Chứng tá của phó tế vừa khiếm thính vừa khiếm thị Peter Hepp

Một người vừa bị điếc vừa bị khiếm thị có thể trở thành phó tế trong Giáo hội Công giáo được không? Có lẽ nhiều người trả lời rằng điều này là không thể, nhưng câu chuyện của phó tế Peter Hepp chứng minh điều ngược lại.

Khi bạn khám phá câu chuyện xúc động của thầy phó tế Peter Hepp, 59 tuổi, bạn bước vào thế giới của những người khiếm thính và khiếm thị, một khuyết tật phức tạp ít người biết đến.

Sinh ngày 30/6/1961 tại Rottweil, Đức, ngoài việc không nói, từ nhỏ Peter phát triển giống như những trẻ khác. Cha mẹ của Peter nghĩ rằng con trai của họ có vấn đề về tâm lý ngăn cản Peter thể hiện bản thân một cách bình thường. Cho đến khi Peter 3 tuổi, bác sĩ mới chẩn đoán Peter bị điếc hoàn toàn. Tin này làm cho gia đình bị sốc.

Trong suốt thời thơ ấu, Peter gặp khó khăn trong việc giao tiếp. Nhưng nhờ thông minh, Peter biết cách quan sát mọi người, đoán tâm trạng những người mà cậu tiếp xúc và giải mã những cử chỉ đơn giản mà họ thể hiện. Năm 6 tuổi, Peter được gửi đến một trường Công giáo nội trú dành cho trẻ khiếm thính do các nữ tu phụ trách. Thời gian bắt đầu học thật khó khăn, nhưng với thời gian, Peter đã ổn định cuộc sống và kết bạn với những trẻ khiếm thính khác.

Sau khi học xong tiểu học, Peter quyết định tiếp tục học gần nhà. Với sự giúp đỡ của một người bạn, Peter đăng ký một khóa đào tạo biên tập viên. Trong lớp học này, Peter là học sinh khiếm thính duy nhất. Sau đó, Peter bắt đầu một giai đoạn cô đơn và bị loại trừ lớn, không ai nói chuyện với Peter, như thể Peter là người vô hình. Nhưng đây cũng là lúc Peter cảm nhận được lời mời gọi giúp đỡ những người khiếm thính khác và hiểu rằng sống ơn gọi phó tế là cách tốt nhất cho mình.

Một thời gian sau, Peter nhận thấy thị lực của mình bắt đầu suy giảm nghiêm trọng. Bác sĩ đã chẩn đoán Peter bị hội chứng Usher, một chứng rối loạn di truyền rất hiếm gặp, gây điếc và giảm thị lực. Kết quả chẩn đoán khiến Peter rơi vào tình trạng tuyệt vọng và muốn tự tử. Sau đó, Peter từ bỏ kế hoạch trở thành phó tế vì đối với Peter ưu tiên duy nhất giờ đây là học chữ dành cho người khiếm thính nhưng anh lại bị khiếm thị. Điều này làm tăng thêm sự khó khăn, bởi vì cách để người khiếm thính giao tiếp là đôi tay và đôi mắt qua ngôn ngữ ký hiệu: các con chữ nằm trong tay người khiếm thính, họ dùng tay để “nói” điều họ muốn diễn tả.

Tuy nhiên, từng bước một, Chúa trút bỏ nỗi buồn nơi tâm hồn Peter và cho người trẻ này thấy rằng là một người khiếm thính và khiếm thị, anh cũng có thể mang Tin Mừng đến cho người khác. Tìm kiếm sự bình an nội tâm, cuối cùng, Peter quyết định phó thác hoàn toàn vào ân sủng Chúa và được hòa giải với cuộc sống.

Khi ở bệnh viện để phẫu thuật cấy ghép máy trợ thính, Peter đã gặp được tình yêu cuộc đời. Đó là Maita, một thực tập sinh tại khoa nơi Peter đang được điều trị. Ngay lập tức Peter bị thu hút bởi sự thẳng thắn và không có định kiến của người phụ nữ trẻ này. Để giao tiếp với Peter, Maita học bảng chữ cái dành cho người khiếm thị và điếc. Yêu nhau từ lần gặp đầu tiên, tất nhiên, mối quan hệ của họ không phải là không có những khó khăn. Cha mẹ Maita không tin tưởng và nghi ngờ về sự lựa chọn tình yêu của con gái. Nhưng đôi bạn trẻ không từ bỏ quyết tâm và họ đã kết hôn ngày 29/8/1998.

Sau lễ cưới, Peter tham gia vào các hoạt động xã hội dành cho những người khiếm thính và khiếm thị. Cha Huber, linh hướng của Peter, không được thuyết phục ngay rằng Peter có thể trở thành một phó tế. Tuy nhiên, sau đó cha hiểu rằng đây thực sự là một tiếng gọi từ Chúa. Vì vậy cha quyết định hỗ trợ Peter và giúp Peter đạt được ước mơ của mình. Vào tháng 9/2000, Peter trở thành tuyên úy của người khiếm thị và khiếm thính. Với quyết tâm và sự kiên trì, Peter đã nhận được sự giúp đỡ từ giáo xứ. Giáo xứ đã giúp Peter có tiền trả cho các thông dịch viên chuyên ngành. Sau khi vượt qua các khoá đào tạo, cuối cùng Peter được chịu chức phó tế vào ngày 7/6/2003.

Nhờ có Maita, sự giúp đỡ của bạn bè, nhưng trên hết là niềm tin vào Thiên Chúa và lòng quyết tâm cao độ, Peter đã tìm lại ý nghĩa của cuộc sống và hoàn thành ơn gọi làm phó tế cho người khiếm thị và khiếm thính. “Chúa đã giải quyết tất cả những trở ngại cản đường tôi”, phó tế Peter viết trong cuốn tự truyện của mình như thế.

Ngọc Yến – Vatican News

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *