Cử hành lời nguyện tín hữu sao cho đúng?

Trong ngôn ngữ thông thường “lời nguyện giáo dân” được sử dụng để chỉ phần cử hành mà Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Roma (năm 2000) gọi là: “lời nguyện chung (oratio universalis) còn gọi là lời nguyện tín hữu (oratio fidelium) (QCTQSLRM, 69). Một sự chuyển dịch sang “lời nguyện giáo dân” (oratio laici) như vậy đã gây không ít lầm lẫn, không những khiến gây hiểu lầm về ý nghĩa thần học về hy tế Thánh Thể mà còn dẫn đến việc việc cử hành sai lạc nguyên tắc phụng vụ.

1. Những lầm lẫn

Giáo dân, giáo sĩ?

Từ ngữ “lời nguyện giáo dân” dễ bị hiểu lầm rằng, bên cạnh những  lời cầu nguyện của linh mục dâng lễ (thuộc hàng giáo sĩ) đọc còn có lời cầu nguyện của giáo dân (thuộc hàng giáo dân) do một giáo dân đọc. Vì vậy, xuất hiện thắc mắc: “Lời nguyện giáo dân thuộc về hàng giáo dân nên phải chăng một phó tế (một giáo sĩ) không được đọc?”

Tư cách đại diện?

“Lời nguyện giáo dân” được đọc bởi một số người được đề cử nên cũng dễ bị hiểu rằng giáo dân này là những đại diện cho cộng đoàn giáo dân dâng lời cầu nguyện. Thật ra, một giáo dân có thể đại diện để dâng lời cầu nguyện trong cử hành Thánh Lễ hay không?

Lời cầu nguyện?

“Lời nguyện giáo dân” đôi khi được soạn thảo như những lời cầu nguyện với những từ ngữ như: “…Lạy Chúa…”; “…Xin cho chúng con…”; “…Chúng con xin cám tạ ơn Chúa”… Thật ra, theo luật phụng vụ, soạn thảo lời nguyện giáo dân trong Thánh Lễ có phải là soạn thảo những lời cầu nguyện không?

Cung giọng cầu nguyện?

Và do đó, có cần đọc lời nguyện giáo dân với cung giọng cầu nguyện không?
Câu trả lời cho các nghi vấn trên sẽ là “Không”, nghĩa là, lời nguyện tín hữu (lời nguyện giáo dân) không phải dành riêng cho bậc giáo dân, không phải là một lời cầu nguyện do một đại diện giáo dân đọc, vì vậy không thể hiện với cung giọng cầu nguyện.
Hiểu cho đúng, trong cử hành lời nguyện tín hữu, cả cộng đoàn dâng lời cầu nguyện (oratio) lên Chúa, hiệp theo những ý nguyện (intentio) mà một xướng viên đọc lên (có thể là một phó tế, một giáo dân, một ca viên, một độc viên…). Vai trò của xướng viên, vì vậy, là “đọc những ý nguyện”, chứ không phải là “cầu nguyện” như một người đại diện cho cộng đoàn.
Nếu một ai đó muốn cầu nguyện trong Thánh Lễ thì chỉ có thể đọc riêng tư âm thầm. Khi một người đọc to tiếng lời “cầu nguyện” thì có nghĩa là người đó đã đại diện cho cộng đoàn cầu nguyện.
Vì vậy, không được soạn thảo lời nguyện tín hữu với hình thức một lời cầu nguyện, như với những chữ  “…Lạy Chúa…”; “…Xin cho chúng con…”; “…Chúng con xin cám tạ ơn Chúa”…
Cung giọng phải xướng hợp với thể loại biểu đạt nên không dùng cung giọng cầu nguyện.

2. Những mẫu sai lầm
Trong thực tế, những cử hành lời nguyện tín hữu một cách sai lạc thường xảy ra trong số Thánh lễ đặt biệt như lễ kỷ niệm thành lập giáo xứ, lễ khai mạc khóa thần học, lễ mừng kim khánh khấn dòng, lễ Giám Mục ban phép Thêm Sức…  Lời nguyện tín hữu được soạn thảo do một số người, ngay cả  các sơ, các thầy… mà không hiểu rõ ý nghĩa thấu đáo.
Dưới đây là một số ví dụ cụ thể đã thực tế xảy ra:

– Trong dịp lễ kỷ niệm thành lập Giáo xứ kia, lời nguyện tính hữu được đọc:
Năm mươi năm qua Giáo xứ chúng con tiến triển tốt đẹp trong ân sủng Chúa. Lạy Chúa, chúng con xin tạ ơn Chúa vì những ơn lành Chúa đã ban cho chúng con…“.
– Trong một lễ lớn của một Đại Chủng viện, các thầy đọc: “… Lạy Chúa, chúng con xin tạ ơn Chúa…”
– Trong một lễ khai giảng khóa thần học liên tu sĩ, năm nữ tu với năm màu áo,  được phân chia soạn thảo lời nguyện giáo dân. Các nữ tu cứ nghĩ là mình có bổn phận đại diện cho cộng đoàn để dâng lời cầu nguyện, nên đọc lên những lời như sau: “… Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã hy sinh…, xin ban cho chúng con…”. Thậm chí có người đọc: “… Lạy Mẹ Maria …”
-Trong một số lễ của giáo xứ, cũng thấy có những lời nguyện tín hữu như sau :
Thế giới ngày nay đang có chiến tranh hận thù. Xin Chúa cho chúng con được biết xây dựng hòa bình“.

Những dòng chữ in đậm như trên: “Lạy Chúa; Lạy Chúa Giêsu; Xin ban cho chúng con; Xin Chúa cho chúng con…” diễn tả một lời cầu nguyện trực tiếp lên tới Chúa hay Đức Mẹ, cần phải chỉnh sửa lại.

3. Những phân biệt
a- Lời nguyện chung, lời nguyện tín hữu, lời nguyện giáo dân
Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Roma gọi: “lời nguyện chung” (oratio universalis) hay “lời nguyện tín hữu”(oratio fidelium), với chỉ dẫn như sau:

Trong lời nguyện chung, cũng gọi là lời nguyện tín hữu, một cách nào đó cộng đoàn đáp lại lời Chúa mà họ vừa đón nhận trong đức tin và thực thi chức vụ linh mục nhận được qua bí tích Thanh Tẩy mà dâng lên Thiên Chúa những lời nguyện cầu xin ơn cứu độ cho mọi người. Thường nên đọc lời nguyện này trong các Thánh lễ có giáo dân tham dự để cầu cho Hội Thánh, cho các nhà cầm quyền, cho những người đang gặp các khó khăn khác nhau, cho hết mọi người và cho toàn thể thế giới được ơn cứu độ (QCTQSLRM, 69).

Quy Chế Sách Lễ dùng từ ngữ “lời nguyện chung, cũng gọi là lời nguyện tín hữu” của “cộng đoàn”, để chỉ lời cầu nguyện chung của cộng đoàn và cho tất cả mọi người.
Giáo Luật phân biệt các tín hữu hay Kitô hữu thành hàng giáo sĩ (clericus), là những thừa tác viên có chức thánh, và hàng giáo dân (laicus), (x.đ.207). Từ ngữ “lời nguyện tín hữu” (oratio fidelium) diễn tả lời nguyện của tất cả các thành viên Hội Thánh, gồm cả giáo sĩ và giáo dân, không chỉ riêng cho hàng giáo dân hiểu như là tách biệt khỏi hàng giáo sĩ.
Lời nguyện tín hữu, vì vậy, rất sai lầm khi nghĩ đó là lời nguyện của một giáo dân. Hoặc tưởng rằng, ở phần lời nguyện tín hữu, một số giáo dân đại diện cộng đoàn dâng lời cầu nguyện.

b- Cầu nguyện với tư cách đại diện
Trong Thánh Lễ một giáo dân có thể đại diện cộng đoàn để đọc lời cầu nguyện được không? Câu trả lời chắc chắn là không. Hiến chế Phụng Vụ Thánh của Công Đồng Vatican II đề cao vai trò của linh mục trong cho việc cử hành phụng vụ: “Linh mục hiện thân Chúa Kitô, chủ tọa cộng đoàn, đọc những lời kinh trực tiếp dâng lên Thiên Chúa nhân danh toàn thể dân thánh và mọi người tham dự” (SC. 33).
Vai trò của vị linh mục tư tế được xác định như hiện thân của Chúa Kitô trong phụng vụ vì chính ý nghĩa của phụng vụ:

Phụng Vụ đáng được xem là việc thực thi chức vụ tư tế của chính Chúa Giêsu Kitô, trong đó công cuộc thánh hóa con người được biểu tượng nhờ những dấu chỉ khả giác và được thể hiện hữu hiệu cách khác nhau theo từng dấu chỉ, và trong đó việc phụng tự công vẹn toàn cũng được thực thi nhờ Nhiệm Thể Chúa Kitô, nghĩa là gồm cả Ðầu cùng các chi thể của Người(SC,7).

Phụng vụ, vì thế, không được hiểu đơn thuần như hành vi phụng tự thuần túy của loài người hướng lên Thiên Chúa, như thấy trong Do Thái giáo hay các tôn giáo khác. Điểm khác biệt chính yếu của Phụng vụ là “thi hành chức vụ tư tế của Chúa Giêsu”. Rõ nét nhất là trong Thánh lễ, chính Chúa Giêsu nhờ tay linh mục dâng lên Thiên Chúa hy lễ của Ngài.
Quy Chế TQSLRM còn xác nhận: “Trong Thánh lễ, tức là bữa tối của Chúa, dân Thiên Chúa được qui tụ nên một, có linh mục chủ tọa với tư thế của Chúa Kitô, để cử hành nghi thức tưởng niệm Người, tức là hy lễ Thánh Thể (QCTQSLRM, 27).
Hiến Chế Phụng Vụ Thánh quy định phải tôn trọng những phần dành riêng:

Là thừa tác viên hay là tín hữu, trong các việc cử hành phụng vụ, mỗi người khi chu toàn phận vụ, chỉ thi hành trọn những gì thuộc lãnh vực mình tùy theo bản chất sự việc và những qui tắc phụng vụ (SC, 28).

Quy tắc dành riêng về phận vụ này được Giáo Luật điều 907 quy định rõ đối với Thánh Lễ:

Trong cử hành Thánh Thể, các phó tế và giáo dân không được phép đọc các lời nguyện (oratio), nhất là kinh nguyện Thánh Thể, hoặc làm các hành vi riêng của tư tế dâng lễ (SC, 28).

Giáo Luật, theo quy tắc của Hiến Chế Phụng Vụ số 28 nêu trên, hạn định việc đọc các lời nguyện, không cho phép các phó tế và giáo dân đọc. Vì vậy, xướng viên đọc lời nguyện tín hữu không được phép đọc những lời cầu nguyện (oratio). Theo  Quy Chế TQSLRM số 69-70  thì họ đọc các ý nguyện (intentio).
Điều 907 nói rõ: “các phó tế và giáo dân không được phép đọc các lời nguyện (oratio)”. Hạn định này là hạn định về bản chất của lời đọc, tức là không được đọc những lời cầu nguyện. Luật cấm các phó tế và giáo dân, trong Thánh lễ, đọc lời cầu nguyện. Không được giải thích luật này chỉ cấm đọc những lời cầu nguyện dành riêng cho linh mục dâng lễ.
Giáo Luật điều 907 cũng cấm các phó tế và giáo dân cũng không được làm một số hành vi hay cử điệu dành riêng cho tư tế dâng lễ. Điều này có nghĩa là họ chỉ bị cấm làm những hành vi hay cử điệu mà dành riêng cho linh mục dâng lễ.
Theo những chỉ dẫn trên, trong Thánh lễ, chỉ có linh mục dâng lễ mới đủ tư cách đại diện đọc những lời cầu nguyện lớn tiếng. Các phó tế hay giáo dân không được đặt thêm các lời cầu nguyện và đọc lớn tiếng. Tất nhiên, các tín hữu tham dự Thánh Lễ vẫn có thể cầu nguyện riêng tư, âm thầm.

c- Xướng viên lời nguyện tín hữu đọc những ý nguyện (intentio)
Trong Thánh lễ, các tín hữu với tư cách tư tế cộng đồng được tham dự vào hiến lễ của Chúa Giêsu. Họ cần tham dự tích cực qua những phần được dành riêng, thuộc về “về toàn thể cộng đoàn được quy tụ, đó là hành động thống hối, việc tuyên xưng đức tin, lời nguyện chung và kinh Lạy Cha” (QCTQSLRM, 36).
“Lời nguyện chung” hay “lời nguyện tín hữu”, như Quy Chế số 36 nói trên xác định, thuộc về toàn thể Cộng đoàn, như cộng đoàn cùng nhau đọc kinh Lạy Cha… Lời nguyện này phải được dâng lên hay đọc lên bởi toàn thể cộng đoàn được quy tụ chứ không phải của một người hay một xướng viên.
Điều mà một người đọc trong phần cử hành lời nguyện chung hay lời nguyện tín hữu này là đọc những “ý nguyện” để cộng đoàn hiệp ý cầu nguyện chứ không là đọc những lời “cầu nguyện”.
Quy Chế TQSLRM số 70 chỉ dẫn về phần này như sau:

Những ý nguyện (intentio) thường theo thứ tự này là:
  1. Cho các nhu cầu của Hội Thánh;
  2. Cho các nhà cầm quyền và cho toàn thế giới được ơn cứu độ;
  3. Cho các người đang gặp bất cứ khó khăn nào;
  4. Cho cộng đoàn địa phương.Nhưng trong một buổi cử hành đặc biệt nào đó, như là Thêm sức, Hôn phối, An táng, thì thứ tự các ý nguyện có thể ưu tiên cho trường hợp đặc biệt đó.

Trong đoạn hướng dẫn tiếp theo sau đó, ở số 71, Quy Chế cũng thường dùng từ ngữ “ý nguyện” (intentio) chứ không phải là “lời cầu nguyện” hay “lời nguyện” (oratio):

Thường thì các ý nguyện được đọc từ giảng đài hoặc một nơi khác thích hợp, do phó tế, hoặc do một ca viên, hoặc một độc viên, hoặc một tín hữu giáo dân.
Còn cộng đoàn thì đứng và biểu lộ lời nguyện của mình, hoặc bằng lời kêu cầu chung sau mỗi ý nguyện được xướng lên, hoặc bằng cách cầu nguyện trong thinh lặng.

Việc đọc các ý nguyện, như Quy Chế nói, là “do phó tế, hoặc do một ca viên, hoặc một độc viên, hoặc một tín hữu giáo dân“. Quy Chế dùng chữ “một” là có ý nói đến một người đọc chứ không phải nhiều người đọc.
Tuy nhiên, Quy Chế TQSLRM không cấm việc nhiều người đọc. Có thể chấp nhận nhiều người đọc với lý do mỗi người gợi một ý cầu nguyện khác nhau cho những đối tượng khác nhau. Tuy nhiên việc đọc bởi bốn hay năm người, thường gây hiểu lầm họ là những đại diện dâng lời cầu nguyện. Do đó nên tránh.

d- Tránh diễn đạt như lời cầu nguyện
Vai trò của xướng viên là đọc những “ý nguyện” để cộng đoàn hiệp ý cùng cầu nguyện chung, chứ không phải là những lời “cầu nguyện”. Xướng viên nên biểu lộ sự kêu mời cộng đoàn hiệp ý cầu nguyện. Hình thức câu văn nên như sau:

“… Chúng ta hãy hiệp ý cầu xin Chúa cho…”
“… Chúng ta hiệp ý cầu xin Chúa….”
“…Chúng ta cùng hiệp ý cầu xin.”

Những hình thức câu văn trên biểu lộ lời của xướng viên nói với cộng đoàn, để nêu lên ý tưởng và kêu mời họ hiệp ý chứ không phải là nói với Chúa. Tránh những từ ngữ biểu lộ sự nói hay cầu nguyện trực tiếp với Chúa như: “…Lạy Chúa…”; “…Xin cho chúng con…”; “…Chúng con xin cám tạ ơn Chúa”… Những từ ngữ này dành riêng cho tư tế dâng lễ.
Chú ý là khi xướng viên dùng chữ “chúng con” trong câu văn thì có nghĩa là  người đó đang nói với Chúa. Vì vậy, trong ý nguyện mà xướng viên đọc, không được dùng chữ “chúng con”; nếu có cần đổi sang chữ “chúng ta”.

e- Xướng viên được phép mời gọi hiệp ý cầu nguyện
Một số ý kiến cho rằng, trong Thánh Lễ, việc kêu mời cộng đoàn cầu nguyện chỉ dành cho linh mục chủ tế; xướng viên là một giáo dân không có đủ tư cách kêu mời cộng đoàn cầu nguyện, với lời lẽ  như: ” … Chúng ta hãy cầu nguyện…”.
Thật ra, cần nhận ra sự khác biệt giữa hai sự kêu mời, của linh mục chủ tế và của xướng viên. Linh mục chủ tế Thánh Lễ, với tư cách là Chúa Kitô dâng hiến lễ, Ngài cầu xin lên Thiên Chúa và kêu mời giáo dân hiệp ý cầu nguyện với Ngài. Giáo dân lúc đó hiệp ý với lời cầu nguyện của Linh mục chủ tế. Trong khi đó, xướng viên của lời nguyện tín hữu kêu mời cộng đoàn hiệp ý cầu nguyện theo một “ý nguyện” được xướng lên. Sau đó cộng đoàn, với tư cách Tư Tế Cộng Đồng, cùng chung nhau cầu nguyện trực tiếp với Chúa.
Vì tính chất của hai sự mời gọi (của chủ tế, của xướng viên) có khác nhau như vậy, việc kêu mời của xướng viên không có gì trái phép. Tuy nhiên, trong thực hành, xướng viên nên tránh dùng những kiểu mời gọi giống như linh mục dâng lễ, như: “Chúng ta dâng lời cầu nguyện…” hoặc “Anh chị em hãy cầu nguyện…”.
Xướng viên nên dùng kiểu mời gọi nhẹ nhàng hơn, nhấn mạnh đến sự hiệp ý chung với nhau: “…Chúng ta cùng hiệp ý cầu nguyện…” hoặc “…Chúng ta hãy cùng hiệp ý cầu nguyện…”.

g- Dùng cung giọng đọc
Xướng viên lời nguyện tín hữu đọc các ý nguyện với cung giọng đọc chứ không phải cung giọng cầu nguyện, ngân nga như chủ tế cầu nguyện.
Điều này cần phải thực hiện cho đúng, vì bản tính dấu chỉ khả giác của Phụng Vụ (x. QCTQSLRM, 20) đòi phải thể hiện ra bên ngoài những dấu hiệu, cử điệu, cung giọng, lời nói cho phù hợp với bản chất của hành vi. Quy Chế TQSLRM số 38 hướng dẫn:

Đối với những văn bản phải đọc rõ ràng và lớn tiếng, cho dù là do linh mục, phó tế, thầy đọc sách, hay tất cả mọi người, thì phải liệu sao cho giọng đọc phù hợp với từng loại bản văn, tùy theo đó là bài đọc, lời nguyện, lời nhắn nhủ, lời tung hô, hay bài hát.

Xướng viên khi đọc với cung giọng kéo dài giống cầu nguyện sẽ gây tưởng lầm là xướng viên dâng lời cầu nguyện, nhất là khi ý nguyện được soạn thảo mà không có những lời lẽ biểu lộ sự mời gọi cộng đoàn.

h- Một số mẫu thức

Hai mẫu khác nhau:

Trong các sách soạn sẵn lời nguyện tín hữu hiện nay, có hai mẫu:
(1)- Mẫu có lời mời gọi hiệp ý cầu nguyện (Vd. Chúng ta hãy cầu xin cho…), thì không nên thêm lời mời gọi ở cuối câu nữa, ví dụ:

Xướng:  Chúa phán: “Các con không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của”. Chúng ta hãy cầu xin cho mọi thành phần Hội Thánh, luôn trung thành thờ phượng và kính mến Thiên Chúa hết lòng, hết sức và trên hết mọi sự.

(Không xướng thêm: Chúng ta cùng cầu xin Chúa. Không nên mời gọi hai lần với cùng một ý nguyện!)

Cầu nguyện chung: Xin Chúa nhậm lời chúng con.

(2) – Mẫu không có lời mời gọi thì nên thêm lời mời gọi ở cuối để dẫn vào lời cầu nguyện chung, ví dụ (x. Sách LNTH Gp Phú Cường):

Xướng:  Con người càng tiến bộ càng lầm lạc tội lỗi. Xin Chúa Thánh Thần thương giúp mọi người ý thức thân phận hèn mọn tội lỗi của mình, mà thành tâm sám hối ăn năn.

Nên xướng thêm: Chúng ta cùng cầu xin Chúa.

Cầu nguyện chung: Xin Chúa nhậm lời chúng con.

Ưu khuyết điểm của hai mẫu:
– Mẫu đã có sẵn lời mời gọi ở đầu câu: Khuyết điểm là có sự khó khăn khi xướng viên dẫn vào câu cầu nguyện chung, nhất là khi đó là câu hát. Nó đòi hỏi xướng viên phải có khả năng đổi cung giọng để dẫn vào câu hát của cộng đoàn. Nếu không có khả năng dẫn thì dùng tiếng đàn để dẫn vào.
Ưu điểm của mẫu này là ít khi bị hiểu lầm là lời cầu nguyện của xướng viên.
– Mẫu không có sẵn lời mời gọi có khuyết điểm là dễ bị diễn tả thành lời cầu nguyện do xướng viên quen đọc cung giọng cầu nguyện. Tuy nhiên, khi xướng thêm lời mời gọi ở cuối thì có ưu điểm là xướng viên có thể hát hoặc kéo dài cung giọng để dẫn vào, ví dụ: “Chúng ta cùng cầu xin Chúa”. Cộng đoàn sẽ đáp ứng vào cách dễ dàng “Xin Chúa nhậm lời chúng con”, cũng với cung giọng hát hay đọc như của xướng viên.

Thay đổi lời cầu nguyện chung:
(1)- Theo chỉ dẫn của Quy Chế TQSLRM số 71 thì cộng đoàn sau mỗi ý nguyện được xướng lên có thể cầu nguyện trong thinh lặng, không đọc chung câu cầu nguyện.
(2) – Câu cầu nguyện chung của cộng đoàn thường dùng là: “Xin Chúa nhậm lời chúng con”. Tuy nhiên lời nguyện ngắn gọn này cũng có thể thay đổi sao cho phù hợp với phần Lời Chúa hoặc phù hợp với ngày lễ ví dụ:

 Xin Chúa nghe lời chúng con cầu xin!
– Xin Chúa chúc lành cho thế giới! (Lễ Giáng Sinh)
– Thiên Chúa của tình yêu, xin nghe lời chúng con! (Lễ Thánh Gia thất)
– Xin soi sáng bước chân chúng con! (Lễ Hiển Linh)

 Kết luận:
Cử hành Thánh Lễ cũng chính là cử hành Hy Tế của Chúa Kitô, và “Chỉ có tư tế đã được truyền chức thành sự là thừa tác viên có thể cử hành bí tích Thánh Thể với tư cách là chính Đức Kitô” (đ.900#1). Với tư cách là chính Chúa Kitô, vị chủ tế dâng lời nguyện lên Thiên Chúa Cha. Trong Thánh lễ, các phó tế, một giáo dân không được phép dâng lời cầu nguyện một cách công khai như một đại diện cho cộng đoàn (x.đ.907). Tín hữu chỉ tham dự cách sinh động hữu hiệu bằng những lời nguyện chung với nhau, với tư cách tư tế cộng đồng. Vì vậy những linh mục có trách nhiệm soạn thảo hoặc có bổn phận xem xét lại những lời nguyện tín hữu hay lời nguyện chung do các tín hữu soạn thảo, cần lưu ý:

– Lời nguyện tín hữu, phải được soạn thảo với hình thức nêu những ý nguyện (intentio, intention) chứ không phải với những lời cầu nguyện (oratio, prayer).
– Xướng viên lời nguyện tín hữu đọc từ giảng đài hoặc một nơi khác thích hợp, là một phó tế, hoặc một ca viên, hoặc một độc viên, hoặc một tín hữu giáo dân (x. QCTQSLRM, 71).  Một hay hai xướng viên cũng đủ không nên dùng bốn năm người, khiến gây hiểu lầm họ là những đại diện dâng lời cầu nguyện.
– Xướng viên nên dùng cung giọng đọc, không nên dùng cung giọng cầu nguyện như chủ tế. Nếu thấy cần thiết, chỉ nên ngân nga một chút ở cuối câu hoặc dùng tiếng đàn để dẫn vào câu hát đáp chung của cộng đoàn.

Lm. JB. Lê Ngọc Dũng

=================================

Giải đáp những nghi vấn

1- Có thể xem phần lời nguyện chung như là phần tách biệt khỏi Thánh Lễ không, nếu tách biệt thì nó không bị điều luật 907 chi phối?

– Quy Chế TQSLRM kể lời nguyện chung là một phần trong Thánh Lễ, được định là phần thuộc về cộng đoàn được quy tụ, cũng tương tự như việc tuyên xưng đức tin, kinh Lạy Cha: “đó là hành động thống hối, việc tuyên xưng đức tin, lời nguyện chung và kinh Lạy Cha” (QCTQSLRM, 36). Vì vậy, nó không tách biệt khỏi Thánh Lễ và bị chi phối bởi điều 907.

2- Điều 907 quy định: “Trong khi cử hành bí tích Thánh Thể….” Vậy nó chỉ cấm phó tế, giáo dân… đọc lời nguyện cho phần cử hành phụng vụ Thánh Thể. Còn lời nguyện tín hữu thuộc về phần Phụng Vụ Lời Chúa, vậy nếu nói ở phần này cũng bị cấm đọc lời nguyện thì đã giải thích sai lạc?

a- Trong vấn đề này, chúng ta dễ bị hiểu lầm về ngôn từ. Giáo luật đã dùng chữ: “Trong khi cử hành bí tích Thánh Thể….”được dịch từ:

– In celebratione eucharistica (Latin)
– Nella celebrazione eucaristica (Ý)
– In the eucharistic celebration (Anh)
– Có nghĩa là “trong cử hành thánh thể”.Bản Việt ngữ lại dịch thêm chữ bí tích và chữ thánh thể viết hoa: Trong khi cử hành bí tích Thánh Thể
Bản dịch khiến dễ bị hiểu lầm là: Trong khi cử hành phần phụng vụ Thánh Thể. Thật ra Giáo Luật thường dùng chữ celebrazione eucaristica = cử hành thánh thể để chỉ việc cử hành Thánh lễ.
Ví dụ, ngay từ “tựa đề” của cả một chương quy định về Thánh Lễ, Bộ Giáo Luật dùng chữ: La celebrazione eucaristica. Ngay cả trong “đề mục” nói về giáo dân tham dự Thánh Lễ: Partecipazione alla santissima Eucaristia
Trong điều khoản cụ thể, cũng thấy ngay rằng tiếp theo điều 907, điều 908 cấm không cho các tư tế Công Giáo đồng tế – “concelebrare l’Eucarestia” – với các tư tế hay thừa tác viên khác như Anh Giáo, Tin Lành.
Đối với điều 908 vừa nói, không thể nào giải thích Giáo Luật chỉ cấm đồng tế – “concelebrare l’Eucarestia” – ở phần phụng vụ Thánh Thể, chứ không cấm cùng cử hành phụng vụ Lời Chúa. Nó phải được giải thích là cấm cho toàn bộ Thánh Lễ. Vậy phải kết luận:
In celebratione eucharistica” phải được hiểu là trong cử hànnh Thánh Lễ, chứ không được hiểu là chỉ trong phần phụng vụ Thánh Thể.Bản dịch Việt ngữ điều 907 của nhóm Đức Ông Phương, Phan Tấn Thành…, về điểm này thì khá rõ: “Trong khi cử hành Thánh Lễ, Phó tế và giáo dân không được phép…” (đ. 907).

b- Ngoài ra, vấn đề cũng được giải đáp, do chính giáo thuyết cơ cấu thống nhất của Thánh Lễ.
– Quy Chế TQSLRM số 28 nhắc lại Hiến Chế PV số 56: “Có thể nói Thánh lễ gồm hai phần: phụng vụ lời Chúa và phụng vụ Thánh Thể; cả hai phần liên kết chặt chẽ với nhau đến nỗi làm nên một hành động phụng tự duy nhất”. 
Điều luật 907 quy định một điều cấm cho toàn bộ Thánh Lễ chứ không quy định riêng cho phần Phụng Vụ Thánh Thể hay cho phần Phụng Vụ Lời Chúa:
  Giáo Luật, không cho phép giáo dân giảng lễ: “Trong các hình thức giảng, bài giảng lễ giữ một vị trí trổi vượt là một phần của chính phụng vụ và được dành riêng cho tư tế hoặc phó tế” (đ. 767#1). Lý do được đưa ra là vì bài giảng (homily) cũng là một phần của “chính phụng vụ”, và dĩ nhiên đây là Phụng vụ Thánh Lễ.
Người chủ trương cho giáo dân giảng lễ, cho rẳng phần phụng vụ Lời Chúa tách biệt ra khỏi việc cử hành Thánh Thể (celebrazione eucaristica) hay Thánh Lễ.  Đã có những tranh luận về vấn đề này rất nhiều và có đặt vấn đề là Giám Mục có thể miễn chuẩn cho giaó dân giảng lễ không? Ủy Ban Giải Thích Chính Thức Văn Bản Bộ Luật, năm 1987 đã trả lời phủ định (Negative). Lý do được biết là Giám Mục chỉ có thể chuẩn những luật về kỷ luật, chứ không được chuẩn luật về cơ cấu (x. BEAL J.P. et alii, New Commentary on the Code of Canon Law, Paulist Press, New York 2000, 929-930). Điều này cũng cho thấy Phụng vụ Lời Chúa được Tòa Thánh xác nhận nằm trong cơ cấu của cử hành Thánh Thể.
Giáo luật chỉ cấm giáo dân giảng lễ trong cử hành Thánh Lễ, không cấm trong các cử hành phụng vụ Lời Chúa khác. Điều này cũng cho thấy phần cử hành Lời Chúa trong Thánh lễ không thuần túy là vấn đề nghe Lời Chúa nhưng còn mang tính chất tế lễ, phụng tự của chính Đức Kitô, như Quy chế TQSLRM nói: “cả hai phần liên kết chặt chẽ với nhau đến nỗi làm nên một hành độngphụng tự duy nhất”. (Chú ý chữ phụng tự).
Theo nguyên tắc chính vị linh mục chủ tế phải giảng lễ, các linh mục hay phó tế khác được phép giảng lễ chỉ là một luật trừ (GIRM, 42), hoặc giaó dân giảng trong lễ trẻ em cũng chỉ là sự cho phép miễn trừ (DMC, 24).

Tại sao phần phụng vụ Lời Chúa không chỉ là vấn đề giaó dân nghe hay được nuôi dưỡng bởi Lời Chúa nhưng còn có tính phụng thờ của chính vị tư tế, với tư cách Đức Kitô, để rồi vị giảng lễ phải là chủ tế, không cho phép giáo dân giảng lễ?
Để hiểu, chúng ta đừng hạn hẹp hy tế của Chúa Giêsu chỉ vào buổi tiệc ly và cuộc khổ nạn của Ngài. Hy lễ Đức Giêsu dâng lên Thiên Chúa Cha là cả bản thân, cả cuộc đời của Ngài, trong đó có cả việc vâng phục thánh ý Chúa Cha trong sứ vụ rao giảng, công bố Lời Chúa, và đỉnh cao là trong hy tế Thập Giá: “Ngài đã vâng phục, vâng phục cho đến chết và chết trên Thập Giá” (Pl 2,8). Phần lời nguyện tín hữu trong phần Phụng vụ Lời Chúa vẫn mang tính cách của phụng thờ, của hy tế thánh thể, eucaristica.

3. Sao không thể hiểu điều 907 là chỉ cấm phó tế và giáo dân đọc lời cầu nguyện dành riêng của vị tư tế dâng lễ, không cấm đọc các lời nguyện khác ?

– Cần tìm hiểu văn bản gốc Latin và để dễ hiểu nên tham khảo thêm bản tiếng Ý, Pháp và Anh ngữ (trích trên website chính thức của Tòa Thánh, Va.):

Can. 907 – In celebratione eucharistica diaconis et laicis non licet orationes, speciatim precem eucharisticam, proferre vel actionibus fungi, quae sacerdotis celebrantis sunt propriae.
Can. 907 – Nella celebrazione eucaristica ai diaconi e ai laici non è consentito proferire le orazioni, in particolare la preghiera eucaristica, o eseguire le azioni che sono proprie del sacerdote celebrante.
Can. 907 – Dans la célébration eucharistique, il n’est permis ni aux diacres ni aux laïcs de réciter les prières, surtout la prière eucharistique, ou de remplir les actes propres au prêtre célébrant.
Can.  907 – In the eucharistic celebration deacons and lay persons are not permitted to offer prayers, especially the eucharistic prayer, or to perform actions which are proper to the celebrating priest.
Hãy xem xét bản tiếng Anh cho dễ hiểu. Mệnh đề phụ “which are proper to the celebrating priest” hạn định ý nghĩa của chữ “actions” do bởi đại từ liên hệ which (relative pronoun). Theo văn phạm Anh văn, chữ which này là đại từ liên hệ đối với chữactions (những hành vi) đi liền trước nó, chứ không cho cả prayers (những lời cầu nguyện).
Bản tiếng Pháp lại càng rõ hơn: Chữ les actes gắn với propres au prêtre celebrant. Chữ les prières hay chữ la prière eucharistique không gắn với propres au prêtre celebrant.
Vì vậy điều 907 nói đến “lời nguyện” theo nghĩa của từ ngữ hay về bản chất, chứ không nói đến nó thuộc loại nào,  nghĩa là, thuộc riêng linh mục tế lễ hay là của ai. Đối với những hành vi trong Thánh Lễ, lệnh cấm mới hạn hẹp trong những hành vi thuộc riêng về linh mục tế lễ, như trong kinh nguyện Thánh Thể, linh mục: cầm lấy bánh nâng lên khỏi bàn thờ, cầm chén thánh… Luật không cấm những hành vi không dành riêng như: làm dấu thánh giá, bái lạy, chúc bình an…4. Nói giáo dân không được phép đọc lời cầu nguyện trong Thánh Lễ, tại sao vẫn thấy họ đọc kinh Thương xót, kinh Lạy Cha…?

– Họ được đọc những lời cầu nguyện ở phần dành riêng, nhưng không thuộc riêng cá nhân, mà thuộc về “về toàn thể cộng đoàn được quy tụ, đó là hành động thống hối, việc tuyên xưng đức tin, lời nguyện chung và kinh Lạy Cha” (QCTQSLRM, 36). Khi đó họ thực hiện theo tư cách tư tế cộng đồng và tham dự. Họ không thể thực hiện theo tư cách tư tế thừa tác như linh mục dâng lễ, thay mặt cho Chúa Kitô, cầu nguyện với Thiên Chúa Cha. Nếu có một giáo dân dâng lời cầu nguyện lớn tiếng thì có nghĩa là người này đang đại diện cộng đoàn để dâng lời cầu nguyện. Và như vậy, người này đang đóng vai một tư tế đại diện cho dân. Việc này chỉ dành cho linh mục tư tế, mà ngay cả phó tế cũng không được làm.
Quy Chế chỉ dẫn cách thức cầu nguyện chung trong cử hành lời nguyện tín hữu như sau: “cộng đoàn thì đứng và biểu lộ lời nguyện của mình, hoặc bằng lời kêu cầu chung sau mỗi ý nguyện được xướng lên, hoặc bằng cách cầu nguyện trong thinh lặng” (QCTQSLRM, 71).

5. Mệnh đề nhất là kinh nguyện Thánh Thể” trong điều 907 cũng hàm ý là các lời nguyện khác thì có thể được giáo dân hay phó tế đọc một cách nào đó?

Cần nghĩ đến trường hợp đặc biệt là một linh mục già yếu, bệnh tật hay mù lòa… dâng lễ. Ngài đọc hay làm các cử chỉ rất khó khăn, hay không thể đọc, nên nhờ một phó tế, một đại chủng sinh, hay một nam tu sĩ giúp. Nếu áp dụng chặc chẻ điều 907 thì những người giúp này cũng không thay linh mục dâng lễ để đọc lời nguyện nào cả. Tuy nhiên, nếu nới lỏng lệnh cấm vì sự bất khả thể lý của linh mục dâng lễ thì người giúp có thể đọc giúp để ngài nghe mà cầu nguyện hoặc ngài lập lại. Tuy nhiên vẫn không bao giờ được phép đọc Kinh Nguyện Thánh Thể thay cho linh mục dâng lễ. Các linh mục trong các trường hợp này buộc phải học thuộc lòng Kinh Nguyện Thánh Thể.

Điều 907 cũng có ý cấm cộng đoàn đọc theo các lời nguyện dành riêng cho chủ tế, gọi là kinh nguyện “chủ tọa”, nhất là Kinh nguyện Thánh Thể. Quy Chế TQSLRM số 32 quy định:

Bản chất các kinh nguyện “chủ tọa” buộc linh mục phải đọc rõ ràng, lớn tiếng, và buộc mọi người phải chăm chú lắng nghe. Vì thế, khi linh mục đọc các kinh này, không ai được đọc hay hát kinh nào khác, cũng không được đánh đàn hay chơi nhạc cụ nào khác.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *