Có người nói: Cầu nguyện là hơi thở của linh hồn. Thật vậy, cầu nguyện là một một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống Đạo của mỗi người Kitô hữu, thường xuyên cầu nguyện là vun đắp mối tương quan gắn bó mật thiết giữa Thiên Chúa và con người, do vậy, muốn cho linh hồn được sống thì chúng ta phải luôn cầu nguyện.
Khi còn hiện diện cách hữu hình trên trần gian, chính Đức Giêsu cũng đã nêu gương. Đó là Ngài luôn dâng lời cầu nguyện lên Thiên Chúa Cha (x. Lc 6,12)(x. Mc 14, 36) (x. Mc 1, 35) Đức Giê-su cũng kêu gọi các môn đệ của Người phải siêng năng cầu nguyện: “Anh em hãy cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ” (Lc 22, 40) “Anh em hãy canh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ”(Mc 14, 38). Nhưng để có tâm tình cầu nguyện, thì việc làm này phải được khởi đi và được thúc đẩy bởi lòng kính mến Thiên Chúa, bởi lẽ nếu không có lòng kính mến thì ta không có động lực, có tâm tình để cầu nguyện.
Chúng ta đã nhận được từ Thiên Chúa biết bao Ân huệ. Hồng ân cao trọng là Chúa đã cho chúng ta được sinh ra làm người, làm con Chúa, nhất là được Cứu Chuộc bằng giá Máu của Đức Giêsu, và cùng với biết bao ơn lành hồn xác thường ngày. Chính vì thế cho nên, chúng ta không thể không thường xuyên dâng lời chúc tụng, tôn vinh và cảm tạ Thiên Chúa.
Nếu nói cầu nguyện là nâng tâm hồn lên tới Chúa để gặp gỡ Người. Thì chúng ta rất dễ dàng thực hiện việc này: Như đi tham dự thánh lễ, suy niệm lời Chúa, đọc kinh, hát thánh ca, cầu nguyện tự phát. Cầu nguyện có thể thực hiện riêng tư một mình, nhưng sẽ tốt đẹp hơn khi hợp lại với nhiều người khác để cùng nhau thực hiện việc cầu nguyện: Như Lời Chúa nói: “Thầy bảo thật anh em: nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho. Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ” (Mt 18, 19-20). Tóm lại, chúng ta có thể cầu nguyện, gặp gỡ Thiên Chúa mọi nơi, mọi lúc mỗi khi chúng ta nhớ đến Ngài.
Nhiều người có thói quen; là mỗi khi cầu nguyện thì chỉ xin Chúa ban cho mình những ơn này ơn khác, nhưng đúng ra, việc chính yếu của cầu nguyện là dâng lời cảm tạ, tôn vinh, chúc tụng Thiên Chúa, xin cho Danh Ngài được cả sáng (có thể giãi bày tâm sự, nỗi lòng riêng tư của mình với Chúa và lắng nghe tiếng Chúa nói với mình trong tâm hồn) và sau mới là xin những ơn cần thiết cho cuộc sống.
Siêng năng tôn vinh Thiên Chúa sẽ sinh ích lợi cho phần rồi của mỗi chúng ta. Như lời Kinh Tiền Tụng IV: “Lạy Chúa, tuy Chúa không cần chúng con ca tụng, nhưng việc chúng con cảm tạ Chúa lại là một hồng ân Chúa ban, vì những lời chúng con ca tụng chẳng thêm gì cho Chúa, nhưng đem lại cho chúng con ơn cứu độ, nhờ Đức Ki tô Chúa chúng con”.
Thiên Chúa là Đấng luôn yêu thương, dõi theo, lắng nghe và sẵn sàng thi ân giáng phúc cho chúng ta, còn phần chúng ta có đáp lại tấm thịnh tình của Ngài hay không? Đó là tâm tư riêng của mỗi người! Nhưng thiết nghĩ, chúng ta phải có bổn phận sống thế nào cho phải đạo, cho xứng với ân tình, ân nghĩa lớn lao mà Thiên Chúa đã dành cho mình, nhận thức được như vậy thì chúng ta sẽ dễ dàng đáp lại bằng lòng mến yêu Chúa, chúng ta sẽ khát khao đến với Người để tỏ bày tấm lòng con thảo, và như vậy thì một ngày không cầu nguyện, không gặp gỡ Chúa, chúng ta sẽ cảm thấy ngày đó là ngày vô nghĩa, trống rỗng và cô liêu.
Lời cầu nguyện sẽ đẹp lòng Chúa và dễ được Ngài chấp nhận khi được thể hiện song hành với việc thực thi các nhân đức như; Đức tin, cậy, mến, lòng khiêm tốn, sự hy sinh, hãm mình, bác ái và ăn chay. Dụ ngôn hai người lên đền thờ cầu nguyện. (x. Lc 18, 9-14) Và có một lần kia khi các môn đệ hỏi Thầy Giê-su rằng: Tại sao các con không trừ được tên quỷ ấy thì Đức Giê-su đã trả lời: “Giống quỷ này không chịu ra, nếu người ta không ăn chay cầu nguyện” (Mt 17, 21) (hai câu chuyện trong Kinh Thánh vừa nêu, là sự minh chứng cho những điều đã nói ở trên).
Trong ngày, mỗi khi nhớ đến Chúa, chúng ta có thể dùng lời kinh Lạy Cha, tuy đơn sơ nhưng hoàn hảo, đọc thầm để dâng lời cầu nguyện: “Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày và tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con, xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Amen”. (Mt 6, 9-13).
Ngoài ra, còn một phương thế khác để đến với Chúa cách hữu hiệu là: Chúng ta cậy nhờ Thiên thần hộ thủ, Thánh bổn mạng của mình, hoặc các thánh và nhất là Đức Mẹ Maria, vì bản thân chúng ta mang nhiều tội lỗi, yếu hèn, bất xứng, nên xin nhờ các Ngài hiện đang được ở cận kề bên Chúa trên thiên đàng cầu thay nguyện giúp cho chúng ta, thì lời nguyện cầu sẽ dễ được Thiên Chúa chấp nhận hơn.
Và sau cùng, trong việc cầu nguyện, chúng ta phải cần đến “Đấng luôn an ủi và dạy dỗ chúng ta làm những việc lành”. Và một trong những việc lành đó là việc cầu nguyện, trong thư gửi cho tín hữu Rô-ma thánh Pha-lô đã viết: “Hơn nữa, lại có Thần Khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải; nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng rên siết khôn tả. Và Thiên Chúa, Đấng thấu suốt tâm can, biết Thần Khí muốn nói gì, vì Thần Khí cầu thay nguyện giúp cho dân thánh theo đúng ý Thiên Chúa” (Rm 8, 26-27).
Đaminh Trần Văn Chính.