Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19
Năm 2016:
NL: CHÚA DẪN CON
ĐC: HÃY CHIẾU SOI
DL: XIN HIỆP DÂNG
HL: LẠY CHÚA, XIN ĐỒNG HÀNH
KL: MẸ ĐẸP TƯƠI
Năm 2019:
Năm 2022:
NL: TỪ SỚM MAI
ĐC: HÃY CHIẾU SOI
DL: KHI CUỘC ĐỜI LÀ CỦA LỄ
HL: ĐƯỜNG CHÂN LÝ
KL: NHÂN CHỨNG PHÚC ÂM
Lời Chúa: Kn 9,13-18b; Plm 1,9b-10.12-17; Lc 14, 25-33
Bài đọc 1: Kn 9,13-18
Bài trích sách Khôn ngoan.
Lạy Chúa, nào có ai biết được ý định của Thiên Chúa ?
Nào có ai hiểu được Đức Chúa muốn điều chi ?
Chúng con vốn là loài phải chết,
tư tưởng không sâu, lý luận không vững.
Quả vậy, thân xác dễ hư nát này khiến linh hồn ra nặng,
cái vỏ bằng đất này làm tinh thần trĩu xuống
vì lo nghĩ trăm bề.
Những gì thuộc hạ giới,
chúng con đã khó mà hình dung nổi,
những điều vừa tầm tay,
đã phải nhọc công mới khám phá được,
thì những gì thuộc thượng giới,
có ai dò thấu nổi hay chăng ?
Ý định của Chúa, nào ai biết được, nếu tự chốn cao vời,
chính Ngài chẳng ban Đức Khôn Ngoan,
chẳng gửi thần khí thánh ?
Chính vì thế mà đường lối người phàm
được sửa lại cho thẳng,
cũng vì thế mà con người được dạy cho biết
những điều đẹp lòng Ngài,
và nhờ Đức Khôn Ngoan mà được cứu độ.
Bài đọc 2: Plm 9b-10.12-17
Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi ông Phi-lê-môn.
Anh Phi-lê-môn thân mến, tôi, Phao-lô, một người đã già và hơn nữa, một người đang bị tù vì Đức Ki-tô Giê-su, tôi van xin anh cho đứa con của tôi, đứa con tôi đã sinh ra trong cảnh xiềng xích, đó là Ô-nê-xi-mô, tôi xin gửi nó về cho anh ; xin anh hãy đón nhận nó như người ruột thịt của tôi. Phần tôi, tôi cũng muốn giữ nó ở lại với tôi, để nó thay anh mà phục vụ tôi trong khi tôi bị xiềng xích vì Tin Mừng. Nhưng tôi chẳng muốn làm gì mà không có sự chấp thuận của anh, kẻo việc nghĩa anh làm có vẻ miễn cưỡng, chứ không phải tự nguyện. Nó đã xa anh một thời gian, có lẽ chính là để anh được lại nó vĩnh viễn, không phải được lại một người nô lệ, nhưng thay vì một người nô lệ, thì được một người anh em rất thân mến ; đối với tôi đã vậy, phương chi đối với anh lại càng thân mến hơn biết mấy, cả về tình người cũng như về tình anh em trong Chúa. Vậy, nếu anh coi tôi là bạn đồng đạo, thì xin anh hãy đón nhận nó như đón nhận chính tôi.
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca (Lc 14, 25-33)
26 “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được. 27 Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được.
28 “Quả thế, ai trong anh em muốn xây một cây tháp, mà trước tiên lại không ngồi xuống tính toán phí tổn, xem mình có hoàn thành nổi không ? 29 Kẻo lỡ ra, đặt móng rồi, lại không có khả năng làm xong, thì mọi người thấy vậy sẽ lên tiếng chế diễu mà bảo : 30 ‘Anh ta đã khởi công xây, nhưng chẳng có sức làm cho xong việc.’ 31 Hoặc có vua nào đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên lại không ngồi xuống bàn tính xem mình có thể đem một vạn quân ra, đương đầu với đối phương dẫn hai vạn quân tiến đánh mình chăng ? 32 Nếu không đủ sức, thì khi đối phương còn ở xa, ắt nhà vua đã phải sai sứ đi cầu hoà. 33 Cũng vậy, ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được.”
Hãy bác ái với chính hồn con!
Phúc thay! Tuần này chúng ta được đọc những khúc siêu phẩm trong bản trường ca Thánh Kinh, nói về phận người và nói về cách chọn lựa cho thắng phận người. Lời Kinh sau đây thật thâm thúy, diễn tả sâu sắc thân phận con người.
“Chúng con vốn là loài phải chết,
tư tưởng không sâu, lý luận không vững.
Quả vậy, thân xác dễ hư nát này khiến linh hồn ra nặng,
cái vỏ bằng đất này làm tinh thần trĩu xuống
vì lo nghĩ trăm bề.”
Những ai hướng về chân lý, tin vào ơn cứu độ của Chúa Giê-su, họ sẽ nhận biết mình ít ra cũng sống được phần nào lời Thánh Kinh dạy ở trên. Hay ít nữa cũng xin ơn biết mình để được sống khiêm hạ trước Chúa. Vì xác thịt nặng nề là bản chất của con người “Vì tinh thần thì hăng say, nhưng thể xác lại yếu hèn.” (Mt 26,41b), đòi buộc chúng ta phải có những cố gắng vượt lên tự nhiên mới tiến bước trên hành trình nhân đức được.
Còn câu Kinh “Chúng con vốn là loài phải chết”, một chân lý mang tính tuyệt đối với tất cả mọi phàm nhân. Nói cách khác đi, không chỉ không ai có thể sống mãi với thời gian nơi cõi thế, mà còn vạch trần rằng phận con người rất đỗi mong manh và thật ngắn ngủi. Cái chết đến quá bất ngờ với mọi người, không thể níu kéo hay tránh né. Cũng đồng nghĩa mọi thứ tranh giành, thu góp, được thua, yêu ghét, thương hận ở đời đều có ngày bất chợt phải buông tay trả lại cho đời. Mọi thứ mình có đều về tay kẻ khác, không thoát khỏi quy luật tự nhiên “Ông Cô-he-lét nói :
“Phù vân, quả là phù vân, mọi sự đều là phù vân cả !” (Gv 12,8)
Đối với thế nhân không tin vào Thiên Chúa, cái chết là một điều bế tắc khủng khiếp. Nó cướp đi mọi sự mà linh hồn theo đuổi, kiếm tìm, tích lũy… bỏ lại vô vàn nuối tiếc đến rất đỗi thương đau. Cái chết giống như miệng vực thẳm ân sủng hoang tàn, ghê rợn nuốt chửng một kiếp người, dìm sâu vào vô vọng kẻ sống lẫn người chết. Tựa bóng tối mịt mù dày đặc cuốn lấy và giam giữ hồn tội nhân trong nỗi tuyệt vọng chấm dứt đời người, sau cái chết chỉ còn một nỗi hãi hùng kinh khiếp. Mấy chữ “là loài phải chết” đóng ấn linh thiêng vào tâm thức của mọi con người.
“Tư tưởng không sâu, lý luận không vững”, nói lên một thực trạng sâu sắc về sự bất toàn, tăm tối của phận người. Không ai là không từng cảm nhận về chính mình “Ai nên khôn mà không dại đôi lần?” (Tố Hữu) Hay như ai đó đã nói “Sáu mươi năm cuộc đời có sáu mươi cái ngu lớn, mà chẳng có ngu nào giống cái ngu nào!” Chua chát thay, mấy ai không thích điều hoàn thiện, không ham muốn được vẹn toàn để hạnh phúc?! Thế nhưng mãi không tìm thấy sự hoàn thiện nơi bản thân mình, nơi cuộc sống; lại càng không tìm đâu được hạnh phúc tròn đầy và miên viễn trong thế gian. Biết bao người cho rằng mình đúng nên lên tiếng chống đối Thiên Chúa, khinh bác mầu nhiệm, chối bỏ chân lý… Họ đâu biết rằng: trí họ không đủ sáng để nhận ra, tâm họ chẳng minh bạch để khám phá phận người. Bởi vậy thánh sử mới được linh ứng viết lời Kinh
“Những gì thuộc hạ giới,
chúng con đã khó mà hình dung nổi,
những điều vừa tầm tay,
đã phải nhọc công mới khám phá được,
thì những gì thuộc thượng giới,
có ai dò thấu nổi hay chăng ?”
Con người vốn là thế! Vậy con người có gì đáng để được Thiên Chúa trân trọng và thưởng công? Đây chính là điều bài đọc hai chủ ý dạy chúng ta. Lần này, qua bài đọc, chúng ta có cơ hội chiêm ngưỡng thánh Phao-lô sống đức ái. Một Tông Đồ cột trụ của Hội Thánh, một vị Giám Mục cao trọng, thánh thiện, hạ mình xin con chiên mình yêu thương, tha thứ cho một người nô lệ bỏ trốn. Thánh Phao-lô không hổ danh là vị tông đồ của dân ngoại, ngài cư xử rất đẹp với người cao trọng cũng như người hèn mọn nhất. Vừa tôn trọng người tín đồ Phi-lê-môn thế giá, vừa dùng đạo lý yêu thương giúp cho Phi-lê-môn nhận ra giá trị người con Chúa của Ô-nê-xi-mô, một tân tòng. Bài học dẫn ta đến đời sống thực tế, một gương mẫu để sống đức ái và xóa bỏ nạn kỳ thị chủng tộc, giai cấp. Hay những ranh giới thiển cận mà con người đặt ra cho nhau, rồi vì đó mà chia rẽ nhau, đi đến hận thù, ghen ghét, chiến tranh.
Hai nền tảng tâm linh: khiêm hạ nhận biết phận người trước Chúa, và sống đức ái hết tình với anh em. Xây dựng cho ta đủ sức mạnh tâm linh để sống đòi hỏi của Tin Mừng, từ lời Phúc Âm của thánh Lu-ca hôm nay “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được.
Một đòi hỏi quyết liệt quá! Trái ngược quá với luân thường đạo lý vốn có ở con người, và cả với tính tự nhiên. Một tuyên bố gần như bất khả thi, có phải vậy không?
Khoan! Chúng ta đừng vội kết luận.
Những lời trên vừa mang ý nghĩa truyền đạt hơn một khẳng quyết đường hướng đức tin, một mệnh lệnh, một lời hướng dẫn chỉ dạy, một lời khuyên, một lời thử thách cho người muốn đạt tới đỉnh cao sự công chính, và là một thách đố cho kẻ cứng lòng. Để dẫn đưa con người không chỉ vươn tới sự sống hạnh phúc đời đời, mà còn chiếm hữu được vinh quang bất tận bởi đã được thông phần viên mãn vào bản tính siêu phàm của Thiên Chúa.
Ta hãy từng bước tìm xem những ý nghĩa cao diệu này, những giá trị đáng trân trọng, có khi còn hơn cả những thâm tình thiêng liêng quý báu nhất trong đời sống tự nhiên của con người. Câu Kinh “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được.” Mới đọc qua, chúng ta thấy thật khó thi hành, thật nặng nề, nếu thực hiện sẽ phải hy sinh rất lớn những tình cảm cốt nhục vốn được luân lý đạo đức rất trân trọng. Được cho là hợp pháp và thiêng liêng cao quý, bởi ngay cả trong mười giới răn của Đức Chúa, việc thảo kính cha mẹ cũng được xếp vào khoản luật thứ tư, nếu không thi hành sẽ bị buộc thành tội. Vậy mà Chúa Giê-su đòi hỏi phải “dứt bỏ”, như thế có nghĩa gì đây? Thật ra lời Kinh này phải được hiểu rộng và ứng dụng theo từng ơn gọi khác nhau. Bình thường, phần lớn Chúa không hề đòi hỏi phải “dứt bỏ” mà là ý thức: không được xem tương quan với bất cứ thụ tạo nào cao trọng hơn, quý giá hơn, cần thiết hơn tương quan với Chúa. Trên hành trình đi về với Chúa chỉ cần linh hồn ý thức được mà siêu thoát tình thụ tạo là đẹp lòng Chúa rồi. Còn lại một số rất ít người, có ơn gọi thật đặc biệt cho những sứ mạng lớn lao, Chúa đòi hỏi họ phải quyết liệt chọn lựa cách dứt khoát giữa Chúa với những mối tương quan khác.
Bây giờ chúng ta tìm xem cụ thể hơn tại sao Chúa Giê-su lại mạnh lời đến thế. Nhóm từ “Ai đến với tôi”, có ý nghĩa gì?
Đối với những người chưa có đức tin, thì đòi hỏi này của Chúa Giê-su thật vô lý hết sức. Người là ai, là gì mà dám đòi hỏi như thế?! Nhưng với người đã tin Chúa Giê-su là Thiên Chúa Nhập Thể, từng đến trong lịch sử con người để thực hiện công cuộc cứu độ nhân loại. Và Người đã chết thật đau thương trên thập giá, rồi sống lại hầu cứu chuộc muôn loài. Thì “đến với tôi” là đến với Đấng Tạo Hóa – Đấng làm chủ sự sống và sự chết, đến với vị Đại Ân Nhân, đến với cội nguồn Tình Yêu và Hạnh Phúc, đến với Vinh Quang và Bất Biến vĩnh hằng. Đến như thế là vạn phần vinh phúc, không những không mất đi cha mẹ, anh chị em… mà còn có thể cứu giúp họ, tìm lại được những người thân yêu của mình trong Thiên Chúa. Vì chẳng qua, đòi hỏi từ bỏ này của Chúa Giê-su là để linh hồn đạt tới chỗ “kính mến Chúa trên hết mọi sự”. Tóm lại, đòi hỏi ấy chẳng qua là một cuộc thử thách đức tin, một bí quyết giúp con người đạt tới sự hoàn thiện như Chúa muốn. Đồng nghĩa giúp con người được thông phần trọn vẹn vào bản tính Thiên Chúa, sống hoàn hảo đời sống thần linh ngay khi còn tại thế.
Còn câu “Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được.” cho ta ý nghĩa rõ ràng: làm môn đệ của Chúa Giê-su không phải ở phục vụ, làm việc bác ái, rao giảng, hay sống đời tu trì. Mà phải làm những công việc ấy trong tinh thần “vác thập giá mình mà đi theo Chúa” mới trở nên môn đệ đích thực. Đây là điều hay bị nhầm lẫn và lãng quên trong thời đại của chúng ta. Chúng ta có tin Chúa đấy! Tin nên mới bước vào hoạt động tông đồ, tìm sống đời tu, làm nhiều việc mang danh nghĩa Chúa. Nhưng lại hữu ý hay vô tình vẫn tìm mình, sống cho mình, xây dựng vinh quang thế tục cho bản thân còn đầy tự ái và tinh thần vụ lợi trong lúc phụng sự Nước Chúa. Bởi thế, Chúa Giê-su dạy chúng ta bài học thâm sâu này. Dù chẳng làm chi cả trước mắt người đời, nhưng luôn sẵn sàng chia sẻ đau khổ, sỉ nhục, bắt bớ, bách hại, hiểu lầm, hy sinh nhiều vì Chúa, với Chúa… cũng đã là môn đệ đích thực của Người. Một bệnh nhân trên giường bệnh có làm được gì cho ai đâu, có khi còn cần người phục vụ giúp mình nữa. Nhưng nếu có khát khao chịu đau khổ, chia sẻ bệnh tật với Chúa, họ cũng trở thành kho tàng công nghiệp của Hội Thánh, như một vị Giáo Hoàng (Pi-ô X)) đã nói.
A! Chúa Giê-su lại dạy thêm một điều mà với não trạng tự nhiên thì thật là nghịch lý. Người dạy “phải khôn ngoan, biết tính toán trước” để không bỏ lỡ công việc dự định sẽ làm kẻo mất danh tiếng và hư sự nghiệp. Nhưng để trở thành môn đệ Chúa lại bằng cách “từ bỏ mọi sự”. Thật lạ lùng thay!
Không! Không lạ lùng đâu! Đây chính là sự khôn ngoan thần khí, nói cách khác là sự điên dại mang chiều kích thần linh. Sự điên dại còn khôn ngoan hơn tất cả mọi khôn ngoan của con cái loài người “Vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người.” (1Cr 1,25) Chúa Giê-su đang muốn dẫn chúng ta, con cái của Nước Trời vào sự khôn ngoan trong đức tin. Biết sống tinh thần mà thánh Phao-lô từng cảm nghiệm “Song những gì thế gian cho là điên dại, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ khôn ngoan, và những gì thế gian cho là yếu kém, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh; những gì thế gian cho là hèn mạt không đáng kể, là không có, thì Thiên Chúa đã chọn để huỷ diệt những gì hiện có, hầu không một phàm nhân nào dám tự phụ trước mặt Người.” (1Cr 1,27-28) Sống những tiêu chuẩn để trở thành môn đệ Chúa, tức là những người có Chúa Ki-tô ở với họ. Mà có Chúa là có tất cả, có đến chan chứa dư tràn và thỏa thuê hạnh phúc.
Tình Yêu Hoa Cỏ
Từ Bỏ
Mở đầu bài đọc I hôm nay, sách Khôn Ngoan cho thấy đường lối Chúa khác tư tưởng loài người: “Lạy Chúa, nào có ai biết được ý định của Thiên Chúa? Nào có ai hiểu được Đức Chúa muốn điều chi? Chúng con vốn là loài phải chết, tư tưởng không sâu, lý luận không vững.” (Kn 9, 13-14). Vâng, đường lối của Thiên Chúa thì khác xa tư tưởng của loài người. Đòi hỏi của Thiên Chúa thì không như sở thích của con người. Người ta mong ấm no hạnh phúc, hưởng thụ dễ dãi, Đức Giêsu bảo phải chui vào con đường hẹp khó đi. Bình thường người ta yêu kẻ yêu và sống tốt với kẻ yêu mình thôi, đằng này Người dạy phải yêu cả kẻ ghét mình. Giữa đám đông nườm nượp đang đi cùng, Người quay lại bảo họ: “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được. Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi.” (Lc 14, 26-27). Phải yêu Thầy hơn cha mẹ, anh em, cứ nhìn người đi tu thì rõ. Thế là người tin kẻ không tin, người chấp nhận kẻ chống đối, người theo kẻ chạy, bất đồng chia rẽ đối nghịch nhau thì khác gì có chiến tranh với chuyện kẻ thù, dù là sống trong một mái nhà với nhau.
“Cũng vậy, ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được”. (Lc 14, 33). Trong khi trào lưu xã hội luôn cổ võ lối sống hưởng thụ cá nhân, thì người môn đệ phải từ bỏ mọi sự và vác thập giá theo Chúa. Một khi đã tìm thấy kho báu thì sẵn sàng đánh đổi, tình nguyện chịu thua thiệt mọi sự. Vì“ngày đó Chúa sẽ đền bù gấp trăm nghìn lần những thiệt thòi hôm qua hôm nay, và ngày đó Chúa sẽ đền bù gấp trăm nghìn lần những thiệt thòi hôm nay tương lai”. Sách Khôn ngoan cũng dạy ta chọn lựa để đánh đổi, từ bỏ những gì thuộc hạ giới, bởi vì: “thân xác dễ hư nát này khiến linh hồn ra nặng, cái vỏ bằng đất này làm tinh thần trĩu xuống, vì lo nghĩ trăm bề”. (Kn 9, 15).
Người môn đệ còn phải đón tiếp, yêu thương mọi anh em, người lớn cũng như kẻ nhỏ, hết tình yêu thương giúp đỡ người nghèo khó bệnh tật… Người quả quyết rằng “người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.” Sống “đẹp” dưới ánh mắt của Chúa mà thực hành chỉ thị huấn lệnh sẽ được trả cho cân xứng những việc mình làm. Sống đẹp theo huấn lệnh thì đẹp lòng Thiên Chúa, tâm tư luôn hạnh phúc bình an dù sống giữa “chiến tranh” đối nghịch của thế trần. Nếu sống ngược với chỉ thị của Người thì cuộc sống dù xem như hạnh phúc mà chẳng có bình an thực sự trong tâm hồn.
Chúa ơi! ngày nay được sống trong sự Hiện Diện của Chúa, chúng con luôn an bình thư thái trong ánh mắt yêu thương âu yếm dõi nhìn của Chúa. Chúng con vui, buồn, sướng khổ hay phải gắng sức lội ngược dòng có Chúa cùng phấn đấu, hay có sao nhãng lang thang thì Chúa vẫn nhìn và không ngừng yêu thương chăm sóc từng giây. Xin đừng để chúng con dại dột xa rời Vòng Tay yêu thương ấy. Dẫu đời hiện tại chúng con có nhỏ bé âm thầm thì nó vẫn có giá trị, ý nghĩa lớn lao trong Con Tim Yêu của Ngài.
Én Nhỏ
Từ bỏ chính mình để vác thập giá mình mà theo Chúa
1- Ghi nhớ:“Ai không từ bỏ tất cả của cải mình có, thì không thể làm môn đệ Ta.” (Lc 14, 27)
2- Suy niệm:
Theo thuyết tiến hóa của nhà sinh vật học người Anh là ông Chirles Darlim, ông cho rằng sinh vật bắt đầu chỉ là những đơn bào, sau đó phát triển cao hơn thành sinh vật đa bào. Sự phát triển lần lượt đi từ đơn giản đến phức tạp, rồi theo thời gian, trong thế giới tự nhiên để cạnh tranh sinh tồn, sinh vật phải phát triển tối ưu những gì tốt đẹp, đồng thời phải triệt tiêu đi những gì khiếm khuyết bất lợi.
Có thể giải thích nôm na như sau: để tồn tại và phát triển trong môi trường cạnh tranh khốc liệt, sinh vật sẽ tự rụng đi phần đuôi quá dài cho gọn gang hơn, bởi trước đó nó quá cồng kềnh, khiến sinh vật này chạy chậm gây bất lợi trong việc săn bắt mồi cũng như chạy trốn khi bị kẻ khác tấn công.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta nếu muốn làm môn đệ của Chúa, nghĩa là muốn nên thánh, thì phải biết từ bỏ những gì cản trở, đồng thời phải nhận lấy thập giá mình mà vác theo Chúa. Từ bỏ ở đây là từ bỏ đi “cái tôi” của mình và những điều gì không hợp ý Chúa, từ bỏ đi tính kiêu căng, lòng ích kỷ, thói tham lam, tính mê nết xấu trong con người của mình, đồng thời phải biết mang vào mình thập giá như: chịu đựng những đau khổ, hoạn nạn, những bệnh tật trong cuộc sống… Còn phải biết nâng đỡ hỗ trợ anh chị em về tinh thần cũng như vật chất để họ sống tốt đẹp hơn. Nói tóm lại: người môn đệ của Chúa phải thực hiện một cách trọn vẹn đầy đủ bổn phận phụng thờ Thiên Chúa và yêu thương tha nhân như chính mình
3- Cầu nguyện :
Lạy Chúa! Xin ban Chúa thánh Thần đến với chúng con, để Ngài soi sáng, hướng dẫn giúp chúng con biết lựa chọn những điều đẹp lòng Chúa và ra sức thực hiện, ngõ hầu chúng con xứng đáng là môn đệ đích thực của Chúa. Amen.
4- Sống Lời Chúa :
Mỗi ngày chúng ta hãy cố gắng loại bỏ đi một tật xấu như kìm hãm lại không nói những điều không cần thiết làm ảnh hưởng đến mối tương giao với anh chị em đang sống chung quanh chúng ta.
ĐA MINH TRẦN VĂN CHÍNH
***
MỤC LỤC
- Trở thành môn đệ của Chúa – Dã Quỳ
- Cùng đi với Đức Giêsu – ViKiNi
- Theo và vác Thập Giá – Huệ Minh
- Độc thân
- Đòi hỏi của tình yêu – Thiên Phúc
- Như người tôi tớ
- Thập giá đời thường
- Suy niệm của ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
- Từ bỏ hết. – Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu
- Suy niệm của Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái
- Chọn lựa Thiên Chúa là duy nhất – An Phong
- Điều kiện theo Chúa
- Vác thập giá theo Chúa
- Hy sinh từ bỏ
- Từ bỏ – Lm. Giacôbê Phạm Văn Phượng, OP
- Để làm môn đệ Chúa – Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
- Tình yêu là động lực để đi theo Chúa Giêsu
1. Trở thành môn đệ của Chúa – Dã Quỳ
Con đường Chúa Giêsu đang đi là đường tiến về Giêrusalem, nơi cuộc tử nạn thập giá đang chờ Người. Trên con đường ấy, có nhiều người đang đi cùng với Chúa. Đi cùng nhưng có lẽ họ đã chưa thực sự theo và là môn đệ của Chúa! Vì thế, Chúa đã chỉ cho họ biết những điều kiện để trở thành môn đệ. Với mỗi người Kitô hữu, qua Phép Rửa, chúng ta cũng được mời gọi trở thành môn đệ của Chúa. Vậy ta cùng dừng lại để nghe những lời Chúa nhắn nhủ với chính chúng ta hôm nay.
– “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con. anh em, chị em và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được.”- Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta một sự từ bỏ trọn vẹn để gắn bó với Người cách triệt để. Thoạt nghe những lời này, ta cảm thấy như khó chấp nhận và không để thực hiện. Thế nhưng, chúng ta biết rõ rằng Chúa muốn chúng ta yêu thương những người thân của ta. Tình yêu con cái, tình yêu vợ chồng, tình huynh đệ, tình bạn bè… trong sáng đều được Chúa chúc lành và thánh hóa. Nhưng ở đây, Chúa muốn tình yêu chúng ta yêu Thiên Chúa phải là tình yêu lớn nhất, tình yêu vượt qua tất cả tình yêu khác và linh hoạt tất cả. Tình yêu dành cho Chúa là yêu hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực và hết trí khôn. Như trong Mười Giới Răn ta vẫn đọc “Thờ phượng một Đức Chúa Trời và kính mến Người trên hết mọi sự.”
Chúa Giêsu khẳng định ai muốn theo Chúa và trở thành môn đệ thì cần yêu mến Chúa hơn bất cứ ai khác, hơn cha mẹ, anh em, vợ chồng. Vì “Ai yêu cha, yêu mẹ hơn Thầy thì không xứng với Thầy.”(Mt 10,37) Khi yêu mến Chúa trên hết mọi sự, trái tim chúng ta sẽ rộng mở và rồi ta có thể yêu cha mẹ, anh em với một tình yêu phổ quát, không điều kiện, không biên giới, vô vị lợi chứ không phải chỉ là một tình cảm cỏn con ích kỷ và hẹp hòi!
Vì thế, để theo Chúa Giêsu, chúng ta cần yêu mến Chúa trên hết mọi sự và chọn một mình Chúa là Chủ, là Chúa của đời ta. Thách đố cho chúng ta, nhất là những bạn trẻ Kitô hữu, chúng ta đang sống trong một xã hội đề cao danh vọng, tiền tài… người ta đam mê những cầu thủ bóng đá, những minh tinh màn bạc hay ngôi sao ca nhạc…và xem họ là thần tượng đời mình! Vậy khi được hỏi: Bạn hâm mộ ai nhất? Yêu thích ai nhất? Mỗi người Kitô hữu chúng ta hãy mạnh dạn và thực lòng trả lời : Đó là Chúa Giêsu- Thần tượng của tôi, Đấng tôi hâm mộ, yêu mến nhất. Xin Chúa Thánh Thần trợ giúp và đổ đầy tình yêu của Người vào lòng chúng ta, để dẫu cho cuộc sống đầy dẫy những cám dỗ, khó khăn ngăn cản, ta vẫn một lòng yêu mến Chúa Giêsu và có thể vác thập giá đời mình theo Người.
– “Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được.”- Theo Chúa Giêsu, đòi ta trả một giá đắt; cần phải đầu tư không tiếc công sức và tâm trí; cần phải dấn thân trọn vẹn “Vác Thập giá mình”. Trong thời đại chúng ta, không còn thấy những cảnh vác thập giá trên đường, nhưng những thính giả của Chúa và những độc giả của thánh Luca thì đã chứng kiến tất cả cảnh những người bị kết án tử phải vác thập giá đến tận nơi người ta đóng đinh mình. Và Chúa Giêsu không quên điều đó vì Người đang trên đường lên Giêrusalem, ở đó, chính Người sẽ trao tặng cho chúng ta khung cảnh đau thương với thân xác tan nát vì roi đòn và thập giá trên vai vác đến tận nơi hành hình Người. Đó là con đường thập giá, con đường của dấn thân và tự hiến, con đường đánh bại tội lỗi, sự dữ và cái chết, con đường dẫn đến vinh quang Phục Sinh vinh hiển của Chúa.
Chúa Giêsu mời gọi chúng ta, những người Kitô hữu “Vác thập giá mình đi theo Chúa” với lòng trung tín đến cùng trong mọi hoàn cảnh diễn ra trong cuộc sống đời thường. Những đau khổ, khó khăn của cuộc sống Kitô hữu không làm chúng ta ngạc nhiên nữa. Không còn những chịu đựng nhăn nhó, miễn cưỡng…nhưng là nhìn ngắm và đón nhận đau khổ như một sự hiệp thông với Chúa Giêsu, như được tham dự với công trình cứu độ và như một “Bước theo Chúa”. Khi chúng ta biết đón nhận những đau khổ, bệnh tật, yếu đuối của bản thân, vất vả lao động, lo toan cho gia đình, …..với lòng quảng đại và tin tưởng, ta sẽ được tràn đầy bình an, hy vọng, vượt thắng được những sợ hãi, những bất công và chia rẽ trong cuộc đời.
Vác thập giá mình theo Chúa là chúng ta đi trên con đường riêng của Chúa Giêsu, con đường mang đến cho nhân loại ơn cứu độ. Khi đối mặt với gian nguy, đau khổ, sự dữ… đáp trả duy nhất của Kitô hữu là hy sinh hiến thân, là trao ban cả cuộc sống riêng, là yêu thương phục vụ. Chúng ta đừng trốn tránh hay quên đi thập giá đời mình nhưng hãy can đảm vác và bước đi trong vui tươi, hạnh phúc. Ta chọn theo Chúa, đón nhận những đau đớn như thập giá trên vai nhưng ta không khổ sở, vì chính thập giá là trường đào luyện ta trở thành môn đệ của Chúa. Chính Chúa Giêsu đã bước đi trên con đường thập giá và ai biết từ bỏ tất cả để đi theo Người, sẽ được tiến vào sự sống vinh quang. Hãy chiêm ngắm Chúa Giêsu, Đấng đi trước và chúng ta theo sau Chúa.
– “Ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được.”- Từ bỏ là khởi đầu cho một chọn lựa. Chọn lựa ấy đòi chúng ta suy tính và phải bền chí như hai việc Chúa đưa ra là xây dựng và chiến đấu. Theo Chúa, cần có sự suy nghĩ chín chắn. Phải “Ngồi xuống” để tính xem ta cần làm gì, chuẩn bị gì và phải từ bỏ những gì. Chúa muốn chúng ta là suy nghĩ để biết từ bỏ những gì không phù hợp với lối sống của người theo Chúa, chứ không phải tính toán thiệt hơn theo kiểu thế gian. Như thánh Phêrô, nhiều lúc ta cũng so đo với Chúa “Thầy coi, …chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy. Vậy chúng con sẽ được gì?” (Mt 19,27) Nhưng ta tin chắc vào phần thưởng mà Chúa Cha nhân lành sẽ ban cho chúng ta là sự sống đời đời làm gia nghiệp và được là con cái của Thiên Chúa tình yêu. Ước gì ta có thể xác tín như thánh Phaolô “Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giêsu-Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô.”( Pl 3,8)
Những gì Chúa Giêsu đòi hỏi chúng ta, chính Người đã thực hiện, đã sống và nêu gương cho ta. Chúa đã từ bỏ tất cả vinh quang và địa vị là Thiên Chúa để nhập thể, sống như con người. Chúa đã yêu thương nhân loại đến cùng, đã vác thập giá trong suốt hành trình làm người, đã xuống tận cùng nỗi khổ đau của con người và đã chết trên thập giá để cứu chúng ta. Tất cả chúng ta được mời gọi cách cá nhân trở thành môn đệ của Chúa và bước đi theo Người. Điều kiện để trở thành môn đệ của Chúa là “Yêu mến Người trên hết mọi sự, vác thập giá mình và từ bỏ hết những gì mình có”, không dễ thực hiện chút nào! Thế nhưng Chúa không đòi chúng ta thành công, mà Người chỉ mong ta cố gắng. Vậy chúng ta hãy đặt trọn niềm tin vào sức mạnh của Chúa Thánh Thần để rồi từng ngày, chúng ta có thể trở thành những Kitô hữu trung thành và những môn đệ tốt lành của Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã từ bỏ tất cả để nhập thể, nhập thế; đã vác thánh giá, Tử Nạn và Phục Sinh để cứu độ chúng con. Xin nâng đỡ và giúp sức cho chúng con dám từ bỏ những danh lợi thú thế gian mà can đảm vác thập giá bước theo Chúa. Amen.
2. Cùng đi với Đức Giêsu – ViKiNi
(Trích trong ‘Xây Nhà Trên Đá’ của Lm. Giuse Vũ Khắc Nghiêm)
Ở Giêrusalem, hàng năm cứ đến ngày thứ sáu tuần Thánh, từng đoàn người cùng với chủ chiên vác thập theo chính con đường Đức Giêsu đã vác thập giá lên núi Sọ chịu đóng đinh.
Ở Rôma cũng long trọng diễn ra cảnh Đức Giáo Hoàng cùng với đoàn tín hữu vác thập giá lên đồi Vaticanô vào ngày thứ sáu Tuần Thánh để thờ kính Thánh giá Đức Giêsu và những Thánh giá của thánh Phêrô, thánh Phaolô và hàng ngàn Thánh giá của các thánh tử đạo đã chịu đóng đinh suốt 300 năm thời Giáo hội sơ khai.
Ở Việt Nam chúng ta chưa thấy diễn ra cảnh vác Thánh giá như thế, chỉ thấy rước Thánh giá và viếng chặng đàng vào cuối thứ sáu Tuần Thánh. Phải chăng chúng ta chưa vác nổi thập giá mình đi theo Đức Giêsu chăng? Có lẽ chúng ta đi theo Người giống như đám đông đi theo Đức Giêsu xưa: “Họ cùng đi đường với Đức Giêsu đông lắm”. Nhưng, không cùng vác thập giá với Người, mà chỉ đi theo Người vì nhiều lý do lợi lộc, như được chữa khỏi bệnh tật, được ăn bánh hóa nhiều, mong được giải phóng nô lệ Rôma hay được địa vị sang trọng khi Người làm Vua, làm Đấng Cứu thế cai trị muôn dân. Vì thế, Người quay lại bảo họ: “Ai theo Tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ Tôi được”. “Ai không vác thập giá mình đi theo Tôi, thì không thể làm môn đệ Tôi được”. “Cũng vậy, ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ Tôi được”.
Vậy muốn cùng đi đường với Đức Giêsu chúng ta phải làm gì? Một là từ bỏ, hai là vác thập giá, ba là vâng ý Cha.
Một là từ bỏ: yêu cầu đầu tiên của Đức Giêsu là dứt bỏ mọi liên hệ gắn bó với mình, như: cha mẹ, vợ con, anh em và cả mạng sống mình, từ bỏ hết những gì mình có. Đức Giêsu là ai mà đòi hỏi họ phải gắn bó với chính Người hơn là cha mẹ, vợ con, và cả mạng sống mình? Chỉ có Thiên Chúa mới dám yêu cầu như thế, vì giới răn trọng nhất là “Ngươi phải yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn” (Dnl. 6, 5). Đức Giêsu cũng đòi buộc họ yêu mến Người như thế. Vậy Người đòi họ phải tin Người là Thiên Chúa. Khi họ tin Người là Thiên Chúa, thì yêu mến Người là làm cho tình yêu của họ được vươn lên tới tình yêu của Thiên Chúa: “Anh em hãy yêu nhau như Thầy yêu anh em”. Tình yêu của họ được tái sinh, được đổi mới, được siêu thăng, thành tình yêu thăng tiến, tình yêu thánh hóa, tình yêu siêu nhiên và tình yêu cứu độ vinh phúc muôn đời. Họ được giải thoát khỏi tình yêu phàm trần chỉ bám vào xác thịt bên ngoài, chỉ lo cho đời sống vật chất tạm bợ, chóng tàn. Loài người, dù vĩ đại như Khổng Tử cũng chỉ dậy: Hiếu có ba: đại hiếu tôn trọng cha mẹ, thứ đến không làm ô nhục, sau là nuôi dưỡng – “Hiếu hữu tam: Đại hiếu tôn thân. Kỳ thứ phất nhục. Kỳ hạ năng dưỡng” (lễ ký, tế nghĩa). Như vậy, yêu mến hiếu thảo cha mẹ vẫn còn trong vòng tình cảm loài người. Đức Giêsu đòi ta dứt bỏ thứ tình yêu tầm thường hạn hẹp đó, để vươn lên tình yêu như Thiên Chúa: Người đã yêu thương dựng nên ta, sống nên một với ta, mang lấy đau thương tật nguyền, tội lỗi và cả cái chết của ta, cho ta được sống và được sống dồi dào hạnh phúc vinh quang đời đời. Nhờ tình yêu như Thiên Chúa, Phaolô đã nhận Ônêximô làm con, làm anh em rất thân mến, chứ không còn là nô lệ nữa.
Hai là vác thập giá mình đi theo Ta. Thập giá Đức Giêsu là gì? Là hình khổ do người Hy Lạp và Rôma lập ra để phạt đóng đinh treo trên thập giá những kẻ nô lệ phạm tội và những kẻ trọng tội không phải công dân của Rôma. Đức Giêsu đã chịu cực hình đó như kẻ tử tội, khốn cùng, bị chúc dữ, ô nhục và chết đi để làm giá cứu chuộc muôn dân. Như vậy, Người đã biến khổ giá loài người thành Thánh giá, biến đau khổ thành hạnh phúc, biến chúc dữ thành chúc lành, biến ô nhục thành vinh quang, biến sự chết thành sự sống muôn đời; như Người đã biến thân nô lệ thành thân Đấng Cứu thế, biến những chum nước lã thành rượu ngon, biến bánh rượu vật chất thành Mình Máu thánh Người.
Thập giá chúng ta cũng là những cực khổ, những sự dữ, những xỉ nhục, những thử thách gian nan, những sự chết dần dần. Chúng ta phải biết hy sinh vác đi theo Chúa để Chúa biến đổi những khốn khổ đó thành giá cứu chuộc chúng ta và mọi người, như những giọt nước hòa tan trong rượu nho làm của lễ dâng lên Chúa.
Ông Simon đã vác thập giá mình theo Chúa. Xin cho mỗi người chúng con được vinh phúc như ông Simon.
Ba là sống theo Thánh ý Thiên Chúa: Đức Giêsu đã xin vâng ý Cha để từ bỏ địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, hạ mình xuống làm thân nô lệ, vâng lời Cha chịu chết trên Thánh giá. Người đã thực hiện ý Chúa Cha vì Chúa Cha đã thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài cho thế gian được sống và được sống phong phú, như vậy, lý do Người từ bỏ mình và vác Thánh giá là vâng ý Cha, để yêu mến Chúa Cha trọn vẹn và yêu thương loài người đến thí mạng sống. Chúng ta muốn cùng đi với Đức Giêsu, muốn vác thập giá mình đồng hành với Đức Giêsu, cũng phải vâng ý Cha như Đức Giêsu, vì ý của Thiên Chúa ban đức khôn ngoan của thượng giới cho chúng ta được cứu độ. Đó là nền tảng vững chắc để xây dựng nhà cho chúng ta ở vĩnh viễn trên trời. Đó là sức mạnh của chúng ta đi giao chiến với tướng quỷ để chúng ta chắc chắn chiến thắng.
Lạy Chúa, vinh dự của chúng con là thập giá Đức Kitô.
Tình yêu của chúng con là đồng hành với Đức Giêsu.
Lẽ sống của chúng con là làm theo Thánh ý Người.
3. Theo và vác Thập Giá – Huệ Minh
Lời Chúa như ngọn đèn pha soi tỏ sự thật về chúng ta. Tôi chưa thật sự là môn đệ của Chúa Giêsu, nếu cách này hay cách khác, tôi còn loay hoay tìm kiếm “những gì đó” cho mình dọc theo con đường tôi theo Chúa. “Những gì đó” có thể là tiền bạc, của cải vật chất, song cũng có thể là quyền lực, danh vọng, địa vị… Và tôi chưa thật sự là môn đệ của Chúa Giêsu, nếu người ta nhìn vào tôi và họ không tìm thấy một thập giá nào cả, mà có khi lại là những thứ đối nghịch với thập giá!
Trang Tin Mừng hôm nay phải được gọi theo thánh Phaolô là “sự điên rồ của Thiên Chúa”. Sự điên rồ đã thúc đẩy Chúa Giêsu đến độ hóa thân làm người và chết cho tất cả những người tội lỗi.
Những ai chọn theo Đức Kitô không còn có thể ở lại trong bình diện lí luận nữa, mà phải đi vào tình yêu. Và chỉ như thế chúng ta mới thể lắng nghe và đón nhận lời mời gọi của Đức Kitô hôm nay:
“Nếu ai muốn theo Thầy mà không yêu mến Thầy hơn cha, mẹ, vợ con và ngay cả cuộc sống riêng của mình thì không thể làm môn đệ Thầy”.
Nghe lời ấy, chúng ta rất dễ bị cám dỗ muốn so sánh Chúa Giêsu với một người độc tài áp đặt những đòi hỏi phi lí.
Chúa Giêsu nói với những ai muốn làm môn đệ Người. Người nói với quần chúng đông đảo, làm chứng Người muốn kêu gọi hết mọi người và muốn mọi người được hạnh phúc.
Do đó, Lời của Chúa Giêsu không dành riêng cho một nhóm người nào. Ðừng bảo những lời ấy chỉ có giá trị đối với người Do Thái đồng thời với Người. Cũng đừng nói ngày nay những lời ấy chỉ dành cho linh mục và tu sĩ. Chúa Giêsu nói với tất cả chúng ta ngày hôm nay. Người bảo: Muốn đến với Người và làm môn đệ của Người phải ghét cha mẹ, vợ con, anh chị em mình và cả mạng sống của mình nữa. Lại phải vác khổ giá mình mà đi sau Người. Và phải từ bỏ của cải mình đi hết thảy.
Dĩ nhiên Chúa chẳng vô lý đòi chúng ta bỗng dưng phải bỏ cha mẹ, bạn hữu, mạng sống và của cải. Con người ở đời phải có những sự ấy. Và nếu những sự ấy giúp chúng ta đến với Chúa và làm môn đệ của Người, thì có chi mà phải ghét bỏ? Nhưng khi mà những sự ấy trở thành chướng ngại vật cho chúng ta trên đường đi theo Chua, thì hôm nay Người bảo chúng ta phải dứt khoát lựa chọn: hoặc bỏ chúng để được Người, hoặc giữ chúng mà mất Người. Không có lối thoát nào khác. Không phải vì Chúa quá đòi hỏi; nhưng giữa ánh sáng và tối tăm, giữa tình yêu và hận thù, người ta phải lựa chọn.
Thế nên, tiếp theo Chúa bảo người ta phải suy nghĩ, cân nhắc. Như người muốn xây tháp, như vua sắp đi giao chiến, phải suy tính kỹ lưỡng kẻo tháp xây không nổi, đánh trận sẽ thua, khiến không những bị cười nhạo mà cuộc đời cũng tiêu luôn.
Người ta phải suy nghĩ trước khi đi theo Chúa. Và theo Chúa không như theo bất cứ một ai. Những người Do Thái đồng thời với Ðức Giêsu còn có thể hiểu lầm được, chứ ngày nay chúng ta đã thấy rồi, Chúa đã đi con đường thập giá, ai muốn đi sau Người, cũng phải mang lấy thập giá.
Kẻ muốn làm môn đệ của Chúa Giêsu Kitô phải vác thập giá đi sau Ðấng đã vác thập giá mở đường cứu độ cho muôn người. Ðối với những thính giả ở thời Ðức Giêsu, điều này có một ý nghĩa rất cụ thể. Người ta vẫn thấy những tên tù tội phải vác thập giá đi đến nơi chịu tử hình. Ngày nay chúng ta đã thấy Ðức Giêsu đi như thế. Ai đi sau Người tất bị khai trừ bởi những ai phủ nhận đường lối Người đã đi. Không chấp nhận bị khai trừ như vậy không thể làm môn đệ của Người được. Và khi đi vào con đường thập giá như vậy, làm sao còn có thể bám vào của cải thế gian nữa? Do đó hãy hiểu hai đòi hỏi “ghét cha mẹ” và “từ bỏ của cải” như là điều kiện và hậu quả của việc lựa chọn đi vào đường lối của Chúa, khi tình yêu tự nhiên và của cải thế gian ngăn trở người ta bước đi sau Chúa để trở thành môn đệ của Người.
Khi theo Ngài, Đức Giêsu đòi hỏi người môn đệ phải vác thập giá mình mà theo (Lc14, 27). Thập giá ở đây là gì? Đó chính là đời sống ta, là trách nhiệm mà Thiên Chúa trao gửi cho ta. Hãy hoàn thành trách nhiệm của mình một cách hoàn hảo, chúng ta sẽ hân hoan và tự tin đi theo Người. Nếu bạn là một người tu sĩ ư? Hãy sống trọn đời sống của người tu sĩ. Bạn là một người cha ư? Hãy sống trọn trách nhiệm của một người cha, biết lo cho gia đình và nuôi dạy con cái nên người. Bạn là một giáo sư ư? Hãy làm trọn bổn phận của mình, hãy chuẩn bị giáo án đầy đủ và trao gửi tâm huyết, kiến thức của mình cho thế hệ trẻ để giúp họ nên người trưởng thành. Vác thập giá mình để đi theo Đức Giêsu chính là đi đến tận cùng của tình yêu. Đó chính là làm mọi việc vì tình yêu.
Và người môn đệ Chúa Giêsu phải là người biết ngồi lại, suy nghĩ như một người muốn xây tháp hay như ông vua chuẩn bị giao chiến (Lc 14, 28-32). Người môn đệ không phải là người vô tri, hành động thiếu suy nghĩ, nhưng là người biết dùng sự khôn ngoan mà Thiên Chúa ban tặng cho anh để phân định và phục vụ tốt hơn. Phục vụ nước Thiên Chúa giữa đời.
Theo Chúa Giêsu là đi ngược lại những cách sống của thời đại chúng ta. Sự chọn lựa của tin mừng có thể kéo theo những đoạn tuyệt đau đớn. Nó sẽ quấy rầy chúng ta trong các thói quen, tiện nghi chúng ta. Đó là trường hợp của những người sẵn sàng hi sinh thời giờ để giảng dạy giáo lí, coi sóc một nhóm trẻ hoặc tham dự vào các hội đòan và làm việc phục vụ giáo xứ. Vị trí ưu tiên dành cho tình yêu Thiên Chúa đối với tất cả mọi người, đặc biệt cho những người bé nhỏ, những kẻ đau yếu, những người bị lọai trừ. Ngài mời gọi tất cả chúng ta đi theo Ngài để trở thành chứng nhân trong thế giới hôm nay.
Của cải đời này cũng thật đáng quý, nhưng khi cần, người ta sẵn sàng từ bỏ của cải để dành lấy những giá trị cao hơn. Khi bị cướp hăm doạ tính mạng và đòi lấy của cải bạc tiền, người ta sẵn sàng bỏ của lấy người. Khi bị một chứng bệnh nan y đe doạ cướp đi mạng sống, người ta sẵn sàng bỏ ra hàng tỉ bạc để kéo dài đời sống, dù chỉ sống thêm được một năm.
Qua cuộc đời từ bỏ của mình, Chúa Giêsu tỏ cho chúng ta thấy từ bỏ không là mất đi nhưng là được lại và là được lại gấp nhiều lần.
Làm môn đệ Chúa Giêsu, đó không hề là một chuyện ‘rẻ tiền’, dễ dãi. Bởi vì điều ấy giả thiết rằng người ta phải sẵn sàng từ bỏ tất cả những gì thiết thân nhất của mình – dù đó là cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, hay cả mạng sống mình nữa. Nhưng từ bỏ mới chỉ là một phần việc. Phần còn lại càng thách đố hơn gấp bội: Vác thập giá mình mà đi theo Chúa Giêsu! Thập giá không chỉ gợi liên tưởng cái chết, mà đó còn là cái chết thê thảm, cái chết tận cùng nhục nhã. Chúa Giêsu không hề lập lờ, giấu giếm các điều kiện để theo Ngài. Trái lại, Ngài rất rõ ràng về các đòi hỏi đối với những ai muốn làm môn đệ Chúa Giêsu. Đó là không giữ lại cho riêng mình bất cứ điều gì; trái lại phải sẵn sàng chịu tước mất tất cả, ngay cả mạng sống mình, dù một cách ê chề, nhục nhã.
Nếu chúng ta yêu thương Chúa Giêsu thì ta hãy để Ngài đi vào trong cuộc sống của chúng ta. Sự hiện diện của Ngài là một luồng Ánh sáng đến ở trong cuộc đời chúng ta và biến đổi từ bên trong. Khi cử hành Thánh lễ, chúng ta có thể múc tận nguồn để tiếp tục cuộc hành trình của chúng ta đi theo Đức Kitô. Chúng ta hãy cầu xin Ngài ban cho chúng ta sức mạnh để trở thành nhân chứng nhiệt thành cho tình yêu của Người trong cuộc sống hôm nay.
4. Độc thân
Phát biểu trong Thượng hội đồng Giám mục thế giới, nhóm họp tại Rôma vào tháng 10.1990, Đức Cha Nguyễn Văn Hoà, Giám mục Nha Trang đã đề cao chứng tá của đời độc thân linh mục. Ngài cho biết: Sở dĩ các linh mục ở Việt Nam được kính trọng là nhờ ở đời sống độc thân. Đồng thời cũng nhờ đời sống độc thân mà các linh mục xứng đáng được gọi là thầy. Như chúng ta đã biết linh mục là Alter Xtus, là Đức Kitô thứ hai. Nếu Đức Kitô đã được gọi là Thầy nhờ vào sự tận hiến của Người, thì các linh mục cũng thế, muốn được gọi là thầy, thì cũng phải sống tâm tình hiến dâng.
Trong Phúc Âm Chúa Giêsu đã nhiều lần xác quyết: Ai không từ bỏ cha mẹ, vợ con, ruộng vườn, nhà cửa, thì không thể làm môn đệ Ta được. Là môn đệ của Chúa, chúng ta phải trở nên giống Người, có nghĩa là chúng ta cũng phải dâng hiến, và sự dâng hiến trọn vẹn nhất cho Chúa, chính là cuộc sống độc thân của các linh mục và tu sĩ.
Trên bình diện Giáo Hội, sự độc thân của các linh mục tu sĩ chính là một kho tàng Thiên Chúa đã trao tặng cho Giáo Hội, bởi vì nhờ đó các ngài không còn bị ràng buộc bởi hôn nhân, bởi gia đình, bởi tài sản và những tiện nghi vật chất khác nữa.
Nhìn vào xã hội Việt Nam, chúng ta thấy có những thuận tiện cho việc độc thân của linh mục và tu sĩ, bởi vì các tín hữu luôn quý mến và nâng đỡ các ngài, chính những tình cảm nồng hậu ấy trở nên như một hàng rào bảo vệ cho sự độc thân của các ngài. Đó không phải chỉ là một ơn riêng cho bản thân linh mục mà còn là một quà tặng chung cho Giáo Hội, bởi vì các ngài trở nên như những chứng tá cho Giáo Hội, đồng thời qua sự độc thân ấy, các ngài như muốn mời gọi tất cả chúng ta: Hãy sống trọn vẹn cho Thiên Chúa, đó cũng là một ơn gọi chung cho mọi người tín hữu.
Thực vậy, sự nên thánh không bao giờ có một biên giới bởi vì mọi người đều được mời gọi để nên thánh. Các linh mục và tu sĩ thì nên thánh qua bậc độc thân của mình, còn người giáo dân thì nên thánh qua bậc gia đình và môi trường sống của mình. Chính vì thế sống bậc gia đình không phải là một cái gì thấp kém nhưng cũng là một ơn gọi. Nếu chúng ta trung thành trong đời sống vợ chồng, nếu chúng ta chu toàn được những bổn phận của mình trong phạm vi gia đình, chúng ta cũng có thể nên thánh.
Chúa Giêsu không đến để hạ giá đời sống gia đình, nhưng trái lại Người đã nâng nó lên hàng bí tích và lấy nó làm hình ảnh tượng trưng cho sự kết hợp giữa Người và Giáo Hội. Nếu như linh mục phải đi cho đến tận cùng lời cam kết độc thân của mình, thì chúng ta, những người giáo dân, chúng ta cũng phải đi cho đến tận cùng lời cam kết hôn nhân của mình.
Bởi đó chúng ta hãy cầu nguyện cho các linh mục cũng như cho mỗi người chúng ta biết sống trọn vẹn cho Chúa trong bậc sống của mình ở mọi nơi và trong mọi lúc.
5. Đòi hỏi của tình yêu – Thiên Phúc
(Trích dẫn từ ‘Như Thầy Đã Yêu’)
Giới Tử Thôi người nước Tần, đời Xuân Thu Chiến Quốc, là bầy tôi trung thành của công tử Trùng Nhĩ.
Khi công tử Trùng Nhĩ phải lưu vong nơi đất khách quê người, lương thực đã cạn kiệt, công tử lại không thể ăn những loại rau hoang cỏ dại trong rừng. Giới Tử Thôi đã lén cắt thịt đùi của mình nấu canh cho Trùng Nhĩ ăn.
Về sau Trùng Nhĩ khôi phục lại nghiệp cả, làm vua nước Tần, Giới Tử Thôi xin về làng ở ẩn, chứ không hề kể công lênh ngày xưa.
***
Trùng Nhĩ dù sau này có làm vua thì cũng là người trần mắt thịt, mà Giới Từ Thôi còn dám bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chịu khổ cực để theo hầu, hơn nữa còn hy sinh chính thân mình để tỏ lòng trung thành với chủ nhân. Chúa Giêsu là Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương chúng ta trước khi chúng ta có mặt trên cõi đời này, lẽ nào chúng ta lại không dám bỏ người thân, của cải, và ngay cả chính mình để bước theo Người?
Lời Chúa trong Tin Mừng hôm nay thật rõ ràng: “Ai đến với tôi mà không từ bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14, 26). Tuy nhiên, chúng ta phải hiểu động từ “dứt bỏ” không có nghĩa là cắt đứt, là từ bỏ, mà là “ít hơn”. Vì tiếng Hy Bá không có thể văn so sánh hơn kém, nên khi cần diễn tả hơn kém người ta dùng lối văn đối ngẫu “yêu và bỏ”. Thánh Matthêu hiểu như vậy nên đã viết: “Ai yêu cha mẹ hơn Thầy thì không xứng đáng với Thầy” (Mi 10, 37).
Vậy ý của Chúa Giêsu là nếu ai muốn làm môn đệ Người thì phải đặt tình yêu Chúa lên trên mọi thứ tình yêu, hay nói cách khác tình yêu Chúa phải thấm nhuần và hướng dẫn mọi tình yêu: Tình yêu gia đình, bạn bè và ngay cả chính mình.
Như thế, người tín hữu khi đã chọn theo Chúa, làm môn đệ của Người, họ vẫn phải yêu mến người thân, gia đình, bạn bè; họ vẫn phải yêu mến chính bản thân mình; họ cũng phải quí mến của cải như là những ơn lành Chúa ban. Nhưng khi cần thì tất cả những tình cảm đó phải hy sinh cho tình yêu Thiên Chúa. Đó chính là bậc thang giá trị mà người môn đệ nào khi theo Chúa cũng phải đặt lại cho mình.
Nhưng có một cám dỗ rất nguy hiểm này, là Thiên Chúa thì linh thiêng xa vời, mà con người và của cải thì sờ sờ trước mắt, lại hấp dẫn cuốn hút lạ thường, nên người ta dễ đặt lại giá trị ưu tiên lúc nào mà chính mình cũng chẳng hay biết. Vì thế, Chúa mới cảnh giác qua hai dụ ngôn “Xây tháp” và “Cuộc giao chiến”. Tháp đã khởi công xây dựng, cuộc chiến đã bắt đầu, thì không thể ngồi xuống mà bàn tính. Phải dồn vốn để xây tháp, phải dồn sức mà tấn công. Nhiều người đã khởi công nhưng chẳng thành công, nhiều kẻ đã chiến đấu nhưng không chiến thắng.
Chúa muốn những kẻ theo Người phải trung thành trong tình yêu, và dám sống chết với ơn gọi của mình. Người không chấp nhận “cầm cày mà còn quay lại sau lưng”. Thật vậy, những kẻ “đứng núi này trông núi nọ” thường là những người bỏ cuộc, và những kẻ “bắt cá hai tay” là những người thua thiệt nhiều nhất. Đúng như Pierre Charles đã nói về họ: “Có nhiều kẻ không leo đến đỉnh núi mà lại ngồi an hưởng ở lưng chừng với những tiện nghi tầm thường nhỏ nhoi”.
***
Lạy Chúa, chúng con đã chọn Chúa là cùng đích cuộc đời, nhưng biết bao lần chúng con chỉ thấy chọn Chúa là thua thiệt, là hy sinh, là mất mát.
Xin đừng bao giờ để chúng con nản chí, bỏ cuộc, rút lui vì những đòi hôi gắt gao của tình yêu, nhưng xin cho những thử thách ấy trở nên những cơ hội giúp chúng con lớn lên trong tình yêu Chúa nhiều hơn. Amen.
6. Như người tôi tớ
Theo sự tính toán của người đời, thì mỗi khi chúng ta theo đuổi một con người, một công việc hay một chế độ nào, thì chúng ta phải thu lại được những lợi lộc vật chất hay những địa vị danh giá. Đó là điều hết sức bình thường và hợp lý. Chính mười hai môn đệ thân tín nhất của Chúa Giêsu cũng đã có một tâm trạng như vậy.
Chẳng thế mà có lần các ông đã không biết sượng sùng khi đặt thẳng câu hỏi này với Chúa: “Lạy Thầy, chúng con đã bỏ hết mọi sự để theo Thầy, vậy thì chúng con sẽ được lại những chi?”. Các ông cũng đã từng tranh cãi xem ai trong các ông là người quan trọng nhất trong cái triều đình của Chúa. Các ông cũng đã từng bực dọc ghen tức khi thấy mẹ của Gioan và Giacôbê đến xin Chúa dành cho hai con mình những chỗ ngon nhất, đó là được ngồi bên tả và bên hữu Chúa.
Đứng trước quan niệm thông thường ấy của các môn đệ, của những người theo Chúa, Ngài đã có một lập trường khác hẳn, vừa khó nghe lại vừa khó hiểu. Ngài nói: Ai yêu cha mẹ hơn Ta thì không đáng làm môn đệ Ta. Ai yêu con trai, con gái hơn Ta thì không đáng làm môn đệ Ta. Ai không vác thập giá mình mà theo Ta, thì không đáng làm môn đệ Ta. Ai giữ mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai liều mất mạng sống mình vì Ta, thì sẽ giữ lấy được. Lần khác Chúa cũng nói: Ai là người nhỏ nhất trong anh em thì kẻ ấy sẽ là người lớn nhất. Và Ngài cũng đã khuyên nhủ các môn đệ: Vương giả trần gian thì làm chúa thiên hạ và những ai cầm quyền thì bắt dân gọi mình là ân nhân. Phần các con thì đừng làm như thế, trái lại ai lớn nhất trong các con thì phải trở nên người nhỏ nhất, và kẻ làm đầu thì phải hầu hạ mọi người. Thầy sống giữa các con như một kẻ tôi tớ.
Những lời mời gọi chói tai này đã làm cho không ít người phải khó chịu, nhưng đồng thời cũng những lời tuyên bố ngược đời này vẫn không ngừng lôi cuốn biêt bao người dấn thân vào một cuộc phiêu lưu, không biết đâu là giới hạn. Nếu Đức Kitô chỉ là một con người bình thường, hoặc giả là một bậc vĩ nhân đi nữa, mà nếu Ngài chỉ nói suông như thế thì cũng chẳng mấy ai tin. Nhưng Ngài còn là Con Thiên Chúa và lời Ngài có được cái giá trị siêu việt. Hơn nữa, chính Ngài đã lấy cả cuộc sống và cái chết để minh chứng lời Ngài là sự thật. Còn chúng ta thì sao? Trước lời mời gọi của Chúa, chúng ta có dám sống tinh thần từ bỏ và chấp nhận mọi hy sinh để bước theo Chúa hay không?
7. Thập giá đời thường
Khi ngắm đàng thánh giá, giữa mỗi chặng chúng ta thường đọc:
– Chúng con kính lạy và ngợi khen Chúa Kitô. Vì Chúa đã dùng thánh giá Chúa mà chuộc tội cho thiên hạ.
Và hôm nay, qua đoạn Tin Mừng vừa nghe, Chúa Giêsu cũng bảo:
– Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ mình vác thập giá mình mà theo Ta.
Điều Chúa muốn là mỗi người hãy ngồi lại để nhận rõ đâu là thập giá của mình để vác theo Chúa, để không còn than thân trách phận, để không còn trốn chạy và bỏ cuộc.
Nói thế chúng ta cứ tưởng là một điều gì xa vời nhưng trái lại, đó là một điều thật gần gũi, bởi vì trong chương trình cứu độ, Chúa bao giờ cũng để thập giá vừa tầm tay mỗi người. Chu toàn bổn của mình hằng ngày đó chính là cây thập giá đời thường mà mỗi người phải trung thành vác cho đến cùng, mặc dù nhiều khi cũng cực nhọc, vô vị và đơn điệu lắm.
Dầu muốn dầu không, một khi đã sống trên cõi đời này, chúng ta vẫn phải kề vai vác lấy thập giá của mình. Chi bằng hãy can đảm vác lấy với Chúa và theo Chúa, lúc đó chúng ta sẽ cảm thấy được bình an trong tâm hồn, và tìm thấy được những giá trị cao cả hơn.
Người ta hỏi một anh đạp xích lô như thế này:
– Anh đạp xích lô để làm gì?
– Tôi đạp xích lô để kiếm tiền.
– Vậy anh kiếm tiền để làm gì?
– Tôi kiếm tiền để mua gạo ăn?
– Mua gạo ăn để làm gì?
– Để đạp xích lô.
Và chúng ta gọi đó là một chiếc vòng luẩn quẩn. Phải, cuộc đời mỗi người chúng ta cũng thế. Nếu không cố gắng vươn lên, chúng ta cũng sẽ mãi mãi ở trong chiếc vòng luẩn quẩn ấy. Tuy nhiên đối với chúng ta thì không phải chỉ có vậy, bởi vì chúng ta phải vươn lên tới những giá trị siêu nhiên. Thực vậy, nếu chúng ta đạp xích lô để chu toàn bổn phận Chúa trao phó là lo lắng cho cuộc sống của mình và của gia đình, như lòng Chúa mong ước, nói cách khác, nếu chúng ta biết làm những công việc nhỏ bé tầm thường ấy vì lòng yêu mến Chúa, thì đó là chúng ta đang vác thập giá mình với Chúa và theo Chúa.
Như vậy, chúng ta có thể nói cuộc đời chúng ta chồng chất những thập giá bởi vì mỗi nỗi buồn, mỗi niềm đau chẳng hạn như bệnh hoạn tật nguyền, chết chóc tang tóc… đều là một thập giá. Tuy nhiên, cùng với Chúa chúng ta sẽ không thất vọng chán nản, trái lại chúng ta sẽ vui mừng và phấn khởi, bởi vì mỗi nỗi buồn, mỗi niềm đau sẽ là một sợi chỉ vàng dệt thành tấm vải cuộc đời chúng ta và làm cho tấm vải cuộc đời ấy thực sự có một giá trị siêu nhiên cao quý trước mặt Chúa.
Hơn thế nữa, nếu chúng ta biết vác thập giá mình mà bước theo Chúa, chắc chắn chúng ta sẽ không đi vào ngõ cụt vô nghĩa, sẽ không đi vào sự chết, nhưng sẽ tiến đến vinh quang phục sinh muôn đời với Chúa.
8. Suy niệm của ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
LÀM MÔN ĐỆ CỦA CHÚA
Ai trong chúng ta cũng mong ước được làm môn đệ của Chúa. Ai cũng muốn theo chân Chúa. Nhưng ta có thực sự hiểu làm môn đệ Chúa là như thế nào không? Hôm nay Chúa chỉ cho ta thấy rõ điều đó.
Làm môn đệ là một việc làm nghiêm túc. Đây không phải là một cảm tính bồng bột nhất thời. Nhưng là một việc lâu dài. Chúa Giêsu ví việc làm môn đệ theo Chúa với việc “xây dựng một cây tháp” và việc “chiến đấu với kẻ thù”. Xây dựng cây tháp là một việc làm lớn lao. Chiến đấu với kẻ thù là việc làm nghiêm trọng. Vì thế cần phải ngồi xuống suy tính cho cẩn trọng, chi li. Cũng thế việc làm môn đệ của Chúa là một việc làm nghiêm túc, vừa lớn lao như sự nghiệp cả đời, vừa nghiêm trọng vì ảnh hưởng tới cả định mệnh. Vì thế phải ngồi xuống suy tính cho kỹ lưỡng để có thể theo Chúa đến cùng. Phải suy tính kỹ lưỡng vì làm môn đệ là từ bỏ đến tận cùng.
Làm môn đệ là từ bỏ đến tận cùng. Môn đệ không phải là kẻ hiếu kỳ cưỡi ngựa xem hoa. Môn đệ không phải là kẻ tài tử nay làm mai không. Môn đệ là người đi theo thày suốt đời, sống như thày trong mọi sự. Chính vì thế mà phải coi thày là thần tượng duy nhất, không yêu mến thày. Chính vì thế mà phải từ bỏ tất cả, không chỉ người thân mà từ bỏ cả chính bản thân với những ý nghĩ riêng tư. Để không những đi theo thày, sống như thày mà con ăn nói như thày, suy nghĩ như thày nữa. Kitô hữu là người mang Chúa Kitô trong mình. Muốn có Chúa Kitô trong mình, ta phải loại bỏ tất cả những gì không phải Chúa ra khỏi mình. Điều này chắc chắn không dễ dàng. Nhưng ta an tâm, vì Chúa Giêsu không chỉ đòi hỏi ta. Người đã đòi hỏi chính mình trước. Chúa Giêsu không chỉ đòi ta vác thánh giá. Chính Người đã vác thánh giá trước. Ta sẻ cảm thấy dễ dàng vì chỉ việc làm như Chúa Giêsu.
Làm môn đệ là làm như Chúa Giêsu. Nếu Chúa Giêsu đòi hỏi ta từ bỏ, chính Người đã từ bỏ trước. Người đã từ bỏ trời cao để xuống đất thấp. Người đã từ bỏ địa vị làm Thiên Chúa để xuống thế làm người. Sự từ bỏ được thấy rõ qua việc Chúa tự nguyện sống nghèo khổ, tự nguyện nhận lấy tội lỗi của loài người và tự nguyện chết thay loài người. Khốc liệt nhất là Người đã từ bỏ ý riêng để hoàn toàn vâng theo ý Chúa Cha. Cuộc chiến đấu khốc liệt đã thấy trong vườn Giêtsimani, khi nhìn thấy trước cái chết đau đớn tủi nhục sắp tới, Người run sợ muốn lẩn tránh bỏ cuộc, nên đã tha thiết cầu xin Chúa Cha: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi uống chén đắng này”. Nhưng cuối cùng, Chúa đã từ bỏ ý riêng, vâng theo ý Cha, sẵn sàng ra đi chịu chết: “Nhưng đừng theo ý con, xin vâng ý Cha mà thôi”.
Nhờ hoàn toàn từ bỏ ý riêng, vác thánh giá đi đến cùng, Chúa Giêsu đã hoàn thành công việc của Chúa Cha trao phó, đem ơn cứu độ đến cho mọi người. Người môn đệ, khi hoàn toàn từ bỏ chính mình, sẽ nên một với Chúa Kitô, cộng tác vào công cuộc cứu độ của Chúa.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
- Làm môn đệ là gì?
- Chúa Giêsu đã nêu gương từ bỏ thế nào?
- Tại sao ta phải từ bỏ tất cả?
9. Từ bỏ hết. – Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu
Suy Niệm
Sống là chấp nhận từ bỏ.
Có những điều xấu phải từ bỏ như tật nghiện thuốc lá, ma tuý, rượu chè, trụy lạc…
Cũng có điều tốt phải bỏ, để chọn một điều tốt hơn: chọn nghề, chọn trường, chọn chỗ làm, chọn bậc sống…
Từ bỏ thường làm ta sợ và tiếc. Bỏ chiếc giường êm để thức dậy đi lễ sáng. Tắt Tivi vì đến giờ đọc kinh tối gia đình. Dành Chúa Nhật để học giáo lý và làm việc xã hội.
Nếu từ bỏ vì yêu, ta sẽ thấy nhẹ hơn, dễ hơn. Người mẹ thức trắng đêm để đan nốt chiếc áo cho con. Người mẹ là mẹ hơn qua những hy sinh vất vả.
Từ bỏ vì yêu chẳng bao giờ thiệt thòi, mất mát.
Cuộc sống văn minh cho ta nhiều chọn lựa.
Con người dễ chọn cái tầm thường hơn cái cao cả, chọn khoái lạc phù du hơn hạnh phúc vững bền, chọn lợi ích cho cá nhân tôi hơn là cho tập thể. Xem ra con người thích cái dễ dãi hơn.
Kitô hữu là người đã chọn theo Đức Giêsu.
Làm môn đệ Ngài là chọn đi vào đường hẹp, cửa hẹp.
Ngài đòi ta đặt tất cả dưới Ngài, yêu Ngài trên mọi sự, trên những người thân yêu, trên của cải tinh thần, vật chất, trên mạng sống mình, trên cả hiện tại tương lai.
Những thụ tạo trên thật đáng trân trọng, nhưng chúng chỉ có giá trị tương đối khi sánh với Đức Giêsu, Con Thiên Chúa làm người.
Kitô hữu là người sống từ bỏ như Đức Giêsu.
Ngài đã bỏ vinh quang thần linh để làm người như ta, đã sống và đã hiến mạng sống vì yêu Cha và nhân loại.
Từ bỏ là đi vào cửa hẹp cùng với Đức Giêsu.
Phép Rửa đã cho chúng ta trở thành môn đệ Đức Kitô.
Nhưng để là môn đệ đích thực của Ngài, chúng ta cần từ bỏ mãi cho đến khi nhắm mắt.
Từ bỏ phải là thái độ nội tâm cần gìn giữ luôn.
Chúng ta dễ nghiêng như tháp Pizza.
Điều hôm nay chưa dính bén, mai đã thấy khó gỡ.
Điều đã bỏ từ lâu, nay lại bất ngờ hấp dẫn.
Từ bỏ điều tôi có, và cứ có thêm mỗi ngày thật là một cuộc chiến lâu dài và gian khổ.
Chúng ta không được nửa vời, lừng khừng, thỏa hiệp.
Tháp đã bắt đầu xây, cuộc chiến đã khai mào.
Không còn là lúc ngồi xuống mà tính toán nữa.
Cần đầu tư để xây tháp, cần dồn sức để tiến quân.
Cầu từ bỏ mọi vướng víu để tiếp tục trung tín.
Vẫn có những Kitô hữu chịu dở dang và bại trận, vì họ không dám sống đến cùng ơn gọi làm môn đệ.
Từ bỏ là cách diễn tả một tình yêu.
Khi yêu người ta vui lòng từ bỏ tất cả.
Ước gì chúng ta vui khi gặp viên ngọc quý là Đức Giêsu, dám bán tất cả để thấy mình giàu có.
Gợi Ý Chia Sẻ
Theo kinh nghiệm của bạn, từ bỏ điều gì là khó hơn cả? Bạn hãy cho biết lý do tại sao.
Có lần bạn đã rất vui khi làm một hy sinh, và bạn cảm thấy mình nhận nhiều hơn cho, được nhiều hơn mất. Bạn hãy kể lại.
Cầu Nguyện
Lạy Chúa Giêsu, sống cho Chúa thật là điều khó.
Thuộc về Chúa thật là một thách đố cho con.
Chúa đòi con cho Chúa tất cả để chẳng có gì trong con lại không là của Chúa.
Chúa thích lấy đi những gì con cậy dựa để con thực sự tựa nương vào một mình Chúa.
Chúa thích cắt tỉa con khỏi những cái rườm rà để cây đời con sinh thêm hoa trái.
Chúa cương quyết chinh phục con cho đến khi con thuộc trọn về Chúa.
Xin cho con dám ra khỏi mình, ra khỏi những bận tâm và tính toán khôn ngoan để sống theo những đòi hỏi bất ngờ của Chúa, dù phải chịu mất mát và thua thiệt.
Ước gì con cảm nghiệm được rằng trước khi con tập sống cho Chúa và thuộc về Chúa thì Chúa đã sống cho con và thuộc về con từ lâu. Amen.
10. Suy niệm của Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái
Chủ Ðề: Ý thức cái giá phải trả khi làm môn đệ Chúa
“Từ bỏ mọi sự và vác thập giá theo Chúa”
(Lc 14, 25-33)
I. Dẫn vào Thánh lễ
Anh chị em thân mến
Mỗi ngày Chúa nhật khi chúng ta đến với Chúa, chúng ta đã được nghe Chúa nói với chúng ta nhiều điều, những điều rất ngọt ngào, những điều rất an ủi. Hôm nay Chúa sẽ nói với chúng ta một điều không ngọt ngào lắm: Ngài muốn chúng ta phải hy sinh, phải từ bỏ.
Tại sao theo Chúa thì phải hy sinh và từ bỏ? Và phải hy sinh từ bỏ những gì?
Chúng ta hãy chú ý nghe Chúa giải thích. Và xin Chúa giúp chúng ta can đảm đáp lại lời kêu gọi của Ngài.
II. Gợi ý sám hối
Phải chăng từ trước tới nay chúng ta đi theo Chúa vì tính toán vụ lợi, nghĩa là chỉ để được Chúa ban cho ơn này ơn nọ?
Phải chăng chúng ta ít biết hy sinh?
Phải chăng chúng ta rất ngại từ bỏ?
III. Lời Chúa
- Bài đọc I (Kn 9, 13-18)
Sách Khôn ngoan sưu tập những suy nghĩ của nhiều thế hệ loài người về những vấn đề căn bản. Đoạn trích hôm nay bàn về giới hạn của sự hiểu biết của con người:
Ngay cả những vấn đề thuộc hạ giới, tức là những vấn đề trong tầm tay con người mà con người cũng phải rất nhọc công mới khám phá được, thậm chí nhiều điều con người không hiểu nổi.
Huống chi những vấn đề thuộc thượng giới, những vấn đề liên quan đến cuộc sống đời đời.
Vì thế, con người rất cần được Thiên Chúa ban ơn khôn ngoan để biết đường lối của Chúa để mà đi theo và nhờ đó được ơn cứu độ.
- Đáp ca (Tv 89)
Tv này triển khai những ý tưởng của bài đọc I:
Thân phận con người rất mỏng manh: “như cỏ đồng trổi mọc ban mai, nở hoa vươn mạnh sớm ngày, chiều về ủ rũ tàn phai chẳng còn”
Do đó con người kêu xin Chúa: “Xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống, ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan”
- Tin Mừng (Lc 14, 25-33)
Khung cảnh: Khi ấy “Có rất nhiều người đi đường với Chúa Giêsu”: họ đang cùng với Chúa Giêsu “tiến lên Giêrusalem”. Nhưng có lẽ họ cho rằng đây là một sự tiến lên để giành chiến thắng theo kiểu trần gian. Để xóa tan hiểu lầm này, Chúa Giêsu nói những lời tiếp theo.
Đại ý Chúa Giêsu nói: Ai muốn làm môn đệ Chúa Giêsu (“đi theo” Ngài) thì phải yêu mến Ngài hơn (diễn tả theo kiểu đặc biệt sêmít là “ghét”) tất cả những gì mình tha thiết nhất, chẳng hạn cha mẹ, vợ con, anh em và cả mạng sống mình nữa.
Sau đó Chúa Giêsu đưa ra hai dụ ngôn: Một người xây tháp trước khi xây phải tính toán kỹ để chọn lựa quyết định có nên xây hay không. Một ông vua trước khi đi giao chiến cũng phải tính toán kỹ để chọn lựa có nên giao chiến hay không. Cũng thế, nếu biết theo Chúa Giêsu phải chấp nhận từ bỏ tất cả, thì trước khi theo phải tính toán cho kỹ.
- Bài đọc II (Plm 9b-10. 12-17) (Chủ đề phụ)
Đây là một phần của bức thư Phaolô viết cho một tín hữu của ngài là Philêmon.
Hoàn cảnh: Khi ấy, một nô lệ của Philêmon tên là Ônêsimô bỏ nhà trốn đi có lẽ sau khi đã ăn cắp một số tiền. Do hoàn cảnh nào đó đẩy đưa, Ônêsimô gặp Phaolô đang ở tù. Ônêsimô xin theo đạo. Phaolô chấp thuận. Phaolô cũng quyến luyến Ônêsimô muốn giữ anh lại với mình, nhưng không thể được. Vì thế Phaolô quyết định gởi Ônêsimô về cho chủ. Nhưng Phaolô không gởi suông, mà cho Tychique đi kèm và còn mang theo lá thư này nữa cho Philêmon trong đó Phaolô tế nhị gợi ý Philêmon sẽ đón nhận Ônêsimô như một người anh em trong đức tin. Nhưng Phaolô không hề lạm dụng tình nghĩa của Philêmon đối với mình để làm áp lực, trái lại chỉ nhẹ nhàng gợi ý và hy vọng Philêmon sẽ vì lòng tốt mà làm việc đó.
IV. Gợi ý giảng
* 1. Con đường theo Chúa
Thánh Luca mở đầu bài tường thuật này như sau:”Có rất đông người đi theo Chúa Giêsu. Ngài quay lại bảo họ”. Trong ngôn ngữ Thánh kinh, “đi theo” có nghĩa là làm môn đệ. Chúa Giêsu là ông thầy đi trước, các môn đệ đi theo phía sau. Thông thường ông thầy chỉ cần đi trước cho các môn đệ đi theo. Nhưng trong chuyện này Chúa Giêsu đã “quay lại bảo họ”, nghĩa là Ngài có điều quan trọng muốn dặn dò kỹ các môn đệ.
Điều quan trọng mà Chúa Giêsu muốn dặn dò kỹ các môn đệ là gì? Đọc tiếp đoạn Tin mừng chúng ta thấy Chúa dặn dò 2 điều: một điều tiêu cực là phải từ bỏ, một điều tích cực là phải vác thập giá. Chúng ta hãy suy nghĩ về từng điều:
- Điều thứ nhất là từ bỏ
a/ Tại sao làm môn đệ Chúa thì phải từ bỏ? Vì đi theo Chúa giống như đi leo núi. Nếu mang nhiều thứ cồng kềnh thì sẽ bận vướng nặng nề khiến không leo nhanh được, thậm chí còn có thể bỏ cuộc.
b/ Vậy phải từ bỏ những gì? Chúa Giêsu kể: phải bỏ “cha mẹ, vợ con, anh chị em và cả mạng sống mình”. Qua cách nói “Cha mẹ, vợ con, anh chị em”, ý Chúa muốn nói tới gia đình; còn qua chữ “mạng sống”, ý Chúa muốn nói tới những gì thân thiết nhất của mình. Nhưng ta hãy hiểu cho đúng; Chúa không bảo người môn đệ phải bỏ những thứ vừa kể một cách tiên thiên, mà là bỏ nếu như chúng làm bận vướng cho việc đi theo Chúa. Gia đình là tốt, mạng sống là cần. Gắn bó với gia đình và tha thiết với mạng sống không có gì là xấu cả. Tuy nhiên bất cứ khi nào mình cảm thấy 2 thứ đó trở thành bận vướng, hay bất cứ khi nào Chúa soi sáng cho ta thấy như vậy, thì người môn đệ phải can đảm từ bỏ.
- Điều quan trọng thứ hai mà Chúa Giêsu căn dặn chúng ta là vác Thập giá
a/ Tại sao muốn đi theo Chúa thì nhất thiết phải với thập giá? Vì, như đã vừa nói ở phía trên, nếu đi theo Chúa giống như đi leo núi, thì thập giá giống như cây gậy của người leo núi. Nó rất cần và rất có ích. Không có gậy để dò đường và để chống đỡ thì ta sẽ mỏi chân, sẽ không đi nổi, có khi té ngã hay bỏ cuộc.
b/ Điều thứ hai này có liên quan tới điều thứ nhất: chúng ta từ bỏ những thứ bận vướng là để mình có thể thong dong mà vác thập giá.
Chúng ta thường quên mất 2 việc rất quan trọng để thực sự xứng đáng làm môn đệ Chúa:
Xưa nay chúng ta quen tìm kiếm để được thêm chứ ít khi nào chủ động từ bỏ. Thỉnh thoảng có từ bỏ chỉ là vì miễn cưỡng, vì rán chịu vậy mà thôi. Thí dụ khi chúng ta bị mất tiền, mất đồ đạc, khi một người thân chết.
Cũng thế xưa nay chúng ta không chủ động vác thánh giá. Thập giá nào Chúa gởi thì chúng ta rán mà vác vậy thôi. Nguyên việc khám phá thứ nhất này cũng cho thấy chúng ta chưa thực sự xứng đáng làm môn đệ Chúa Giêsu. Người môn đệ thật của Chúa phải chủ động từ bỏ và chủ động vác thập giá.
* 2. Đòi hỏi của tình yêu (Lc 14,25-33)
Giới Tử Thôi người nước Tần, đời Xuân Thu Chiến Quốc, là bầy tôi trung thành của công tử Trùng Nhĩ.
Khi công tử Trùng Nhĩ phải lưu vong nơi đất khách quê người, lương thực đã cạn kiệt, công tử lại không thể ăn những loại rau hoang cỏ dại trong rừng. Giới Tử Thôi đã lén cắt thịt đùi của mình nấu canh cho Trùng Nhĩ ăn.
Về sau Trùng Nhĩ khôi phục lại nghiệp cả, làm vua nước Tần, Giới Tử Thôi xin về làng ở ẩn, chứ không hề kể công lênh ngày xưa.
***
Trùng Nhĩ dù sau này có làm vua thì cũng là người trần mắt thịt, mà Giới Từ Thôi còn dám bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chịu khổ cực để theo hầu, hơn nữa còn hy sinh chính thân mình để tỏ lòng trung thành với chủ nhân. Chúa Giêsu là Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương chúng ta trước khi chúng ta có mặt trên cõi đời này, lẽ nào chúng ta lại không dám bỏ người thân, của cải, và ngay cả chính mình để bước theo Người?
Lời Chúa trong Tin Mừng hôm nay thật rõ ràng: “Ai đến với tôi mà không từ bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14, 26). Tuy nhiên, chúng ta phải hiểu động từ “dứt bỏ” không có nghĩa là cắt đứt, là từ bỏ, mà là “ít hơn”. Vì tiếng Hy Bá không có thể văn so sánh hơn kém, nên khi cần diễn tả hơn kém người ta dùng lối văn đối ngẫu “yêu và bỏ”. Thánh Matthêu hiểu như vậy nên đã viết: “Ai yêu cha mẹ hơn Thầy thì không xứng đáng với Thầy” (Mi 10, 37).
Vậy ý của Chúa Giêsu là nếu ai muốn làm môn đệ Người thì phải đặt tình yêu Chúa lên trên mọi thứ tình yêu, hay nói cách khác tình yêu Chúa phải thấm nhuần và hướng dẫn mọi tình yêu: Tình yêu gia đình, bạn bè và ngay cả chính mình.
Như thế, người tín hữu khi đã chọn theo Chúa, làm môn đệ của Người, họ vẫn phải yêu mến người thân, gia đình, bạn bè; họ vẫn phải yêu mến chính bản thân mình; họ cũng phải quí mến của cải như là những ơn lành Chúa ban. Nhưng khi cần thì tất cả những tình cảm đó phải hy sinh cho tình yêu Thiên Chúa. Đó chính là bậc thang giá trị mà người môn đệ nào khi theo Chúa cũng phải đặt lại cho mình.
Nhưng có một cám dỗ rất nguy hiểm này, là Thiên Chúa thì linh thiêng xa vời, mà con người và của cải thì sờ sờ trước mắt, lại hấp dẫn cuốn hút lạ thường, nên người ta dễ đặt lại giá trị ưu tiên lúc nào mà chính mình cũng chẳng hay biết. Vì thế, Chúa mới cảnh giác qua hai dụ ngôn “Xây tháp” và “Cuộc giao chiến”. Tháp đã khởi công xây dựng, cuộc chiến đã bắt đầu, thì không thể ngồi xuống mà bàn tính. Phải dồn vốn để xây tháp, phải dồn sức mà tấn công. Nhiều người đã khởi công nhưng chẳng thành công, nhiều kẻ đã chiến đấu nhưng không chiến thắng.
Chúa muốn những kẻ theo Người phải trung thành trong tình yêu, và dám sống chết với ơn gọi của mình. Người không chấp nhận “cầm cày mà còn quay lại sau lưng”. Thật vậy, những kẻ “đứng núi này trông núi nọ” thường là những người bỏ cuộc, và những kẻ “bắt cá hai tay” là những người thua thiệt nhiều nhất. Đúng như Pierre Charles đã nói về họ: “Có nhiều kẻ không leo đến đỉnh núi mà lại ngồi an hưởng ở lưng chừng với những tiện nghi tầm thường nhỏ nhoi”.
***
Lạy Chúa, chúng con đã chọn Chúa là cùng đích cuộc đời, nhưng biết bao lần chúng con chỉ thấy chọn Chúa là thua thiệt, là hy sinh, là mất mát.
Xin đừng bao giờ để chúng con nản chí, bỏ cuộc, rút lui vì những đòi hôi gắt gao của tình yêu, nhưng xin cho những thử thách ấy trở nên những cơ hội giúp chúng con lớn lên trong tình yêu Chúa nhiều hơn. Amen. (Thiên Phúc)
* 3. Lời nói thẳng thắn
Dòng Thừa Sai Bác ái của Mẹ Têrêsa Calcutta đã rất nổi tiếng, nên có rất nhiều thiếu nữ xin gia nhập. Nhưng Mẹ Têrêsa rất thẳng thắn, Mẹ nói với họ: “Công việc người nữ tu dòng này rất cực khổ: chúng tôi phải phục vụ cho những người nghèo và những người vô gia cư. Chúng tôi phải làm việc suốt 24 giờ mỗi ngày”. Mẹ Têrêsa thẳng thắn như thế để các thiếu nữ ý thức và cân nhắc cẩn thận trước khi gia nhập dòng.
Gia nhập “dòng” của Chúa Giêsu để làm môn đệ Ngài còn cực khổ hơn nhiều. Vì thế Chúa Giêsu cũng rất thẳng thắn nói rõ cho những kẻ đi theo Ngài: Ai muốn làm môn đệ Ngài thì phải sẵn sàng từ bỏ tất cả và còn phải vác thập giá mà theo.
Làm môn đệ Chúa không phải là bám theo một nhân vật quyền thế để có ô dù che chở hay để chia xẻ vinh dự, mà là để sống theo gương Ngài: hy sinh tất cả vì yêu thương mọi người.
Bởi đó người muốn làm môn đệ Chúa cần phải suy nghĩ kỹ xem mình có thể đáp ứng được những đòi hỏi khó khăn ấy không. Như người xây tháp phải suy nghĩ kỹ về khả năng tài chính của mình, như một ông vua trước khi xuất chinh phải suy nghĩ kỹ về sức mạnh quân sự của mình.
Nếu chúng ta suy nghĩ kỹ về khả năng đáp ứng của mình trước hai đòi hỏi trên của Chúa Giêsu, chắc là chúng ta nản lòng không dám làm môn đệ của Ngài nữa.
Tuy nhiên gương các tông đồ là một khích lệ cho chúng ta: ban đầu các ông theo Chúa Giêsu mà không suy nghĩ gì nhiều; nhiều lúc các ông còn nghĩ rằng theo Chúa Giêsu thì sẽ được chia quyền chia thế trong nước mà Ngài sẽ thành lập. Nhưng Chúa Giêsu từ từ thanh luyện suy nghĩ của các ông. Sau ngày Chúa phục sinh, các ông mới hiểu rõ thế nào là làm môn đệ Chúa; và nhờ sức mạnh Chúa Thánh Thần các ông đã can đảm từ bỏ tất cả và vác thập giá của mình đi theo Chúa một cách hăng hái và vui vẻ.
Hiện giờ chúng ta chưa đủ khả năng đáp ứng những đòi hỏi của Chúa về một người môn đệ. Nhưng ít ra ý thức của chúng ta về những đòi hỏi đó cũng giúp chúng ta không đi theo Chúa vì những tính toán sai lệch. Nhìn gương các tông đồ và tin tưởng vào sự trợ giúp của ơn Chúa, chúng ta có thể can đảm từ bỏ và vác thập giá đi theo Ngài.
* 4. Người-đi-theo và người-môn-đệ
Trong đoạn Tin Mừng này, có những cụm từ rất ý nghĩa, đó là “đi theo” và “làm môn đệ”. Thánh Luca đã xử dụng những cụm từ này rất khéo: “Khi ấy có rất đông người đi theo Chúa Giêsu. Ngài quay lại bảo họ: Ai không dứt bỏ… thì không thể làm môn đệ tôi. Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi thì không thể làm môn đệ tôi”… Rất đông người “đi theo” Chúa Giêsu nhưng không phải tất cả đều là “môn đệ” Ngài; chỉ những ai đi theo mà từ bỏ và vác thập giá thì mới là môn đệ.
Người-đi-theo chưa hẳn là người-môn-đệ
Cũng như người-nói “Lạy Chúa lạy Chúa” chưa hẳn là người-làm theo ý Chúa.
Cũng như người-đến-nhà-thờ chưa hẳn là người-tín-hữu.
Cũng như người-mang-danh kitô hữu chưa hẳn là người-kitô-hữu.
Điều khiến người-nói thành người-làm, người-đến-nhà-thờ thành người-tín-hữu, người-đi-theo thành người-môn-đệ, người-mang-danh-kitô-hữu thành người-kitô-hữu-đích-thực, đó là từ bỏ và vác thập giá.
Một trong những khiếm khuyết của Giáo Hội–và là khiếm khuyết lớn nhất – đó là trong Giáo Hội có rất nhiều người-đi-theo Chúa Giêsu, nhưng rất ít người-môn-đệ thực sự của Ngài.
* 5. Trả giá
Muốn làm việc gì cũng phải trả giá cho việc đó. Việc càng trọng thì giá càng cao. Nhiều người không làm xong việc mình muốn làm là vì không dám trả giá.
Antoinette là một cô gái rất đẹp nhưng rất nghèo. Điều mơ ước duy nhất của cô là trở thành giàu có, và cô nghĩ rằng cách dễ nhất là lấy được một người chồng giàu. Nhưng rủi thay khi cô lấy chồng thì người chồng của cô chỉ là một kẻ thường dân. Thất vọng và chán nản, cô chẳng muốn làm gì nữa, cũng chẳng muốn đi đâu hết.
Một hôm, Antoinette nhận được thiệp mời đến dự một bữa tiệc gồm toàn những người quý phái. Cô mừng lắm. Nhưng cô không có y phục và nữ trang sang trọng. Tuy nhiên cô biết cách thu xếp: cô rút hết tiền tiết kiệm ra mua được một bộ áo đẹp; cô đến với Marie một bạn học cũ mượn được một chiếc vòng nạm kim cương.
Thế là Antoinette xuất hiện trong bữa tiệc với một dáng vẻ rất xinh đẹp và sang trọng. Mọi cặp mắt đều đổ dồn về cô. Cô rất sung sướng. Tuy nhiên khi tiệc tàn, trở về nhà, cô hoảng hốt khi biết chiếc vòng nạm kim cương đã rơi mất. Tìm tới tìm lui nhiều lần mà vẫn không thấy.
Chẳng còn cách nào khác, cô đành phải đi vay 40 ngàn quan với lãi xuất cao để ra tiệm kim hoàng mua một chiếc vòng y như thế trả lại cho Mary. Vì hai chiếc vòng rất giống nhau nên Marie không thắc mắc gì cả.
Từ đó trở đi, Antoinette phải làm đủ mọi việc để kiếm tiền trả nợ. Sau 10 năm, cô trả xong nợ. Nhưng khi đó trông cô rất già và không còn xinh đẹp như ngày xưa nữa.
Một hôm Antoinette và Marie tình cờ gặp nhau:
– Ồ sao trông bạn già đi và tiều tụy như thế? Marie giật mình hỏi.
– Tất cả chỉ tại bạn đó.
– Sao lại tại tôi?
Antoinette kể rõ đầu đuôi sự việc. Nghe xong Marie nói:
– Trời ơi tội nghiệp cho bạn quá. Chiếc vòng nạm kim cương của tôi là đồ giả. Giá chỉ có 400 quan thôi.
Thế là đột ngột Antoinette được Marie trả lại 39. 600 quan. Cô đã trở thành người giàu có. Nhưng với cái giá là 10 năm làm quần quật đủ mọi thứ việc cùng với một thân xác tiều tuỵ và một bộ mặt già nua.
Phải chi Antoinette đã chịu khó làm việc ngay từ đầu thì cái giá đâu đến nỗi cao quá như vậy!
- Chuyện minh họa
a/ Một hôm, có một người đến hỏi một giáo sư nổi tiếng về một thanh niên: “Anh ta có phải là môn đệ của Thầy không?” Vị giáo sư đáp: “Quả thật anh ta đang theo học những bài dạy của tôi. Nhưng không bao giờ anh ta là môn đệ của tôi”.
b/ Một vị vua đến thăm một thiền viện. Nhà vua hỏi vị thiền sư: “Trong thiền viện này có tất cả bao nhiều người đang theo học”. Thiền sư đáp “10 ngàn”. Nhà vua rất ngạc nhiên. Nhưng nhà vua càng ngạc nhiên hơn nữa khi thiền sư nói tiếp: “Trong số đó, số môn đệ thật của tôi chỉ có 4 hoặc 5 người”.
V. Lời nguyện cho mọi người
Chủ tế: Anh chị em thân mến, có người nào biết được ý định của Thiên Chúa? Ai hiểu được Chúa muốn gì? Với ước mong được Chúa gan Đức Khôn ngoan và Thánh thần để giúp ta hiểu được thánh ý Người, chúng ta cùng dâng lời cầu xin:
- Hội thánh luôn bênh vực những người thấp cổ bé miệng / bảo vệ những ai cô thế cô thân / giúp đỡ những kẻ đói rách bần cùng / Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa nâng đỡ các công cuộc từ thiện của Hội thánh trên khắp hoàn cầu.
- Ngày nay / tuy chế độ nô lệ không còn nữa / nhưng nhiều hình thức nô lệ khác tinh vi hơn vẫn tồn tại và phát triển / làm mất hết tự do và phẩm giá của con người / như việc buôn bán phụ nữ còn đang xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho những nhà lãnh đạo các quốc gia / sớm tìm được phương thế thích hợp / để tiêu diệt tội ác đáng kinh tởm này.
- Trách nhiệm của người Kitô hữu / là cộng tác với hất thảy mọi người thành tâm thiện chí / để xây dựng trái đất này ngày càng xinh đẹp và hữu ích hơn / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho những ai tin Chúa / biết cố gắng thực hiện trọn vẹn bổn phận cao quý này.
- Chúa Giêsu nói: / Ai không vác thập giá mình mà theo tôi / thì không thể làm môn đệ tôi được / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta / luôn can đảm đón nhận mọi thử thách / và trung kiên bước theo Chúa mái đến cùng.
Chủ tế: Lạy Chúa, Chúa đã yêu thương và mời gọi chúng con làm con cái Chúa. Xin Chúa giúp chúng con luôn sống xứng danh người Kitô hữu, để những anh chị em chưa nhận biết Chúa, nhìn vào đời sống của chúng con mà nhận ra Chúa chính là tình yêu. Chúng con cầu xin
VI. Trong Thánh Lễ
– Trước kinh Lạy Cha: Tác giả đoạn sách Khôn ngoan hôm nay đã viết “ý định của Chúa ai nào biết được”. Chúng ta hãy xin Chúa tỏ cho chúng ta biết được thánh ý của Ngài để chúng ta thi hành.
VII. Giải tán
Chúng ta hãy ghi nhớ lời Chúa Giêsu “Ai không vác thập giá mình mà theo Ta thì không xứng đáng làm môn đệ Ta”. Trong tuần này chúng ta hãy can đảm vác lấy những thập giá hằng ngày để theo Chúa.
11. Chọn lựa Thiên Chúa là duy nhất – An Phong.
Tin Mừng Chúa Nhật 23 Thường Niên C gồm hai phần. Phần đầu là lời kêu gọi từ bỏ con người mình, vác thập giá theo chân Chúa Giêsu. Phần thứ hai là dụ ngôn “xây tháp” và “đi giao chiến”. Ý nghĩa chính của hai dụ ngôn này là trước khi tiến hành một công việc quan trọng, người ta phải xem xét mình có đủ khả năng, nguồn lực để đạt được thành công hay không. Và cuối cùng là lời áp dụng “Ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được”. Lời kết luận này là giáo huấn, là lời mời gọi cho tất cả mọi kitô hữu, những người môn đệ của Đức Giêsu.
Đức Giêsu mời gọi hãy từ bỏ. Từ bỏ là một thái độ sống thực tế của người kitô hữu. Từ bỏ nghĩa là hy sinh vì lý tưởng, vì Thiên Chúa. Người kitô hữu từ bỏ không phải là điều kiện để trở nên một môn đệ Đức Giêsu, nhưng là điều kiện để luôn luôn trung thành là người môn đệ. Là người môn đệ tức là luôn chọn lựa Đức Giêsu là Hy vọng, là Đường, Sự thật và Sự sống. Là người môn đệ tức là dấn thân hết mình, đi cho trọn đường của người môn đệ, đừng như người ta khởi công xây tháp nhưng không thể hoàn thành được, hay đừng như ông vua kia đã ra trận nhưng không chiến thắng được.
Bền bỉ, kiên trì, đi cho trọn đường, đó là thánh giá đời người. Để là người môn đệ đích thực của Đức Giêsu, cần phải bền bỉ, triệt để. Đức Giêsu muốn những ai theo Người phải đi trọn đường thánh giá của mình. Thánh giá tức là những chọn lựa trong hiện tại, được lập đi lập lại và liên tục. Sống trong cuộc đời, chúng ta luôn bị đặt trong tình huống phải chọn lựa. Đã chọn lựa là không thể chọn lấy tất cả, đã chọn điều này tất phải bỏ điều kia. Việc chọn lựa không luôn luôn dễ dàng. Chỉ có một tiêu chuẩn cho việc chọn lựa, đó là “Thiên Chúa là trên tất cả”. Hơn nữa, không luôn luôn dễ dàng để trung thành với chọn lựa Thiên Chúa. Để có thể trung thành, cần có một tiêu chuẩn khác nữa, đó là “chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái, hay ruộng đất vì Thầy và vì Tin mừng, mà bây giờ, ngay ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất gấp trăm, cùng với sự ngược đãi và sự sống đời đời ở đời sau” (Mc 10,29-30).
Từ bỏ nghĩa là không nhìn nhận những thực tại trần thế là tuyệt đối, có thể thay thế được chính Thiên Chúa. Chúng ta không loại bỏ những thiện hảo của cuộc sống như tiền bạc, của cải vật chất, nghề nghiệp… nhưng chúng ta chỉ nên coi đó là những phương tiện. Chúng ta nhìn nhận những giá trị trần gian là tốt đẹp, nhưng tất cả những giá trị đó phải quy hướng chúng ta đến với Thiên Chúa. Nếu các môn đệ của Đức Giêsu yêu mến tạo vật của Người hơn chính Người, thì họ không xứng đáng là môn đệ của Đức Giêsu.
Hơn nữa, việc từ bỏ này cần phải thực tế, tức là gắn liền với cuộc sống mỗi ngày. Chúng ta có thể hiểu được điều này khi nhìn vào cuộc đời của những người hy sinh cho một lý tưởng mà họ đã chọn lựa. Những người đó dám chấp nhận từ bỏ đời sống gia đình, riêng tư của mình. Họ dám hy sinh thời giờ, sự an toàn và thậm chí cả sức khỏe của mình để hoàn thành sứ mạng.
Phải chăng chúng ta chọn lựa Thiên Chúa là ưu tiên trên hết?
Phải chăng chúng ta đang kiên trì, trung thành với chọn lựa là người kitô hữu, người môn đệ của Đức Giêsu qua nhiệm tính Thanh tẩy?
Lạy Chúa,
Để con có thể gắn bó với Ngài tha thiết hơn nữa,
con ước mong ý thức con trở nên bao la như trời biển,
mênh mông như vũ trụ,
trải rộng như loài người khắp mặt đất,
sâu thẳm như quá khứ, sa mạ, trùng dương,
tinh vi như hạt nhân nguyên tử,
thâm thúy như tư tưởng của lòng người.
Phải chăng con cần gắn liền với Chúa
từ mọi địa điểm của vũ trụ bao la này,
và để con đừng sa chước cám dỗ rập rình
trong mọi hành vi táo bạo,
để chúng con đừng bao giờ lãng quên là
chỉ có Chúa mới đáng được tìm kiếm qua mọi sự.
12. Điều kiện theo Chúa
Là con người nhiều giới hạn nên khi gia nhập bất cứ tập thể nào cũng đều phải đáp ứng những điều kiện được đưa ra. Đi học ở trường phải đáp ứng những điều kiện căn bản về học lực và hạnh kiểm mới được xét tuyển vào lớp mới. Đi xin việc làm cũng cần đáp ứng những điều kiện đưa ra mới có thể vào được. Cũng thế, ai muốn đi theo Chúa cũng cần đáp ứng những lời mời gọi của Người.
Khi Chúa Giêsu bắt đầu đời sống công khai của mình xưa kia thì ngày càng có nhiều người đi theo Người. Chúa Giêsu không muốn người ta theo Người vì những động cơ thấp hèn hay thực dụng. Chúa Giêsu muốn người ta theo Chúa vì những lợi ích cao quý và thiêng liêng. Theo Chúa để tìm lại được tình trạng hạnh phúc thật. Theo Chúa vì phần rỗi đời đời. Trên hết mọi sự theo Chúa vì yêu mến. Vì yêu mến nên muốn sống gần gũi với Chúa.
Chính vì thế, Chúa Giêsu mời gọi: “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được. Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14, 26-27)
Với lời mời gọi này, Chúa Giêsu mong muốn những ai muốn theo mình nên xem Người là cao trọng hơn hết. Chúa không bắt chúng ta phải bỏ đi tình thân máu mủ cũng như không bắt chúng ta phải coi thường bản thân của mình. Chỉ vì Người muốn chúng ta đặt đúng bậc thang giá trị.
Chúng ta nhớ có lần một người đến gặp Chúa Giêsu và thưa Người: “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” (Mc 10,17). Anh ta lấy làm hãnh diện vì anh đã thực hiện tốt các giới răn mà Chúa Giêsu mời gọi anh tuân giữ. Đáng tiếc thay với lời mời gọi: “Hãy đi bán những gì anh có mà cho ng ười nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo Tôi.” (Mc 10, 21) thì “Anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải”. (Mc 10, 22)
Như vậy, người này đã chưa đáp ứng lại được điều kiện mà Chúa Giêsu đưa ra. Vì anh ta chưa dám từ bỏ chính mình, từ bỏ những lợi ích riêng tư của mình.
Trong thế giới ngày nay, con người ta bị nhiễm rất nhiều bởi lối sống cá nhân chủ nghĩa. Từ lối sống ấy, con người ta chỉ biết gom góp về cho mình. Người Công giáo thì dần dần xem thường lề luật Chúa và giới răn của Giáo hội. Có vẻ như họ không còn muốn theo Chúa nữa. Họ quên rằng chỉ khi nào còn theo Chúa thì mới mong tìm lại được chính mình. Ngược lại, những ai chỉ biết có mình thì nguy cơ đánh mất chính mình và đánh mất Chúa sẽ rất cao. Xin Chúa Giêsu cho chúng ta dám can đảm đáp ứng lại những điều kiện mà Người mời gọi.
13. Vác thập giá theo Chúa
AI KHÔNG VÁC THẬP GIÁ THEO TÔI, THÌ KHÔNG ĐÁNG LÀM MÔN ĐỆ TÔI
Suy Niệm
Chẳng ai có thể đi một lúc hai con đường.
Cuộc sống luôn đặt con người trước những lựa chọn, mà chọn là từ bỏ.
Từ bỏ trở thành quy luật để sống và lớn lên.
Thai nhi không thể ở mãi trong bụng mẹ, dù đó là chỗ an toàn, êm ấm.
Đứa bé chẳng thể nào trưởng thành, nếu nó sống mãi bằng sửa mẹ.
Từ bỏ thường là những cắt đứt đau đớn, như mổ một khối u.
Có nhiều người không có can đảm từ bỏ, nên suốt đời bị giằng co, ray rứt.
Trong đoạn Tin Mừng trên đây, Đức Giêsu đã nói ba lần câu: “thì không thể làm môn đệ tôi được.”
Chúng ta đã trở nên môn đệ Đức Giêsu, nhưng để tiếp tục là môn đệ của Ngài, ta cần phải đặt Ngài lên trên mọi giá trị khác.
Người Kitô hữu lớn lên nhờ chọn lựa và từ bỏ.
Trung tâm điểm là Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa. Mọi giá trị trở nên tương đối trước Đấng Tuyệt Đối.
Tiền bạc, của cải là một giá trị. Cha mẹ, vợ con, gia đình là những giá trị tinh thần. Mạng sống là một giá trị trổi vượt. Nhưng ngay cả những giá trị đó cũng phải được hy sinh khi cần, để tôi chọn Đức Giêsu, Giá Trị của mọi giá trị.
Các thánh tử đạo đã chọn lựa như thế.
Dĩ nhiên chúng ta yêu gia đình, yêu bè bạn, yêu trái đất nâng ta, yêu bầu trời che chở ta, yêu cuộc sống làm người với bao niềm vui và nước mắt. Nhưng ta phải yêu tất cả trong Chúa và dưới Chúa, để khi phải chọn lựa một trong hai, chúng ta chọn Chúa.
Như thế, tuy người Kitô hữu gắn bó với tạo vật nhưng vẫn giữ một khoảng cách nào đó, để luôn sống trong tự do, bình tâm.
Vấn đề là dám chọn và tiếp tục chọn, không để cho tháp đã xây bị dở dang, không để cho cuộc tiến quân bị ngừng trệ.
Vấn đề là dám đi tới cùng, để tiếp tục trung tín với một Tình Yêu.
Phải cởi bỏ mình khỏi những điều xấu, nhưng cũng phải tách mình khỏi nỗi đam mê lệch lạc một điều tốt: yêu nó ngoài Chúa và trên Chúa.
Ước gì chúng ta tự cởi trói mình mỗi ngày và nhờ ơn Chúa, chúng ta được tự do.
Gợi Ý Chia Sẻ
Theo ý bạn, giới trẻ hôm nay dễ bị lôi cuốn bởi thú vui nào? Đâu là những nguy hiểm của thú vui đó?
Bạn có kinh nghiệm gì về sự cám dỗ của một điều vốn là tốt, nhưng sau đó lại làm bạn bị nô lệ?
Cầu Nguyện
Lạy Chúa Giêsu, xin cho con dám hành động theo những đòi hỏi khắt khe nhất của Chúa.
Xin dạy con biết theo Chúa vô điều kiện, vì xác tín rằng Chúa ngàn lần khôn ngoan hơn con, và Chúa yêu con hơn cả chính con yêu con.
Lạy Chúa Giêsu trên thập giá, xin cho con dám liều theo Chúa mà không tính toán thiệt hơn, anh hùng vượt trên mọi nỗi sợ, can đảm lướt thắng sự yếu đuối của quả tim, và ném mình trọn vẹn cho sự quan phòng của Chúa.
Ước gì khi dâng lên Chúa những hy sinh làm cho tim con rướm máu, con cảm nghiệm được niềm vui bất diệt của người một lòng theo Chúa.
14. Hy sinh từ bỏ
Bài Phúc Âm hôm nay có thể được chúng ta đọc và suy niệm như là một sự giảng dạy thêm từ phía Chúa Giêsu, vừa là một sự lĩnh hội sâu xa thêm từ phía con người chúng ta. Mỗi người chúng ta được Chúa mời gọi hãy nghiêm chỉnh dấn thân theo Ngài với một tâm hồn đã được tự do khỏi mọi ràng buộc.
Liền sau những lời quả quyết về điều kiện căn bản cần có để theo Ngài: “Ai không vác thập giá mình mà đi theo Tôi thì không thể làm môn đệ Tôi”, Chúa Giêsu kể thêm hai dụ ngôn mới để nhấn mạnh thêm với các môn đệ rằng đi theo Chúa không thể nào là một hành động nhẹ dạ, nhất thời, tùy hứng nhưng là một hành động, một quyết định nghiêm chỉnh với tinh thần trách nhiệm sau khi đã suy nghĩ kỹ lưỡng, giống như thể người muốn xây một ngọn tháp hay như nhà vua ra trận. Trên con đường từ bỏ này, chúng ta không lẻ loi một mình mà chúng ta đi theo Chúa. Có Chúa làm gương đi trước chúng ta. Và không phải chỉ làm gương đi trước chúng ta mà Ngài còn đến với chúng ta, sống với chúng ta, kết hợp với chúng ta, ban cho chúng ta sức mạnh của Ngài để có thể thực hiện việc hy sinh từ bỏ. “Không Thầy chúng con không thể làm chi được”, hãy sống trong tình yêu Thầy như cành nho kết hiệp với cây nho để trổ sinh hoa trái.
Việc từ bỏ thập giá, đau khổ và cả cái chết nữa không phải là những giá trị riêng rẽ từ nơi chúng, mà là những phương thế để đạt đến mục đích để giúp ta trở nên giống Chúa mỗi ngày một hơn. Chúa Giêsu có quyền đòi hỏi nơi mỗi người chúng ta và muốn mỗi người chúng ta đặt Ngài vào chỗ ưu tiên, đòi hỏi chúng ta yêu mến Ngài trên hết mọi sự và với hết sức lực của mình, trên cả tình thân gia đình. Và chỉ khi nào chúng ta dám từ bỏ mọi cản trở để yêu mến Ngài trên hết mọi sự, để được đồng hoá với Ngài cách trọn vẹn, thì khi đó chúng ta mới biết đặt những sự vật và con người vào vị trí đúng, biết tôn trọng và yêu thương những sự vật và con người một cách đúng thật trong tình yêu thánh thiện của Chúa.
Lạy Chúa là Đấng đã kêu gọi chúng con theo Ngài qua con đường thanh luyện và hy sinh.
Xin ban ơn giải thoát chúng con khỏi những gì đang ngăn cản chúng con đến với Chúa. Xin dạy con theo Chúa mỗi ngày một trọn vẹn hơn, không chùn bước trước những thách thức và hy sinh. Xin cho con được cùng vác thập giá với Chúa để được chia sẻ vinh quang Phục Sinh của Chúa.
15. Từ bỏ – Lm. Giacôbê Phạm Văn Phượng, OP
Có một câu chuyện kể rằng: Một vị linh sư Ấn giáo nổi tiếng kia đang ngồi tĩnh niệm bên bờ sông, thì một người đàn ông giàu có đến xin làm môn sinh. Ông rón rén đến bên vị linh sư và đặt dưới chân nhà tu hành hai viên ngọc quý giá để làm của lễ ra mắt. Vị linh sư mở mắt ra nhưng không tỏ lộ một thái độ nào, không cần nhìn kỹ vào món quà quý giá ấy, ông cầm lấy một viên ngọc và ném xuống sông. Vì tiếc của, người đàn ông liền lặn xuống sông để tìm lại viên ngọc. Nhưng mất suốt một ngày mà ông không tìm lại được. Chiều đến, mệt mỏi và chán chường, ông mon men đến bên vị linh sư và nài nỉ: “Ngài đã ném viên ngọc xuống chỗ nào xin ngài chỉ cho tôi để tôi lặn xuống tìm lại?”. Không nói gì, vị linh sư cầm lấy viên ngọc còn lại ném xuống sông và nói: “Đó, ta đã ném vào chỗ đó, ngươi hãy lặn xuống mà tìm lại”. Cử chỉ của vị linh sư Ấn giáo trên đây cho biết một đòi hỏi gay gắt đối với những ai muốn xuất gia tu hành, đó là họ phải từ bỏ tất cả.
Chúa Giêsu cũng đòi hỏi một sự từ bỏ như thế: “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình, thì không thể làm môn đệ tôi được”. Nhiều người cho rằng Chúa Giêsu nói những lời trên là chỉ nói với các môn đệ ngày xưa hay với những linh mục và tu sĩ ngày nay. Không phải thế, chắc chắn Chúa không có ý nói đến những người đi tu mà thôi, nhưng nói với tất cả mọi người. Thực vậy, những điều Chúa nói trên đây có thể hiểu theo hai nghĩa: nghĩa đen, nghĩa chặt áp dụng cho những người đi tu, và nghĩa bóng, nghĩa rộng áp dụng cho mọi người.
Nếu hiểu theo nghĩa đen, nghĩa là hiểu theo sát nghĩa từng chữ, thì đây là điều kiện Chúa đòi hỏi những người theo Chúa và thực sự những ngừơi đi tu đã thực hiện, đã sống theo những lời Chúa nói. Trong cuộc đời của các thánh, chúng ta thấy nhiều vị đã hiểu lời Chúa theo nghĩa đen, có những vị đã bán hết gia tài bố thí cho người nghèo; có những vị đã bỏ hết danh vọng, chức quyền; có những vị đã bỏ hết tiền bạc của cải để theo Chúa; có những vị đã bước qua con cái để ra đi dâng hiến cuộc đời cho Chúa, hay chấp nhận cha mẹ từ bỏ mình để được đi tu; cũng có những vị tự cắt tóc, rạch mặt để được thong dong theo Chúa.
Chẳng hạn thánh Phan-xi-cô Át-si. Truyện kể rằng khi còn là một thanh niên lêu lổng, Phan-xi-cô thường hay đi lễ trễ Chúa nhật. Có một lần khi vừa đến cửa nhà thờ, thì vị chủ tế đang đọc bài Tin Mừng, Phan-xi-cô nghe rõ được câu: “Nếu con muốn nên hoàn thiện thì hãy về bán hết gia sản, bố thí cho kẻ nghèo, rồi đến đây theo Ta”. Phan-xi-cô xác tín lời ấy Chúa nói với chính mình, anh trở về và thực hành đúng như lời Chúa, tơ lụa, vải vóc trong cửa hàng bề thế của gia đình anh đem phân phát cho người nghèo rồi đi theo Chúa và trung thành với sự nghèo khó suốt đời, nên chúng ta thường gọi là thánh Phan-xi-cô khó nghèo.
Trường hợp của thánh Béc-na cũng rất hay. Khi đến tuổi trưởng thành, ngài sớm nhận ra rằng: khó mà được rỗi linh hồn nếu sống ở thế gian, nên ngài đã quyết định từ bỏ, ngài xin đi tu và còn kéo theo bốn người em nữa. Trước khi lên đường, năm anh em đã nói với người em út, tên là Ni-va: “Vĩnh biệt em Ni-va, các anh đi đây, các anh để lại tất cả đất đai, nhà cửa và của cải cho em”. Ni-va trả lời: “Các anh khôn thấy mồ, các anh chọn trời và để lại đất cho em, em không bằng lòng đâu”. Vì thế, sau này Ni-va cũng theo các anh vào tu viện, từ bỏ đất để chọn trời, từ bỏ thế gian để chọn nước trời.
Những trường hợp trên và nhiều trường hợp khác là những cử chỉ anh hùng, nhưng không phải là luật chung cho mọi người. Dầu sao những người đi tu, chúng ta thấy cũng hiểu được theo nghĩa đen lời Chúa nói: bỏ cha mẹ, gia đình, anh chị em để nhận nhà dòng làm gia đình và nhận những người cùng chí hướng làm anh em, chị em, hoàn toàn sống theo tinh thần từ bỏ bằng ba lời khấn vâng lời, khó nghèo và khiết tịnh.
Tuy nhiên, nếu hiểu điều kiện từ bỏ theo nghĩa rộng là Chúa nói với mọi người, thì điều đó có nghĩa là phải ưu tiên dành cho Chúa và làm mọi việc để phụng sự Chúa mà thôi, nghĩa là phải chọn Chúa trên hết mọi sự, trên cả những tình cảm thân thương nhất, cả chính bản thân cũng như danh vọng và của cải trần gian. Đây là một đòi hỏi có tính cách khác thường, ngược đời và khó chấp nhận, nên Chúa đã đưa ra hai dụ ngôn để minh họa và giải thích: dụ ngôn người muốn xây tháp hay xây nhà và dụ ngôn ông vua hay ông tướng sắp lâm trận: phải biết lượng sức mình, phải biết đánh giá đúng khả năng của mình, tức là phải tính toán cẩn thận để khỏi hỏng việc, thiệt hại hay thất bại.
Nói rõ hơn, đối với phần đông chúng ta, Chúa không đòi hỏi phải từ bỏ của cải, cha mẹ, gia đình, nghề nghiệp để đi tu, nhưng Chúa đòi hỏi phải biết từ bỏ những gì cản bước chân chúng ta đi theo Chúa, những gì làm chúng ta xa Chúa, mất sự bình an, nhất là mất Chúa, mất hạnh phúc nước trời.
Tóm lại, không thể làm môn đệ Chúa nếu không dám dứt bỏ, mà lám sao dứt bỏ được nếu không có tình yêu, nên điều kiện theo Chúa là phải có một tình yêu lớn mạnh. Có tình yêu chúng ta sẽ làm được tất cả, và dứt bỏ vì yêu, chúng ta sẽ thấy nhẹ hơn và dễ hơn. Nói khác đi, từ bỏ là cách diễn tả một tình yêu, khi yêu người ta vui lòng từ bỏ tất cả. Ước gì chúng ta vui khi gặp viên ngọc quý là Đức Giêsu, dám bán tất cả để thấy mình giàu có.
16. Để làm môn đệ Chúa – Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
Bài đọc 1 Chúa nhật XXIII thường niên C dạy chúng ta rằng” “Những ai sống đẹp lòng Chúa từ ban đầu, thì được ơn cứu độ nhờ sự khôn ngoan”. Vì theo Thánh Kinh, sự Khôn ngoan của Thiên Chúa đồng nghĩa với Lời Chúa. Từ đó, nghe lời sự Khôn ngoan là căn tính đầu tiên của người môn đệ Đức Kitô, Lời Thiên Chúa nhập thể.
Đức Giêsu Kitô là Lời Thiên Chúa, là sự Khôn ngoan của Thiên Chúa (1 Co 1, 24, 30 ) cất tiếng mời gọi con người, cách riêng là người môn đệ, chẳng những lắng nghe, đi theo, mà còn phải hy sinh, từ bỏ nữa” “Nếu ai đến với Ta mà không bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em và cả mạng sống mình, thì không thể làm môn đệ Ta. Còn ai không vác thập giá mình mà theo Ta, thì không thể làm môn đệ Ta.” Nghe lời tuyên bố của Đức Giêsu ở trên, mỗi người chúng ta nói gì và trả lời ra làm sao? Tiêu chuẩn để làm môn đệ Đức Giêsu, với đòi hỏi thật gắt gao. Ai muốn theo Chúa, phải từ bỏ tận căn, không những của cải, người thân thiết nhất, mà cả những tiện nghi, kế hoạch riêng, sự quyến luyến, những giao tiếp hợp pháp và thậm trí cả chính mạng sống mình nữa nữa (x. ). Ngài yêu cầu phải “bỏ” cha mẹ, vợ con, anh em, chị em. Có người đặt câu hỏi” Phải chăng, Điều răn thảo cha kính mẹ, yêu thương người thân cận bị đảo lộn rồi hay sao? Nghĩa là để đi theo Đức Giêsu, người ta phải thay thế tình yêu đối với người thân cận bằng sự từ bỏ đối với họ? Không phải thế, Đức Giêsu đòi hỏi người môn đệ phải phân định và lựa chọn giữa Thiên Chúa và loài người, Thiên Chúa phải là nhất. Yêu cha mẹ và đồng loại, nhưng yêu Thiên Chúa hơn, vì Ngài là Đấng dựng nên cả cha mẹ chúng ta, nên Đức Giêsu yêu cầu con người dành cho Ngài một vị trí đặc biệt và cao nhất.
Tuy nhiên, dường như trở ngại lớn nhất không phải là người thân cận hoặc cha mẹ anh chị em, của cải… mà là cái tôi. Cái tôi cũng phải nhường bước cho dây liên kết với Đức Giêsu, nên Ngài thêm” “Ai không vác thập giá mình mà theo, thì không thể làm môn đệ Ta”. Đức Giêsu có thích khổ đau và thậy giá không? Không, Đức Giêsu đã không đi tìm thập giá và đau khổ, y như thể Ngài thích. Nhưng Ngài vác trên mình thập giá và sự đau khổ, đến mất mạng, khi phải đáp ứng điều này hầu giữ được lòng trung thành với Thiên Chúa. Ai muốn đi theo Chúa Giêsu, phải đặt sự trung thành với thánh ý Thiên Chúa trên tất cả mọi sự. Vác thập giá mình là từ bỏ ý mình, vâng theo ý Chúa. Ý Chúa muốn là từ bỏ cái tôi, từ bỏ những ước muốn xấu, những lời chua cay, nóng nảy, giận hờn, từ bỏ tính kiêu căng, thói tham lam, để chúng ta thoát khỏi những đam mê vật chất, hầu sống trọn vẹn cho Chúa và cho tha nhân. Cơ bản, vác thập giá mình mà theo Đức Giêsu là liều thuốc chữa chúng ta khỏi căn bệnh ghê sợ là “sự trì trệ”, ù lì, tê liệt và khép kín lòng mình.
Không phải ngẫu nhiên Đức Giêsu nói đến “Thập Giá”. Vác thập giá bước theo Đức Kitô không phải là vác đi với những bước nhẹ nhàng. Vác lấy thập giá mà theo Chúa Giêsu có nghĩa là sẵn sàng chấp nhận bất cứ hy sinh nào vì tình yêu đối với Chúa. Nhưng chúng ta không vác thập giá một mình, vì có Chúa cùng đi, Ngài đi trước để chúng ta tiếp bước theo sau, Ngài đi mau để chúng ta được lúi kéo dắt dùi, Ngài nâng đỡ chúng ta bằng sức mạnh của tình yêu Thiên Chúa.
Quyết định theo Đức Giêsu, là gạt bỏ tất cả, hướng về Chúa là sự giầu có đích thực của chúng ta, không gì hơn Ngài, không đặt cái gì trước Ngài, toàn bộ phải qui hướng về Ngài. Ngài cũng khẩn khoản mời gọi chúng ta dùng mọi cách để đi đến tận cùng là trở nên những môn đệ Đức Giêsu. Theo Đức Kitô, chúng ta không mất gì hết, chúng ta được tất cả. Như Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI nhấn mạnh trong bài giảng khai mào sứ vụ Giám mục Rôma” “Ai chấp nhận cho Chúa Kitô bước vào trong cuộc đời họ, thì người đó không mất đi điều gì cả, tuyệt đối không mất điều gì làm cho cuộc đời được tự do, tươi đẹp và cao cả. Không! Chỉ trong tình bạn với Chúa Kitô này mà các cửa sự sống được mở rộng ra. Chỉ trong tình bạn với Chúa này mà những khả năng to lớn của cuộc sống con người được thể hiện đích thực. Chỉ trong tình bạn với Chúa này mà chúng ta cảm nghiệm được điều gì là tươi đẹp và điều gì là tự do”. Với sức mạnh cao cả và với niềm xác tín lớn lao, dựa trên những năm dài kinh nghiệm cá nhân về cuộc sống, Đức Giáo hoàng nói với chúng con rằng: “Anh em đừng sợ Chúa Kitô. Chúa không đến lấy mất đi điều gì cả, nhưng ban cho đủ mọi sự. Ai hiến thân cho Chúa, thì được nhận gấp trăm. Phải, hãy mở ra, hãy mở rộng mọi Cửa cho Chúa Kitô, và chúng con sẽ gặp được sự sống thật.” (Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI, 24/4/ 2005).
Lạy Chúa, trong niềm tin, chúng con muốn từ bỏ tất cả để đi theo Chúa, nhưng trên đường đi, chúng con sợ bị mất một phần của đời sống, sợ mất tự do, sợ đau khổ, sợ không có khả năng, không thực sự muốn bước đi theo Chúa và trở thành môn đệ Chúa. Lạy Chúa, chúng con dâng cho Chúa ‘ước muốn theo Chúa của chúng con’ và chúng con mở cửa lòng mình cho Chúa. Lạy Chúa, xin đến giúp chúng con để chúng con thấy rằng trên đường đi, có chúa là sức mạnh để chúng con tiến bước theo, hiệp nhất với Chúa cho đến trọn đời. Amen.
17. Tình yêu là động lực để đi theo Chúa Giêsu
(Suy niệm của Lm. Giuse Nguyễn An Khang)
Vẫn trên đường lên Giêrusalem, Đức Giêsu biết đau khổ và cái chết đang chờ đón ở cuối cuộc hành trình. Ngài phải uống chén đắng. Tuy nhiên, khi đến giờ, Ngài thấy nó không dễ. Ngài phải trải qua một cơn hấp hối kinh hoàng và đã xin Chúa Cha cất chén ấy. Thế nhưng, Ngài đã giữ vững lòng trung tín. Điều làm cho Ngài kiên vững, đó là tình yêu. Ngài yêu Chúa Cha, muốn thực hiện ý định của Người. Ngài biết Chúa Cha muốn bày tỏ tình yêu sâu xa của Người với nhân loại, qua sự thành tín và lòng yêu thương của Ngài. Lòng thành tín và yêu thương này được trả bằng chính mạng sống của Ngài. Bởi vậy, Ngài sẵn sàng vâng lời Chúa Cha: Chết khổ nhục trên Thập giá. Qua cái chết đó, Ngài cũng thể hiện tình yêu của Mình đối với nhân loại: “Không ai có tình yêu cao cả hơn tình yêu của người hy sinh mạng sống vì bạn hữu” (Ga 15, 13).
Đang khi đó, có rất đông người cùng đi với Đức Giêsu, nghĩ rằng: Ngài là Đấng Messia, là nhà lãnh đạo quân sự, một Đavít mới, tiến về Giêrusalem, để giải phóng Israel khỏi sự áp bức đô hộ của người Lamã, khôi phục đất nước. Đức Giêsu không muốn họ theo Ngài cách mù quáng. Ngài không che dấu những khó khăn, vất vả, hi sinh. Ngài cho họ biết, đi theo Ngài sẽ gặp nhiều đau khổ: Phải “dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em và cả mạng sống mình” (Lc 14, 26).
Nelson Mandela, một người thông minh muốn lập nghiệp như mọi người khác. Hans Muler, một thương gia, nhìn thế giới qua lăng kính của luật cung cầu, đã nói với Mandela: “Tất cả là tiền bạc. Bởi vì giàu sang và tiền bạc đồng nghĩa với hạnh phúc. Anh phải chiến đấu cho điều đó: Tiền bạc và không gì ngoài tiền bạc. Một khi bạn có đủ tiền bạc, bạn không muốn cái gì khác trên đời”. Nếu Nelson Mandela làm theo lời khuyên của Hans Muler, ông có thể làm rất tốt cho bản thân. May mắn thay cho Nam Phi. Thay vì lo cho bản thân, Nelson Mandela đã quyết định cống hiến cuộc đời mình cho việc phục vụ đất nước.
Để làm điều đó, Mandela đã phải hy sinh, ông viết: “Đối với tôi, không phải là một việc dễ dàng khi phải xa cách vợ con, giã từ những ngày xưa tươi đẹp ấy, và sau một ngày làm việc hăng say ở văn phòng. Tôi có thể quay về với gia đình trong bữa ăn tối, thay vì phải sống như một người bị cảnh sát săn đuổi liên tục, sống xa cách những người thân yêu nhất, phải đối diện liên tục với những sự bất trắc như bị nhận dạng và bắt giữ. Đó là một đời sống cực kỳ khó khăn hơn cả chịu án tù (Trích “Hành trình đến tự do”, 1994, Little, Brown and Company). Nelson đã chịu 27 năm tù đày vì yêu đất nước. Ông đã trở thành tổng thống vĩ đại của Nam Phi.
Phêrô, một hôm, đã hỏi Chúa: “Chúng con bỏ mọi sự theo Thầy, chúng con được gì?”. Đức Giêsu trả lời: “Chúng con sẽ được gấp trăm ở đời này, cùng với sự bắt bớ và tù đày”.
Vâng, làm môn đệ theo Đức Giêsu, phải chịu bắt bớ, tù đầy. Môn đệ không hơn Thầy. Đức Giêsu đã chịu đau khổ, môn đệ không có con đường nào khác. Nhưng cái gì làm môn đệ có thể chịu đau khổ? Thưa, tình yêu. Chỉ có tình yêu mới làm được mọi sự. Đức Giêsu trong cuộc khổ nạn, bị cáo gian, bị xỉ vả, đánh đòn, chế nhạo, phỉ nhổ, đội mão gai, đóng đinh vào Thập giá… Người đã chịu tất cả những điều đó vì tình yêu. Hơn nữa, Người đã biến đổi đau khổ, sự nhục nhã thành tình yêu thương và sự tha thứ. Đó là chiến thắng của tình yêu trên mọi sức mạnh hủy diệt. Trong Người, không có gì khác ngoài Tình yêu thương. Ngay cả khi chịu đóng đinh, Người vẫn yêu thương: “Xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm”. Những đau khổ của Người sẽ ra vô ích, nếu Người không chịu đựng với tình yêu thương. Không phải những đau khổ của Người đã cứu rỗi nhân loại, nhưng bởi tình yêu thương của Người.
Ai giả bộ thích chịu đau khổ, thật điên rồ. Đau khổ là thứ hầu hết chúng ta muốn tránh. Thế nhưng, người môn đệ của Đức Giêsu sẵn sàng chịu đau khổ vì yêu. Vì yêu, họ có thể dứt bỏ cha mẹ, anh em, chị em và cả mạng sống mình (Lc 14, 26). Vì yêu, họ sẵn sàng phục vụ mọi người. Vì yêu, họ chấp nhận mọi đau khổ. Họ tỏ lòng trung tín của mình trong đau khổ. Đau khổ là cách thể hiện tình yêu cao vời nhất.
Để thực hiện điều đó. Người môn đệ cần phải lượng sức mình, phải tính toán xem mình có đủ khả năng tiến bước hay không. Chúng ta không thể làm việc gì quá khả năng. Nhưng tất nhiên, chúng ta không biết trước khả năng của mình đến đâu. Chúng ta có thể tự đánh giá khả năng của mình hoặc quá thấp, hoặc quá cao. Điều quan trọng nhất là tự biết mình. Đức Giêsu đã đưa ra hai dụ ngôn ngắn: Người xây tháp và vua đi giao chiến. Một người xây tháp cần phải tính toán phí tổn, xem có hoàn thành nổi không? Vua đi giao chiến, phải tính xem số lượng quân đội của mình, có đủ sức đương đầu với đối phương không? Qua hai dụ ngôn đó, Ngài muốn bảo: Những ai muốn theo làm môn đệ của Ngài, cần phải suy nghĩ chín chắn.
Có thể, có một ai đó theo Chúa, nhưng không phải là môn đệ, họ chỉ là kẻ theo đóm ăn tàn trong một công việc vĩ đại, chỉ là người nói chứ không làm. Có một vị vua đến thăm Thiền viện của thiền sư Lin Chi, ông kinh ngạc vì có đến mười ngàn tu sĩ ở đó. Muốn biết chính xác con số các tu sĩ, nhà vua hỏi thiền sư: “Thầy có bao nhiêu môn đệ?” Lin Chi đáp: “Có bốn hoặc năm người”.
Phần những người đi theo Đức Giêsu, Ngài cũng hỏi: Có bao nhiêu người là môn đệ đích thực của Ta.