Chương VI : Công cuộc Canh tân và Cải Cách
(thế kỷ XV)
Trích “HÀNH TRÌNH CHÂN LÝ”
(The Dominicans, a short history, W. Hinnebusch OP
Brève histoire de l’Ordre Dominicain, Guy Bedouelle OP)
Lm Px. Đào Trung Hiệu op và lớp tập 1992-93.
Cuộc canh tân trong dòng, đã khởi sự từ thập niên cuối thế kỷ XIV, sẽ trải dài suốt thế kỷ XV sang thế kỷ sau. Mặc dù dòng không trở lại được nhiệt tâm thiêng liêng và hăng say như thời sơ khai, nhưng cuộc canh tân đã giúp cho đa số các tu viện phục hồi được nề nếp tu trì. Nhờ thế, Dòng sau khi được canh tân, sẽ phát triển với nhiều nét đặc thù, ngay giữa giai đoạn chuyển tiếp của thời Trung cổ và thời Hiện đại.
Thái độ của các bề trên tổng quyền và giám tỉnh đối với cuộc cải tổ rất quan trọng. Các ngài có thể cổ võ hoặc giảm thiểu những nỗ lực của các anh em “nhiệm nhặt” trung thành với kỷ luật (Observants), tùy theo mức độ ảnh hưởng của các anh em chủ trương “viện tu” (Conventuels). Cần lưu ý rằng phải mất gần một thế kỷ, các anh em “nhiệm nhặt” mới đủ mạnh để nắm phần quản trị toàn Dòng. (1)
Khác với cha Raymundo người khởi xướng phong trào canh tân, cha Thomas Paccaroni ít quan tâm đến vấn đề này. Cha Leonardo Dati lại có quá nhiều việc phải làm, ngài bận tâm đến việc giải quyết cuộc Đại Ly Giáo và thống nhất anh em trong Dòng. Thế nhưng, cha Bartolomêo Texier lại tích cực hỗ trợ và ủng hộ những anh em tiến hành việc cải tổ. Nhiệm kỳ của ngài kéo dài đến 25 năm, đã giúp cho việc bảo vệ kỷ cương trong Dòng được phát triển rộng lớn.
Ưu tư chính của cha Auribelli không phải là cản trở việc cải tổ, cho bằng ngài sợ các Hiệp Hội cải cách tự trị sẽ làm tan vỡ sự thống nhất toàn Dòng. Cha Conrad Asti là nhân vật đầu tiên thuộc nhóm chủ trương cải tổ được chọn làm tổng quyền. Và sau nhiệm kỳ thứ hai của cha Auribelli, tất cả các vị tổng quyền thế kỷ XV đều xuất thân từ Hiệp Hội Lombardie.
Bước vào đầu thế kỷ XV, trụ cột của phong trào cải tổ là hai tu viện Colmar và Nuremberg, đã cải tổ từ năm 1396, và đan viện Schonensteinbach, được thành lập năm 1397. Cha Conrad de Prusse là đại diện của các cộng đoàn này, sẽ đẩy công cuộc cải tổ đi khắp nơi trong những thập niên kế tiếp. Tại phía nam núi Alpes, chị Clara Gambacorta đã thành lập một cộng đoàn nữ đan sĩ tại Pise, và cha Gioan Dominici, nhờ sự yểm trợ của cha Raymundo Capua, sẽ điều hành nhóm “nhiệm nhặt”, gồm các anh em và các nữ đan sĩ tại Venise. Ngài thiết lập nhiều cộng đoàn mới tại đây, và giúp cải tổ những cộng đoàn cũ, trong hoặc ngoài thành phố. Nhờ ngài hướng dẫn, các nữ đan sĩ trong đan viện Mình Thánh Chúa, (Corpus Christi), được thành lập năm 1392, hợp thành một cộng đoàn gương mẫu. Như vậy ta hoàn toàn có lý do để hy vọng, rằng Dòng sẽ được canh tân, dựa theo tinh thần và đường hướng cha Raymundo đã đề ra.
Đàng khác, việc cải tổ còn được phổ biến nhờ việc trở lại với kỷ luật nhiệm nhặt thời sơ khai Dòng. Cha Texier đã thành công khi tái lập kỷ luật ở tu viện Bâle. Cha Antonino là bề trên tiên khởi tu viện thánh Marcô, một tu viện nổi tiếng với chân phước họa sĩ Fra Angelico và cha Savonarola : Thời cha Savonarola làm bề trên, tu viện trở thành nhà mẹ của một Hiệp Hội (cải tổ). Và như thế, mỗi tu viện cải tổ sẽ trở thành trung tâm phổ biến công cuộc canh tân. Như tu viện Bâle cải tổ tu viện Vienne, rồi từ đó xuất phát việc cải tổ cải tổ cho các miền Hungarie và Bohême. Tu viện Breslau đẩy mạnh cuộc canh tân tỉnh dòng Balan. Cũng vào giai đoạn này, tổng hội 1421, dựa vào những nguyên tắc của cha Raymundo, đã chỉ thị mỗi tỉnh dòng, tối thiểu phải có một tu viện nhiệm nhặt.
Sau khi những vị khởi xướng cuộc cải tổ qua đời, các bề trên tổng quyền đã đặt những vị đại diện, để hướng dẫn phong trào, như cha Antonino tại Trung Ý, cha Phêrô Geremia tại Sicile. Tại Đức, các vị giám tỉnh như cha Nicolas Nolten và Phêrô Wellen, đã cổ võ cuộc cải tổ. Năm 1463, công cuộc cải tổ đã chia tỉnh dòng thành ba miền đại diện, và năm 1465, có một tổng đại diện. Vào năm 1475, số tu viện cải tổ ở đây đã đông hơn số tu viện không cải tổ, nên tỉnh dòng bắt đầu có giám tỉnh thuộc nhóm nhiệm nhặt.
Vì các tu sĩ Đa Minh khác tích cực chống việc cải tổ, các tu viện cải tổ phải liên kết lại thành những Hiệp Hội, từ nay sẽ trở thành một tổ chức thường xuyên trong cơ chế quản trị Dòng. So với trước đây, Dòng chỉ biết dạng “Hiệp Hội” (Congregatio) của các anh em Du Thuyết. (Congregatio fratrum peregrinantium)
Hiệp hội thứ nhất của các nhóm nhiệm nhặt ra đời tại Đức. Các bề trên tổng quyền và các vị giám tỉnh, e sợ các nhóm “nhiệm nhặt” và “viện tu” sẽ chia cắt nhau vĩnh viễn, như trường hợp Dòng Phanxicô, nên tỏ ra dè dặt với các “Hiệp Hội” như thế. Nhưng dù cha Auribelli phản đối trên nguyên tắc, ngài bị cưỡng bách theo hoàn cảnh, chấp thuận cho các nhóm cải tổ đề nghị những ứng viên để được chọn làm tổng đại diện.
Một nhân tố mới xảy đến và làm thay đổi tình hình khi thành lập Hiệp hội với qui chế riêng, đại diện riêng và công hội riêng. Hiệp hội gần giống như một tỉnh dòng nằm trong một tỉnh dòng, vì tuy về hình thức vẫn thuộc quyền giám tỉnh, nhưng họ được miễn trừ trong khá nhiều lãnh vực. Nhiều Hiệp hội mới sẽ được thành lập, mô phỏng theo mẫu gương trên, với ít nhiều sửa đổi chi tiết.
Hiệp hội Lombardie được tự trị trước tiên, sẽ trở thành một dạng siêu-tỉnh-dòng, điều hợp tất cả các tu viện cải tổ thuộc các tỉnh dòng nước Ý. Cha Thomas de Lecco, tổng đại diện Lombardie là người đã thiết lập Hiệp hội, được đức Pio II phê chuẩn và được tổng quyền Auribelli châu phê năm 1459 do sự thúc đẩy của tổng hội. Từ năm 1464, Hiệp hội Hà Lan xin sát nhập. Các tu viện Hà Lan được mở rộng trong nhiều tỉnh dòng, từ Hà Lan đến Pháp, ngang qua Saxe đến tận vùng Baltique.
Dần dần, khi việc cải tổ tiến triển mạnh, những Hiệp hội khác được thành lập tại Tây Ban Nha, Aragon, Bồ Đào Nha và Pháp. Khi một tỉnh dòng chỉ có vài tu viện cải tổ, các tu viện này vẫn thuộc quyền tài phán của cha giám tỉnh, nhưng sẽ có một tổng đại diện do ngài chỉ định. Hiệp hội Thánh Marcô do cha Savonarola thành lập, xuất phát từ những tu viện tách ra từ Hiệp hội Lombardie, là Hiệp hội nổi tiếng nhất trong các nhóm nhiệm nhặt. Cha Savonarola áp dụng tại đây kỷ luật khắt khe trái với truyền thống của Dòng, đến nỗi các tổng quyền Vinhsơn Bandelli và Cajetan phải can thiệp. Dù đức Alexandro VI đã ra lệnh giải tán, hiệp hội này vẫn không bị phân tán. Sau cuộc hành quyết cha Savonarola, các tu viện miền Toscane, và sau này, tất cả các tu viện cải tổ thuộc tỉnh dòng Roma sẽ xin sáp nhập.
Các phương pháp cải tổ
Sự chống đối khá tự nhiên của nhiều anh em “viện tu” với phe cải tổ, lại càng gia tăng một số phương pháp anh em “nhiệm nhặt” đã dùng để đạt tới mục tiêu cho dù phải trả giá. Nữ hoàng Isabella đã ủng hộ cha Alphonse Saint Cyprien, tổng đại diện miền Castille, kể cả khi cha cưỡng bách hai tu viện Thánh Stêphanô ở Salamanca và Pena de Francia phải cải tổ. Tuy nhiên cha đã thất bại, vì cộng đoàn Salamanca minh chứng được đời tu của họ không bị nới lỏng, và tu viện vẫn thuộc vào hạng tương đối nhiệm nhặt. Phải đến mười năm sau, tu viện này mới tự nguyện liên kết với Hiệp hội cải tổ. Cũng vậy, Hiệp hội Hà Lan cũng muốn cưỡng chế tu viện Anvers đi vào cải tổ, và muốn sáp nhập luôn học viện Louvain vào Hiệp hội. Bề trên Leonardo Mansuetis phải ra chỉ thị cấm vị tổng đại diện Hiệp hội, không được quấy rầy các tu viện Ypres, Bruges và nữ đan viện ở Lille.
Để giảm bớt lòng nhiệt thành thái quá của những nhà cải tổ, các bề trên tổng quyền và các tổng hội, phải ra hình phạt cho những ai dùng các biện pháp cưỡng bức, và ban hành các đạo luật bênh vực quyền lợi của những anh em “viện tu”. Các giáo hoàng thì muốn rằng, cần phải có sự đồng ý của đa số trong cộng đoàn, của bề trên tổng quyền và giám tỉnh, thì mới được tiến hành cải tổ trong một tu viện.
Thường thường, việc cải tổ sẽ làm một số người ra đi, hoặc nếu người ta tiến hành cách cứng rắn hơn, sẽ đưa đến việc trục xuất một số anh em đã được bổ nhiệm chính thức. Theo nguyên tắc, người ta để cho mỗi tu sĩ có quyền chọn lựa, hoặc tham gia cuộc cải tổ, hoặc tìm một cộng đoàn khác thích hợp. Khi cha Texier tiến hành cải tổ tại Bâle, ngài cho anh em chọn lựa, hoặc ra đi, hoặc ở lại, cũng sẽ được hưởng một số chuẩn miễn, so với tổ chức nhiệm nhặt mới trong tu viện. Sớm hay muộn, thì cuối cùng, hầu hết sẽ chọn việc ra đi.
Chẳng bao lâu, những anh em nhiệm nhặt chợt khám phá ra rằng, để thành công trong việc cải tổ một tu viện, cần phải tạo dư luận thuận lợi, cũng như phải tìm hậu thuẫn của thế quyền và giáo quyền. Cha Gioan Nider, trong một thủ bản gửi những nhà cải tổ năm 1432, đã khuyên họ chuẩn bị tinh thần cho các quyền bính và quần chúng, nhắc họ tìm sự nâng đỡ của các linh mục có ảnh hưởng và đức giám mục, trước khi đưa kỷ luật vào bất cứ nơi nào. Vì giám mục và hàng giáo sĩ vốn có ảnh hưởng rất lớn trên tu sĩ và giáo hữu trong khu vực, bằng lời nói, bằng lời khuyên hay bằng sự phê chuẩn. Cần phải thuyết phục quần chúng ủng hộ những người nhiệm nhặt, tỏ cho họ thấy những ưu điểm của việc cải tổ. Nếu không, phe không cải tổ sẽ lôi kéo các bạn bè, thân nhân và giáo quyền về phía họ, và phá đổ cuộc cải tổ bằng cách bôi nhọ, hoặc tiên báo những tai ương sẽ giáng xuống trên thành phố. Lịch sử cho thấy ý hướng tốt và sự chính xác của cha Nider trong những nhận định trên. Khi tín hữu trong thành phố ủng hộ, việc cải tổ thành công; khi họ phản đối, việc cải tổ thất bại.
Sự sa sút về kỷ luật tại các tu viện không cải tổ đã khiến cho các vị vua, ông hoàng, các nhà lãnh đạo thành phố nhanh chóng chấp thuận ủng hộ những nỗ lực cải tổ. Đôi khi, như trường hợp thành phố Nuremberg, chính họ lên tiếng xin có một tu viện cải tổ. Cuộc cải tổ tại Tây Ban Nha thành công nhanh chóng, cũng nhờ sự tích cực ủng hộ của vua Ferdinand và nữ hoàng Isabella. Năm 1489, dân thành Lodi phản ứng trước sự sa sút tinh thần lẫn vật chất của tu viện Đa Minh, đã trục xuất một số tu sĩ ra khỏi thành phố. Trong cơn phẫn nộ, họ dự định phá tan các cơ sở ở đây, khi một tu sĩ nhiệm nhặt đến thuyết phục họ. Tới khi cộng đoàn bị trục xuất cầu cứu Bề trên tổng quyền, họ nóng nảy đến chặn cửa không cho vào.
Kỷ luật luôn luôn được vãn hồi khi tu viện có những anh em thuộc nhóm nhiệm nhặt đến. Hồng y Gioan Torquemada đã cải tổ tu viện Sainte-Marie-de-la-Minerva bằng cách gửi đến những anh em nhiệm nhặt Lombardie. Nửa thế kỷ sau, hồng y Cajetan, muốn giúp tu viện thánh Giacôbê ở Paris cải tổ, đã cấm bầu tu sĩ không cải tổ làm bề trên, và quyết định chỉ có tu sĩ nhóm nhiệm nhặt mới được lãnh trách vụ này.
Cuộc canh tân còn phát triển nhờ việc thiết lập thêm những cộng đoàn mới, đôi khi ở sát bên một tu viện từ chối cải tổ.Cha Phêrô Geremia đã lập tu viện Saint-Zita tại Palermo năm 1429, dù thành phố này đã có một tu viện thánh Đa Minh. Dù thỉnh thoảng có xảy ra một vài tranh chấp, thì các anh em, cải tổ hay không, vẫn sống với nhau trong tình thân ái và huynh đệ, đang khi mỗi bên vẫn bênh vực cho lập trường, luật lệ và các đặc quyền của mình. Các anh em “viện tu” ngày càng hiểu nhóm nhiệm nhặt hơn, nhờ dư luận quần chúng ủng hộ họ.
Sự tiến triển của cuộc canh tân đã thúc bách các tỉnh dòng đòi buộc các tu viện không theo cải tổ phải sống kỷ luật hơn. Đến cuối thế kỷ, Dòng đã chọn các anh em nhiệm nhặt vào hàng ngũ giám tỉnh và bề trên tổng quyền. Năm 1505, đức Julio II yêu cầu áp dụng quy luật này cho tất cả các bề trên. Các bề trên tổng quyền và tổng hội từ nay sẽ đứng hẳn về công cuộc cải tổ và thúc đẩy các tỉnh dòng chậm chạp trong chương trình này. Và kết quả đã mau chóng đạt được. Tổng hội 1498 đã chúc mừng tỉnh dòng Lombardie vì những nỗ lực cho việc cải tổ tu viện Ferrare.
Một khi đã vượt được sự chống đối khởi đầu của nhóm “viện tu”, chính những người này, do ảnh hưởng gương sáng và áp lực của các bề trên, cũng sẽ tuân thủ kỷ luật cách khít khao hơn. Những xung đột giữa hai bên cũng giảm thiểu dần, khi nhóm nhiệm nhặt, do hoàn cảnh thúc đẩy, áp dụng kỷ luật bớt gay gắt, và dễ dàng hơn trong việc chuẩn miễn. Thời thế đã quá khác so với thời thánh Đa Minh khi đề ra lối sống nhiệm nhặt trong Dòng, gồm chay kiêng hãm mình và sống nghèo tuyệt đối. Đã hai thế kỷ rồi, nhiều luật lệ dễ thực hiện đối với dân Trung Cổ thế kỷ XIII, nay trở thành quá sức đối với người thế kỷ XV.
Thánh Raymundo Capua và những nhà cải cách tiên khởi đã cố khôi phục nề nếp kỷ luật của Dòng như thời tiên khởi. Tại tu viện chấp nhận cải tổ, anh em sẽ đóng cửa hàng rào sắt ngay từ xế chiều, kiểm soát các khách thăm viếng trong mọi lúc, phục hồi khu nội cấm, việc chay kiêng và hãm mình thường xuyên, giữ thinh lặng, tìm lại tinh thần nghèo khó, và bó buộc phải đồng nhất trong y phục và các phòng cá nhân. Anh em cử hành kinh thần vụ cách xứng hợp, đạt được niềm tin của quần chúng và thu nhận được nhiều thỉnh sinh cùng với các bổng lộc.
Dù thiện chí, đôi khi việc tuân giữ kỷ luật nhiệm nhặt lại trở thành gánh nặng. Đức giáo hoàng hoặc bề trên tổng quyền phải chuẩn miễn cho một số tu viện được quyền có sở hữu và được ăn thịt một số ngày trong tuần. Như năm 1465, đức Phaolô II cho phép các tỉnh dòng thuộc Đức, được ăn thịt một bữa vào ba ngày trong tuần. Tổng quyền Auribelli đã nêu lên lý do việc thỉnh nguyện này “Nước Đức quá lạnh mà lại không phải là xứ trồng nho“. Anh em “viện tu” hay nhiệm nhặt đều được hưởng ân huệ này. Ba năm sau, tu viện nhiệm nhặt Erfurt, thuộc tỉnh dòng Saxe, cũng xin được đặc quyền ấy. Vì là học viện, tu viện này phải đương đầu với những khoản chi phí quá lớn, nếu muốn cung cấp cho 80 tu sĩ : rượu, cá và thực phẩm không phải là thịt. Trong trường hợp đó, họ sẽ đổ nợ hoặc phải đóng cửa trường mất.
Năm 1481, các tu viện cải tổ và đan viện tại Bồ đào Nha cũng được phép bề trên tổng quyền cho ăn thịt ngày chủ nhật, thứ ba và thứ năm. Lý do nêu lên, cũng vì thiếu ngân khoản và những khó khăn nếu muốn cung cấp cá, trứng và các thực phẩm giữ chay. Chân phước Anrê Abellon, đại diện các tu viện cải tổ Tây ban Nha, trong ngày lễ các thánh Anh Hài cũng đã cho dọn thịt bò và thịt cừu. Luật nhiệm nhặt vẫn được duy trì khi không đủ lý do chính đáng để xin chuẩn chước.
Các anh em nhiệm nhặt ngày càng thấy những khó khăn nếu sống khó nghèo quá chặt chẽ. Bề trên tổng quyền Texier, người bênh vực việc cải tổ, đã phải xin đức Martinô V cho phép các tu viện, khi cần thiết, được quyền sở hữu và có những bổng lộc cố định. Chính thánh Antonino, một thủ lãnh nhóm cải tổ, đừng là bề trên tu viện thánh Marcô, cũng xét thấy việc xin hưởng quyền sở hữu là điều khôn ngoan.
Năm 1475, đức Sixtô IV đã giải quyết vấn đề dứt khoát theo yêu cầu của tồng quyền Léonardo Mansuetis, cho phép nhận sở hữu (thực ra không thể làm khác hơn). Thế là ngài đã trút nhẹ gánh nặng của đời sống khó nghèo tuyệt đối. Việc thay đổi này giúp anh em thoát được nỗi lo triền miên tìm nhu yếu phẩm để sống và dễ dàng chu toàn sứ vụ hơn. Nó góp phần khá lớn vào những đổi mới trong Dòng Đa Minh cuối thế kỷ. Sự căng thẳng của nhóm nhiệm nhặt nay đã chùng lại, gần gũi hơn với anh em nhóm “viện tu”.
Cha Lacordaire và cha Mandonnet, một sử gia lớn của thời nay, đã phê phán anh em cải tổ làm sai với tinh thần của Dòng và Hiến Pháp, vì loại bỏ quyền chuẩn miễn. Nghiên cứu sâu xa hơn, ta thấy lời phê phán này thiếu chính xác. Một số anh em nhiệm nhặt, đặc biệt là tại Pháp cuối thế kỷ XVII, đã loại bỏ quyền chuẩn miễn, nhưng đó không phải đường lối cải tổ của thánh Raymundo Capua, và của những cuộc cải tổ Đa Minh nói chung. Khi kêu mời tuân giữ từng chữ trong Hiến Pháp, thánh Raymundo cũng nói đến luật chuẩn miễn, điều này còn ghi rõ trong văn bản. Các tu sĩ nhiệm nhặt có biết và có sử dụng luật miễn trừ. Tuy nhiên qua lịch sử và kinh nghiệm, nhiều khi luật này bị lạm dụng hoặc đưa đến phóng túng, chính vì thế, họ chỉ sử dụng cách chừng mực và thận trọng.
Cha Mandonnet cũng than phiền các tu sĩ nhiệm nhặt sao lãng truyền thống trí thức của Dòng. Thực ra ngài chỉ lập lại những lời vu cáo của phe đối lập. Cha còn thêm : các tu sĩ nhiệm nhặt không có những nhà tiến sĩ vĩ đại, họ chỉ chú tâm viết các tác phẩm thiêng liêng hoặc luân lý, các sách lịch sử hoặc đạo đức. Nhận định trên không hoàn toàn đúng. Thế kỷ XV là một giai đoạn hỗn loạn và phức tạp, nên cần các thể loại văn chương đó. Hơn nữa cha Mandonnet đã quên mất những thiên tài như : Francois Retz tại đại học Vienne và Gérard Elten ở Cologne, đó là những nhà thông thái trổi vượt.
Chính từ hàng ngũ các anh em nhiệm nhặt, đã phát sinh một thế hệ mới các thần học gia trường phái Thomas vào cuối thế kỷ tại Cologne, Paris và nước Ý. Cả ba nhà thần học Phêrô Crockaert tại Paris, Phanxicô Vitoria ở Tây ban Nha đều thuộc nhóm nhiệm nhặt, đã khởi đầu sự nghiệp vào cuối thế kỷ, và nổi danh trong thế kỷ sau. Các nhà thần học ở Cologne đã đặt nền móng cho việc canh tân học thuyết Thomas, giúp Dòng đương đầu với những cuộc tấn công về tín lý của anh em Tin Lành, và góp phần trong công đồng Trentô. Những tác phẩm của họ đã được các môn sinh nghiên cứu và phổ biến, khai mở thời hoàng kim mới cho học thuyết Thomas. Cùng với cha Antonino và cha Conrad Koellin ở Cologne, họ là những nhân vật tài ba đáng sánh bước với các vị tiền bối thế kỷ XIII và đầu thế kỷ XIV.
Luật lệ do nhóm nhiệm nhặt phổ biến, cố gắng hạn chế số anh em lãnh bằng cấp xem ra trái với sinh hoạt trí thức của Dòng. Thế nhưng, chính những tham vọng hỗn độn về bằng cấp, những quyền lợi và đặc ân, đã từng tạo nên hàng loạt những “tôn sư thần học” hầu hết kém phẩm chất, cả trong bình diện trí thức. Những đặc quyền quá lớn cho các tôn sư thần học đã góp phần vào sự thoái hóa này. Chính vì thế, các anh em nhiệm nhặt chỉ đặt chức vị tôn sư theo nhu cầu của các trung tâm học vấn.
***
Như thế phong trào cải tổ đã thành công nhưng chưa hoàn toàn. Phong trào đã canh tân khá đủ các tu viện làm nhân tố cho một giai đoạn mới trong đời tu Đa Minh thế kỷ XV, và chuẩn bị cho Dòng mạnh tiến trong thế kỷ sau. Phong trào đã hình thành những nhà giảng thuyết, những nhà thông thái và những anh chị em sẽ được suy tôn hiển thánh hoặc chân phước. Các nhà giảng thuyết như Gioan Dominici, Vinsơn Ferrier, Gioan Nider và Savonarola thuộc vào số những người nổi tiếng của Dòng. Các anh em “viện tu” không có được những nhân vật như thế. Và mặc dù nằm trong cuộc khủng hoảng chung về ơn gọi của giáo hội đương thời, số thỉnh sinh xin vào nhóm cải tổ vốn khá đông đảo. Tu viện Bâle khi mới cải tổ, sĩ số non 30 người, thế mà chỉ vài năm sau, con số đã lên đến 80 người.
Dự án cải tổ của cha Raymundo thật tuyệt vời. Nhằm canh tân sinh hoạt và sứ vụ của Dòng, ngài củng cố nền móng chiêm niệm, tái lập bầu khí cầu nguyện, tinh thần siêu nhiên, được nâng đỡ bởi nếp sống cộng đoàn, kỷ luật tu trì, tinh thần hy sinh và học hỏi kiên trì. Cha Raymundo, chính ngài là một vị thánh, là môn sinh của thánh nữ Catharina, ngài đã kinh nghiệm thấy rằng : chỉ với nếp sống như thế mới có thể tạo nên những vị tông đồ như thánh Đa Minh mong muốn. Vì thế, ngài không ngần ngừ đưa ra những đòi hỏi nghiêm khắc và xin các giáo hoàng ủng hộ.
Sống xa các nhà cải tổ nhiều thế kỷ, nếu có thể phê phán họ thì có lẽ nói được họ thiếu một điểm, đó là thiếu chân nhận những “dấu chỉ thời đại”, nhưng chúng ta cũng chẳng dám chắc mình có thể làm khá hơn. Nhận định này nhắm riêng đến quan niệm của các vị về đức nghèo khó. Các vị lầm tưởng – điều này như một gánh nặng đè trên lương tâm họ – rằng thánh Đa Minh sẽ nguyền rủa kẻ nào dám đụng đến đức khó nghèo mà Ngài đã thiết định. Với khả năng khảo cứu lịch sử thời đó, làm sao họ có thể biết được lời nguyền rủa ấy không có ? Nếu họ có thể vượt ra ngoài truyền thuyết này, họ sẽ hiểu được tinh thần và ý tưởng của cha Đa Minh hơn. Một lời nguyền rủa như thế, hoàn toàn ngược với tầm nhìn xa trông rộng của cha Đa Minh cũng như việc tôn trọng những quyết định tập thể.
Các nhà cải cách Đa Minh bị ràng buộc bởi pháp luật. Đến khi bị bó buộc phải bỏ rơi chúng, họ mới nhận ra rằng không thể nào trở lại thời của Thánh Đa Minh nữa. Giả như họ biết giải thích luật đúng đắn hơn chắc học đỡ bị bối rối. Như trường hợp cha Phêrô de la Palu đã giải đáp, khi cha Hugues de Vaucemain xin ý kiến liên quan đến vấn đề khó nghèo. Nhà thần học này đã trả lời : việc tuân thủ kỷ luật nghiêm ngặt có thể được châm chế nếu điều đó cần thiết ; và người ta có thể giữ quyền sở hữu nếu người ta thấu triệt nguyên tắc của luật chuẩn miễn. Đành rằng những người chống-cải-cách đã đi quá xa đến độ sao lãng bổn phận của họ ; tuy nhiên các thế hệ tiếp theo đã có thể đánh giá họ đúng đắn hơn vì họ đã biết tìm ra những phương thức giải quyết thực hành khi phải vác một gánh nặng quá sức chịu đựng. Trong chiều hướng đó cần hiểu các chuẩn miễn và những đặc ân ban cho cả các anh em nhiệm nhặt được ăn thịt một vài ngày trong tuần .
Dần dần việc cải cách mở rộng, quan điểm khắt khe của cha Gioan Dominici về sự nghèo khó được thay thế bằng nhiệt tình sáng suốt của cha Antonin, người phân tích cách minh bạch rằng trong một số trường hợp quyền sở hữu là một điều cần thiết. Sau cùng, Đức Sixtô IV củng cố điều đó. Sắc lệnh của Ngài đặt vấn đề cách kỹ lưỡng, bảo vệ bản chất của đức thanh bần. Khi cho phép sở hữu, ngài đã giảm cho Dòng một gánh nặng quá sức trước những nhu cầu thực tế, nhưng Ngài để cá nhân tu sĩ được tự do sống nghèo tuy theo môi trường. Nếu sự linh động này được quyết định sớm hơn, trong những thập niên đầu thế kỷ XIV ta thấy nó có thể đưa đền lối sống tư túi, đưa đến nhiều lạm dụng tương đối khá nhiều sau năm 1350 .
Ghi Chú
1. Hai từ “nhiệm nhặt” và “viện tu” xử dụng trong chương này xuất phát từ hai khuynh hướng cải tổ trong Dòng Phanxicô, Hai khuynh hướng đó trong Dòng Đa Minh có khá nhiều khác biệt .