ĐHY Chủ tịch FABC kêu gọi hãy biểu lộ khuôn mặt Á châu của Chúa Giêsu và đừng sợ làm chứng cho Tin Mừng

“Chúa Giê-su được sinh ra ở Châu Á và người dân trên lục địa rộng lớn này đang đợi chờ khuôn mặt Á Châu của Chúa Giêsu”, đó là lời phát biểu của Đức Hồng y Charles Maung Bo, Tổng Giám mục Yangon và Chủ tịch Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC) trong Thánh lễ khai mạc Đại hội FABC 50 tại Bangkok, ngày 12 tháng 10.

Đại hội mang tên FABC 50 đã được khai mạc với một Thánh lễ đầy màu sắc với sự chủ tọa Đức Hồng Y Bo, cùng sự đồng tế của một số Hồng y, hơn 150 Giám mục và hơn 100 đại biểu từ khắp Châu Á.

Sự kiện này nhằm đánh dấu dịp kỷ niệm 50 thành lập FABC, ban đầu dự kiến được tổ chức vào năm 2020 nhưng bị hoãn lại do đại dịch.

Trong bài giảng của mình, Đức Hồng Y Bo đã mô tả cuộc quy tụ này là một sự kiện của niềm phấn khởi to lớn, một khoảnh khắc của ân sủng và là một lời tạ ơn dâng lên Thiên Chúa vì muôn ơn lành Ngài đã ban.

Lưu bản nháp tự động

Đức Hồng y nói: “Chúng ta được mời gọi để đạt tới một sự hoán cải tâm linh tận căn (metanoia), và sự hoán cải này tiếp tục kêu gọi chúng ta bước đi cùng nhau. Đây cũng là lời mời gọi của Chúa để tái xác nhận, canh tân và mang lại sức sống mới cho toàn thể Giáo hội. Chúng ta đang bước đi cùng nhau trên con đường đã được mở ra và ghi dấu bởi hàng trăm mục tử, giáo lý viên và tất cả những người loan báo Tin Mừng ở Châu Á.”

Sử dụng phép loại suy về bụi gai đang bốc cháy mà ông Môsê đã chứng kiến, Đức Hồng y nói: “Chúng ta cũng bị choáng ngợp bởi nhiều thử thách và thực tại, chúng khiến chúng ta sợ hãi và phủ lấp chúng ta. Nhưng Thiên Chúa đang thúc giục chúng ta đừng sợ hãi. Ngài luôn bảo đảm với chúng ta về sự gần gũi của Ngài đối với chúng ta. Thiên Chúa đã trao ban quyền năng cho một người chăn cừu đơn sơ như Môsê, một người đánh cá như Phêrô hay một người thợ dệt lều như Phaolô để làm công việc của Ngài, thì Ngài cũng sẽ ban quyền năng và thêm sức cho chúng ta.”

Nhắc lại những lời của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong tài liệu Thượng Hội đồng về Châu Á, “Giáo hội tại Châu Á – Ecclesia in Asia”, Đức Hồng Y nhắc nhớ về sự ưu tiên đặc biệt của Châu Á, nơi mà Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Thế đã chọn để sinh ra và làm một người Á châu. Hân hoan trong sự tốt lành của một lục địa với sự sinh động các dân tộc, văn hóa và tôn giáo, đồng thời ý thức về món quà đức tin độc đáo đã được lãnh nhận, Giáo hội ở Châu Á phải tiếp tục rao truyền sự tốt lành và tình yêu của Thiên Chúa, cũng như Châu Á vẫn đang chờ đợi khuôn mặt Á châu của Chúa Giêsu.

Đức Hồng y nói tiếp: Châu Á là cái nôi của các tôn giáo thế giới. Châu Á có một tâm linh sâu sắc và ngay cả những người từ phương Tây cũng đang hướng về phương Đông để được trải nghiệm về Chúa. Con người không tìm kiếm lời giải thích mà là sự cảm nghiệm về Chúa, không chỉ qua lời nói mà còn qua hành động và nội tâm. Nhiều cộng đồng bản địa ở Châu Á dạy chúng ta cách chia sẻ và chăm sóc trái đất và trở thành người quản lý thiên nhiên tốt lành theo tinh thần của Thông điệp Laudato si.”

“Kitô giáo ở Châu Á đã 2000 năm tuổi và chúng ta tự hào về di sản của Thánh Tôma Tông Tông đồ, Thánh Phanxicô Xaviê và vô số các vị thừa sai linh mục, tu sĩ và giáo dân.”

Đức Hồng y cho biết trọng tâm của Đại hội này là làm chứng cho Chúa Kitô, để biểu lộ khuôn mặt của Người, “khuôn mặt Á châu của Chúa Giêsu”.

Giáo hội là phổ quát và cần sự hiệp nhất để trở thành một Giáo hội truyền giáo thực sự.

Đức Hồng y nhắc lại nhiều thách thức mà Giáo hội Á Châu phải đối mặt trong sứ vụ được trao phó, nhưng thách thức càng lớn thì ơn Chúa cũng sẽ càng nhiều.

Đức Hồng Y hy vọng rằng dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, Đại hội sẽ “phân định được những cách thức để trở thành một giáo hội tập trung hoàn toàn vào sứ vụ được trao phó cho mình, một giáo hội dấn thân sâu rộng qua bộ ba đối thoại, đó là với các tôn giáo, với các nền văn hóa và với người nghèo mà FABC đang ưu tiên và tiến hành.

Đức Hồng y nói: Đại hội FABC 50 và Thượng Hội đồng là những cơ hội đầy ân sủng để khơi lại lòng say mê Tin Mừng và tái thúc đẩy động lực tinh thần truyền giáo trong Giáo hội ở Châu Á. Chúng ta phải tìm ra những đại lộ mới, những phương pháp và ngôn ngữ mới, cũng như những lối nhỏ mới. Và theo Đức Hồng y, chủ đề của Đại hội “FABC 50: Cùng nhau hành trình như các dân tộc Châu Á… và họ đã đi theo một con đường khác” (Mt 2, 12) phản ánh một cách tuyệt vời khát vọng này.

Văn Việt
Chuyển ngữ từ: rvasia.org (13.10.2022)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *