sự xâu xé nội bộ như thế, các đảng chính trị mạnh đã đặt những bè đảng của họ cả nơi các ghế dành cho các thành phần Kitô.
Theo luật, cuộc bầu cử quốc hội tại Iraq diễn ra 4 năm một lần, nhưng sau các cuộc biểu tình phản đối của dân chúng hồi năm 2019 chống chính trị, nên cuộc bầu cử tới đây diễn tra trước hạn kỳ.
Source:Fides
3. Các Giám Mục Pháp bày tỏ ‘lòng kính trọng’ đối với các cộng đồng cử hành Thánh lễ Latinh Truyền thống
Hôm thứ Bảy, một ngày sau khi Tòa Thánh công bố Tông Thư dưới dạng Tự Sắc Traditionis Custodes, các Giám Mục Công Giáo của Pháp đã bày tỏ “lòng kính trọng” đối với anh chị em giáo dân và các mục tử của các cộng đồng Thánh lễ Latinh Truyền thống.
Các Giám Mục đã ra một tuyên bố vào ngày 17 tháng 7, một ngày sau khi Đức Giáo Hoàng thực hiện những thay đổi sâu rộng đối với tông thư Summorum Pontificum năm 2007 của vị tiền nhiệm trong đó Đức Bênêđíctô XVI ban năng quyền cho tất cả các linh mục được cử hành Thánh lễ bằng Sách lễ Rôma năm 1962.
Tự Sắc mới ban hành có hiệu lực ngay lập tức, nói rằng các Giám Mục có “thẩm quyền hoàn toàn” trong việc cho phép hay không cho phép việc sử dụng 1962 Sách Lễ Rôma trong giáo phận của ngài.
Tuyên bố cho biết: “Các Giám Mục của Pháp, cùng với tất cả các tín hữu của giáo phận của các ngài, đã nhận được Tự Sắc Traditionis Custodes của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, được công bố hôm qua”,.
“Chúng tôi muốn bày tỏ với các tín hữu thường cử hành thánh lễ theo Sách lễ của Thánh Gioan XXIII, và với các mục tử của họ, sự quan tâm của chúng tôi, cùng sự quý trọng mà chúng tôi dành cho lòng nhiệt thành thánh thiện của những tín hữu này, và quyết tâm của chúng tôi cùng nhau tiếp tục sứ mệnh, trong sự hiệp thông của Giáo hội và theo các quy tắc có hiệu lực”.
Các ý kiến của các Giám Mục sẽ được nghiên cứu kỹ lưỡng vì Pháp là một trong những trung tâm hàng đầu thế giới có Thánh lễ Latinh Truyền thống.
Tuyên bố tiếp tục: “Mỗi Giám Mục sẽ ghi nhớ trong lòng để đáp ứng những thách thức mà Đức Thánh Cha mô tả trong việc thực thi trách nhiệm mà ngài đã nhắc nhở về công lý, bác ái, sự quan tâm đến mọi người và tất cả, trong khi phục vụ cho Phụng Vụ, và sự hiệp nhất của Giáo hội. Điều này sẽ được thực hiện thông qua đối thoại và sẽ mất thời gian”.
“Tự Sắc Traditionis Custodes và bức thư của Đức Thánh Cha gửi các Giám Mục giới thiệu điều này là một lời kêu gọi đòi hỏi toàn thể Giáo hội về một cuộc canh tân Thánh Thể đích thực. Không ai có thể được miễn trừ”.
Các Giám Mục kết thúc sứ điệp của các ngài bằng cách trích dẫn từ Hiến chế Tín lý Lumen Gentium của Công đồng Vatican II về Giáo hội.
“Các Giám Mục cầu khẩn Chúa Thánh Thần để Bí tích Thánh Thể, ‘nguồn gốc và đỉnh cao của đời sống Kitô hữu’, hy tế của Chúa và tưởng niệm cuộc Khổ nạn và Phục sinh của Người, có thể là nơi mà Giáo hội kín múc sức mạnh mỗi ngày để trở thành điều Giáo Hội được kêu gọi trở thành, đó là ‘một bí tích hay như một dấu chỉ và một công cụ của sự kết hợp rất chặt chẽ với Thiên Chúa và sự hiệp nhất của toàn thể nhân loại.'”
Source:Catholic News Agency
4. Căng thẳng giữa những người ủng hộ Thánh lễ Latinh Truyền thống và một Tổng Giám Mục Pháp
Pháp là một trong những trung tâm hàng đầu thế giới có Thánh lễ Latinh Truyền thống. Đông nhất là ở Hoa Kỳ. Sách “Danh mục Lễ Latinh” liệt kê 657 trung tâm cử hành Thánh lễ Latinh Truyền thống ở khắp nước Mỹ, đông 3 lần rưỡi nhiều hơn nước thứ nhì là Pháp với 199 trung tâm.
Gần đây, Pháp đã chứng kiến căng thẳng giữa những người ủng hộ Thánh lễ Latinh Truyền thống và một Tổng Giám Mục địa phương.
Giáo dân đã tổ chức các cuộc biểu tình phản đối sau khi Đức Tổng Giám Mục Roland Minnerath của Dijon yêu cầu các thành viên của Huynh đoàn Linh mục Thánh Phêrô, gọi tắt là FSSP, phải rời Vương cung thánh đường Fontaine-lès-Dijon, nơi sinh của Thánh Bernard ở Clairvaux, sau 23 năm hoạt động trong tổng giáo phận.
Huynh đoàn FSSP là một Tu Hội Giáo Hoàng Đời Sống Tông Đồ dành cho hàng giáo sĩ, được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thành lập theo giáo luật vào năm 1988. Huynh đoàn, có hơn 300 linh mục và 150 chủng sinh từ 30 quốc gia, sử dụng Sách lễ Rôma trước Công đồng Vatican II.
Tranh cãi trong tổng giáo phận Dijon nổ ra vài tháng sau khi xuất hiện một bản ghi nhớ do Hội đồng Giám Mục Pháp soạn thảo để trả lời bản câu hỏi của Vatican năm 2020 về việc áp dụng Summorum Pontificum, được gửi cho các Giám Mục trên toàn thế giới.
Văn bản của Hội đồng Giám Mục kêu gọi thực hiện các bước để “khuyến khích các tín hữu gắn bó với thánh lễ ngoại thường tham gia nhiều hơn vào đời sống giáo phận”, để tránh việc thành lập một “Giáo hội song song”.
Huynh đoàn FSSP cho biết vào ngày 16 tháng 7 rằng các thành viên của họ đã “ thất vọng và lo lắng” sau khi Đức Giáo Hoàng công bố Tự Sắc Traditionis Custodes.
Trong một tuyên bố đưa ra vào ngày Đức Giáo Hoàng ban hành Tự Sắc mới, nhóm này cho biết: “Với việc công bố Tự Sắc mới nhất của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Traditionis custodes, đã đặt ra những hạn chế mới đối với Hình thức ngoại thường của Nghi thức Rôma, làm nhiều người trong chúng tôi chán nản và lo lắng”.
“Tại thời điểm này, còn quá sớm để nói về tất cả những tác động sẽ xảy ra đối với Huynh đoàn Linh mục của Thánh Phê-rô, nhưng chúng tôi bảo đảm với anh chị em rằng chúng tôi vẫn cam kết phục vụ các tín hữu tham dự việc tông đồ của chúng tôi phù hợp với Hiến chế và đặc sủng của chúng tôi đã được nêu ra kể từ ngày thành lập Huynh đoàn chúng tôi”.
“Chúng ta phải cố gắng coi Thánh giá này là phương tiện nên thánh của chúng ta, và phải nhớ rằng Thiên Chúa sẽ không bao giờ bỏ rơi Giáo hội của Ngài”.
“Chính Chúa của chúng ta hứa với chúng ta những ân sủng cần thiết để vác Thập giá của chúng ta với sức mạnh và lòng can đảm. Tuy nhiên, chúng ta không được lơ là việc làm của mình với tư cách là những người tín hữu Công Giáo. Chúng ta hãy cầu nguyện và dâng những hy sinh trong cuộc sống hàng ngày, và tin tưởng vào lời chuyển cầu của Đức Mẹ, Thánh Cả Giuse và bổn mạng của chúng ta là Thánh Phêrô”.
Source:Catholic News Agency