(EWTN News/CAN) Trong Thánh Lễ vào Thứ Tư Lễ Tro được cử hành tại nhà thờ Thánh Anselm, ĐGH đã nhắc nhở các tín hữu về việc lắng nghe lời Chúa và đối xử với mọi người như một quà tặng Chúa ban.
“Mùa chay là mùa thuận lợi để canh tân cuộc gặp gỡ với Chúa, để sống theo lời Ngài, sống với các phép bí tích và sống với tha nhân. Xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta trên hành trình hoán cải thực sự, để chúng ta có thể tái khám phá quà tặng của Lời Chúa, để thanh tẩy tội lỗi đã làm cho chúng ta đui mù và phục vụ Chúa hiện diện trong những anh chị em nghèo khổ.”
ĐGH đã nhắc đến dụ ngôn về ông phú hộ và người ăn xin tên là La-da-rô. Ông phú hộ không để ý gì đến người ăn xin sống vất vưởng nơi thềm cửa nhà mình. Khi cả hai đã chết, người ăn xin La-da-rô được an nghỉ ở thiên đàng, còn người nhà giàu kia phải chịu nhiều đau khổ.
Dù rằng người nhà giàu không nhìn thấy La-da-rô, nhưng chúng ta gặp những con người đau khổ mỗi ngày bằng xương bằng thịt, những người mà Thiên Chúa coi như một kho báu vô giá.
ĐGH nói “Nhân vật La-da-rô dạy chúng ta rằng mỗi người là quà tặng của Thiên Chúa. Sự liên hệ đúng đắn với người khác bao gồm lòng biết ơn nhận ra giá trị của họ. Khi một người nghèo đứng trước cửa nhà của người giàu không có nghĩa là người giàu bị quấy rầy, nhưng là mệnh lệnh để hoán cải và để thay đổi.
Theo cái nhìn đó, bài dụ ngôn mời chúng ta nhìn người khác như một ân huệ của Chúa và Mùa Chay chính là thời gian để mở cửa lòng đón nhận những người nghèo khổ và nhận ra khuôn mặt Chúa Kitô nơi họ.
Mỗi con người chúng ta gặp là một món quà rất đáng đón nhận, tôn trọng và yêu thương. Lời của Chúa giúp chúng ta biết mở mắt để chào đón và yêu thương con người, đặc biệt những người yếu đuối và dễ bị tổn thương.
ĐGH nói rằng, “Một bài học quan trọng khác của dụ ngôn là tội lỗi đã làm chúng ta đui mù đến mức nào. Nơi người giàu, chúng ta có thể nhìn thấy rõ sự lũng đoạn xấu xa của tội lỗi, tiến hành qua ba giai đoạn liên tiếp nhau: yêu tiền bạc,sự hão huyền và sự tự mãn.”
Tiền bạc có thể chế ngự, sai khiến chúng ta và nó có thể là thần tượng của nhiều người. Thay vì coi tiền của là công cụ để phục vụ chúng ta làm điều tốt và thể hiện tình đoàn kết với tha nhân, thì tiền có thể trở thành mắt xích trói buộc chúng ta và toàn thế giới trong cái vòng luẩn quẩn ích kỷ, không có chỗ cho tình yêu và cản trở hòa bình.
ĐGH cảnh báo rằng “ Đối với những người bị hư hỏng bởi lòng đam mê của cải thế gian này, thì không có gì tồn tại ngoài cái tôi của họ.”
“Đam mê tiền bạc là một bệnh mù. Những người này không bao giờ nhìn thấy người nghèo, đang chết đói, chết khát, đau đớn nằm trước cửa nhà họ.
“Phần kết của truyện dụ ngôn cho chúng ta thêm một bài học nữa. Sau khi chết, ông phú hộ kêu cứu tổ phụ Abraham từ chốn cực hình. Đây chính là dấu chỉ đầu tiên rằng người ngày cũng thuộc về dân Chúa khi ông còn tại thế, nhưng “Thiên Chúa duy nhất của ông là chính ông.”
Khi người phú hộ xin tổ phụ Abraham cho anh La-da-rô về thế gian để báo cho những anh em của ông đang còn sống thì Abraham đã trả lời “Chúng đã có Mô-sê và các Ngôn Sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị đó… nhưng nếu chúng không nghe Mô-sê hay các Ngôn Sứ, thì chúng cũng sẽ chẵng nghe người về từ cõi chết đâu.”
Chúng ta thấy cái vấn đề ở đây là “người giàu không lắng nghe Lời Chúa”. ĐGH nói, “kết quả là ông ta không còn yêu Chúa nữa và đã khinh bỏ những người quanh mình.”
“Lời của Chúa thì sống động và có sức mạnh biến đổi con tim và hướng mọi người về với Chúa. Khi chúng ta đóng cửa lòng với quà tặng là Lời của Thiên Chúa, thì chúng ta cũng đóng cửa lòng với anh chị em của chúng ta.
“Khi chúng ta bắt đầu hành trình Mùa Chay, chúng ta nhấn mạnh đến việc: ăn chay, cầu nguyện và làm việc bác ái. Đây là cơ hội để bắt đầu nhìn lại cuộc sống của chúng ta.
“Mùa Chay khẩn thiết kêu gọi mọi người hoán cải. Người kitô hữu được kêu gọi trở về với Thiên Chúa bằng hết con tim của mình và lớn lên trong tình yêu của Ngài. Thiên Chúa luôn kiên nhẫn đợi chờ và sẵn sàng tha thứ cho những yếu đuối của chúng ta.
ĐGH kết luận: “Chúng ta hãy cầu nguyện cho nhau và qua chiến thắng khải hoàn của Chúa Kitô, chúng ta có thể mở cửa đón nhận những người yếu đuối và nghèo khổ. Như thế chúng ta mới có thể cảm nghiệm và chia sẻ niềm vui trọn vẹn của Lễ Phục Sinh.”
Giuse Thẩm Nguyễn
Bài giảng ngày Thứ Tư Lễ Tro của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Vương cung Thánh Đường thánh nữ Sabina
Lúc 4:30 chiều thứ Tư 5 tháng Ba, Đức Thánh Cha đã chủ sự cuộc rước kiệu sám hối từ nhà thờ thánh Anselmo của dòng Biển Đức tới đền thờ thánh nữ Sabina của dòng Đa Minh.
Đi trong đoàn rước với Đức Thánh Cha, có đông đảo các Hồng Y và Giám Mục trong giáo triều Rôma, đông đảo tu sĩ dòng Biển Đức và Đa Minh, trong đó có 2 vị Tổng quyền của 2 dòng này. Trên quãng đường dài 500 mét, các vị vừa đi vừa hát kinh cầu các thánh, và thánh ca thống hối.
Tại Vương cung Thánh Đường thánh nữ Sabina, có từ thế kỷ thứ Năm, Đức Thánh Cha đã chủ sự thánh lễ đồng tế với các Hồng Y và Giám Mục, trước sự tham dự của linh mục tu sĩ nam nữ và giáo dân.
Trong bài giảng thánh lễ, Đức Thánh Cha nói:
“Các ngươi hãy hết lòng trở về với Ta .. Hãy trở về cùng Đức Chúa là Thiên Chúa của anh em” (Giôen 02:12, 13). Nhân danh Chúa, tiên tri Giôen đã đưa ra lời kêu gọi này. Không có ai cảm thấy bị loại trừ: “Hãy triệu tập các cụ già, tụ họp đám thiếu nhi, cũng như trẻ thơ còn đang bú, tân lang .. và tân nương” (c. 16) Tất cả các tín hữu được triệu tập đến và thờ phượng Thiên Chúa của họ “vì Ngài nhân từ và hay thương xót, chậm bất bình và giàu tình yêu kiên vững” (c. 13).
Chúng ta cũng muốn đón nhận lời mời gọi này; chúng ta muốn trở lại với trái tim nhân hậu của Chúa Cha. Mùa Chay là một con đường dẫn chúng ta đến chiến thắng của lòng thương xót trên tất cả những gì đè bẹp chúng ta và hạ giá chúng ta thành những gì không phù hợp với phẩm giá làm con cái Thiên Chúa. Mùa Chay là con đường đi từ tình trạng nô lệ đến tự do, từ đau khổ đến vui mừng, từ sự chết đến sự sống. Cử chỉ xức tro qua đó chúng ta bắt đầu hành trình này, nhắc nhớ chúng ta về thân phận nguyên thủy của mình: chúng ta đã được rút ra từ bụi đất, chúng ta đã được hình thành từ cát bụi. Đúng vậy, nhưng chúng ta là cát bụi trong bàn tay yêu thương của Thiên Chúa, Đấng thổi thần khí sự sống của Ngài trên mỗi người chúng ta và vẫn muốn tiếp tục làm như thế. Chúa muốn tiếp tục ban cho chúng ta hơi thở sự sống, cứu chúng ta khỏi những thứ hơi thở khác là sự nghẹt thở vì lòng ích kỷ của chúng ta, nghẹt thở vì những tham vọng nhỏ nhoi cũng như thái độ âm thầm dửng dưng lãnh đạm; sự nghẹt thở bóp nghẹt tinh thần, thu hẹp chân trời và làm cho nhịp đập con tim chúng ta bị gây mê. Hơi thở sự sống của Thiên Chúa cứu chúng ta khỏi sự ngột ngạt làm suy giảm niềm tin của chúng ta, làm nguội lạnh lòng bác ái của chúng ta và bóp nghẹt mọi hy vọng. Trải nghiệm Mùa Chay là khao khát hơi thở của sự sống mà Cha chúng ta không ngừng ban cho chúng ta giữa những vũng lầy của lịch sử.
Hơi thở sự sống của Thiên Chúa giải phóng chúng ta khỏi những ngột ngạt thường khi chúng ta không để ý, hoặc đã trở nên quá quen với điều đó đến mức có vẻ như bình thường, ngay cả khi những hiệu ứng của nó có thể cảm nhận được. Chúng ta nghĩ rằng đó là bình thường bởi vì chúng ta đã quá quen với việc hít thở thứ không khí trong đó hy vọng đã tiêu tan, không khí của bất hạnh và cam chịu, không khí ngột ngạt của hoảng loạn và thù địch.
Mùa Chay là thời gian để nói không. Nói không với những ngột ngạt tinh thần phát sinh từ sự ô nhiễm gây ra bởi sự thờ ơ, bởi suy nghĩ cho rằng cuộc sống của người khác không phải là mối quan tâm của tôi, và bởi tất cả những nỗ lực tầm thường hoá cuộc sống, đặc biệt là cuộc sống của những người mà thân xác đang bị đè nặng bởi quá nhiều sự hời hợt. Mùa Chay nghĩa là nói không với tình trạng ô nhiễm độc hại của những lời nói trống rỗng và vô nghĩa, những lời chỉ trích gay gắt và vội vã, những phân tích giản đơn không nắm bắt được sự phức tạp của vấn đề, đặc biệt là những vấn đề của những người đau khổ nhất. Mùa Chay là thời gian để nói không với những ngột ngạt của một lời cầu nguyện làm dịu lương tâm của chúng ta, với những hành vi bố thí chỉ làm hài lòng chính chúng ta, với một thứ chay tịnh đơn thuần chỉ làm chúng ta cảm thấy an tâm. Mùa Chay là thời gian để nói không với những ngột ngạt sinh ra từ các mối quan hệ loại trừ lẫn nhau, trong đó cố tìm kiếm Thiên Chúa trong khi lại tránh né những thương tích của Chúa Kitô hiện diện nơi những vết thương của anh chị em mình: nói vằn tắt, đó là tất cả những hình thức linh đạo giản lược đức tin thành một thứ văn hóa đóng kín, một thứ văn hóa loại trừ.
Mùa Chay là thời gian để nhớ lại, là thời kỳ suy nghĩ và tự hỏi: Giả sử Thiên Chúa khép cửa đối với chúng ta thì lúc đó chúng ta sẽ ra sao? Giả sử Thiên Chúa không thương xót chúng ta, mệt mỏi trong việc tha thứ cho chúng ta, không luôn cho chúng ta cơ hội để bắt đầu lại thì chúng ta sẽ ra sao? Mùa Chay là thời gian để tự hỏi chúng ta sẽ lạc vào cõi nào nếu không có sự giúp đỡ của rất nhiều người mà trong hàng ngàn những cách thế lặng lẽ đã giơ tay ra với chúng ta và bằng những cách thế rất cụ thể đã mang đến cho chúng ta hy vọng và cho phép chúng ta có thể làm lại một khởi đầu mới?
Mùa Chay là mùa tái hô hấp, là mùa mở rộng con tim cho hơi thở của Đấng Duy nhất có khả năng biến đổi chúng ta từ bụi đất thành con người. Đây không phải là mùa xé áo trước sự ác quanh chúng ta, nhưng đúng hơn là mùa dành không gian trong cuộc sống chúng ta cho tất cả những điều thiện mà chúng ta có thể thực hiện được. Đó là một thời gian để gạt sang một bên tất cả mọi thứ cô lập chúng ta, bao quanh chúng ta và làm tê liệt chúng ta. Mùa Chay là thời gian của lòng từ bi, là khi, cùng với vịnh gia, chúng ta có thể nói: “Xin phục hồi trong con niềm vui ơn cứu độ của Chúa, dưỡng nuôi con với thần khí sẵn sàng”, để qua cuộc sống của chúng con, chúng con có thể tán dương ngợi khen Chúa (xem Tv 51 : 12,15), và qua tấm thân cát bụi của chúng con – và sức mạnh hơi thở sự sống Ngài – chúng con có thể trở thành một “hạt bụi của tình yêu”.
Trong nghi thức xức tro sau bài giảng, Đức Hồng Y Jozef Tomko, 93 tuổi người Slovak, nguyên Tổng trưởng Bộ truyền giáo, có nhà thờ hiệu tòa là Đền thờ thánh nữ Sabina, đã bỏ tro trên đầu Đức Thánh Cha, trước khi ngài bỏ tro cho các Hồng Y và một số tín hữu, trong khi 12 linh mục Đa Minh và Biển Đức bỏ tro trên đầu các tín hữu hiện diện.