“Ai bảo chăn trâu là khổ, chăn trâu sướng lắm chứ, Ngồi mình trâu, phất ngọn cờ lau, và miệng hát nghêu ngao…” (Trích lời bài hát: “Em bé quê” của Phạm Duy)
Đón Xuân mới về, Mừng Tết Tân Sửu, xin kể câu chuyện vui vui nhưng là có thật, đề cập tới bầy trâu đen rất cần cù siêng năng ở vùng quê làng thuộc một giáo xứ nho nhỏ thân yêu.
Vào một bữa nọ, sau cả ngày gần tám tiếng chăn dắt đàn trâu cho nó gặm cỏ no nê phía bìa rừng, khi hoàng hôn gần buông xuống lúc chiều về, Tí và Tèo lùa đàn trâu từ từ ra lối mòn để kiểm tra đếm lại từng con trâu xem có đủ hai mươi con chẵn không, đó là số trâu nhận chăn thuê cho những già làng, họ mướn hai thiếu niên con nhà nghèo này chăm giữ hằng ngày và trả công bằng lúa gạo, để tía má nó nuôi mấy đứa em còn nhỏ xíu ở trong hai nhà của hai đứa con trai bằng tuổi nhau, vì là anh trai lớn trong nhà nên vừa học xong lớp năm thì hai đứa của hai gia đình này đều phải thôi học nhường lại cho đám em nhỏ tiến lên, nó chấp nhận hy sinh đi làm công việc mục đồng để kiếm cơm gạo phụ tía má nuôi lũ em còn thơ bé.
Có tiếng thằng Tèo la oai oải:
– Tí ơi! Tí ơi! Cậu đếm kỹ bầy trâu lại coi đúng không? Sao tớ đếm hoài mà chỉ ra có mười chín con à nè.
Thằng Tí chạy tới chạy lui, nó lấy cái roi tre dài đi lùa gom lại những chú trâu đen còn rải rác quanh đó, khi nhìn kỹ không thấy con nào ngoài bầy nữa, thì hai đứa giơ que tre đếm tới đếm lui, đếm hoài vẫn chỉ ra con số 19. Tí và Tèo bắt đầu thấy sợ hãi và phân công nhau quay lại phía bìa rừng tìm kiếm, kiếm mãi tới khi trời bắt đầu nhá nhem tối vẫn không thấy chú trâu lạc đâu mất tiêu rồi, hai đứa lo lắng không dám lùa đàn trâu về làng, một hồi có bóng hai ông trong làng chạy lên bìa rừng tìm hai đứa nó, khi tới gần họ dồn dập hỏi:
– Sao giờ này tụi bay còn chưa lùa trâu về hả !?
Tí Tèo run rảy nói:
– Mất một con trâu rồi tía ơi! Tụi con kiếm mãi không ra, làm sao bây giờ? Tiền đâu mà đền cho chủ đây hả tía !?
Ông nọ lên tiếng:
– Thôi cứ lùa trâu về lẹ lên, để tao chạy vào khu nhà thờ Chúa xin khấn, nhờ ông bà trùm xứ đánh trống cho dân làng tụ tới đọc kinh cầu nguyện là con trâu sẽ biết lối mò về chuồng à.
Đúng như ông ta nói, vì ở đây giáo dân vùng quê họ rất mạnh lòng tin vào quyền năng Chúa và Đức Mẹ, cùng ông Thánh An Tôn luôn cầu bầu giúp người mất của sẽ tìm thấy. Chỉ hơn hai giờ đồng hồ sau khi mọi người quỳ gối cùng nhau cầu nguyện xin ơn trong nhà thờ xứ đạo nhỏ, thì bỗng nghe tiếng thằng Tèo vui vẻ vừa chạy tới vừa nói to:
– Tạ ơn Chúa, chú trâu đen vừa về tới chuồng rồi nè, xin cảm ơn tất cả ông bà cô bác nhiều thật là nhiều luôn.
Mọi người đồng thanh hát bài Thánh ca: “ Cảm tạ hồng ân Chúa…”, rồi họ ra ngoài nhà thờ ồn ào cất lời: “ Nhờ ông Thánh Antôn cầu bầu cùng Chúa Mẹ, nên mấy lần làng mình bị mất trâu, mà rồi sau nó vẫn nhớ lối mò về chuồng nhà, thật quá linh thiêng, hồi năm trước có con trâu thì bị mắc kẹc trong bụi rừng rậm cả đêm, nhưng qua ngày sau hai chú mục đồng cũng đánh hơi được mà tìm ra nó đó, thiệt là tuyệt vời…, mọi người vỗ tay cười cười nói nói thật rôm rả cả một góc sân nhà thờ. Mấy già làng đi lại gần hai đứa Tí, Tèo và giơ tay xoa đầu khen:
– Giỏi lắm! Ráng ngoan ngoãn siêng năng để được Chúa và mọi người luôn thương hoài tụi con nha nhóc.
Tí, Tèo cứ rúc rích cười, rồi khoanh tay trước ngực, nói lời cảm ơn các ông bà cô chú…
Khi vào vụ mùa, những nhà có trâu đều đưa nó về buổi sáng để dắt trâu ra ruộng cày bừa làm đất ruộng chuẩn bị cấy lúa trồng cà…, tới trưa họ lại giao trâu cho hai chú mục đồng dắt đi qua bìa rừng gặm cỏ, nhờ vậy mà đám trâu trong làng luôn khỏe mạnh dai sức, để kéo cày và cả kéo xe gỗ to bốn bánh, chở người, chở hàng hóa, lúa gạo…
Chiều chiều khi nắng dịu xuống và khí trời man mát, Tí và Tèo lại cùng nhau mỗi đứa cầm một ống sáo trúc tre, hai đứa leo lên ngồi cưỡi trên lưng hai nghé con lơn lớn hiền lành, nó đã gặm no cỏ xanh nên thong thả cõng chủ đi dạo, để nghe tiếng sáo vi vu thổi thật thi vị trong gió chiều mơn man. Tí Tèo lại đồng thanh cất giọng hát trong veo vẻo:
“Ai bảo chăn trâu là khổ, chăn trâu sướng lắm chứ, Ngồi mình trâu, phất ngọn cờ lau, và miệng hát nghêu ngao…” (Trích lời bài hát: “Em bé quê” của Phạm Duy)
BCT