Bài 25 : Bí Tích Rửa Tội (Sự sống Thiên Chúa trong chúng ta)

BÀI 25 : BÍ TÍCH RỬA TỘI

Lời Kinh Thánh

“Không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí.” (Ga 3,5)

  1. Tiến trình gia nhập Kitô giáo

Sau khi tìm hiểu giáo lý, muốn gia nhập Kitô giáo, bạn sẽ trải qua một thời gian chuẩn bị (dự tòng), với ba nghi thức cho ba giai đoạn.

a.Nghi thức tiếp nhận: Giới thiệu dự tòng với một cộng đoàn giáo xứ

b.Nghi thức tuyển chọn: Giáo hội tuyển chọn dự tòng vào số những người chuẩn bị lãnh bí tích Rửa Tội, đồng thời dự tòng tỏ bày ý muốn, đức tin và lòng sám hối.

c.Lãnh nhận bí tích nhập đạo:

  • RỬA TỘI: Lễ nghi chính yếu với việc đổ nước và đọc lời rửa tội.
  • THÊM SỨC: Với việc đặt tay và xức dầu.
  • THÁNH THỂ: Với việc đón nhận Mình Máu Chúa Giêsu vào trong tâm hồn.

bapteme.jpg

2. Đức tin và thánh tẩy

Muốn được cứu độ cần phải tin và chịu Thánh tẩy (Mc 16,16; Mt 28,18-19; Ga 3,5). Đức tin là điều kiện chủ yếu, nhưng thanh tây cũng cần thiết, vì thanh tẩy hoàn tất đức tin. Đức tin vừa là ân huệ của Thiên Chúa, vừa là thái độ đón nhận của con người. Ân huệ này được ban trong thanh tẩy: “Những ai đón tiếp tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa” (Ga1,12).

3. Nguồn gốc và ý nghĩa bí tích Rửa tội

a.Nguồn gốc

Phép Rửa là một cử chỉ, một nghi thức đã có rất sớm trong lịch sử Kitô giáo. Thời Chúa Giêsu, một Gioan làm phép Rửa ở song Gio-đan (Mt 3,5-6; Ga 4,2). Rồi trong sứ vụ công khai, Chúa Giêsu rao giảng về phép rửa (Ga 3,5). Tất cả chân lý này đã được Chúa Giêsu công bố trong huấn lệnh sau cùng: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân dnah Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em.” (Mt 28,19-20)

Huấn lệnh đó, các Tông đồ đã thực thi (Cv 2,38-41; 8, 4-25; 19, 1-5) và trở thành điều kiện tất yếu để cứu độ con người. Qua dấu hiệu bí tích, Chúa Giêsu tái tạo con người thành “thụ tạo mới trong Thiên Chúa” (2Cr 5,17).

b. Ý nghĩa

Bí tích Rửa Tội là một cuộc tái sinh.

Cũng như Chúa Giêsu đã chết và được mai táng trong mồ, rồi Người sống lại với đời sống mới. Qua Bí Tích Rửa Tội, ta cũng phải chết với sự chết của Ngài, chon vùi trong con người cũ của mình: tội lỗi, ích kỷ, kiêu ngạo, hận thù …để cùng sống lại với Ngài trong cuộc sống mới (Ga 3,16; Rm 6,3-11; 1Cr 6,11). Khi dòng nước tái sinh chảy trên đầu, Chúa Thánh Thần làm cho ta được sinh ra và đổi mới.

4. Hiệu quả

Bí Tích Rửa Tội được Chúa Giêsu lập nên để khai sinh đời sống Kitô hữu, làm cho ta trở thành con Thiên Chúa và tín hữu của Giáo Hội với tất cả ân phúc và trách nhiệm thuộc người Kitô hữu:

  • Xóa bỏ tội nguyên tổ, mọi tội riêng đã phạm trong thời gian trước đây, ta được trả lại ơn thánh hóa, được gọi Thiên Chúa là Cha (Ep 4,4-6; Rm 8,14-16; 2Cr 1,21-22).
  • Làm cho ta được tham dự vào đời sống thần linh của Ba ngôi Thiên Chúa. Ba ngôi đến lưu ngụ trong tâm hồn ta và tâm hồn ta trở thành đền thờ của Thiên Chúa.
  • Cho ta được gia nhập gia đình dân Chúa là Giáo hội, trở nên chi thể trong thân mình mầu nhiệm của Chúa Kitô (Ep 5,25-27; 1Cr 12,12-13).

5. Điều kiện lãnh nhận (Gl 865)

Để lãnh nhận bí tích Rửa Tội, dự tòng cần thực hiện những điểm sau:

  • Phải tỏ ý muốn lãnh nhận bí tích Rửa Tội.
  • Học biết đầy đủ các chân lý đức tin và nghĩa vụ Kitô giáo.
  • Được thử nghiệm vào đời sống Kitô giáo qua thời gian dự tòng.
  • Thành tâm thống hối về tội lỗi và cải thiện đời sống

6.Nghi thức rửa tội (Gl 861)

a.Thừa tác viên (người cử hành)

  • Thừa tác viên thong thường là giám mục, linh mục, phó tế.
  • Khi thừa tác viên vắng mặt hay bị cản trở, giáo lý viên sẽ được trao nhiệm vụ thay thế.
  • Trong trường hợp cần thiết thì bất cứ người nào với chủ ý nghiêm chỉnh, cũng có thể cử hành theo cách thức và ý muốn của giáo hội.

b.Cách thức Rửa Tội

Lễ nghi cốt yếu “Đổ nước và đọc lời rửa rội”: “ Tôi rửa … nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”, Trước và sau đó còn có nghi thức khác: →Làm phép nước →Dự tòng tuyên bố từ bỏ tà thần và tuyên xưng đức tin →Trao khăn trắng→Trao nến sáng.

Kết thúc nghi thức Rửa Tội, dự tòng sẽ lãnh nhận ơn Chúa Thánh Thần trong Bí Tích Thêm Sức và tiếp đến lãnh nhận Mình Máu Chúa Kitô trong bí tích Thánh Thể.

Kết luận

“Anh em không biết rằng: khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Kitô Giêsu, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người sao ? Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta cùng được mai tang với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới.” (Rm 6,3-4)

Câu hỏi

  1. Tiến trình gia nhập Kitô giáo gồm mấy giai đoạn ?
  2. Tương quan giữa đức tin và thanh tẩy ?
  3. Cuộc thương khó và Phục sinh của Chúa Giêsu có ý nghĩa gì đối với Bí Tích Rửa Tội ?
  4. Nguồn gốc, hiệu quả, điều kiện lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội ?
  5. Thừa tác viên và cách thức Rửa Tội ?

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *