Chúa đã sống lại: Lễ vọng Phục Sinh tại đền thờ thánh Phêrô

Tối Thứ Bảy, ngày 19/04, ĐHY Giovanni Battista Re, đại diện Đức Thánh Cha cử hành Lễ Vọng Phục Sinh tại Đền thờ thánh Phêrô với khoảng 5000 tín hữu tham dự. Đức Hồng Y Re đã đọc bài giảng đã được Đức Thánh Cha soạn cho thánh lễ.
Chúa đã sống lại: Lễ vọng Phục Sinh tại đền thờ thánh Phêrô

Vatican News

Bài giảng của Đức Thánh Cha cho lễ Vọng Phục Sinh

Đêm nay, cây nến Phục Sinh tiến dần lên đến bàn thờ. Đêm nay, bài ca Vinh Tụng Ca mở rộng lòng chúng ta để hân hoan, vì trái đất đã được “tắm trong ánh sáng huy hoàng: Vua vĩnh cửu nay rạng ngời chiếu sáng. Đẩy lùi xa bóng tối của trần gian” (Công bố Tin Mừng Phục Sinh). Khi đêm tàn, những sự kiện được thuật lại trong bài Tin Mừng vừa công bố đã xảy ra (x. Lc 24,1-12): Ánh sáng thần linh của Phục Sinh đã bừng lên, và Sự Vượt Qua của Chúa diễn ra khi mặt trời chưa ló rạng. Trong ánh bình minh còn chạng vạng, người ta thấy tảng đá lớn niêm phong mộ Chúa Giêsu đã bị lăn sang một bên, trong khi một số phụ nữ đến nơi ấy vẫn mang theo tấm khăn tang. Bóng tối bao trùm nỗi hoang mang và sợ hãi của các môn đệ. Tất cả đều xảy ra trong đêm.

Như thế, Canh Thức Vượt Qua nhắc nhở chúng ta rằng ánh sáng Phục Sinh chiếu rọi từng bước trên hành trình, xuyên thủng bóng tối của lịch sử không ồn ào, và tỏa sáng trong lòng chúng ta một cách khiêm nhường. Đáp lại ánh sáng ấy là một đức tin giản dị, không chút hào nhoáng. Lễ Phục Sinh của Chúa không phải là một sự kiện ngoạn mục để Thiên Chúa khẳng định mình và ép buộc người ta tin vào Người; đó không phải là đích đến để Chúa Giêsu đạt được bằng con đường dễ dàng, tránh né Núi Sọ; và chúng ta cũng không thể sống mầu nhiệm ấy một cách hời hợt, thiếu đi những trăn trở nội tâm. Ngược lại, Phục Sinh giống như những mầm sáng nhỏ bé âm thầm vươn lên từng chút một, không ồn ào, đôi khi vẫn bị đe dọa bởi màn đêm và sự hoài nghi.

“Phong cách” này của Thiên Chúa giải thoát chúng ta khỏi một đời sống đạo xa rời thực tế, ảo tưởng rằng sự phục sinh của Chúa sẽ giải quyết mọi thứ một cách kỳ diệu. Hoàn toàn không phải vậy: Chúng ta không thể cử hành Lễ Phục Sinh mà không tiếp tục đối diện với những đêm tối trong lòng mình và những bóng đen sự chết vẫn thường bao phủ thế giới. Đức Kitô đã chiến thắng tội lỗi và tiêu diệt sự chết, nhưng trong lịch sử trần thế của chúng ta, quyền năng Phục Sinh của Người vẫn đang tiếp tục hoàn thành. Và sự hoàn thành ấy, như một mầm sáng bé nhỏ, được trao phó cho chúng ta, để chúng ta gìn giữ và nuôi dưỡng nó.

Anh chị em thân mến, đây là lời mời gọi mà chúng ta phải cảm nhận thật sâu sắc trong lòng, nhất là trong Năm Thánh: Hãy làm cho niềm hy vọng Phục Sinh đâm chồi trong cuộc đời chúng ta và trên thế giới!

Khi chúng ta còn cảm thấy gánh nặng của sự chết trong lòng, khi chúng ta thấy bóng đen sự dữ tiếp tục gieo rắc khắp nơi, khi chúng ta cảm nhận những vết thương của ích kỷ và bạo lực đang thiêu đốt xương máu và xã hội của chúng ta, chúng ta đừng nản lòng. Hãy trở về với lời loan báo của đêm nay: Ánh sáng đang dần chiếu tỏa ngay cả khi chúng ta còn trong bóng tối; niềm hy vọng vào một sự sống mới và một thế giới cuối cùng được giải thoát đang chờ đợi chúng ta; một khởi đầu mới có thể đến bất ngờ dù đôi khi chúng ta cảm thấy điều ấy không thể, bởi vì Đức Kitô đã chiến thắng sự chết.

