Ý hiện được coi là tâm dịch Covid-19 của thế giới trong khi viễn tượng Tây Ban Nha thay thế họ về phương diện này dường như không hẳn là chuyện xa vời.
Quan sát những gì đang diễn ra tại quốc gia đó, ký giả John Allen nhận thấy một trong các nét đặc biệt của Covid-19 tại đó không hẳn là chính căn bệnh cho bằng các khía cạnh xã hội và văn hóa của nó: nó đang đảo ngược các thói quen hàng ngày, phát sinh ra nhiều trải nghiệm mới đầy bất ngờ và, đôi khi, siêu thực.
Ông kể ra ba trường hợp:
1.Hiện tượng quần chúng tự biên tự diễn (flashmob [*]) trở thành bình thường
Cho đến nay, các hình ảnh nhanh chóng được loan truyền khắp thế giới cho thấy cảnh người Ý bất ngờ xuất hiện ngoài ban-công ca hát, chơi các nhạc cụ, và nhiều cử chỉ khác nhắm phá tan bầu khí nặng nề của lệnh cấm tụ tập khắp nước.
Hiện tượng ấy diễn ra ngay tại các phu phố ở trung tâm Rôma. Hàng ngày, cứ vào khoảng 6 giờ chiều, người hai bên phố ra ngoài ban-công, thường nhẩy múa theo điệu nhạc phát ra từ một hệ thống âm thanh tuyệt diệu của viên đại lý nhà đất của khu phố.
Với thời gian, khí thế có vẻ giảm đi khi lượng người qua đời vì Covid-19 tăng dần. Khởi đầu còn những điệu nhạc như “YMCY” và những điệu nhạc Ý hấp dẫn, nhưng đến lúc số người chết vượt quá 5,000 (lúc Allen viết bài báo), những điệu nhạc ấy không còn nữa. Nhưng họ vẫn tiếp tục đến với nhau.
Allen cho biết thêm: khi các bản nhạc chấm dứt, người ta chần chừ không muốn vào trong trở lại. Ngược lại, nán ở ngoài ban-công thêm chút nữa, tán gẫu từ xa: nói lớn, ráng ghé tai nghe, cố gắng tiếp xúc với những con người khác. Một trong các cư dân tại khu phố của Allen còn có sáng kiến tạo ra một “WhatsApp” của nhóm để mọi người tiếp xúc với nhau trong ngày và hàng ngày cung cấp một bản tin tổng hợp cho cả nhóm.
Người hàng xóm tốt lành ấy đã gây ấn tượng lớn khi viết rằng “tôi tin nẻo đường phía trước còn dài và chúng ta còn bị khóa kín trong nhà nhiều ngày nữa. (Quần chúng tự biên dự diễn hàng ngày) thật hết sức giải khuây, và trên hết, người ta tiến tới chỗ biết nhau trong khi trước đây chỉ biết nói ‘chúc buổi sáng tốt’ và ‘chúc buổi chiều tốt’”. Tóm lại, những người trước đây xa lạ nay đã biết nhau trên căn bản bản thân.
Ký giả Edward Pentin cũng kể một trường hợp tương tự. Đó là sáng kiến của Thelma Cesarano, người điều hành một công ty Giao tế Nhân sự ở Rôma. Cô đã tạo ra “một máy hát tự động”, và đã nhận lời yêu cầu từ hàng xóm để phát nhạc trên bộ khuếch đại. Cô đã nhận được hơn 70 lời yêu cầu. Nhạc được phát hai lần mỗi ngày, mỗi lần 1 tiếng vào sớm mai và chiều tối. “Thính giả” thuộc đủ lứa tuổi và họ “chỉ thích âm nhạc Ý và rất vui khi nghe nó phát vào những thời điểm đã ấn định”.
Mặc dù cô đã nhận được một vài lời phàn nàn, Cesarano nói rằng nói chung, nó đã giúp xây dựng một tinh thần cộng đồng thực sự mà chúng ta đã đánh mất sau nhiều năm với những thói thường tất bật và các mối liên hệ hư ảo”.
“Cho đến vài ngày trước đây, cùng lắm chúng tôi chỉ trao đổi được lời chào buổi sáng với những người hàng xóm và không trao đổi được gì với những người ở xa xôi, nhưng bây giờ chúng tôi mỉm cười và gửi lời chào và nụ hôn từ ban công này đến ban công nọ”. Cô ấy cũng nói rằng có “nhiều người già sống một mình và vẫy tay chào chúng tôi”.
Mấy ngày gần đây, họ dự định đưa ra thông báo, hỏi xem có ai không thể ra ngoài cần thứ gì đó từ hiệu thuốc hoặc cửa hàng tạp hóa, có người sẽ đi mua giùm.
2. Yếu tố nhân khẩu học
Điều dễ hiểu là các phương tiện truyền thông Ý đầy rẫy các suy tư về đại dịch này và một suy tư đáng lưu ý đã xuất hiện trên tờ Il Messaggero ở Rôma với tựa đề “phục hồi bắt đầu bằng nhân khẩu học”.
Tác giả là Alessandro Rosina, giáo sư nhân khẩu học và thống kê xã hội của Đại Học Công Giáo ở Milan. Bài báo bắt đầu bằng nhận xét cho rằng Ý bị tàn sát nặng bởi Covid-19 một phần vì khuôn mạo già của mình. Hiện nay, nó đứng hàng thứ hai trên thế giới về phần trăm cao nhất dân số cao niên, khoảng 30%, sau Nhật Bản. Điều này giải thích tại sao nó có tỷ lệ tử vong cao đến thế khi Covid-19 phát triển, vì vi khuẩn này đặc biệt gây tử vong cho người cao niên.
Giáo sư Rosina cho rằng bất cứ chiến lược phục hồi nào đối với Ý một khi cuộc khủng hoảng qua đi cần phải có việc điều chỉnh hiện trạng “bất quân bình” về nhân khẩu học. Ông nhận định rằng giữa đại dịch “Black Death” (chết đen) ở thế kỷ 14 và trận dịch ở thế kỷ 17, Ý, tuy nhiên, vẫn đã sản sinh ra chủ nghĩa nhân bản (humanism) và phong trào phục hưng, một phần vì sau “Black Death”, người ta thi nhau kết hôn và sinh con.
Hiện nay, Ý có tỷ lệ người trẻ thiếu giáo dục, nhân dụng hay huấn luyện cao nhất ở Âu Châu, thời gian trung bình dài nhất trong đó, người trẻ tiếp tục sống với cha mẹ, và tuổi trung bình cao nhất để người trẻ có đứa con đầu tiên. Thành thử, theo Giáo sư Rosina, bất cứ chiến lược phục hồi nào cũng cần tập chú vào việc cung ứng cho giới trẻ niềm tin vào tương lai để họ chịu có con, đem lại cho đất nước một khuôn mạo nhân khẩu học tươi mới trẻ trung hơn.
3. Đọc sách trong lúc cấm ra ngoài
Allen cũng tường trình một tài liệu khác viết bởi 1 vị giáo phẩm về Covid-19. Đó là “Thư Gửi Hàng Giáo Sĩ Thời Khẩn Trương” của Đức Cha Marcello Semeraro của Albano, Ý. Ngài vốn là tổng thư ký của Hội Đồng Hồng Y Cố Vấn của Đức Thánh Cha Phanxicô.
Thư trên dài đến 17 trang, tập chú vào 3 vấn đề căn bản có tính thần học và linh đạo do việc cấm cả nước ra ngoài gây ra đến phải đình chỉ các Thánh Lễ công cộng: Thánh lễ không có tín hữu, rước lễ thiêng liêng và nhịn rước Thánh Thể.
Đức Cha Semeraro trích đoạn văn dài của Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, người có lần nghĩ đến những người, vì một lý do nào đó, đã bị tước mất Thánh Thể.
Đức Hồng Y Ratzinger, trong cuốn Behold the Pierced One (Hãy Nhìn Đấng Bị Đâm Thâu), viết rằng “Khi Thánh Augustinô cảm thấy cái chết của ngài đến gần, ngài đã tự quyết định ‘không rước lễ’ (excommunicated) và làm hành vi đền tội công khai. Càng nghĩ đến việc này, nó càng làm tôi suy nghĩ thêm. Há chúng ta không thường xuyên rước Thánh Thể một cách hững hờ quá hay sao? Há loại nhịn (fasting) thiêng liêng này không phải là việc phục vụ, hay thậm chí còn cần thiết nữa, để thâm hậu hóa và đổi mới mối liên hệ của ta với Thân Thể Chúa Kitô hay sao?”.
Câu trích dẫn trên đây khiến Allen nghĩ đến việc đọc sách thiêng liêng trong thời gian cấm ra ngoài và bị kiểm dịch này. Tham khảo một vài vị linh mục quen thân, ông đề nghị một số sách trong đó cuốn Đường Hy Vọng của Tôi Tớ Chúa, Đức Hồng Y Xavier Nguyễn Văn Thuận, đứng hàng thứ hai:
o Abandonment to Divine Providence (Phó thác cho Chúa Quan Phòng) của Jean-Pierre De Caussade
o The Road of Hope: A Gospel from Prison (Đường Hy Vọng: Tin Mừng từ Nhà Tù) của Đức Hồng Y Francis Xavier Nguyen Van Thuan
o The Practice of the Presence of God (Thực hành Nhan Thiên Chúa) của Thầy Lawrence
o The Writings of St. Maximilan Kolbe (Các Trước Tác của Thánh Maximilan Kolbe)
o The Betrothed (Hứa Hôn) của Alessandro Manzoni
o Sign of Contradiction (Dấu Mâu Thuẫn) của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Đây là bài Giảng Mùa Chay năm 1976 cho Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI, lúc ngài còn là Hồng Y Karol Wojtila.
________________________________________________________________________________________________
flash mob (hay flashmob), theo từ điển mở Wikipedia, là một nhóm người bỗng nhiên tụ tập tại một nơi công cộng, trình diễn một thời gian ngắn rồi tan hàng rất nhanh, thường chỉ để tiêu khiển, châm biếm hay phát biểu nghệ thuật.