Một lần dạo chơi trong vườn, hai chú ếch con, trong đó có một chú bị điếc, rơi xuống một cái hố. Thấy vậy cả bầy ếch đứng vây quanh miệng giếng. Hai chú ếch sợ hãi, cố nhảy lên liên tục để thoát khỏi cái hố đáng ghét đó.
Bầy ếch ở trên la hét xuống cái hố: “Đừng nhảy nữa, vô ích thôi. Nhảy nữa các cậu sẽ chết đó. Hố sâu lắm, đừng nhảy nữa, vô ích thôi!”. Một chú ếch dưới hố nghe vậy nên nản lắm, không buồn nhảy nữa và nằm chờ chết. Chú ếch còn lại không nản chí, lấy hết sức bật nhảy qua khỏi miệng hố. Cuối cùng chú ếch thoát khỏi cái chết sau một cú nhảy ngoạn mục. Các bạn vây quanh hỏi: “Sao chú lại không từ bỏ?”. Chú ếch bị điếc liền vui vẻ nói: “Tớ thấy các bạn la hét cổ vũ cho mình: cố gắng lên, cố gắng lên, cậu sẽ nhảy ra khỏi cái hố mà. Vì vậy, tớ đã lấy hết sức mà nhảy đó”.
Vậy mới biết một lời động viên, khích lệ của người lớn dành cho con trẻ có thể thổi bùng ngọn lửa quyết tâm của chúng. Nhưng trên thực tế bạn trẻ nhận được bao nhiêu lời động viên, cổ vũ trong một ngày? Hay đổi lại là những lời chì chiết, ánh mắt coi thường, nghi ngờ khả năng của chúng từ người lớn.
Muốn tham gia câu lạc bộ khiêu vũ, Linh hăm hở phóng xe từ chỗ học về xin mẹ. Niềm vui của cô bé bị gạt sang một bên bởi một cái lắc đầu: “Không nhảy nhót gì hết. Lo học đi”. Tùng lại đau khổ hơn khi ba không cho cậu thi vào trường chuyên của tỉnh vì sợ cậu theo học không kịp với chúng bạn. Minh, nhà ở Sài Gòn, lặng lẽ cất bộ hồ sơ dự tuyển vào trường sư phạm vì ba nói: “Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm. Mày ở thành phố, bố mẹ kinh doanh thì phải học kinh tế chứ con!”.
Nhưng đối với Phương, khi đăng ký thi vào một ngành học còn khá mới mẻ nhưng phù hợp với mình, bạn cũng rất lo về ý kiến của bố mẹ. Vậy mà khi nghe cô bạn trình bày về nguyện vọng của mình, không những bố đồng ý, khuyến khích Phương mà còn làm đồng minh với cô bé khi mẹ quyết liệt ngăn cản. Cuối cùng, mẹ cũng phải chào thua hai bố con khi Phương nhận giấy báo trúng tuyển.
Nhiều khi người lớn chúng ta vô tình “bóp chết” niềm đam mê, hoài bão, những dự định mang tính bước ngoặt của con trẻ chỉ vì chữ “thương”, chữ “sợ”. Cha mẹ hãy định hướng cho trẻ chứ đừng cầm tay dẫn trẻ đi suốt đường đời. Hãy thay nỗi lo sợ, nghi ngại của bạn dành cho trẻ bằng những lời động viên, khuyến khích để những lựa chọn hợp lý đâm chồi vươn xa.
“Có người không dám bước vì sợ gãy chân, nhưng sợ gãy chân mà không dám bước đi thì khác nào là chân đã gãy” (Turgot). Hãy để những chú ếch con vượt qua cái hố sâu bằng đôi chân của chúng cùng lời cổ vũ: “Cố lên, con làm được mà!”.
Như thế đó, một lời động viên đúng lúc sẽ giúp con nỗ lực hết mình cho những đam mê.
PHẠM THỤC