Lời loan báo này, mở rộng con tim, lấp đầy chúng ta bằng niềm hy vọng. Nơi Đức Giêsu Phục Sinh, chúng ta có niềm xác tín rằng lịch sử cá nhân và hành trình của nhân loại, dù vẫn chìm trong đêm tối với những ánh sáng mờ nhạt, đều nằm trong bàn tay Thiên Chúa; và Người, với tình yêu vĩ đại, sẽ không để chúng ta gục ngã, cũng không cho phép sự dữ có tiếng nói cuối cùng. Đồng thời, niềm hy vọng này, dù đã hoàn tất nơi Đức Kitô, vẫn là một đích đến chúng ta phải vươn tới: Nó đã được trao phó cho chúng ta để chúng ta trở thành những chứng nhân đáng tin và để Nước Chúa len lỏi vào tâm hồn con người hôm nay.

Như Thánh Augustinô nhắc: “Sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô đánh dấu sự sống mới của những ai tin vào Người; và mầu nhiệm cái chết và sự phục sinh của Người, anh em phải hiểu thấu và thể hiện trong cuộc đời mình” (Bài giảng 231, 2). Hãy thể hiện Lễ Phục Sinh trong cuộc đời chúng ta và trở thành sứ giả của hy vọng, những người kiến tạo hy vọng giữa lúc bao cơn gió sự chết vẫn thổi qua chúng ta.

Chúng ta có thể làm điều đó bằng lời nói, bằng những cử chỉ nhỏ bé hằng ngày, bằng những lựa chọn theo Tin Mừng. Toàn bộ cuộc đời chúng ta có thể là hiện thân của hy vọng. Chúng ta muốn trở thành như thế cho những ai thiếu lòng tin vào Chúa, cho những người lạc lối, cho những ai đã buông xuôi hoặc đang oằn lưng dưới gánh nặng cuộc sống; cho những người cô đơn hoặc khép kín trong nỗi đau riêng; cho tất cả những người nghèo khổ và bị áp bức trên trái đất; cho những phụ nữ bị hạ nhục và sát hại; cho những trẻ em chưa chào đời và những em bé bị ngược đãi; cho các nạn nhân của chiến tranh. Chúng ta mang đến cho mỗi người và cho tất cả niềm hy vọng Phục Sinh!

Tôi thích nhắc đến một nữ thần bí thế kỷ XIII, Hadewijch thành Anversa, khi lấy cảm hứng từ sách Diễm Ca và diễn tả nỗi đau vì thiếu vắng người mình yêu, đã cầu khẩn tình yêu trở lại vì – bà nói – “để bóng tối của tôi có một chỗ rẽ” (Hadewijch, Thơ Thị Kiến Thư, Genova 2000, 23).

Đức Kitô Phục Sinh là ngã rẽ quyết định của lịch sử nhân loại. Người là niềm hy vọng không bao giờ tắt. Người là tình yêu đồng hành và nâng đỡ chúng ta. Người là tương lai của lịch sử, là cùng đích chúng ta hướng tới, để được đón nhận vào sự sống mới, nơi chính Chúa sẽ lau khô mọi giọt lệ “và sẽ không còn sự chết, cũng không còn tang tóc, than khóc hay đau khổ nữa” (Kh 21,4). Và niềm hy vọng Phục Sinh này, “chỗ rẽ trong bóng tối”, chúng ta phải loan báo cho tất cả mọi người.

Anh chị em thân mến, Mùa Phục Sinh là mùa của hy vọng. “Vẫn còn sợ hãi, vẫn còn ý thức đau đớn vì tội lỗi, nhưng cũng có một ánh sáng đang bừng lên. […] Phục Sinh mang đến tin mừng rằng, dù mọi thứ trên thế giới dường như ngày càng tồi tệ hơn, thì sự dữ đã bị đánh bại. Phục Sinh cho phép chúng ta khẳng định rằng, dù Thiên Chúa có vẻ rất xa và chúng ta bị cuốn vào bao thực tại nhỏ bé, Chúa chúng ta vẫn đang đồng hành trên đường. […] Có rất nhiều tia hy vọng chiếu sáng trên hành trình cuộc đời chúng ta” (H. Nouwen, Những lời cầu nguyện từ thinh lặng. Nẻo đường hy vọng, Brescia 2000, 55-56).

Hãy dành chỗ cho ánh sáng của Đấng Phục Sinh! Và chúng ta sẽ trở thành những người kiến tạo hy vọng cho thế giới.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *