Các Giám mục Canada cương quyết phản đối việc trợ tử và Giáo hội Bồ Đào Nha vận động chống hợp pháp hóa việc “an tử”

2. Giáo hội Bồ Đào Nha vận động chống hợp pháp hóa việc “an tử”

Trước việc Quốc hội Lisbon sẽ phải xem xét bốn đề nghị mới về việc an tử được “Bloque de Isquerda”, Đảng Xã hội và Đảng Nhân dân, động vật và thiên nhiên (Pan) và Đảng Sinh thái học Xanh (Pev) đệ trình, Giáo hội Bồ Đào Nha loan báo một cuộc vận động mới chống lại việc hợp pháp hóa tất cả các thực hành an tử.
Trong cơ quan lập pháp mới, các đại biểu của các đảng này chiếm đa số, trong khi những người bảo thủ, những người cách đây hai năm đã cố gắng ngăn chặn việc phi hạt nhân hóa, hiện thuộc nhóm thiểu số.

Về cuộc tranh luận tại quốc hội, Đức Hồng y Manuel Clemente, Thượng Phụ Lisbon, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Bồ Đào Nha, nói rằng các giám mục sẽ phát động một chiến dịch nâng cao nhận thức mới cả bên ngoài Giáo hội, bởi vì đó là một “vấn đề nhân đạo và nhân bản liên quan đến mọi người.”

Một xã hội bảo vệ, chào đón và bao gồm tất cả sự sống con người

Đức Thượng phụ Lisbon nhấn mạnh rằng vấn đề hợp pháp hóa cái chết êm dịu không thể được xem xét cách hời hợt: “Cách hành động đúng đắn mà chúng ta phải thực hiện là ở bên cạnh những người đau khổ, nhờ đó, và nhờ vào việc sử dụng chăm sóc giảm đau, giai đoạn cuối đời của những người này có thể tích cực”. Do đó, ưu tiên hiện nay về xã hội đó là một xã hội “bảo vệ, chào đón và bao gồm” trong tất cả các giai đoạn của cuộc sống con người, từ lúc thụ thai đến giai đoạn cuối đời.

“Một vụ giết người với sự đồng ý của nạn nhân vẫn là một vụ giết người”

Sự cần thiết thúc đẩy và giúp cho tất cả các bệnh nhân bị bệnh hiểm nghèo và bệnh nan y có thể được chăm sóc giảm đau đã được các giám mục Bồ Đào Nha nhắc lại trong một tài liệu được công bố năm 2016, khi cuộc tranh luận về an tử tại nước này bắt đầu. Nó khẳng định rằng giá trị nội tại của sự sống con người “trong tất cả các giai đoạn và trong mọi tình huống” đâm rễ sâu không chỉ trong văn hóa Kitô giáo, “mà còn trong lý trí phổ quát”, đến nỗi Hiến pháp Bồ Đào Nha nói rõ rằng “nó bất khả xâm phạm.” Do đó, văn bản nhấn mạnh, tính bất khả xâm phạm của sự sống “không chấm dứt với sự đồng ý của chủ thể” và “một vụ giết người với sự đồng ý của nạn nhân vẫn là một vụ giết người”. (REI 06/02/2020)

1. Các Giám mục Canada cương quyết phản đối việc trợ tử 

Các Giám mục Canada cương quyết phản đối việc trợ tử

Hôm 31/01, Chính phủ Canada cho thực hiện một cuộc thăm dò ý kiến, về việc mở rộng các tiêu chí đủ điều kiện thực hiện cái chết êm dịu và trợ tử. Đặc biệt, theo đề xuất, những thực hành này cũng có thể được mở rộng cho thanh thiếu niên bị bệnh nặng và cho những người không có khả năng nhận thức, nhưng trước đây họ đã thể hiện ý muốn được trợ tử. Trước sự kiện này, Giáo hội Công giáo Canada đã thể hiện rõ ràng lập trường về việc bảo vệ sự sống: trong một bức thư gửi Thủ tướng Justin Trudeau, HĐGM Canada nhấn mạnh rằng trực tiếp giết một người hoặc tham gia trợ tử là những hành động không “bao giờ có thể được biện minh”.

Cần suy tư sâu rộng, vô tư và kéo dài hơn về vấn đề trợ tử

Các Giám mục khuyến khích Chính phủ “thực hiện một suy tư sâu rộng, vô tư và kéo dài hơn về vấn đề này, với mục đích đảm bảo tất cả các yếu tố liên quan như xã hội, y tế và đạo đức được xem xét cách cẩn thận và kỹ lưỡng”. Ngoài ra, các Giám mục còn đưa ra lời kêu gọi mạnh mẽ liên quan đến việc chăm sóc giảm nhẹ mà bệnh nhân có thể được nhận. Các Giám mục cho rằng, điều này thể hiện cách đối xử “nhân đạo trong việc nhìn nhận sự sống có một giá trị khách quan vượt ra ngoài sự lựa chọn tự do của chúng ta”.

Sự sống là một “hồng ân”

Đức cha Gagnon, Chủ tịch HĐGM đặc biệt cảnh báo về những rủi ro mà các thực hành mới có thể gây ra, như trợ tử cho người trầm cảm, cho trẻ em và người già, đó là: “Chúng là những rủi ro gây sốc và lo lắng không được có chỗ đứng trong bất kỳ xã hội nào”. Các Giám mục khuyên hãy xem cuộc sống như một “hồng ân”, cần được trợ giúp khi đứng trước “sự tổn thương và đau khổ về thể xác, tình cảm và tinh thần”.

Đức cha cho rằng phương pháp được chính phủ lựa chọn, tức là tham khảo ý kiến của người dân, không phù hợp và hời hợt. Vì sử dụng một cuộc thăm dò để giải quyết các vấn đề đạo đức nghiêm trọng liên quan đến sự sống và cái chết, hơn nữa chỉ trong hai tuần, thì “không đủ để nghiên cứu vấn đề”. Hơn nữa, nó không phù hợp vì tham khảo ý kiến nhưng bỏ qua nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến yêu cầu trợ tử như “cô đơn, cô lập, thiếu sự hỗ trợ của gia đình hoặc cộng đồng, khủng hoảng về thể chất hoặc tâm lý” . Thay vào đó, những yếu tố này cần được xem xét để hiểu được sự tổn thương của bệnh nhân, “bị áp lực hoặc buộc phải chọn” muốn chết.

Cần lắng nghe tiếng nói của người thân bệnh nhân

Một tiêu điểm khác được Hội Đồng Giám mục nhấn mạnh đó là việc lắng nghe: để có được “một nghiên cứu chính xác hơn, vô tư và kéo dài” về vấn đề này, tất cả các bên liên quan phải tham gia, gồm có: cha mẹ của trẻ em mắc bệnh tâm thần; nhân viên y tế; người già bị người chăm sóc lạm dụng; chuyên gia sức khỏe tâm thần.

Giáo hội không đơn độc trong cuộc chiến chống lại việc thực hành cái chết êm dịu và trợ tử

Cuối cùng, các Giám mục Canada nhấn mạnh rằng Giáo hội không đơn độc trong cuộc chiến chống lại việc thực hành cái chết êm dịu và trợ tử: Ví dụ, Hiệp hội Y tế Thế giới, gần đây đã tái khẳng định phản đối đối với các thực hành này, và “cam kết dấn thân mạnh mẽ đối với các nguyên tắc đạo đức y tế và tôn trọng tối đa đối với sự sống của con người”. Ngoài ra, các tổ chức chăm sóc giảm nhẹ, như Hiệp hội Chăm sóc Giảm nhẹ Canada và Hiệp hội Bác sĩ Chăm sóc Giảm nhẹ Canada đã từ chối trợ tử như một phần của chăm sóc giảm nhẹ. (CSR_655_2020)

Hồng Thủy  và Ngọc Yến – Vatican

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *