Tôi cứ mãi miết đeo đuổi suy nghĩ, rồi tưởng tượng ra cảnh 100 năm trước, tại nơi nhà thờ Cồn Tròn này như thế nào, nhưng không thể, vì sao 100 năm Cồn Tròn vẫn nằm sâu heo hút một nơi mà xoay tròn mấy vòng vẫn chưa tìm được lối.
Tôi đi theo sự chỉ dẫn trên tấm thiệp mời, cộng theo lời dặn dò của ông bà “ Đường đi trên cửa miệng” ý là đi tới đâu không biết thì hỏi. Lần mò mãi cũng tới được bến tàu, chờ một lúc thấy có cái gì đó sai sai nên hỏi ra thì tàu đi Côn Đảo, được chỉ quanh co trở ra để tìm đến bến Cảng Tràn Đề. Ở hiền gặp may vừa hỏi tới Cồn Tròn có anh chàng tốt bụng hỏi ngay đi lễ 100 năm phải không để tui dẫn lên bến tàu Ngan Rô đi cho dễ, cách chừng 4 km, thì ra đúng là “ Phe Ta” hình như trong Jesus chúng ta là anh em, chỉ cần xưng danh Jesus là mọi sự được an bày. Thiên Thần Chúa đang trực sẵn nơi mọi cửa hẹp để dẫn lối đưa đường, đến bến phà thì có các thánh nhân đang trên đường về Thiên quốc, thế là đến được Cồn Tròn nguyên vẹn.
Khuôn viên rộng lớn thoáng đãng, khoe nét đẹp mái nhà cong vút, rất sang chảnh. Nhà Thờ Cồn Tròn nhấn mình sâu giữa vùng đất hoang sơ, lấp bởi bốn bề sông nước. Cả nhà thờ lặng người nghe đọc tiếu sử của Cồn Tròn, có một luồng cảm xúc đang trào ngược trong trái tim tôi, một chi tiết đã đụng chạm vào nơi sâu thẳm tâm hồn tôi là vào năm 1920 ông Nguyễn Văn Kiểng trước làm “thầy pháp”, sau được Cha Phan Thanh Đề ( Trà Lồng) hướng dẫn trở thành kitohuu … Từ một hạt giống đức tin mảnh mai, yếu ớt mà Thiên Chúa đã gieo vào một vùng đất lau sậy này để rồi trải qua 100 năm trầy trụa không bị hủy diệt cứ âm thầm thắm đẵm vào lòng đất ngủ yên chờ ngày bừng sức sống. Để sau 100 năm chúng ta lại có một nhà Thờ Cồn Tròn với bao nhiêu hoa trái sum xuê trong vườn hoa giáo hội
Tôi nhiều lần cúi đầu ngưỡng mộ các cha thừa sai truyền đạo, tại sao người có thể đi đến những nơi mà 100 năm sau khi có lối vào mà tôi vẫn luẩn quẩn lạc lối? Tại sao giữa rừng thiêng nước độc hạt mầm đức tin vẫn được nuôi dưỡng chờ ngày lớn xanh? Tin mừng Chúa không chứa đựng trong bình sành mà là được cấy vào tế bào giữa lồng ngực những con người rất bình thường để làm nên sức mạnh phi thường. Mỗi lần nghe tiểu sử của những họ đạo vùng sâu xa là mỗi lần trái tim tôi rung lên niềm xúc cảm như đang chạm phải luồng sức mạnh từ Chúa Thánh Linh đang chảy dọc ngang tim mình.
Trong bài chia sẻ tin mừng Cha Giuse đã nhiều lần nhấn mạnh một vị thánh to nên thánh từ những việc nhỏ, trong vùng đất nhỏ có nhà thờ to, trong những con người nhỏ bé khởi sự Chúa đã kéo dài lịch sử suốt trăm năm mặc dù gần 80 năm không danh phận nhưng sự hiện diện là hiển nhiên. Dọc theo chiều dài lịch sử họ đạo, người ta như bắt gặp những khuôn mặt hóa thạch rất đẹp THỜI CỰU ƯỚC và những gương mặt đang tỏa sáng THỜI TÂN ƯỚC để cho danh Đức Kito luôn rạng ngời.
Trên bàn thánh cột mốc 100 năm được mở ra cho mọi người nhìn lại và chiêm niệm một chặng đường dài gian khổ, nhìn lại những mục tử đã từng được sai đến để sống cùng, đồng hành với đoàn chiên. Trước giờ lễ người ta đã chứng kiến cuộc hội ngộ vỡ òa của 10 năm, 5 năm, 3 năm… tay bắt mặt mừng, mắt rưng rưng ngấn lệ. Tình người được trộn lẫn trong tình Yêu Kito nó vĩnh hằng trong trái tim người ra đi lẫn người ở lại.
Như lời Cha Quản hạt Sóc Trăng chia sẻ 100 năm là điểm son để chúng ta cùng nhìn lại những điều huyền nhiệm mà Thiên Chúa đã ban cho Cồn Tròn, nhìn lại để tạ ơn và sống xứng đáng hơn với ơn ban. Mong ước rằng Cồn Tròn sẽ ngày càng phát triển mạnh về đời sống Đức Tin và lan tỏa cho mọi người xung quanh.
Cồn Tròn đường đến đã khó đường về cũng không dễ, nhưng tin rằng thời gian và tấm lòng mục tử sẽ là sức mạnh giúp đoàn chiên miệt mài dấn thân trên bước đường đem tin mừng Chúa đến từng ngõ ngách lòng người.
Tieu Ho