Chứng từ của Sơ Gianna Raumer. Tình yêu chống lại định kiến đối với bệnh nhân “AIDS”

Chứng từ của Sơ Gianna Raumer. Tình yêu chống lại định kiến đối với bệnh nhân “AIDS”

Sơ Gianna Raumer thuật lại những bước khởi đầu của Mái ấm Gia đình dành cho bệnh nhân AIDS với sự tham gia của các tình nguyện viên từ mọi thành phần xã hội và tín ngưỡng tôn giáo.

Phản ứng sợ hãi

Mái ấm Gia đình dành cho bệnh nhân “AIDS” ra đời vào ngày 5 tháng 12 năm 1988, tại khu vực Parioli của Roma, bên trong công viên Villa Glori. Đây là mái ấm đầu tiên ở Ý dành cho bệnh nhân “AIDS” và do đó đã có một loạt các cuộc biểu tình bùng nổ “chống” lại nó, với các cuộc tranh luận sôi nổi trong các hội đồng thành phố và các khiếu nại lên Tòa án Hành chính miền Lazio.

Tác động của một căn bệnh như bệnh “AIDS”, vào thời kỳ mà người ta chưa tìm ra phương pháp điều trị chính xác và những người bị bệnh bị gạt ra ngoài lề vì bị coi là bệnh dịch, tạo ra rất nhiều nỗi sợ hãi và đau khổ.

Những thiếu niên đầu tiên đến mái ấm cũng đến từ những nơi ngoài Roma, như Roberto da Cardarelli đến từ Napoli, hay Ciro đến từ Puglia; hoặc họ cũng đến từ các đường phố, hay các bệnh viện Roma, nơi họ đã điều trị hàng tháng, thậm chí cả năm, bởi vì khi xuất viện họ không được ai chào đón.

Chống đối và liên đới

Tôi không thể quên sự xuất hiện của Sherry trên xe cấp cứu vào lúc 7 giờ sáng hoặc của Vincenzo, một người hành khất khôn ngoan, vào lúc 22 giờ tối, trong bóng tối, để tránh các nhà báo, sự tấn công của các nhiếp ảnh gia hoặc mối đe dọa bị ném cà chua vào mặt. Có các cuộc biểu tình và tuần hành “phản đối”, nhưng cũng có những cuộc thắp nến và các cuộc tuần hành cầu nguyện ủng hộ!

Sự liên đới của các giáo xứ gần đó thật cảm động, như giáo xứ ở quảng trường Euclide và thánh Roberto Bellarmino; một số trường lân cận đã thể hiện sự liên đới bằng những lá thư; rồi đến các cửa hàng, nhà hàng gửi cho chúng tôi nhiều loại thực phẩm, và nhiều người bạn vô danh đã thắt chặt vòng tay ấm áp khi giúp đỡ mọi sự.

Lúc đầu, có rất nhiều tình nguyện viên, từ mọi thành phần xã hội và tín ngưỡng tôn giáo. Các cuộc họp đào tạo đã được lên kế hoạch và các nhiệm vụ khác nhau được phân chia: nấu ăn, đồng hành đến bệnh viện để khám bệnh, các cuộc viếng thăm đồng hành và thân hữu, những chuyến đi dã ngoại, và sau đó là soạn thảo tạp chí Dark Side. Những ngày lễ được tổ chức trên ngọn đồi đó thật khó quên: ngày lễ tôn giáo, tiệc sinh nhật, lễ hội hóa trang, lễ kỷ niệm mùa xuân hoặc giữa mùa hè. Luôn có những lý do để ăn mừng bởi vì cuộc sống thật tươi đẹp và thật đáng để sống nó một cách mãnh liệt cho đến giây phút cuối cùng.

Theo thời gian, số tình nguyện viên giảm dần. Chúng tôi đã thay nhau đồng hành với họ cho đến hơi thở cuối cùng và sự chia ly thì rất đau lòng.

Khôi phục tương quan với gia đình

Một trong những mục tiêu đầu tiên của Mái ấm là khôi phục mối liên hệ với các gia đình, đã bị tan vỡ và gián đoạn trong nhiều năm do đã chọn một lối sống bị xem là “sai lầm”. Trong đại đa số các trường hợp, mối quan hệ đã được hàn gắn và mối quan hệ hòa giải giúp họ có một cuộc sống an bình cho đến khi chết.

Tôi nhớ đặc biệt có một người, khi liên lạc lại với vợ cũ và bốn cô con gái, đã rất vui khi được cùng cô con gái út đến trường vào đầu năm học.

Sự cộng tác của dòng Maria Bambina

Đức ông Luigi di Liegro, lúc đó là giám đốc Caritas của giáo phận Roma, đã yêu cầu dòng của chúng tôi tham gia điều hành Mái ấm sau khi tình cờ gặp một trong những nữ tu của chúng tôi đi cùng các tập sinh, mỗi tuần một lần, đến một nhà ăn ở Colle Oppio, nơi cung cấp bữa ăn cho nhiều người nghèo. Ba người trong số chúng tôi được chọn. Khi đó tôi đang phục vụ tại nhà tù nữ Giudecca ở Venezia. Một nữ tu y tá từ vùng Tuscany và nữ tu đang làm việc mục vụ ơn gọi tại văn phòng USMI ở Roma.

Ngay sau đó nhóm nhỏ của chúng tôi được bổ sinh hai nữ tu trẻ, là sinh viên tại các Đại học Giáo hoàng. Được làm việc với Đức ông di Liegro là một ơn đặc biệt. Ngài là người rất khiêm tốn và đối xử huynh đệ với chúng tôi; thường trong bữa ăn, ngài chia sẻ những nỗ lực và hiểu lầm, đồng thời ngài rất can đảm và đòi hỏi những người đứng đầu các tổ chức nhà nước khi nói đến việc bảo vệ quyền của những người nghèo nhất và bị thiệt thòi nhất. Đó là một con người đích thực của Thiên Chúa và là vị ngôn sứ của thời đại chúng ta!

Mỗi cuộc gặp gỡ, mỗi mối quan hệ mới là một cuộc hẹn quan trọng với Thiên Chúa

Đối với cộng đoàn dòng tu của tôi, đó là một cơ hội cụ thể để thực hiện đặc sủng được uỷ thác cho các Thánh Bartolomea Capitanio và Vincenza Gerosa, những vị thánh sinh tại Lovere. Mỗi cuộc gặp gỡ, mỗi mối quan hệ mới là một cuộc hẹn quan trọng với Thiên Chúa, Đấng mặc khải cho chúng ta điều gì đó về chính Người, về kế hoạch tình yêu, về vẻ đẹp của Người, về câu chuyện đau thương-dịu dàng của Người. Từ những chia sẻ hàng ngày về cuộc sống với những người mà chúng tôi đón tiếp, chúng tôi đã học được rằng mỗi khoảnh khắc đều quan trọng và như vậy phải được sống mãnh liệt, không có gì là tầm thường … mọi sự kiện vui hay buồn đều phải được sống cách thiết thực, thực sự, không có mặt nạ.

 

Đại gia đình

Chúng tôi quen xuất hiện cách “lành mạnh”, chúng tôi đã học cách cởi bỏ lớp mặt nạ để đưa cuộc sống của chúng tôi trở lại chân lý của bản thể. Cộng đoàn các nữ tu dần dần trở thành một đại gia đình mà tất cả những người xung quanh chúng tôi và sống với chúng tôi đều bước vào: các bệnh nhân “AIDS”, các y tá, nhân viên trợ giúp, (trong số đó có một vài tù nhân theo chế độ bán tự do), tình nguyện viên, bạn bè ở mọi lứa tuổi, tầng lớp xã hội, tôn giáo hoặc đảng phái chính trị. Sự phức tạp của các vấn đề khiến chúng tôi phải suy nghĩ và làm việc cùng nhau, liên tục tranh luận với nhau, xác minh những định hướng, mong muốn, nghi ngờ và hy vọng …

Một mối quan hệ tình cảm sâu sắc và gắn bó

Chúng tôi đã học được ý nghĩa của việc chăm sóc tha nhân, mỗi ngày, mọi ngày, cho đến giây phút cuối cùng của cuộc đời, thông qua những việc đơn giản nhất hàng ngày: chăm sóc người ấy, dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn, ủi quần áo, chăm sóc thể xác và chăm sóc tâm hồn bị tổn thương. Không chỉ là sự chuyên nghiệp và năng lực, nhưng trên hết là một mối quan hệ tình cảm sâu sắc và gắn bó.

“Giáo hội nghèo ở với người nghèo”

Tôi phải nói lời CẢM ƠN đến tất cả những người đã cùng tôi sống cuộc phiêu lưu nhân đạo này và đặc biệt cảm ơn Đức ông Luigi di Liegro, người anh và người bạn đích thực trong Chúa, dụng cụ can đảm trong tay Thiên Chúa, người đã tạo nên trải nghiệm khó quên này về “Giáo hội nghèo ở với người nghèo”. Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ vui biết bao nếu ngài gặp cha Luigi và cha Luigi sẽ nhận được niềm vui và sự an ủi biết bao từ ngài.

(Chứng từ của sơ Gianna Raumer)

Valentina Angelucci

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *