Cáo Phó: Đức Cha Cố Giuse Trần Xuân Tiếu

 

Trong niềm tin vào Đức Kitô phục sinh, Tòa Giám mục Long Xuyên kính báo: Đức Cố Giám mục Giuse Trần Xuân Tiếu vừa hoàn tất cuộc đời dương thế.

Trực tiếp Thánh lễ cầu nguyện cho Đức cha Giuse của giáo hạt Long Xuyên

Trực tiếp Thánh lễ cầu nguyện cho Đức cha Giuse của giáo hạt Long Xuyên

Thánh lễ cầu nguyện cho Đức Cha Cố Giuse Trần Xuân Tiếu do quý cha giáo hạt Long Xuyên cử hành vào lúc 08g00 ngày 08/01/2025 tại nhà nguyện Tòa Giám mục Long Xuyên

***

ĐỨC CHA GIUSE TRẦN XUÂN TIẾU VỀ VỚI CHÚA

Đức cha Giuse Trần Xuân Tiếu, nguyên Giám mục Chánh toà giáo phận Long Xuyên đã được Chúa gọi về vào lúc 7 giờ sáng ngày 7.1.2025, hưởng thọ 81 tuổi với 26 năm giám mục và 51 năm linh mục.

Ngài sinh ngày 20 tháng 8 năm 1944 tại Nam Định, thuộc giáo phận Hà nội. Theo gia đình vào Nam năm 1954. Du học Roma từ năm 1965 đến năm 1972, chịu chức linh mục năm 1974, giám mục năm 1999. Khẩu hiệu Giám mục của ngài là “Để tất cả nên một”. Giám mục chính tòa của Giáo phận Long Xuyên, từ năm 2003 đến năm 2019.

Ngoài ra, ngài còn đảm nhận vai trò Chủ tịch Ủy ban Giáo dân trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam trong hai nhiệm kỳ liên tiếp: 2010 – 2013 và 2013 – 2016.

Lúc bấy giờ mình vừa chuyển ngữ xong cuốn sách “NGƯỜI KI-TÔ HỮU GIÁO DÂN, căn tính và thách đố”, nên vội vàng về xin ngài giới thiệu. Mời các bạn xem:

Với Công đồng Vaticanô II, ơn gọi, vai trò và sứ mạng của người giáo dân được tái khám phá, minh định rành mạch, đặc biệt với Hiến chế Ánh sáng muôn dân (Lumen gentium) và Sắc lệnh Tông đồ giáo dân (Apostolicam actuositatem). Công đồng xác định:

Tính cách trần thế là đặc tính riêng biệt của người giáo dân. Họ sống giữa những bổn phận và công việc ở đời, trong những cảnh sống thường ngày ở gia đình hay ngoài xã hội. Tất cả những điều đó thêu dệt nên cuộc đời của họ. Đó chính là nơi họ được Thiên Chúa kêu gọi thi hành nhiệm vụ riêng của họ. Đó là góp phần vào việc thánh hóa thế giới, từ bên trong như men trong bột nhờ tinh thần Phúc âm thúc đẩy. Họ còn làm cho người khác thấy Chúa Kitô đặc biệt qua đời sống, qua lòng Tin, Cậy, Mến của mình. Nhiệm vụ đặc biệt của người giáo dân là soi sáng và hướng dẫn các thực tại trần thế, là những thực tại có liên hệ mật thiết với họ. Làm sao cho thực tại đó đươc thể hiện, được lớn lên mãi như Đức Kitô mong muốn, hầu làm vinh danh cho Đấng Tạo Thành và Đấng Cứu Độ. (LG 31)

Trong một xã hội tục hóa, những giá trị đạo đức nền tảng nói chung và của Kitô giáo nói riêng bị xem nhẹ hay quên lãng, với khuynh hướng tách biệt ngày càng rõ nét giữa thế quyền với Giáo hội và ngay cả với việc chối bỏ căn tính Kitô giáo của mình tại nhiều quốc gia Tây phương thì làm thế nào để có thể tiếp tục truyền giáo, tái truyền giáo, tái Phúc âm hóa trong bối cảnh của một thế giới tỏ ra dị ứng hay thành kiến ít nhiều với tiếng nói của Giáo hội như thế?

Người giáo dân hơn bao giờ hết cần phải thực sự nhập cuộc, dấn thân, tham gia tích cực vào sứ mạng loan báo và làm chứng cho Tin mừng, để Tin mừng có cơ may thấm nhập vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội như Sắc lệnh Tông đồ giáo dân đã xác định. Làm lan tỏa ánh sáng chân lý có sức mạnh giải thoát, trở nên muối ướp mặn cho đời, làm men cho đời theo lời mời gọi của Đức Kitô! Đóng góp của người giáo dân thực sự không chỉ là chuyện không thể thiếu mà còn được coi là điều quan trọng hàng đầu. Chính người giáo dân có thể và có mọi điều kiện khả dĩ để nối dài sứ mạng nhập thể và cứu rỗi của Đức Kitô giữa lòng đời, trong xã hội mà chúng ta đang sống như Công đồng Vaticanô II đã xác quyết:

giáo dân được đặc biệt kêu mời làm cho Giáo hội hiện diện và hoạt động nơi và trong những hoàn cảnh mà nếu không có họ, thì Giáo hội sẽ không trở thành muối của thế gian (Piô XI). Như thế, vì những ân huệ đã lãnh nhận, mọi giáo dân vừa là chứng nhân vừa là dụng cụ sống động cho chính sứ mệnh Giáo hội “tùy theo độ lượng ân sủng Chúa Kitô ban cho” (Ep 4,7). x LG 33.

Được phúc đón nhận đức tin Kitô giáo từ lời rao giảng và chứng tá sống động của các giáo sĩ thừa sai Âu châu, giờ đây Giáo hội Việt Nam vui mừng chứng kiến rất nhiều giáo dân trưởng thành được ơn Chúa Thánh Thần thúc đẩy, nối tiếp sứ mạng truyền giáo, Phúc âm hóa chính môi trường sống của họ, trước tiên bằng sự hiện diện, bằng sự góp phần cụ thể và hữu hiệu làm cho Tin mừng được thấm nhập vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, âm thầm nhưng hăng say thiết thực.

Để thực hiện tốt đẹp sứ mạng đó, người giáo dân vẫn luôn cần khám phá và tái khám phá căn tính của mình, khám phá ơn gọi và vị trí của mình trong xã hội, nhận thức đúng đắn về vai trò và sứ mạng của mình trong thế giới hôm nay, dựa vào Lời Chúa và giáo huấn xã hội của Hội thánh: một cái nhìn rõ ràng, nhạy bén, sâu sắc và sáng suốt về thế giới, nhận ra những thách đố của thời đại mình đang sống, phân tích thời cuộc, thi hành những nhiệm vụ làm vinh danh Chúa và thánh hóa trần gian.

Để đáp lại những nhu cầu cấp bách và thao thức trên đây của người giáo dân, tập sách Người Kitô hữu giáo dân: căn tính và những thách đố đã ra mắt đúng lúc. Đây là một công trình soạn thảo công phu, bám sát Lời Chúa và Huấn quyền Hội thánh, vừa mang tính mới mẻ thời sự, vừa mang tính suy tư sâu sắc, là hoa trái của nhiều năm kinh nghiệm làm việc sát cạnh với Kitô hữu giáo dân của tác giả Enrico Masseroni, một vị giám mục Ý, đặc biệt quan tâm đến ơn gọi và sứ mạng của người giáo dân trong Giáo hội và thế giới hôm nay.

Tác phẩm này được chuyển ngữ từ nguyên bản tiếng Ý do Cha Augustino Nguyễn Văn Dụ, Giám đốc Trung tâm Mục vụ Việt Nam tại Ý, Tiến sĩ Thần học về Hôn nhân và Gia đình tại Học viện Nghiên cứu Hôn nhân và Gia đình thuộc Đại học Latêranô. Hiện ngài là trưởng ban nghiên huấn của UBMVGĐ của HĐGMVN và đang giúp các khóa Đào tạo tại Trung tâm Mục vụ của Tổng Giáo phận Saigon và là tác giả của nhiều tài liệu học hỏi nghiên cứu liên quan đến hôn nhân và gia đình suốt nhiều năm qua.

Mong rằng tập sách sau đây sẽ được đông đảo bạn đọc vui mừng đón tiếp như một người bạn đồng hành, một công cụ hỗ trợ cho việc học hỏi, tra cứu, suy tư, nhằm phục vụ cho việc dấn thân loan báo và làm chứng cho Tin mừng của người giáo dân Việt Nam trong thế giới hôm nay, đặc biệt trong bối cảnh Giáo hội Việt Nam mừng Năm Thánh 2010, kỷ niệm 350 năm thành lập hai giáo phận tông tòa Đàng Trong và Đàng Ngoài, đồng thời kỷ niệm 50 năm thành lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam, hướng đến Đại hội Dân Chúa từ ngày 21 đến ngày 25 tháng 11 sắp tới.

Long Xuyên, ngày 01 tháng 10 năm 2010

Giuse TRẦN XUÂN TIẾU Giám mục Giáo phận Long Xuyên Chủ tịch Ủy ban Giáo dân (HĐGMVN)

Theo F/b: Nguyen Van Agostino

 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *