Chuyện vung chuyện nồi

Sáng sớm, gió thổi ràn rạt trên cánh đồng vắng vẻ, quạnh hiu, từng làn hơi nước bốc lên mờ ảo, thi thoảng, một cánh cò mải miết ăn đêm bị lạc đàn, vừa vội vã bay về tổ, vừa vươn cái cổ dài ngoẵng gọi bạn thảm thiết, khung cảnh đó làm cho cánh đồng càng thêm lạnh lẽo, cô liêu. Nhìn đồng hồ thấy còn gần hai  tiếng nữa mới đến giờ đi họp lớp cho con, Huy tranh thủ vác cuốc ra đồng lấy nước vào đám ruộng chuẩn bị cày bừa, để đến trưa vợ đi chợ về có thời gian nghỉ ngơi.

Khi thấy nước đã xăm xắp mặt ruộng, Huy đi một vòng quanh bờ, xem có bị nứt nẻ, chảy giũa gì không, rồi mới an tâm ra về. Bước xuống con kênh dẫn nước vào cánh đồng, Huy khỏa chân qua quýt rồi bước lên bờ, miệng xuýt xoa vì làn nước lạnh buốt như kim châm, vậy mà có ai đó đang lom khom, lúi húi mò ốc dưới dòng kênh, thật tội nghiệp. Đi được mấy bước, bỗng Huy quay phắt người lại, bóng người mò ốc mờ mờ trong đám sương mù, nhưng vẫn đủ để Huy nhận ra đó là Hường.

Hường là người yêu cũ của Huy, hai đứa yêu nhau chân tình và mộc mạc như những chàng trai cô gái quê thuần nông. Khi thấy không thể sống thiếu nhau, Huy về thưa với mẹ sang có lời với bố mẹ Hường. Đêm trước ngày hai mẹ con Huy sang nhà Hường, Huy trằn trọc không sao ngủ được, nằm mơ ngày Hường về nhà anh, để sớm hôm mẹ bớt quạnh hiu. Mẹ Huy vốn là mẹ đơn thân, bà bị khiếm thị bẩm sinh, nên cả đời chỉ quanh quẩn trong nhà với các anh chị. Năm tháng dần trôi, các anh chị cũng yên bề gia thất, bà thường xuyên phải ở nhà một mình, vì bố mẹ  còn phải lo cấy cày, ruộng nương, để có thêm thu nhập lo cho hai thân già và cả cô con gái đang tuổi xuân xanh nhưng chưa bao giờ được nhìn thấy ánh sáng. Bỗng một ngày kia, bố mẹ thấy cô con gái của mình tự nhiên cứ “mập lên”, những ngày đầu, bố mẹ bàng hoàng, lo lắng, tủi nhục, oán hận cái đứa nào đã nhẫn tâm hại đứa con gái tật nguyền. Nhưng qua nhiều đêm dài thức trắng, vắt óc suy nghĩ, bố mẹ lại an ủi bà: “ Thôi! Dù sao việc cũng đã rồi, biết đâu như thế lại hay, bố mẹ đâu có sống mãi được mà chăm sóc cho con, vì vậy, đứa con sẽ là đôi mắt của con khi bố mẹ đã về với Chúa”. Vậy là Huy đã chào đời trong hoàn cảnh như vậy, rồi ông bà ngoại lần lượt về với Chúa trong một năm, khi Huy mới được chín tuổi, những ngày tháng đó thật vất vả với một bà mẹ khiếm thị và cậu con trai đang ở cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới. Nhưng được sự cưu mang, đùm bọc của người thân cũng như tình làng nghĩa xóm, mẹ con Huy đã vượt qua chặng đường gập ghềnh nhất để có ngày hôm nay.

Đêm dài mãi thì cũng phải đến lúc lui đi để nhường chỗ cho bình minh ló rạng, Huy và mẹ chuẩn bị thật tươm tất, xong rồi Huy dìu mẹ đến nhà Hường. Vẫn con đường làng thân quen, mà sao sáng nay Huy thấy như đẹp hơn, vui hơn, chim hót véo von, gặp ai cũng thấy môi nở tươi như hoa xuân trong gió. Khi mẹ Huy có lời xong, bố Hường chẳng nói một lời, ông với tay cầm cái điếu cày hút sòng sọc, phả khói mù mịt, làm cho bầu khí thêm ngột ngạt. Lát sau mẹ Hường hắt ra mấy câu cay độc: “ Nồi nào thì vung ấy, nồi tròn thì úp vung tròn, nồi méo thì úp vung méo,  bà đúng là… không có mắt, nên… nhặt được cái vung méo mó vẹo vọ, thì phải tìm nơi chốn cho hợp với mình chứ, thật là…””. Huy không nỡ để mẹ phải nghe thêm một lời xúc phạm nào nữa, vội vã đứng dậy xin phép đưa mẹ về nhà, bầu trời trước mắt xám xịt, quay cuồng đảo điên. Sau bao đêm dài trăn trở, Huy quyết định chia tay Hường, dù Huy và Hường rất yêu nhau, nhưng Huy không thể để người ta xúc phạm đến mẹ mình, người mẹ đã một đời chịu thiệt thòi, vất vả vì bệnh tật. Một đêm nọ, trăng thượng tuần chứng kiến cảnh chia ly đầy nước mắt nghẹn ngào, trái ngang, bởi suy nghĩ phong kiến của những bậc sinh thành.

Nửa năm sau, theo sự xắp xếp của bố mẹ, Hường làm vợ Nam, một anh chàng công tử bột con nhà giàu ở xóm bên. Do được chiều chuộng từ nhỏ, Nam quen thói chơi bời tiêu pha phung phí vào các chiếu bạc đỏ đen, lô đề, cá độ. Chỉ bốn năm sau ngày cưới, cái cơ ngơi mà bố mẹ Nam đã gầy dựng cả một đời, cùng với số tiền hồi môn mà bố mẹ Hường cho khi cô về nhà chồng, đã lần lượt đội nón ra đi.  Từ đó trở đi, Nam cục cằn thô lỗ, hắn đánh Hường như cơm bữa, đánh vì không có tiền cá độ bóng đá, đánh vì mâm cơm chỉ có rau với nước mắm, đánh vì hắn cho  Hường là nguyên nhân của sự sui sẻo, hắn bảo: “ Từ ngày cô về nhà này, tôi… chơi  trận nào cũng thua, thật là hãm tài”. Những lúc như vậy, Hường chỉ biết ôm con chịu đựng, hoặc ra đồng mò con cua cái ốc cho quên đi sầu muộn. Cứ vậy, lẻ loi, thui thủi một mình theo ngày tháng thoi đưa, đã gần chục năm rồi.

Phần Huy, vết thương lòng rồi cũng lên sẹo, Huy kết hôn với Ngần, một cô gái nết na, tần tảo, yêu chồng thương con, tôn trọng và chăm sóc mẹ chồng hết lòng. Nhờ sự chăm chỉ làm ăn của hai vợ chồng, cộng với sự khéo léo lo liệu thu vén của Ngần, đến nay, vợ chồng Huy đã xây dựng được một cơ ngơi khang trang, có của ăn của để, hai đứa con một trai một gái, học giỏi và ngoan ngoãn, một hạnh phúc mà nhiều người mơ ước. Thi thoảng gặp Hường, thấy cô hao gầy và nhiều khi còn có cả những vết bầm tím trên mặt, lòng Huy lại trào dâng một niềm thương cảm.

… Huy đứng trên bờ con kênh, nơi Hường đang lặn lội bắt ốc, nén tiếng thở dài, Huy cất tiếng: “ Trời lạnh giá như thế này, em ngâm mình dưới nước sao chịu nổi, rồi ốm đau ai chăm sóc cho em”. Hường nước mắt ngắn dài trong tiếng nấc nghẹn: “ Cảm ơn anh! Thôi anh về đi, kẻo ai trông thấy lại phiền phức”, Huy quay đi mà thấy mắt mình cay cay.

Họp lớp cho con xong, Huy nóng lòng đi ra đi vào chờ vợ về, anh thở phào khi thấy vợ dắt xe vào sân. Sau bữa cơm, thấy chồng đăm chiêu, ít nói hơn mọi hôm, Ngần nhẹ nhàng: “ Có chuyện gì sao anh?”, Huy ngập ngừng: “ Sáng nay ra ruộng lấy nước, anh gặp Hường đang mò ốc dưới kênh, rét mướt tội lắm em ạ, em thu xếp cho cô ấy đi chợ cùng em cho đỡ vất vả, thêm thu nhập cho gia đình cô ấy em nhé!”. Ngần nhanh nhảu: “ Vâng! Mấy lần gặp cô ấy em cũng thương lắm, muốn giúp đỡ, nhưng em không dám bàn với anh, vì sợ khơi lại vết thương lòng của anh, vậy thì chiều nay em sẽ sang nói chuyện với cô ấy.” Huy ôm vợ, lòng thầm nhủ trong cảm xúc ngập tràn: “ Cảm ơn vợ! Cảm ơn cái… nồi mà Chúa đã ban cho anh, nó không những vừa vặn với anh, mà còn tôn lên vẻ đẹp cho anh trước sự bao dung và thấu hiểu cái… vung của nó”.

Mờ – inh

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *