Trong danh sách những anh em mừng kim khánh và ngân khánh thụ phong linh mục và khấn dòng hôm nay, tôi đếm được 25 người. Nếu chỉ ngỏ lời một phút về mỗi người, thì bài chia sẻ kéo dài gần nửa tiếng đồng hồ, và chắc chắn là không ai muốn điều đó! Vì vậy, xin anh em hy sinh ích riêng, để chúng ta cùng nhau suy gẫm một đề tài chung liên quan đến tất cả cộng đoàn phụng vụ. Tôi xin phép giới thiệu một văn kiện của Bộ Đời sống thánh hiến ban hành vào ngày 2 tháng 2 năm 2020, mang tựa đề “Hồng ân trung tín, niềm vui kiên trì”. Có lẽ vì ra đời vào giữa mùa COVID cho nên ở Việt Nam không ai để ý. Tôi muốn lợi dụng cơ hội này để giới thiệu với anh em.
Văn kiện được xuất bản dưới hình thức một tập sách nhỏ, dài 176 trang, chuyển sang khổ A4 là 58 trang. Tại sao có văn kiện này? Thưa đây là đúc kết phiên họp khoáng đại của Bộ Tu sĩ vào tháng 11 năm 2017 để suy nghĩ về một đề tài nhức nhối trong Giáo hội, đó là sự ra đi của nhiều tu sĩ. Theo thống kê, trong vòng 5 năm (2008-2012), Bộ đã cấp 11.805 phép miễn chuẩn lời khấn, như vậy trung bình mỗi năm có 2.361 đơn, dĩ nhiên đó là không tính các dòng giáo phận, (thuộc thẩm quyền các giám mục địa phương) và các phép chuẩn nghĩa vụ giáo sĩ thuộc thẩm quyền bộ giáo sĩ (1.188 linh mục, 130 phó tế).
Văn kiện này không chỉ muốn phân tích nguyên nhân của những cuộc ra đi, nhưng còn muốn tìm cách giúp cho những người ở lại đào sâu thêm ý nghĩa ơn gọi của mình. Văn kiện được chia làm 3 chương, phần nào đi theo tiến trình “xem- xét – làm”. Chương Một (số 5-22) mang tựa đề là “Xem và nghe”, trình bày những hoàn cảnh khó khăn đã đưa đến những cuộc ra đi. Chương Hai (số 23-61) đưa ra những suy tư chung quanh đề tài trung tín và kiên trì (xét); mục thứ hai của chương này (số 45-58) phần nào cũng đã bước sang phần “làm”, theo nghĩa là đề ra những tiến trình đào tạo và phân định; còn Chương Ba (số 62-98) mang tính cách pháp lý, nói đến những thủ tục của bộ Giáo luật về việc rời bỏ đời tu.
Trong khuôn khổ của bài chia sẻ trong thánh lễ tạ ơn, bế mạc tuần tĩnh tâm năm của Tỉnh dòng hôm nay, tôi chỉ trình bày với anh em ba điểm được nêu bật ngay ở tựa đề: hồng ân trung tín; niềm vui kiên trì; và ở lại trong tình yêu.
Hồng ân trung tín
Mỗi khi nghe nói đến trung tín, chúng ta thường nghĩ ngay đến bổn phận của chúng ta phải tuân thủ những gì đã cam kết. Tuy nhiên, lối nhìn của văn kiện thì khác: Kinh thánh khởi đầu với việc khẳng định rằng Thiên Chúa là Đấng Trung tín (tiếng Việt đôi khi cũng dịch là “thành tín”). Trung tín là một ưu phẩm của Thiên Chúa (1Tx 5,24). Trung tín là một đặc tính của tình yêu Thiên Chúa, như chúng ta mới đọc trong Kinh Sáng: “Vì tình Chúa thương ta thật là mãnh liệt, lòng thành tín của Người bền vững muôn năm” (Tv 116,2). Thiên Chúa yêu thương con người bất chấp sự bất trung của con người. Thiên Chúa được ví như “đá tảng”, những bất trung của con người không mảy may làm sứt mẻ đá tảng ấy (Đnl 32,4). Lịch sử cứu độ cho thấy rằng bất chấp những tội lỗi của con người, Thiên Chúa vẫn kiên nhẫn chờ đợi yêu thương con người. Tình yêu ấy được biểu lộ cách đặc biệt khi Thiên Chúa phái đức Kitô đến với loài người. Đức Kitô là chứng nhân trung thành (Kh 1,5). Bằng lời nói và việc làm, Người dạy chúng ta biết sống trung tín như thế nào. Văn kiện ở số 25 rằng: “Sự trung tín không phải là kết quả của nỗ lực của chúng ta, nhưng là đến từ Thiên Chúa, được đặt nền tảng trên tiếng “Xin vâng” của Đức Kitô, Đấng đã khẳng định rằng “Lương thực của tôi là làm theo ý muốn của Chúa Cha” (xc Ga 4,34).
Một hệ luận thực tiễn của suy tư vừa rồi rất thích hợp với buổi cử hành những kỷ niệm hôm nay là dâng lên Thiên Chúa lời cảm tạ về hồng ân trung tín, nhất là khi biết rằng chúng ta mang dầu quý trong chiếc bình sành dễ vỡ (xc. 2Cr 4,7).
Niềm vui kiên trì
Lòng trung tín của Thiên Chúa không thay đổi, nhưng con người chúng ta thì không như thế. Tôi không chỉ muốn nói đến sự mỏng dòn của bản tính con người, nhưng nhất là điều kiện con người sống trong lịch sử. Cuộc đời con người luôn thay đổi, từ bé đến lớn. Xã hội chung quanh ta cũng thay đổi. Từ đó sự trung tín của chúng ta mang theo đặc tính kiên trì (hoặc: bền chí, perseveranza). Trung tín không có nghĩa trơ trơ bất động, nhưng là luôn canh tân đổi mới. Văn kiện này nhắc lại bốn sự trung thành của con người tu sĩ đã được nói đến trong tông huấn “Đời sống thánh hiến” số 110: trung thành với Đức Kitô, trung thành với Giáo hội, trung thành với hội dòng, trung thành với con người thời đại. Sự trung thành mang tính năng động và sáng tạo (ĐSTH số 70). Không dễ gì dung hòa giữa “trung thành” và “sáng tạo”, như chúng ta đã biết. Xã hội và lịch sử luôn tiến hóa, và chúng ta không thể nào cứ khư khư bảo tồn cái quá khứ như món đồ cổ.
Dù sao, bên cạnh những khó khăn trong việc thích nghi với ngoại giới (nghĩa là hoàn cảnh xã hội), thiết tưởng không thể bỏ qua một điềuđã được các văn kiện Tòa Thánh lưu ý trong tiến trình đào tạoơn gọi, đó là “những cuộc khủng hoảng xảy ra trong cuộc đời”. Tông huấn “Đời sống thánh hiến” (số 70), lặp lại Huấn thị về việc huấn luyện năm 1990, đã nêu lên 5 thời điểm dễ xảy ra cuộc khủng hoảng, vào những khúc ngoặt của cuộc đời, đó là:
Thời chuyển tiếp từ giai đoạn huấn luyện sơ khởi sang kinh nghiệm đầu tiên của đời sống tự lập hơn.
Khoảng mười năm sau khấn trọn, tức là thời gian thấy có nguy cơ “sống máy móc” và mất đi tất cả nhiệt tình ban đầu.
Sự trưởng thành đầy đủ thường có nguy cơ phát triển chủ nghĩa cá nhân, nhất là nơi những người có tính cương quyết và hiệu năng.
Những khủng hoảng trầm trọng có thể xảy ra cho mọi lứa tuổi do những yếu tố ngoại lai (đổi nơi ở, đổi việc làm, thất bại…) hoặc do những yếu tố trực tiếp nơi cá nhân (bệnh tật về thể lý hay tâm lý, bị thử thách).
Thời gian rút lui dần khỏi các công việc.
Những nhận xét ấy được xác nhận bởi những bản điều tra của cha Luis Oviedo OFM dành cho Hiệp hội các bề trên tổng quyền ở Roma họp vào năm 2005, theo đó về phía các nam tu sĩ, nếu xét về tuổi đời, thì 37,8% những cuộc ra đi xảy ra trong khoảng tuổi 31-40, và 33,0% trong độ tuổi 41-50 (nên biết là bên Tây người ta đi tu sớm hơn bên mình); đặc biệt 42,2% xảy ra trong vòng 10 năm sau khi khấn trọn đời, và 31,3% trong khoảng 10 năm kế tiếp. Cũng nên thêm là 42% ra đi vì lý do tình cảm; 21,3% vì thiếu trưởng thành; 21,0% vì lý do tâm lý; 17,1% vì xung khắc với bề trên. (USG, Fedeltà e abbandoni nella vita consacrata oggi, Litos 2005). Từ đó, khi nói về vấn đề thường huấn, các văn kiện lưu ý rằng cần nhắm đến 4 khía cạnh: nhân bản, tâm linh, đạo lý, tông đồ. Ở Việt Nam, chúng ta chỉ giới hạn vào khía cạnh đạo lý (thần học) qua các tuần lễ học hỏi, bồi dưỡng thần học, nhưng không quan tâm đến các khía cạnh khác. Thiết tưởng tuần tĩnh tâm cũng là một phương thế thường huấn, dưới khía cạnh tâm linh. Dù sao xin phép ghi nhận rằng “Khủng hoảng” dịch bởi chữ “crisis” (tiếng Anh và crise tiếng Pháp). Theo tầm nguyên Hán Việt, “khủng hoảng” có nghĩa là quá sợ hãi, làm đầu óc rối loạn (Khủng: sợ hãi; hoảng: đầu óc rối loạn, không còn phân biệt gì). Tuy nhiên, gần đây, người ta nhận thấy rằng crisis được chuyển sang tiếng Hoa là “nguy cơ”. Từ này gồm bởi hai từ: “nguy” (là sợ hãi vì điều tai hại có thể xảy đến) và “cơ” (vừa có nghĩa là căn cớ, vừa có nghĩa là cơ hội, dịp may). Như vậy, nó sát với nguyên gốc Hy lạp, bởi vì krisis có nghĩa là “phân tích, cân nhắc, thử thách”. Do đó cái crisis không hẳn là tiêu cực, nhưng có thể trở thành cơ may để trưởng thành, để khẳng định lòng trung thành của mình, cách riêng bằng việc nhớ lại mối tình đầu (x. Số 46 của văn kiện).
Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy
Văn kiện này được viết cho những người ở lại chứ không phải cho những người ra đi. Dĩ nhiên, chúng ta đừng vội trách những người ra đi, bởi vì có lẽ chúng ta cũng có phần trách nhiệm trong đó. Thật vậy, chúng ta không được phép nói như Cain: “Tôi không có nhiệm vụ coi sóc em tôi” (St 4,9). Vả chăng, chưa chắc là những người ở lại đã khá hơn những người ra đi. Không ít người giữ thế đứng “chân trong chân ngoài”: có lẽ cái xác thì còn ở trong Dòng, nhưng cái hồn thì ở đâu đâu. Tuy nhiên, tôi muốn kết luận bài chia sẻ này bằng những kết luận của văn kiện (số 99-106), với những lời kêu mởi của Chúa Giêsu (Ga 15,9). “Hãy ở lại trong tình yêu” chứ không phải như cái xác không hồn. Có người đã phân biệt “ơn gọi vào đời tu” và “ơn gọi trong đời tu”. Ơn gọi vào đời tu là ơn gọi gia nhập đời tu; còn ơn gọi trong đời tu là ơn gọi trưởng thành trong đời tu, trưởng thành trong tình yêu với Chúa Kitô, tăng trưởng trong sự dâng hiến. Chỉ khi ở lại trong tình yêu của Chúa, chúng ta mới mang lại hoa trái.
Thiết tưởng cũng không nên bỏ qua một yếu tố khác không kém quan trọng được văn kiện nhấn mạnh nhiều lần. Không ít tu sĩ đã ra đi vì không cảm thấy thoải mái trong cộng đoàn. Từ đó một trách nhiệm của chúng ta là phải tạo ra bầu khí cộng đoàn (số 59-60). Tôi nhớ có lần Đức Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận (lúc ấy là Giám mục Giáo phận Nha Trang) đã đến thăm học viện Thủ Đức, và trong bài huấn đức, ngài nhắc nhở rằng trong tiếng Anh, người ta phân biệt giữa “house” và “home”. Đối với phần lớn các tu sĩ, nhà dòng chỉ là “house”, chứ chưa phải là “home”. Dù sao, tôi xin thêm một ý tưởng khác, khi nghĩ đến thánh Tôma Aquino. Hôm qua, chúng ta mừng lễ thánh Bonaventura, được coi như vị sáng lập thứ hai của dòng Phan Sinh, bởi vì Người đã viết lại tiểu sử của vị tổ phụ và hiến pháp của dòng. Nói khác đi, Bonaventura đã định hình cho dòng Phan Sinh. Còn Tôma thì khác; ngài viết thần học từ kinh nghiệm sống trong dòng Đa Minh, và có thể nói được rằng nếu không có Dòng Đa Minh thì không có thánh Toma. Dòng đã cung cấp khung cảnh cho Tôma làm việc, Dòng đã cung cấp thầy Alberto để dẫn nhập Tôma vào triết học Aristote, đã tạo ra những trường học cho Tôma hành nghề. Tôi muốn nói những điều này để áp dụng cho bản thân tôi, để cám ơn anh em vì sự hỗ trợ cho sứ vụ linh mục của tôi.
Tôi không muốn dài dòng nữa. Văn kiện kết thúc với lời cầu dâng lên Mẹ Maria, người phụ nữ trung tín và kiên trì, kiên trì dưới chân thập giá, kiên trì cầu nguyện với các môn đệ. Xin Mẹ cũng cầu cho chúng ta được đức tin sống động, đức ái khiêm tốn và năng động ngõ hầu chúng ta sống hồng ân trung tín và niềm vui kiên trì, dấu chỉ của niềm hy vọng.
Giờ đây, khi cử hành Bí tích Thánh Thể, chúng ta lặp lại giao ước tình yêu của Chúa Giêsu với Hội thánh, và chúng ta cũng lặp lại lời cam kết trung thành với việc đi theo Người, và xin cho được ở lại trong tình yêu của Người.
Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP.