Trên một vùng đất rộng 20 kilomét vuông ở miền đông nam nước Ethiopia chỉ có một linh mục Công giáo duy nhất, đó là cha Giuseppe Ghirelli. Năm 2014, ở tuổi 60, sau hơn 30 năm làm cha xứ tại giáo phận Anagni-Alatri của Ý, cha Ghirelli đã nhìn thấy sự thay đổi trong chân trời sứ vụ của mình khi đức giám mục chấp thuận yêu cầu của cha được lên đường đến với mặt trận truyền giáo. Cha bắt đầu cuộc đời thứ hai của mình như một linh mục “hồng ân đức tin” tại Oromia, miền đông nam Ethiopia, một khu vực đa số dân theo Hồi giáo.
Mong ước truyền giáo của cha Ghirelli nảy sinh từ kinh nghiệm điều hành trung tâm truyền giáo của giáo phận. Cha kể: “Trong giáo phận của chúng tôi có nhiều nhà truyền giáo và tôi đã tiếp xúc với họ. Tôi muốn phụ giúp một tay và dấn thân vào môi trường mà tôi chưa biết.”
Ethiopia là quốc gia có đa số tín hữu Chính thống Copte nhưng môi trường truyền giáo của cha lại là nơi người Hồi giáo chiếm đa số và rất ít tín hữu Công giáo. Sự hiện diện duy nhất là cộng đoàn các sơ dòng Mẹ Têrêsa cách đó 7 tiếng đồng hồ. Dù là địa điểm này được chọn thông qua Văn phòng truyền giáo nhưng tự trong lòng, cha muốn đi đến nơi chưa có hoạt động truyền giáo. Vì vậy cha đã chọn miền nam Ethiopia, một vùng rộng bằng 1/3 nước Ý.
Truyền giáo bằng sự đơn giản, chia sẻ cuộc sống hàng ngày với những người cần được chăm sóc và giáo dục
Làm thế nào để loan báo Tin Mừng tại miền đất hầu như không có Kitô hữu? Cha Ghirelli giải thích: “Bằng sự đơn giản, chia sẻ cuộc sống hàng ngày với những người cần được chăm sóc và giáo dục. Và làm chứng bằng sự phục vụ cuộc sống của Tin Mừng.” Cha học tiếng Anh và tiếng afaan oromo để tiếp xúc với người dân được trao phó cho cha ở Adaba. Khu vực này chỉ có 20% đất có thể trồng trọt, ¼ là đồng cỏ và hơn một nửa là rừng. Con đường đất duy nhất nối liền khu vực này với thủ đô Addis Ababa, cách 300 cây số về phía bắc. Nơi đây cũng thiếu điện nước.
Giáo hội Công giáo là điểm tham chiếu về tôn trọng văn hóa địa phương
Bên cạnh người Hồi giáo và Chính thống Copte, có 900 người Công giáo trong số 4 triệu người. Thêm vào số này là khoảng 50 người được cha Ghirelli rửa tội. Cha giải thích: “Giáo hội Công giáo là một sự hiện diện nhỏ về số lượng, nhưng lại là một điểm tham chiếu chắc chắn cho mọi người trong việc tôn trọng văn hóa địa phương. Giáo xứ được khai sinh tại nơi trước đây không có gì. Ngày nay, ngoài trường mẫu giáo và tiểu học với 900 học sinh, còn có một ngôi nhà gia đình dành cho trẻ mồ côi hiện đang học trung học”, một điều hiếm có ở Ethiopia.
Tin mừng và sự phục vụ nâng đỡ người trẻ
Xung quanh căn nhà gia đình có một phòng máy tính, một thư viện và một vườn rau. Cha Ghirelli chia sẻ: “Tin mừng và sự phục vụ nâng đỡ người trẻ”. Trước mặt cha là một sân bóng nhỏ nơi người trẻ từ khắp nơi trong khu vực đến chơi bóng đá. Đó là nguồn tài nguyên giáo dục ở quốc gia có một nửa dân số dưới 20 tuổi. Cha giải thích: “Thật hiếm khi họ thấy người dân thuộc các sắc tộc khác nhau sống chung với nhau như anh em, như những gì xảy ra với những người trẻ tuổi của chúng tôi”. Nước Ethiopia được hình thành từ các khu vực chia rẽ theo sắc tộc. Và ở Oromia, tinh thần độc lập rất mạnh mẽ, sau nhiều thập kỷ bị đàn áp với lý do sắc tộc và chia sẻ nguồn tài nguyên khoáng sản rất phong phú. Từ năm 2018, Ethiopia lần đầu tiên có một thủ tướng của sắc tộc Oromo, Abyi Ahmed, một biểu tượng bất ngờ của sự thống nhất trong một quốc gia có nguy cơ bùng nổ với hơn 80 nhóm sắc tộc. Ông được Giải thưởng Nobel Hòa bình 2019 vì hiệp ước chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài với Eritrea. Ông nói: “Chúng tôi tự hào là một quốc gia.”
Sự hiệp thông giữa tất cả người Công giáo, ngay cả khi ít ỏi
Các nhu cầu, đặc biệt là ở khu vực nông thôn và sa mạc, rất nhiều: thiếu thốn các dịch vụ cơ bản, y tế, nước và đường xá. Ngoài các hoạt động giáo hội, các dự án phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp, trường học, các khóa đào tạo cho phụ nữ, gia đình cho trẻ em và xây dựng một bệnh viện thần kinh cũng được thực hiện. Cha nói: “Sự hiện diện của tôi đã được đón nhận, dân chúng biết rằng chúng tôi ở đó không phải vì lợi ích kinh tế mà là để phục vụ mọi người, ngay cả những người không theo Công giáo hoặc không có ý định như thế. Dân chúng đánh giá cao việc người nào đó chọn ở bên họ, họ biết rằng điều này là một sự hy sinh do những khó khăn khi sống trong một môi trường khác nhau như vậy. Tuy nhiên, một trong những điều tốt đẹp về những tình huống truyền giáo này là sự hiệp thông giữa tất cả người Công giáo, ngay cả khi ít ỏi. Ở Ý, chúng tôi không nhận ra điều đó bởi vì chúng tôi rất nhiều. Ngược lại, ở đây, nó giống như một gia đình, nó khiến bạn trải nghiệm mọt sức mạnh lớn hơn”.
Hồng Thủy – Vatican