Cây Bút Chì Của Chúa (dịp 25 năm gia đình Truyền Tin)

CÂY BÚT CHÌ CỦA CHÚA

Khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói :
chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm bổn phận đấy thôi”.

(Lc 17,10)

Các bạn thuộc gia đình Mẹ Truyền Tin thân mến.

Khi nói về việc phục vụ bác ái xã hội, Mẹ thánh Têrêsa Calcutta đã chia sẻ : “Tôi chỉ muốn lảm cây bút chì của Chúa, để Ngài gởi bức thư tình yêu của Ngài cho thế giới”.

Nhanh quá, thấm thoát gia đình chúng ta đã đến lúc kỷ niệm 25 năm thành lập (1993-2018). Nhân dịp mừng ngân khánh này, xin chia sẻ với các bạn một vài suy tư, dựa trên lời phát biểu của Mẹ thánh Têrêsa Calcutta, một tượng đài vĩ đại về hoạt động bác ái thời đại hôm nay.

Chỉ xin làm cây bút chì

Mẹ Têrêsa Calcutta đã chọn bút chì như một biểu tượng khiêm tốn khi diễn tả và tự đánh giá về những công việc phục vụ bác ái mà Mẹ đã thực hiện. Ta có thể ghi nhận bốn đặc tính liên quan đến cây bút chì.

  1. Trước tiên, bút chì vốn chỉ là một vật dụng rẻ tiền và tầm thường, có lõi bằng chất liệu than chì, dùng để viết hoặc vẽ trên giấy hoặc trên gỗ. Thường thường người ta quen dùng bút chì để vẽ phác họa hoặc viết nháp, vì ưu điểm của bút chì là khi viết sai hoặc không ưng ý, tác giả dễ dàng điều chỉnh sửa chữa, bằng cách tẩy xóa rồi vẽ lại hoặc viết nội dung mới. Và khi cần thiết, có thể ghi đè lên trên bằng các loại bút khác đậm nét hơn như bút mực hay bút nguyên tử.
  2. Thứ đến, trong bất cứ trường hợp nào, công dụng của bút là dùng để viết. Đó là sứ mệnh phài hoàn thành, dù viết trên vật liệu gì, dù tình huống khó khăn thế nào vẫn phải ghi chép nắn nót rõ ràng. Bút chì phải chấp nhận bị hao mòn để có thể lưu lại dấu ấn cuộc đời.
  3. Đúng thế, theo thời gian tất cả các cây bút chì đều sẽ bị cùn, bị bào mòn, đôi khi còn bị gãy nếu ghì mạnh. Để có thể sử dụng tiếp, chủ nhân sẽ dùng đến cái gọt bút. Bút chì phải chấp nhận gọt dũa cho nhọn sắc, chấp nhận thân bút bị thu ngắn lại, nhờ đó bút mới tiếp tục rõ chữ sắc nét. Không chấp nhận gọt dũa, bút chì chỉ còn để quăng vào sọt rác.
  4. Cuối cùng : giá trị của bút chì không phải ở lớp sơn bên ngoài, mà ở phần lõi bên trong. Trong một hộp bút chì mầu, phần lõi mới tạo nên sự khác biệt của từng cây bút. Mỗi mầu mỗi nét phải đặt đúng chỗ của mình mới có thể hình thành một tác phẩm thẩm mỹ và phong phú. Mỗi người với khả năng riêng, như những bút màu xanh đỏ tím vàng… góp phần tạo nên sự đa dạng của tập thể.

Với Mẹ thánh Têrêsa Calcutta, bác ái không cứ phải làm điều gì to tát, Mẹ từng nói : “Không phải tất cả chúng ta có thể làm những điều lớn lao, nhưng chúng ta có thể làm những việc nhỏ với một tình yêu lớn”.

Để Chúa viết bức thư tình yêu

Thế nhưng, thành quả của cây bút chì, lại không phải do chính nó mà tùy thuộc nơi người sử dụng. Bút chì chỉ nằm yên trong bàn tay tài hoa của AI ĐÓ, để trở thành một nguyên nhân dụng cụ. Thành quả kì diệu của bút chì tùy thuộc nơi chủ nhân. Với tâm nguyện “để Chúa viết bức thư tình yêu…”, cuộc đời Mẹ thánh Têrêsa đã làm nên biết bao điều kỳ diệu.

Ngày 5-9-2003, liền sau lễ tuyên thánh, hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa thánh, đã chủ sự thánh lễ tạ ơn cũng là lễ đầu tiên kính Mẹ thánh Têrêsa Calcutta tại Đền thờ thánh Phêrô. Trong bài giảng, đức hồng y đã tuyên dương công trình Thiên Chúa thực hiện trong cuộc đời Mẹ Thánh :

“Mẹ Têrêsa đã rất ưa thích khi tự ví mình là ‘một cây viết chì trong tay Thiên Chúa’. Nhưng đã có bao nhiêu bài thơ về tình bác ái, lòng thương xót, sự ủi an và niềm vui được viết nên từ cây bút chì nhỏ bé ấy ! Những bài thơ về tình yêu và sự dịu dàng dành cho những người nghèo nhất trong số những người nghèo. Những người mà Mẹ đã dâng hiến đời mình để phục vụ họ”.

Đức hồng y tiếp : “Vị thánh của khu ổ chuột Calcutta đã nhìn ra khuôn mặt của Chúa Kitô, Đấng đã trở nên nghèo vì chúng ta để chúng ta nên phong phú trong Người. Mẹ đã đáp trả trước tình yêu vô biên của Chúa bằng việc yêu thương những người nghèo.”

Xin trở thành khí cụ tình yêu Chúa.

Tinh thần Mẹ thánh Têrêsa để lại cho chúng ta là sự sẵn sàng góp phần vào kế hoạch tình yêu của Thiên Chúa. Thiên Chúa yêu thương tất cả mọi người, đặc biệt là những người bé nhỏ, khó nghèo, đau khổ, bất hạnh và bị lãng quên.

Năm 1979 khi lãnh giải Nobel hòa bình, Mẹ Têrêsa đã mời mọi người hiện diện cùng hát lời kinh mà Mẹ đọc hàng ngày, đó là lời Kinh Hòa Bình của thánh Phanxicô Assisis. Với Mẹ, đừng chỉ cầu nguyện suông, mà phải đoan hứa góp phần của mình, để thành “khí cụ tình yêu Thiên Chúa”.

Lạy Chúa,
xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa.

Để con đem yêu thương vào nơi oán thù,
đem thứ tha vào nơi lăng nhục,
đem an hòa vào nơi tranh chấp,
đem chân lý vào chốn lỗi lầm.

Để con đem tin kính vào nơi nghi nan
chiếu trông cậy vào nơi thất vọng,
để con rọi ánh sáng vào nơi tối tăm
đem niềm vui đến chốn u sầu.

Hoa quả của phục vụ là bình an

Các bạn gia đình Truyền Tin thân mến,

Sau 25 năm, nhiều bạn đã đến những phương trời xa, đã yên bề gia thất, hoặc bận rộn nhiểu công tác. Hy vọng những kỷ niệm khi sinh hoạt với Gia đình Truyền Tin luôn thôi thúc các bạn, trong mọi nơi mọi lúc và mọi hoàn cảnh, vẫn thắp sáng ngọn lửa mến Chúa yêu người, qua việc bác ái hàng ngày, ngay trong gia đình, với bạn bè lối xóm, với xã hội và với giáo hội.

Cầu chúc tất cả các bạn gia đình Truyền, cũ cũng như mới, luôn sống tinh thần phục vụ trong khiêm tốn của Mẹ thánh Têrêsa Calcutta: “Ước muốn lảm cây bút chì của Chúa, để Ngài gởi bức thư tình yêu của Ngài cho thế giới”. Chúc các bạn luôn đón nhận được bình an, là hoa trái của tình yêu và phục vụ.

“Hoa quả của thinh lặng là cầu nguyện,
hoa quả của cầu nguyện là đức tin,
hoa quả của đức tin là tình yêu,
hoa quả của tình yêu là phục vụ,
và hoa quả của phục vụ là bình an”.  (Mẹ Têrêsa Calcutta)

Lm Phanxicô X. Đào Trung Hiệu OP

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *