Kinh Truyền Tin với ĐTC 17.07.2022: Tín hữu mỗi ngày đọc một đoạn Phúc Âm ngắn

Pope Francis: Time with the Word of God keeps our efforts from being 'sterile activism' | Catholic News Agency

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin với các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô Chúa Nhật 17/7/2022, Đức Thánh Cha nói rằng Lời Chúa đụng chạm và định hình cuộc sống, biến đổi và giải phóng nó khỏi bóng tối của sự ác, đặc biệt là làm cho cuộc sống tràn đầy và mang lại niềm vui không bao giờ tan biến, và mời gọi các tín hữu trong mùa hè dành thời gian để đọc Phúc Âm; mỗi ngày hãy đọc một đoạn Phúc Âm ngắn và bắt đầu ngày sống với lời của Chúa, để lời đó hướng dẫn mình.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, dựa trên bài Phúc Âm Chúa Nhật XVI Quanh năm, Đức Thánh Cha giải thích “phần tốt nhất” mà Maria đã chọn, đó là lắng nghe Lời Chúa. Lắng nghe Lời Chúa là “phần tốt nhất” bởi vì Lời Chúa đụng chạm và định hình cuộc sống, biến đổi và giải phóng nó khỏi bóng tối của sự ác, đặc biệt là làm cho cuộc sống tràn đầy và mang lại niềm vui không bao giờ tan biến.

Không chối bỏ giá trị của sự dấn thân cụ thể, nhưng Đức Thánh Cha nhắc rằng việc làm phải được soi sáng bởi Lời của Chúa, nếu không chúng ta sẽ bị lo lắng bận tâm và trở thành duy hoạt động nhưng thiếu đời sống thiêng liêng. Do đó, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu trong mùa hè dành thời gian để đọc và suy niệm Phúc Âm; mỗi ngày hãy đọc một đoạn Phúc Âm ngắn và bắt đầu ngày sống với lời của Chúa, để lời đó hướng dẫn chúng ta thực hiện ý Chúa.

Bài huấn dụ của Đức Thánh Cha

Tin Mừng của Phụng vụ Chúa Nhật hôm nay trình bày cho chúng ta một khung cảnh gia đình sống động, với Mácta và Maria, hai chị em đã đón tiếp Chúa Giêsu tại nhà của họ (x. Lc 10,38-42). Mácta ngay lập tức chuẩn bị chào đón các vị khách, trong khi Maria ngồi dưới chân Chúa Giêsu để lắng nghe Người. Sau đó, Mácta quay sang Thầy và yêu cầu Người bảo Maria giúp cô.

Lời phàn nàn của Mácta có vẻ không đúng chỗ; thực tế thì chúng ta cảm thấy đồng ý với cô ta. Tuy nhiên, Chúa Giêsu trả lời cô: “Mácta, Mácta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi” (Lc 10,41-42). Đó là một câu trả lời gây ngạc nhiên. Nhưng Chúa Giêsu đã nhiều lần đảo ngược cách suy nghĩ của chúng ta. Vậy chúng ta hãy tự hỏi tại sao Chúa, trong khi đánh giá cao sự chăm sóc quảng đại của Mácta, lại khẳng định rằng thái độ của Maria được Người yêu thích hơn.

“Phần tốt nhất” – lắng nghe lời Chúa

“Triết lý” của Mácta dường như là thế này: trước hết là nghĩa vụ, sau đó mới là niềm vui. Trên thực tế, lòng hiếu khách không phải là những lời hoa mỹ, nhưng nó đòi hỏi người ta phải xắn tay vào bếp, làm mọi thứ cần thiết để khách cảm thấy được chào đón. Chúa Giêsu biết rất rõ điều này. Và quả thực, Người ghi nhận sự vất vả chịu khó của Mácta. Tuy nhiên, Người muốn giúp cô hiểu rằng có một thứ tự ưu tiên mới, khác với thứ tự mà cô đã theo cho đến lúc đó.

Maria đã trực giác rằng có một “phần tốt nhất” cần phải được đặt ở vị trí đầu tiên. Mọi thứ khác sẽ đến sau, giống như một dòng suối phát xuất từ nguồn mạch. Và “phần tốt hơn” này là gì? Đó là lắng nghe lời Chúa Giêsu. Phúc âm nói: Maria “ngồi bên chân Chúa Giêsu và lắng nghe lời Người” (câu 39). Chúng ta hãy lưu ý: Maria không lắng nghe khi đang đứng, đang làm việc khác, nhưng cô ngồi bên chân Chúa Giêsu. Cô hiểu rằng Người không phải là một vị khách giống như những vị khác. Thoạt nhìn, có vẻ như Người đến để đón nhận, bởi vì Người cần thức ăn và chỗ ở. Trên thực tế, vị Thầy đã đến để hiến mình cho chúng ta qua lời của Người.

Việc làm phải được Lời Chúa soi sáng

Lời của Chúa Giêsu không trừu tượng; đó là một giáo huấn chạm đến và định hình cuộc sống, thay đổi nó, giải phóng nó khỏi bóng tối của sự ác, làm cho nó được tràn đầy và truyền cho nó một niềm vui không thể tan biến: lời Chúa Giêsu là phần tốt nhất, điều mà Maria đã lắng nghe. Vì vậy, Maria dành cho nó vị trí đầu tiên: cô dừng lại và lắng nghe. Những điều khác sẽ đến sau.

Điều này không làm mất đi giá trị của nỗ lực thực hành, nhưng việc thực hành này không được đi trước, nhưng là bắt nguồn từ việc lắng nghe lời Chúa Giêsu, phải được Thánh Linh của Người linh hứng. Nếu không, nó sẽ trở thành sự quấy rầy và lo lắng về nhiều thứ, một thứ chủ nghĩa duy hoạt động không có ích lợi.

Tôi có tìm sự soi sáng của Chúa khi bắt đầu ngày mới không?

Thưa anh chị em, chúng ta hãy tận dụng kỳ nghỉ hè này, để dừng lại và lắng nghe Chúa Giêsu. Ngày nay, ngày càng khó tìm được thời gian rảnh rỗi để suy niệm. Đối với nhiều người, nhịp sống điên cuồng và mệt mỏi. Khoảng thời gian mùa hè cũng có thể quý giá để mở và đọc Phúc Âm một cách chậm rãi, không vội vàng. Mỗi ngày một đoạn, một đoạn Phúc Âm ngắn.

Chúng ta hãy để cho mình được chất vấn bởi những trang sách đó, tự hỏi xem cuộc sống của chúng ta đang diễn tiến như thế nào, nó có theo những gì Chúa Giêsu nói không. Đặc biệt, chúng ta hãy tự hỏi: khi bắt đầu ngày mới, tôi có cắm đầu vào những việc phải làm, hay trước tiên tôi tìm kiếm sự soi dẫn nơi Lời Chúa? Nhiều lần chúng ta bắt đầu ngày sống cách máy móc. Không. Chúng ta phải bắt đầu ngày sống, trước hết, bằng việc ngắm nhìn Chúa, nhận lấy Lời Chúa, ngắn thôi, nhưng là nguồn linh hứng cho ngày sống. Nếu chúng ta ra khỏi nhà vào buổi sáng với một lời của Chúa Giêsu trong tâm trí, thì bầu khí của ngày đó sẽ được đánh dấu bởi lời đó, lời có khả năng hướng dẫn hành động của chúng ta theo ý muốn của Chúa.

Xin Đức Trinh Nữ Maria dạy chúng ta chọn phần tốt nhất, phần sẽ không bao giờ bị tước khỏi chúng ta.

Cuộc viếng thăm Canada là cuộc hành hương thống hối

Sau khi đọc kinh Truyền Tin vào trưa Chúa Nhật 17/7/2022, Đức Thánh Cha thông báo rằng Chúa Nhật tới ngài sẽ lên đường đi Canada. Ngỏ lời với người dân Canada, Đức Thánh Cha nói đó là cuộc hành hương thống hối, để gặp gỡ và ôm lấy các dân tộc bản địa.

Đức Thánh Cha nói với các tín hữu Canada:

“Anh chị em Canada thân mến, như anh chị em biết, tôi sẽ nhân danh Chúa Giêsu đến giữa anh chị em để gặp gỡ và ôm lấy các dân tộc bản địa. Thật không may, ở Canada, nhiều Kitô hữu, bao gồm một số thành viên của các dòng tu, đã đóng góp vào các chính sách đồng hóa văn hóa, điều mà trong quá khứ, đã huỷ hoại nghiêm trọng các cộng đồng bản địa, theo nhiều cách khác nhau. Vì lý do này, gần đây tôi đã đón tiếp tại Vatican một số nhóm, đại diện của các dân tộc bản địa; tôi đã bày tỏ với họ nỗi đau và sự liên đới vì tội ác mà họ phải gánh chịu.”

Góp phần vào con đường chữa lành và hòa giải 

“Và bây giờ tôi chuẩn bị thực hiện một cuộc hành hương thống hối. Tôi hy vọng, với ân sủng của Thiên Chúa, nó sẽ góp phần vào con đường chữa lành và hòa giải đã được thực hiện. Tôi cảm ơn anh chị em vì tất cả các công việc chuẩn bị và vì sự chào đón mà anh chị em sẽ dành cho tôi. Xin cảm ơn tất cả! Và tôi xin anh chị em đồng hành với tôi bằng lời cầu nguyện.”

Tân Chân phước cha John Philip Jeningen

Đức Thánh Cha cũng đã nhắc đến lễ tuyên phong chân phước cha John Philip Jeningen, dòng Tên, được cử hành hôm thứ Bảy 16/7/2022 tại Ellwangen bên Đức. Chân phước đã thực hiện sứ vụ giữa những người dân nông thôn của Công quốc Württemberg. Là người loan báo Tin Mừng không mệt mỏi, ngài đã tiếp cận mọi người thuộc mọi tầng lớp xã hội, nhờ tinh thần tông đồ cao cả và lòng sùng kính Đức Mẹ đặc biệt. Đức Thánh Cha nói: “Chớ gì gương sáng và lời cầu bầu của vị linh mục này giúp chúng ta cảm nhận được niềm vui khi được chia sẻ Tin Mừng với anh chị em mình.” Ngài mời gọi tín hữu vỗ tay chúc mừng Tân Chân phước!

Gần gũi với người dân Sri Lanka

Tiếp đến Đức Thánh Cha bày tỏ sự gần gũi của mình với người dân Sri Lanka. Ngài nói: “Anh chị em thân mến, tôi hiệp với các bạn trong lời cầu nguyện và tôi kêu gọi tất cả các bên tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng hiện nay, đặc biệt, vì những người nghèo nhất, trong khi tôn trọng quyền của tất cả mọi người. Tôi hiệp cùng các nhà lãnh đạo tôn giáo khẩn cầu mọi người kiềm chế mọi hình thức bạo lực và bắt đầu một quá trình đối thoại vì lợi ích chung.”

Gần gũi với dân tộc Ucraina

Một lần nữa, Đức Thánh Cha nói rằng ngài luôn gần gũi với dân tộc Ucraina bị giày xéo, bị tấn công mỗi ngày bởi một trận mưa tên lửa. Ngài nói: “Làm sao chúng ta có thể không hiểu rằng chiến tranh chỉ tạo ra sự hủy diệt và chết chóc, khiến cho các dân tộc xa cách, huỷ diệt sự thật và đối thoại? Tôi cầu nguyện và hy vọng rằng tất cả các nhà hoạt động quốc tế sẽ thực sự làm việc để nối lại các cuộc đàm phán, không để nuôi dưỡng chiến tranh vô nghĩa.”

Hồng Thủy – Vatican News

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *