Bài 13: Sách Đệ Nhị Luật || Tổng quan Kinh Thánh

I. DẪN NHẬP

Trong bài học tuần trước chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu sách Dân số. Tuần này, chúng ta đến với cuốn sách cuối cùng của bộ Ngũ thư, đó là sách Đệ nhị luật.

Tựa đề “Đệ Nhị Luật” đến trực tiếp từ truyền thống Hy-lạp (deuteronomos). Lý do có tựa đề này là vì Bộ luật Giao ước ở Xh 20,1-17 lại được tìm thấy trong cuốn sách thứ 5 của bộ Ngũ Thư. Tuy nhiên, theo truyền thống Do-thái, cuốn sách này có tựa đề ʾēlleh haddᵉḇārı̂m, nghĩa là “Đây là những lời”. Tác phẩm này ghi lại những lời của Mô-sê nói với toàn thể Ít-ra-en, ở bên kia sông Gio-đan, trong sa mạc. Tất cả những gì được ghi lại trong sách Đệ nhị luật diễn ra trong vòng chỉ một ngày, năm thứ 40 của thời gian ở trong sa mạc, tháng thứ 11 (Đnl 1,3); cũng vào ngày ấy Mô-sê qua đời (32,48;34,5). Sau khi Mô-sê qua đời, Ít-ra-en đã than khóc để tang ông suốt một tháng. Như vậy, sách Đệ nhị luật kết thúc hành trình của Ít-ra-en 40 năm trong sa mạc (1,3; 34,8).

Sách Đệ nhị luật được viết ra như diễn từ sau cùng và lời cảnh báo của Mô-sê cho dân chúng về cách sống trong miền đất mà họ sẽ chinh phục, đó là miền đất Ca-na-an. Các diễn từ này chứa đặc biệt các lời khuyến khích và các luật lệ. Ít-ra-en chuẩn bị đi vào Đất hứa. Mô-sê khuyến khích họ sống trung thành và giải thích cho họ biết đâu là những điều kiện để được sở hữu đất trong tương lai.

II. BỐ CỤC

Bố cục của sách Đệ nhị luật được chia thành 3 phần chính tương ứng với ba bài diễn từ của Mô-sê.

– Sau phần dẫn nhập (1,1-5) là bài diễn từ thứ nhất của Mô-sê (1,6-4,43). Bài diễn này tóm tắt lịch sử cứu độ: Việc Thiên Chúa tuyển chọn Ít-ra-en, tình yêu của Thiên Chúa dành cho Ít-ra-en, việc giải thoát khỏi Ai-cập, hành trình sa mạc và những chiến thắng tại đồng bằng Mô-áp. Mô-sê thúc dân tuân giữ Thập Giới của Giao ước.

– Bài diễn từ thứ hai là trung tâm điểm của Đệ nhị luật. Mô-sê công bố Điều răn vĩ đại: Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh (em), hết lòng hết dạ, hết sức anh (em) (Đnl 6,5). Mô-sê cũng công bố những luật liên quan đến phụng tự, đời sống cộng đoàn và cá nhân. Mô-sê kết thúc diễn từ thứ hai với những lời chúc phúc cho những ai vâng phục và những lời chúc giữ cho những kẻ bất trung.

– Diễn từ thứ ba của Mô-sê bao gồm lời mời gọi cam kết giao ước, lời hứa về sự tha thứ của Thiên Chúa và sự chọn lựa của Ít-ra-en giữa hai con đường. Sách Đệ nhị luật kết thúc với lời di chúc cuối cùng của Mô-sê, sứ vụ của Giô-suê, bài ca của Mô-sê và cái chết của Mô-sê.

1. Dẫn nhập (1,1-5)

2. Diễn từ thứ nhất (1,6-4,43)
a. Tóm lược lịch sử cứu độ
b. Lời động viên của Mô-sê dành cho Ít-ra-en

3. Diễn từ thứ hai (4,44-28,69)
a. Những mệnh lệnh của Đức Chúa
b. Quy định pháp luật
c. Cử hành giao ước
d. Lời chúc phúc và lời nguyền rủa

4. Diễn từ thứ ba (29 – 30)
a. Lời mời gọi cam kết giao ước
b. Lời hứa về sự tha thứ
c. Chọn lựa giữa hai con đường

5. Di chúc cuối cùng của Mô-sê (31-34)
a. Bổ nhiệm Giô-suê tiếp nối sứ vụ của Mô-sê
b. Bài ca của Mô-sê
c. Chúc lành của Mô-sê
d. Cái chết của Mô-sê

III. NỘI DUNG THẦN HỌC

Thần học của sách Đệ nhị luật tập trung vào việc làm nổi bật ba đạo lý chính, đó là: một Thiên Chúa, một dân tộc và một nơi phụng tự.

1. Một Thiên Chúa duy nhất

  • Trước hết, sách Đệ nhị luật trình bày cho chúng ta hình ảnh một Thiên Chúa duy nhất. Thiên Chúa mặc khải chính mình như một thần linh độc đáo cho Ít-ra-en như sau: “Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ. Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta. Ngươi không được tạc tượng vẽ hình bất cứ vật gì ở trên trời cao cũng như dưới đất thấp, hoặc ở trong nước phía dưới mặt đất, để mà thờ. Ngươi không được phủ phục trước những thứ đó mà phụng thờ” (Đnl 5,6-9; Xh 20,2-5).
  • Trước một Thiên Chúa thường hằng, bất biến, mãi mãi vẫn là chính Ngài, trung tín, Ít-ra-en được mời gọi hoàn toàn tin tưởng, hy vọng nơi Ngài và yêu mến Ngài. Mô-sê đã nói với Ít-ra-en: “Nghe đây, hỡi Ít-ra-en! Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ, hết sức anh em … Chính Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, là Đấng anh em phải kính sợ; chính Người là Đấng anh em phải phụng thờ; anh em sẽ nhân danh Người mà thề. Anh em không được theo những thần khác trong số các thần của các dân chung quanh anh em.” (Đnl 6,4.5.13.14)

2. Một dân tộc được tuyển chọn

  • Thứ đến, sách Đệ nhị luật còn trình bày cho chúng ta Ít-ra-en là dân riêng của Chúa. Chúa đã chọn Ít-ra-en làm dân mình. Mô-sê nhắc nhớ điều chân lý này cho Ít-ra-en: “Thật vậy, anh em là một dân thánh hiến cho Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em. Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em đã chọn anh (em) từ giữa muôn dân trên mặt đất, làm một dân thuộc quyền sở hữu của Người” (Đnl 7,6). Hành động tuyển chọn này trở thành sự thật trong việc Đức Chúa giải thoát Ít-ra-en khỏi vùng đất Ai-cập, thoát khỏi cảnh giam cầm, đưa Ít-ra-en đến miền Đất hứa (Đnl 6,10-15), và trong việc Người đưa ra những quy luật trong giao ước (Đnl 26,17-19).
  • Ít-ra-en được tuyển chọn từ tình thương yêu của Thiên Chúa. Việc Đức Chúa chọn Ít-ra-en không phải trên cơ sở sự công chính trước đây của Ít-ra-en (Đnl 9,4), mà vì Đức Chúa đã đem lòng quyến luyến: “Đức Chúa đã đem lòng quyến luyến và chọn anh em, không phải vì anh em đông hơn mọi dân, thật ra anh em là dân nhỏ nhất trong các dân. Nhưng chính là vì yêu thương anh em, và để giữ lời thề hứa với cha ông anh em, mà Đức Chúa đã ra tay uy quyền đưa anh em ra và giải thoát anh em khỏi cảnh nô lệ, khỏi tay Pha-ra-ô, vua Ai-cập” (Đnl 7,7-8). Quả thật, “Đức Chúa là Thiên Chúa của tình thương đối với những ai yêu mến Người và giữ các mệnh lệnh của Người.” (Đnl 7,9)
  • Sách Đệ nhị luật trình bày Ít-ra-en Dân Chúa như một cộng đoàn do Chúa cai trị bằng luật Chúa. Luật cùng với Đất Ca-na-an là những món quà cơ bản Đức Chúa dành tặng dân mình, ngõ hầu nhờ tuân giữ những luật lệ Chúa Ít-ra-en được sống hạnh phúc mọi ngày (x. Đnl 6,24). Ít-ra-en không những phải tuân thủ luật mà còn phải có sự cam kết và phải ghi tạc vào lòng trong lòng. (x. Đnl 6,4-6)

3. Một nơi phụng tự

Sau cùng, sách Đệ nhị luật cho chúng ta thấy rằng phụng tự được cử hành ở một nơi Chúa chỉ định. Mô-sê nói với Ít-ra-en: “Hãy ý tứ đừng dâng lễ toàn thiêu của anh em tại bất cứ nơi nào anh em thấy; nhưng anh em sẽ chỉ dâng lễ toàn thiêu của anh em ở nơi Đức Chúa chọn tại một trong các chi tộc của anh em và ở đó, anh em sẽ làm mọi điều tôi truyền cho anh em” (Đnl 12,13-14). Đối với nền thần học phụng tự của Đệ nhị luật, Giê-ru-sa-lem là trung tâm điểm của phụng tự.

IV. KẾT

Chúng ta vừa lược qua những nội dung chính của sách Đệ nhị luật.

Ước gì mỗi chúng ta khi đọc lại cuốn sách này đều nhận ra hình ảnh của một Thiên Chúa yêu thương và tín trung. Bởi vậy, “khi chúng ta đón nhận các sấm ngôn của Ngài, thì cần thiết là chúng ta phải hoàn toàn tin tưởng vào Ngài và nhận biết quyền bính của Ngài. Thật vậy, ai chiêm ngắm quyền năng, lòng nhân hậu và việc thi ân giáng phúc của Ngài, mà lại có thể không đặt trọn tất cả hy vọng nơi Ngài? Và ai chiêm ngưỡng kho tàng của sự tốt lành và lòng yêu thương của Ngài đã tuôn đổ trên chúng ta, mà lại có thể không yêu mến Ngài?”[1].

Vì vậy, hãy để cho những lời của Mô-sê nói với Ít-ra-en năm xưa, một lần nữa, vang lên ở giữa Dân Chúa hôm nay: “Nghe đây, hỡi Ít-ra-en! Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ, hết sức anh em” (Đnl 6,4-5).

Lm. An-tôn Trần Văn Phú

https://www.tonggiaophanhanoi.org/bai-13-sach-de-nhi-luat-tong-quan-kinh-thanh/


[1] Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 2086.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *