1. Cuộc hiện ra của vị thánh bảo trợ cho những ai mất của cải được Giáo Hội chính thức công nhận
Người Công Giáo có thể biết Thánh Antôn thành Padua như một giáo sĩ dòng Phanxicô, một Tiến sĩ Hội Thánh, và là vị thánh bảo trợ cho việc tìm kiếm những món đồ thất lạc – nhưng chỉ có một người từng nhìn thấy Thánh Antôn hiện ra, trong một biến cố được Giáo Hội chính thức công nhận.
Năm 1664, người thợ dệt Szymon – đến từ ngôi làng Radecznica nhỏ bé của Ba Lan – gặp Thánh Antôn trong một lần hiện ra. Trong số những điều khác, vị thánh yêu cầu xây dựng một ngôi đền gần đó. Hơn ba thế kỷ sau, ngôi đền kỳ diệu đó vẫn tồn tại, và vào ngày lễ Thánh Antôn – ngày 13 tháng 6 – những người hành hương cử hành một cuộc rước Thánh Thể.
Mặc dù sinh ra ở Lisbon, Bồ Đào Nha vào năm 1195, Thánh Antôn đã chuyển đến Padua, Ý, sau khi gia nhập dòng Phanxicô. Tuy nhiên, cuộc hiện ra của ngài đã xảy ra ở một nước thứ ba, là Ba Lan. Cha Teofil Czarniak, bề trên tỉnh Dòng Anh Em Nhỏ, đã gọi cuộc hiện ra của vị thánh là một “sự kiện đặc biệt”.
Szymon “đã có thị kiến về Thánh Antôn và Thánh Antôn đã cho anh ta một số thông điệp,” Cha Czarniak nói với EWTN News Nightly vào ngày 11 tháng 6. “Một trong số đó là yêu cầu xây dựng một ngôi đền trên một ngọn đồi gần đó.”
Ngài nói thêm, “một trong những lời hứa của Thánh Antôn là bất cứ ai đến nơi này – tức là nơi ngài đã xuất hiện gần nguồn nước – rửa sạch vết thương của mình hoặc uống nước này với đức tin sẽ được ban cho các ân sủng”.
Tin tức về viễn cảnh này lan truyền khắp Ba Lan và ngay sau đó các nhà xây dựng đã xây dựng Đền thờ Thánh Antôn bên cạnh hồ nước gần đó.
Ngôi đền sau đó đã thu hút sự chú ý của Vatican. Vào năm 2015, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nâng ngôi thánh đường lên hàng tiểu vương cung thánh đường.
“Đó là lần hiện ra đầu tiên được xác nhận của Thánh Antôn trên thế giới,” Cha Teofil Czarniak nói. Cha cho biết thêm: “Ngày nay, bạn có thể nhìn thấy ngôi đền tuyệt đẹp” được trang trí bởi một bức ảnh của Thánh Antôn. Ngôi đền được trang trí bằng các tác phẩm nghệ thuật tôn giáo đầy màu sắc và được dát vàng.
Khi những người hành hương đến thăm ngôi nhà thờ xinh đẹp này, họ nhận được những ân sủng “nhờ sự chuyển cầu của Thánh Antôn”. Họ tụ tập cách đặc biệt vào ngày lễ kính thánh nhân, khi các tín hữu tham gia vào cuộc rước Thánh Thể với tượng Thánh Antôn.
“Chúng tôi xin mời mọi người hành hương, tất cả những ai cần sự giúp đỡ của Thiên Chúa qua lời cầu bầu của Thánh Antôn – một vị thánh cao cả trên trời – hãy đến thăm viếng,” Cha Czarniak kết luận. “Đến và cầu nguyện. Hãy đến và trở thành một trong những người hành hương tại thánh địa này”.
Source:Catholic News Agency
2. Gần 800,000 người đã chạy trốn khỏi cuộc tiến công tàn bạo của quân thánh chiến ở Mozambique
Ước tính có khoảng 70,000 cư dân của Palma, một thành phố có 75,000 người ở miền bắc Mozambique, đã chạy trốn khỏi thành phố trong ba tháng qua. Cao ủy tị nạn Liên Hợp Quốc thông báo như trên vào ngày 11 tháng 6. Như thế, cho đến nay đã có 800,000 người đã phải lánh nạn trước sức tấn công của phiến quân thánh chiến ở Cabo, Mozambique
Ra mắt vào năm 2017, lực lượng nổi dậy này do Ansar al-Sunna lãnh đạo, với sự hỗ trợ của IS.
Nước láng giềng Tanzania từ chối tiếp nhận người tị nạn, và “những người bị đẩy lùi khỏi Tanzania cuối cùng sẽ rơi vào tình cảnh thảm khốc ở biên giới và phải chịu các rủi ro về sức khỏe và bạo lực trên cơ sở vì nhiều người phải ngủ ngoài trời vào ban đêm trong điều kiện cực lạnh mà không có chăn hoặc một mái nhà trên đầu của họ”, Babar Baloch, phát ngôn viên của cơ quan tị nạn Liên Hiệp Quốc cho biết.
Cha Kwiriwi Fonseca của Giáo phận Pemba nói với Tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ rằng các chiến binh thánh chiến đã bắt cóc hàng trăm trẻ em trai và trẻ em gái.
“Những kẻ khủng bố sử dụng những trẻ em trai và buộc các em phải chiến đấu trong hàng ngũ của chúng. Trong khi các bé gái bị hãm hiếp và buộc phải trở thành ‘cô dâu’”.
Mozambique là quốc gia ở Đông Nam Phi với 30.1 triệu dân. 30% dân số theo đạo Tin lành, 24% theo Công Giáo, 17% theo đạo Hồi và 28% theo các tôn giáo thờ vật linh.
Source:Catholic World News
3. Các Giám Mục Ba Lan trông mong được gặp gỡ Đức Thánh Cha
Các giám mục Công Giáo của Ba Lan cho biết hôm thứ Bảy rằng chuyến đi mùa thu của các ngài tới Vatican sẽ là cơ hội để nối lại mối quan hệ với Đức Thánh Cha Phanxicô.
Trong một tuyên bố vào cuối cuộc họp toàn thể ngày 12 tháng 6, các giám mục đã hướng tới chuyến thăm “ad limina” của các ngài đến Rôma, dự kiến vào tháng 10.
Các vị cho biết: “Ngoài các cuộc họp với các cơ quan trung ương Tòa Thánh và tiếp kiến với Đức Thánh Cha Phanxicô, các giám mục sẽ cử hành Bí tích Thánh Thể tại bốn Vương cung thánh đường chính của Rôma.
“Chuyến thăm sẽ là thời gian để nối lại mối quan hệ với Đức Thánh Cha, cùng nhau cầu nguyện, trao đổi ý kiến, phân định và xác định các ưu tiên cho đời sống và sứ mệnh của Giáo hội tại Ba Lan trong những năm tới.”
Theo luật của Giáo hội, các giám mục giáo phận phải báo cáo với Đức Giáo Hoàng 5 năm một lần về tình trạng của giáo phận mình.
Các chuyến đi được gọi là chuyến thăm “ad limina Apoolorum”, từ tiếng Latinh có nghĩa là “đến ngưỡng cửa của các tông đồ.”
Trên thực tế, khoảng cách giữa các chuyến thăm thường dài hơn năm năm. Chuyến thăm “ad limina” cuối cùng của các giám mục Ba Lan là vào năm 2014.
Cuộc họp tháng 10 của các giám mục với Đức Giáo Hoàng sẽ diễn ra trong một thời kỳ đầy biến động trong Giáo hội Ba Lan.
Source:Catholic News Agency