Chiếc bị của Thánh Đaminh và chiếc bị của tôi

Gia tài là chiếc bị người mang trên vai,
hành trang đi vào đời là tập Kinh Thánh.
Chỗ đất đứng là nhà và tấm đá thô gối đầu,
Người lữ khách phong trần bình an bước đi.
Gia tài Người trối lại cho anh em,
hành trang đi vào đời là đôi tay trắng,
Sống bác ái hiền hòa và hãy giữ lấy khiêm nhường
để trở nên những người nghèo khó Tin Mừng

Ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã rất thích bài hát “Thánh Đaminh và Chiếc Bị” của Linh mục Phạm Quang, OP. Đó là một hình ảnh rất giản dị và thân thương của một tu sĩ hăng say, vui tươi, nhiệt huyết, tất cả vì Tin Mừng và cho Tin Mừng. Trên đôi vai gầy, Thánh Đaminh chỉ mang theo một chiếc bị, và trong chiếc bị nhỏ bé ấy chứa đựng tất cả gia tài của ngài. Hình ảnh vui tươi, nhẹ nhàng, và thanh thoát ấy của Thánh Đaminh làm cho tôi thêm hiếu kỳ. Rất nhiều lần tôi tự hỏi: trong chiếc bị ấy Thánh Đaminh đựng những gì? Khao khát muốn khám phá bí mật trong chiếc bị của Thánh Đaminh cũng làm tôi muốn được mở toang chiếc bị của chính mình để so sánh và để học hỏi: chiếc bị của Thánh Đaminh và chiếc bị của tôi có gì khác biệt?

Chiếc bị của Cha Thánh Đaminh

Nói đến chiếc bị, người ta thường nghĩ ngay tới hình ảnh những người hành khất nay đây mai đó để kiếm ăn với chiếc bị trên vai. Trong chiếc bị của họ thường chỉ là những vật dụng tối cần thiết cùng với ít lương thực họ xin được để sống qua ngày. Cũng giống như những người hành khất khác, Cha Thánh Đaminh chỉ có một chiếc bị đơn sơ nghèo hèn trên vai, đi từ vùng này đến vùng khác. Khác với những người hành khất khác, lương thực chính mà Thánh Đaminh luôn mang theo trong chiếc bị là tập Kinh Thánh – toàn bộ gia tài, phương tiện để Thánh Đaminh sống và giảng thuyết.

Tập Kinh Thánh là lương thực hằng ngày của Cha Thánh Đaminh 

Thánh Đaminh yêu mến Kinh Thánh ngay từ khi con nhỏ. Khi lên 14 tuổi, Thánh Đaminh học tại trường của Nhà Thờ Chính Tòa Palencia, ngài miệt mài học hỏi Lời Chúa đến độ nhiều đêm gần như không ngủ [1]. Thánh Đaminh say mê suy ngẫm và khám phá Đức Kitô. Trong cuộc sống, dù ở nhà hay đi đường, dù đi thăm anh em hay đi giảng thuyết, ngài luôn mang theo bên mình cuốn Phúc Âm của Thánh Matthêu và các thư của Thánh Phaolô. Trong các chuyến đi, tại mỗi chặng dừng nghỉ đêm dọc đường, ngài cùng các anh em đồng hành luôn tìm nơi thanh vắng để đọc sách Thánh, chiêm niệm, và chia sẻ cho nhau những gì mình đã chiêm niệm [2]. Kinh Thánh là toàn bô gia tài của Thánh Đaminh trong đời sống ơn gọi và đời sống giảng thuyết của ngài. Chính tập Kinh Thánh đã giúp Thánh Đaminh khám phá Thiên Chúa và xin từ Thiên Chúa những thứ cần thiết cho sứ vụ giảng thuyết của ngài. Nhờ nghiên cứu Kinh Thánh, suy niệm Kinh Thánh, và trân quý Kinh Thánh như kim chỉ nam của đời sống, Thánh Đaminh đã trở thành con người của Tin Mừng, sống như Chúa sống và yêu như Chúa yêu. Chính vì lẽ đó, Thánh Đaminh đã chọn lọc cho mình những thứ tối cần thiết để ngài luôn mang bên mình, đó là bộ áo của tinh thần bác ái hiền hòa, đôi giầy của tinh thần khiêm tốn vui tươi trong phục vụ, và cây gậy của tinh thần nghèo khó Tin Mừng.

Bác ái hiền hòa

Ngay từ khi còn trẻ tuổi, Thánh Đaminh đã là một con người rất hiền hòa và luôn nhạy cảm trước những đau khổ của người xung quanh. Tính nhạy cảm của Thánh Đaminh không chỉ dừng lại ở những xúc cảm đơn thuần, nhưng luôn được thực hiện bằng những hành động hết sức thiết thực. Thánh Đaminh luôn tìm mọi cách để giúp người xung quanh thoát ra khỏi những lầm than đau khổ. Khi đang là sinh viên theo học Thần học tại Palencia, tận mắt chứng kiến nỗi đau của dân chúng trước nạn đói thê lương, Thánh Đaminh đã quảng đại bán những sách quí và đồ đạc của ngài để giúp đỡ người nghèo. Ngài nói một câu rất cảm động xuất phát từ tình yêu quảng đại của một con người đối với anh chị em của mình, “Tôi không thể học trên những miếng da chết, trong khi đó bao anh chị em xung quanh đang phải chết vì đói khổ” [3]. Ngay cả khi không còn gì để bán thì tình yêu của Thánh Đaminh đối với anh chị em xung quanh càng thêm mạnh mẽ, ngài đã hai lần tự nguyện bán mình làm nô lệ để có tiền giúp người nghèo.

Tấm lòng bác ái và thương cảm của Thánh Đaminh không dừng lại ở việc chia sẻ và giúp con người vượt qua những khó khăn về vật chất, nhưng đáng lưu ý và trân quí hơn nữa, đó là, Thánh Đaminh còn giầu lòng thương cảm và nỗ lực phấn đấu đưa những anh chị em gặp khó khăn về đời sống đức tin đến gặp gỡ được Thiên Chúa. Năm 1203, Thánh Đaminh được Giám mục Diego – sứ giả cầu hôn được vua Castile trao phó – chọn tháp tùng ngài trong chuyến đi cầu hôn công chúa nước Đan Mạch cho hoàng tử nước Scandinavia [4]. Trong chuyến đi ấy, Thánh Đaminh đã có dịp nói chuyện với chủ quán trọ tại Toulouse, một người theo chủ thuyết nhị nguyên thuộc bè rối Albigense. Vì lòng thương cảm và tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân, Thánh Đaminh đã thức thâu đêm để tranh luận với chủ quán cho đến khi thuyết phục được ông nhận ra chân lý đức tin Công Giáo.

Bên cạnh đó, Thánh Đaminh là một người rất thân thiện, hòa đồng và rất dễ mủi lòng. Có nhiều đêm anh em trong Dòng nghe thấy ngài khóc nức nở khi ngài cầu nguyện cho các tội nhân. Quả thật, Thánh Đaminh là một con người hết lòng vì hạnh phúc và ơn cứu độ của người khác. Ngài luôn nỗ lực mọi cách để lôi kéo con người đến với tình yêu của Thiên Chúa.

Khiêm tốn và vui tươi trong phục vụ 

Noi gương Đức Giêsu, một nhà giảng thuyết khiêm tốn, Thánh Đaminh cũng mang trong mình tinh thần khiêm tốn và vui tươi trong phục vụ. Mặc dù là người thiết lập Dòng Anh Em Giảng Thuyết, nhưng Thánh Đaminh sống rất khiêm tốn, ngài chỉ sống và mong được đối xử như “một người trong anh em” [5]. Và thậm chí ngay cả khi qua đời, ngài cũng chỉ mong được chôn cất ở hành lang dưới chân anh em. Tinh thần khiêm tốn của Thánh Đaminh là một nhân đức quan trọng và nổi bật, nó giúp thánh nhân loại bỏ khuynh hướng kiêu căng và dễ dàng giúp ngài có được cung cách vui tươi khi phục vụ anh chị em. Thánh Đaminh có được tinh thần khiêm tốn vì ngài xác quyết rằng, mọi sự ngài có được là do Thiên Chúa, vì thế mà ngài trao phó mọi sự cho Chúa và để Chúa điều khiển cuộc đời mình và tha nhân. Có lẽ đây là lý do mà Đức Mẹ Maria đã lựa chọn Thánh Đaminh là sứ giả để trao tràng chuỗi Mân Côi của Mẹ cho thế giới [6]. Vì Mẹ cũng là một nữ tì của Thiên Chúa, khiêm tốn nói lời xin vâng, và thực thi kế hoạch của Thiên Chúa bên trên chương trình dự tính của chính mình.

Khi được hỏi “tại sao bạn lại chọn nếp sống Đaminh?” một Tập sinh Đaminh Sinsinawa đã vui vẻ trả lời, “Ngày đầu tiên khi tôi bước chân vào cổng của Hội Dòng Đaminh, niềm vui chân thành và vô tư lự của các nữ tu Đaminh cho tôi cảm giác tôi thuộc về nơi này”. Niềm vui hân hoan dấn thân trong phục vụ được tìm thấy nơi cung cách sống của các tu sĩ Đaminh ngày nay là tinh hoa được khởi nguồn từ Thầy Chí Thánh Giêsu và Cha Thánh Đaminh. Nữ chân phước Cecilia tả lại rằng, “Lúc nào Cha Thánh Đaminh cũng rạng rỡ nụ cười tươi vui, trừ khi cảm thông với người sầu khổ” [7]. Quả đúng như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói trong tông thư gửi đến các tu sĩ nhân dịp khai mạc Năm Đời Sống Thánh Hiến năm 2014, “ở đâu có tu sĩ, ở đó có niềm vui” [8]. Ai đó cũng nói rất hay rằng, “Một vị thánh buồn là một vị thánh đáng buồn”. Đời sống khiêm tốn và vui tươi của Thánh Đaminh đã lan tỏa và kết tinh trong linh đạo của Dòng, trong đó tinh thần nghèo khó Tin Mừng là một phương thế không thể thiếu trong hành trình truyền giáo của Thánh Đaminh cũng như của các tu sĩ Đaminh, con cái của ngài trong mọi thời đại.

Nghèo khó Tin Mừng

Thánh Đaminh sống một cuộc sống hoàn toàn tín thác cho Thiên Chúa. Ngài không bao giờ tìm kiếm một lối sống thuận lợi và an nhàn cho bản thân. Thánh Đaminh chỉ có một đích ngắm duy nhất là rao giảng Tin Mừng vì ơn cứu rỗi của con người, vì thế ngài luôn tìm đến những nơi mà Tin Mừng cần được rao giảng, tìm kiếm cách thức phù hợp nhất để cho con người dễ tiếp cận với Tin Mừng, và để Tin Mừng sinh hoa kết trái tốt nhất [9].

Mặc dù nhiều giám mục và linh mục thời Thánh Đaminh cố gắng trình bày đạo lý của Kitô giáo sao cho thật hấp dẫn và thuyết phục bằng lời lẽ văn chương và tài hùng biện của mình, nhưng lối sống của các vị lại không cho người ta thấy được nét đẹp thực sự của Chúa Kitô. Trong khi đó, nhiều người theo các nhóm bè rối, những người chủ trương rằng thế giới vật chất hữu hình là xấu xa, lại có đời sống bề ngoài rất gương mẫu và giản dị. Khi chứng kiến thực tế trái chiều ấy, Thánh Đaminh đã nhận ra rằng, người môn đệ của Chúa Giêsu phải trở nên người nghèo trong số những người nghèo mới có thể trình bày một cách đúng đắn về một Đức Kitô của người nghèo. Vì thế, khi lập Dòng Giảng Thuyết, Thánh Đaminh đã chọn nếp sống nghèo khó và sai anh em ra đi loan báo Tin Mừng như những người hành khất của Thiên Chúa. Do đó, tu sĩ Đaminh thường được gọi là tu sĩ hành khất: hằng ngày nài xin của ăn thiêng liêng từ Thiên Chúa để nuôi sống mình qua việc siêng năng tham dự Thánh Lễ, miệt mài học hỏi chân lý đức tin, yêu mến đời sống cầu nguyện chiêm niệm, và hăng say trao ban món ăn thiêng liêng ấy qua nếp sống gương sáng và sứ vụ giảng thuyết; đồng thời khiêm tốn xin lương thực nuôi mình qua ngày từ con người [10].

Lựa chọn nếp sống hành khất là một lựa chọn đầy khó khăn, vì nó đòi hỏi phải có một tâm hồn khiêm tốn và dám mạo hiểm tín thác vào Thiên Chúa. Lựa chọn ấy giúp cho Thánh Đaminh và các tu sĩ trở nên những con người tự do, dành trọn thời gian cho Thiên Chúa và tha nhân một cách vô vị lợi, vì họ không phải bận tâm lo lắng về những lo toan vật chất trần thế, họ không phải lo lắng nay ăn gì, mặc gì, và giữ gì cho tương lai. Quả thật, nếp sống khó nghèo của Đaminh đã giới thiệu cho các nhóm lạc giáo về một Chúa Kitô đích thực của người nghèo và đã giúp cho nhiều người lạc giáo trở về với Thiên Chúa.

Tinh thần nghèo khó Tin Mừng không chỉ dừng lại ở nếp sống giản dị đạm bạc và hoàn toàn tín thác nơi Thiên Chúa, nhưng còn thể hiện ở lòng quảng đại chia sẻ thời gian, tài năng, công sức và chính mình cho tha nhân. Thánh Đaminh không bao giờ cảm thấy mệt mỏi hoặc quá bận rộn, nhưng ngài luôn sắp xếp để có thời gian đồng hành với anh em, giảng dạy và thuyết phục những người lạc giáo và đưa họ về với Chúa. Quả thật, Thánh Đaminh là một tông đồ sống triệt để tinh thần nghèo khó của Tin Mừng: đón nhận mọi sự từ Thiên Chúa và chia sẻ mọi sự cho con người. Chính vì thế, chiếc bị của Thánh Đaminh thật nhẹ nhàng, không làm nặng bước chân người giảng thuyết, nhưng luôn thơm mùi nhân đức của một con người vì Chúa và vì mọi người.

Chiếc bị của tôi

Chiếc bị của Thánh Đaminh đơn sơ và thanh thoát là thế, còn chiếc bị đời tôi thì sao? Trong chiếc bị của tôi có những gì, thiếu những gì, và cần phải loại bỏ bớt những gì? Là một nữ tu Đaminh, dấn thân theo Chúa và phục vụ tha nhân theo bước chân Cha Thánh Đaminh đã đi, tôi cũng mong muốn chiếc bị của đời mình nhẹ nhàng thanh thoát và thơm mùi hương nhân đức của khiêm nhu, yêu thương, bác ái, và vui tươi trong phục vụ. Nhưng dường như có nhiều lúc, đôi vai tôi cảm thấy trĩu nặng, có lẽ vì chiếc bị của tôi chứa quá nhiều thứ không thực sự cần thiết.

Trong chiếc bị của tôi cũng luôn mang theo tập Kinh Thánh. Tôi cũng tự hứa lòng mình phải đọc và suy gẫm Kinh Thánh mỗi ngày. Nhưng nhiều lúc tôi lại chưa thực sự sống theo những gì Chúa Giêsu đã dạy tôi trong Kinh Thánh. Đây chính là khác biệt lớn giữa tôi và Thánh Đaminh – một con người qui hướng mọi lời ăn tiếng nói và hành động theo hướng dẫn của Lời Chúa và tất cả cho Lời. Tôi tự hỏi, tôi đã thực sự loan báo Tin Mừng vì thao thức được chia sẻ niềm vui cứu độ do Lời mang lại? Hay là vẫn không thiếu những lần tôi muốn làm việc mục vụ vì lợi ích và danh tiếng của cá nhân?

Chiếc bị đời tôi nhiều lúc cũng thanh thoát, nhưng cũng không thiếu những lúc nặng nề. Thay vì chỉ mang theo những vật dụng tối cần thiết, tôi lại lựa thêm đó đây trên hành trình của mình những hòn đá của tham vọng, những bộ quần áo của cái tôi ích kỷ, những vật dụng của ghen ghét và kiêu căng. Phải chăng đó là lý do mà nhiều lúc bước chân ra đi truyền giáo của tôi còn chậm chạm, tinh thần phục vụ của tôi còn uể oải, dễ cáu kỉnh, và chưa quảng đại trao ban?

Thiết nghĩ, mỗi ngày Thứ Ba hằng tuần – ngày mà gia đình Đaminh dành đặc biệt để kính nhớ Cha Thánh – và nhất là mỗi dịp mừng lễ Thánh Đaminh là một cơ hội cần thiết cho mỗi tu sĩ và giáo dân Đaminh lần giở lại chiếc bị đời mình để thấy những gì có giá trị cần phải duy trì, và những gì làm cho đôi vai của chúng ta nặng trĩu cần phải loại bỏ. Người giảng thuyết lữ hành không thể bước những bước chân nhanh thanh thoát và vui tươi nếu mang trên mình những chiếc bị kềnh càng và nặng nề. Noi gương Cha Thánh Đaminh, ước mong mỗi người luôn “sống chứng nhân không vương bụi trần”, với “những bước chân hân hoan vào đời, chẳng lợi danh cuộc đời nghèo khó”.

__________________________________________

[1] Tài liệu dựa trên bài viết “Thánh Đaminh và Dòng Giảng Thuyết” của Linh mục Simon Tugwell, OP, tại Thánh Đaminh và Dòng Giảng Thuyết | Học viện Đa Minh (catechesis.net).

[2] Ibid.

[3] Xem “St. Dominic” tại St. Dominic – Saints & Angels – Catholic Online.

[4] “Thánh Đaminh và Dòng Giảng Thuyết.”

[5] Ibid.

[6] Ibid.

[7] Hồi ký do chị Angelique ghi, xem Tiểu Sử Thánh Đaminh | Tỉnh Dòng Đa Minh Việt Nam (daminhvn.net).

[8] Xem Rejoice! – A letter to consecrated men and women (2 February 2014) (vatican.va). Hoặc Tông Thư Năm Đời Sống Thánh Hiến của ĐTC Phan-xi-cô (giaodantanthaison.com).

[9] Xem “Thánh Đaminh và Dòng Giảng Thuyết.”

[10] Ibid.

Tác giả bài viết: Nt. Agnes Liên Đỗ, OP

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *