Bi thảm: Kitô hữu Armenia bị phản bội lần thứ hai trước mắt chúng ta. Xin cầu nguyện cho họ

Lại một lần nữa dân tộc Armenia bị phản bội

Xung đột giữa Armenia và Azerbaijan có vẻ như đã kết thúc sau gần bảy tuần giao tranh, nhưng nhiều người cho rằng Armenia đã bị phản bội một lần nữa khi phải khuất phục nhường đất cho những kẻ xâm lược để đạt được một nền hòa bình mong manh và tạm thời.

Trong thế chiến thứ nhất, ước tính từ 1 triệu đến 1.5 triệu người Armenia đã bị giết chết từ ngày 23/4/1915 đến khi kết thúc chiến tranh trong các vụ thảm sát, trong các trại tập trung, và trong các cuộc cưỡng bức trục xuất ra sa mạc cho chết đói… Tuy nhiên, do những dàn xếp chính trị lắt léo, không ai trong chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã phạm vào tội ác chống nhân loại nghiêm trọng như thế bị đưa ra xét xử sau chiến tranh. Nhà cầm quyền Thổ Nhĩ Kỳ, do đó, luôn phủ nhận tội ác này, coi như chưa từng xảy ra. Biến cố này thường được nhắc đến như vụ phản bội dân tộc Armenia lần thứ nhất.

Vụ phản bội dân tộc Armenia lần thứ hai vừa diễn ra trước mắt chúng ta. Thật vậy, một thỏa thuận hòa bình được ký kết bởi Thủ tướng Nikol Pashinyan của Armenia, Tổng thống Vladimir Putin của Nga và Tổng thống Ilham Aliyev của Azerbaijan đã hình thành nên một lệnh ngừng bắn được ban hành vào ngày 10 tháng 11. Theo thỏa thuận này, lãnh thổ Artsakh độc lập của người Armenia, được người Azerbaijan gọi là Nagorno-Karabakh, sẽ phải trao cho quân đội Azerbaijan và lực lượng lính đánh thuê của Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.

Armenia một dân tộc đau thương

Sự mất mát về người và đất là nguồn gốc gây đau đớn rất lớn cho người Armenia, những người có cùng lịch sử với dân tộc Do Thái. Cả hai đều là những chủng tộc cổ đại có nguồn gốc từ các nhân vật quan trọng trong Kinh thánh – Abraham là tổ phụ của người Do Thái, còn ông Noê là tổ phụ của người Armenia.

Sau cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu, các Thánh Tông Đồ Bácthôlômêô và Tađêô đã rao giảng khắp vương quốc Armenia, sau đó mở rộng sang miền trung Thổ Nhĩ Kỳ, Li Băng và Bắc Iran.

Vào đầu thế kỷ thứ tư, dưới thời vua Tiridates Đệ Tam, Armenia trở thành quốc gia đầu tiên chấp nhận Kitô Giáo làm quốc giáo. Quốc gia này tách khỏi Giáo hội Hoàn vũ sau Công đồng Chalcedon vào năm 451, khi Giáo hội Armenia bị buộc tội theo thuyết độc tôn dị giáo, vốn dạy rằng Chúa Kitô chỉ có một bản tính duy nhất là bản tính Thiên Chúa trái với xác tín của Công đồng Chalcedon cho rằng Chúa Kitô là Thiên Chúa thật và là người thật. Ngay từ thưở ban đầu, đức tin Kitô giáo luôn tuyên xưng Đức Kitô “vốn dĩ là Thiên Chúa” và đã “trở nên giống phàm nhân”. Trong dòng lịch sử, Hội Thánh đã phải thường xuyên chiến đấu để bảo vệ sự toàn vẹn của lời tuyên xưng này. Khi này khi khác, vẫn có những cám dỗ chối từ hoặc nhân tính hoặc thần tính nơi Đức Giêsu Kitô (GLHTCG số 465-468).

Armenia sơ khai, giống như các vương quốc nhỏ hơn khác, là đối tượng của các đế chế lớn hơn, như người Byzantine, người La Mã và người Ba Tư. Nhưng phải đến cuộc chinh phục của Hồi giáo, người Armenia mới bị tàn sát và tàn phá.

Sau khi người Thổ Ottoman chiếm được Anatolia, người Armenia bị phân sáp và sống như một dân tộc thiểu số ở những vùng đất đã lần lượt thuộc về Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Nga. Trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, người Ottoman lo sợ rằng người Armenia dưới sự cai trị của họ sẽ đứng về phía Nga và các lực lượng Armenia kháng chiến cho nên Thổ Nhĩ Kỳ đã phát động một chiến dịch trục xuất và thảm sát hàng loạt, dẫn đến cái chết của 1,5 triệu người Armenia.

Azerbaijan chỉ là một chính thể, không phải một dân tộc

Các nhà sử học và nhân chủng học cho rằng không có cái gọi là dân tộc Azerbaijan. Trong cùng khoảng thời gian lịch sử cổ đại với người Armenia, vùng đất Azerbaijan ngày nay là nơi sinh sống của người Albania trong vùng Cáp Ca, tiếng Anh là Caucasus. Về mặt tôn giáo, người Albania ở Cáp Ca trải qua một chu kỳ tương tự như người Armenia, nghiã là cũng chuyển đổi từ ngoại giáo sang Kitô Giáo. Nhưng họ không bao giờ có thể giữ được một bản sắc dân tộc riêng biệt.

Thời gian trôi qua, các cư dân của Azerbaijan ngày nay đã trở thành một nơi tập trung các lực lượng xâm lược đa dạng của các dòng máu Ba Tư, hay còn gọi là Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Mông Cổ. Người Ba Tư và Thổ Nhĩ Kỳ lần lượt tiêu diệt người Albania và trở thành những người chiếm đa số trong vùng.

Azerbaijan là danh xưng được những người theo chủ nghĩa dân tộc Hồi giáo cực đoan đặt cho đất nước để quảng bá bản sắc Ba Tư và Thổ Nhĩ Kỳ của những người sinh sống ở đó. Danh từ này chỉ xuất hiện sau khi người Thổ Ottoman tấn công thủ đô Baku và cho phép người Azerbaijan địa phương tiêu diệt các nhóm lãnh đạo của người Armenia và người Nga.

Sau chiến tranh Nga với Ba Tư 1826–28, cả Armenia và Azerbaijan ngày nay đều bị nhập vào Liên bang Nga.

Dưới sự cai trị của Liên Sô, lãnh thổ tranh chấp Artsakh, hay còn gọi là Nagorno-Karabakh, nơi bao gồm đa số người Armenia trong nhiều thế kỷ, đã được trao cho Azerbaijan.

Với sự sụp đổ của Liên bang Xô viết, cả Armenia và Azerbaijan đều tuyên bố là các nước cộng hòa độc lập và xung đột giữa các quốc gia Kitô Giáo và Hồi giáo lại tiếp tục bùng phát.

Vào năm 1994 và 2016, hai quốc gia đã chiến đấu vì Artsakh, vùng này tuyên bố độc lập khỏi Azerbaijan và từ đó hoạt động như một lãnh thổ của Armenia dù chưa được quốc tế công nhận.

Cuộc chiến 7 tuần vừa qua

Trong cuộc chiến 7 tuần vừa qua, Azerbaijan được hỗ trợ bởi các khí tài chiến tranh của Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm máy bay không người lái, tên lửa và pháo binh. Người Azerbaijan cũng được tăng cường bởi những người lính đánh thuê Syria do Thổ Nhĩ Kỳ thuê mướn. Những người lính đánh thuê này được lệnh “tàn sát” mọi người Armenia mà họ gặp – dù là bính lính hay dân thường.

Trong khi đó người Nga, những người thường bảo vệ cho người Armenia, đã không làm gì để hỗ trợ quốc gia này về mặt quân sự và nhanh chóng thúc đẩy thỏa thuận hòa bình, gây bất lợi cho Armenia.

Sau khi thỏa thuận hòa bình được công bố, người ta có thể thấy các đám đông cổ vũ trên các đường phố ở thủ đô Baku của Azerbaijan, trong khi ở thủ đô Yerevan của Armenia, người dân náo loạn vì điều mà họ cho là sự nhượng bộ hèn nhát của Thủ tướng Armenia, Nikol Pashinyan.

Các nhà quan sát của hiệp định hòa bình tin rằng nó chỉ là tạm thời, suy đoán rằng cả hai bên sẽ chiến đấu để đòi hoặc đòi lại những gì họ cảm thấy là của họ. Nhiều người Armenia cảm thấy việc thiếu các đồng minh nước ngoài của họ sẽ dẫn đến việc mất nhiều đất hơn và người Armenia tiếp tục bị tàn sát.


Source:Church Militant

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *