Tuy nhiên, vòng xoáy kim tiền, cùng nhịp sống bộn bề của kỉ nguyên kĩ thuật số đã và đang khiến con người trở nên quay cuồng và mất phương hướng trên nhiều phương diện, kể cả đời sống tâm linh. Nhất là trong một thời đại mà công nghiệp phát triển, kéo theo cơn sốt về việc làm và làn sóng di dân, cùng với sự tiến bộ vượt bậc của internet, AI và mạng xã hội khiến nhiều người chao đảo, thì việc con người ngày càng trở nên bận rộn đến mức ít có thể dành thời gian gia đình, người thân và thậm chí chính bản thân mình cũng là điều dễ hiểu và trở thành một dấu chỉ của thời đại. Bên cạnh rất nhiều mặt tích cục, thực trạng này cũng cách nào đó đã và đang tác động tiêu cực tới đời sống đạo của không ít người, nhất là các gia đình trẻ. Từ đó, việc thực hành sống đức tin của người tín hữu tại nhiều giáo xứ, hay các cộng đoàn và tại tư gia cũng bị ảnh hưởng ít nhiều. Theo đó, không chỉ việc cử hành Phụng vụ và Thánh lễ bị tác động và có những sai số từ số lượng người tham dự đến chất lượng của việc cử hành, mà cả những hình thức đạo đức bình dân, vốn là những di sản, những truyền thống tốt đẹp bao đời cũng bị mai một, thậm chí biến chất và méo mó… Trong đó, việc đọc kinh liên gia cũng ngày càng bị lấn át, thui chột, thậm chí biến mất tại nhiều Giáo xứ, giáo họ hay nhiều cộng đoàn. Từ đó, nhiều nơi không thể và cũng chẳng muốn duy trì nét đẹp này…
Đứng trước thực trạng đó, cách riêng tại Giáo hội Việt Nam, Hội đồng Giám mục đã có những ưu tư, cùng những đường lối mục vụ cụ thể để cổ võ duy trì, cũng như phục hồi việc thực hành các hình thức đạo đức bình dân, mà trong đó đọc kinh liên gia là một điển hình. Thật vậy, trước khi muốn truyền đạo, thì chính những người tín hữu phải giữ đạo và sống đạo trước. Theo đó, chính việc sống và giữ đức tin qua việc cử hành Phụng vụ, hay bằng đời sống chứng tá trong đời sống hằng ngày, cũng như qua các giờ kinh gia đình, hay đọc kinh liên gia, cùng các hình thức đạo đức bình dân khác nơi cộng đoàn hay tại tư gia, chính là cách thức loan báo Tin Mừng đơn giản, dễ thực hành, nhưng không kém phần hiệu quả, cho cả con cháu lẫn những người chưa nhận biết Chúa. Điều đó cũng đúng với cả những vùng truyền giáo của Giáo phận Hưng Hóa, cách riêng cho cộng đoàn anh em dân tộc H’Mông, một cộng đồng có nhiều người dù đã nhận biết Chúa, nhưng đức tin còn non nớt và chưa có chiều sâu, cách nào đó do rào cản về ngôn ngữ, nếp nghĩ, phong tục hay văn hóa của con người nơi đây.
Vì thế, đáp lại lời kêu mời của Hội đồng Giám mục, cách riêng Đức cha Đa-minh của Giáo phận Hưng hóa, các giáo xứ, giáo họ, cho tới các bản làng Công giáo trên địa bàn Giáo phận vùng sơn cước đã bắt đầu cổ võ, khởi động, cũng như khôi phục việc đọc kinh liên gia. Cách đặc biệt là tại các bản làng người H’Mông, trong đó có cộng đoàn Huẩy Thủng. Dưới sự hướng dẫn, đồng hành của các vị mục tử, cộng đoàn nơi đây đang từng bước thực hành việc đọc kinh liên gia nơi từng gia đình trong giáo xứ. Thay vì ai về nhà nấy hay túm năm tụm ba nô đùa, nói chuyện sau Thánh lễ, quý cha cùng cộng đoàn sẽ di chuyển luân phiên tới một gia đình của Giáo xứ để cùng nhau đọc kinh liên gia vào mỗi buổi tối. Thật vậy chỉ với những lời kinh đơn sơ, chân thành bằng tiếng H’Mông, buổi đọc kinh diễn ra trong bầu khí sốt sắng và trang nghiêm. Nhưng cùng với đó, chính sự hiện diện của quý cha và cộng đoàn tại gia đình từng nhà vào mỗi buổi tối, nếu được duy trì, chắc chắn sẽ trở thành một thói quen, một nét đẹp, một nhân đức nơi các bản làng, nơi mà vị trí địa lý cho tới đường xá không thuận lợi, cùng cuộc sống vất vả, khiến nhiều người phải bán mặt cho đất, bán lưng cho trời trên nương rẫy mà ít có thời gian đến nhà thờ hay dành cho nhau. Quả thật có nhiều lý do khiến việc tham dự Phụng vụ hay các việc đạo đức bình dân của người H’Mông không thuận tiện như người Kinh, nhất là do sự khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa, lối sống và về địa lý, đi lại khó khăn… Do đó, việc đọc kinh liên gia sẽ giúp liên kết các mục tử gần đoàn chiên hơn, các gia đình gần nhau hơn. Qua đó, các mục tử có cơ hội đến với từng gia đình anh chị em dân tộc, để cảm thông, thấu hiểu, chia sẻ, cũng như mang chính Chúa, và hơi ấm tình người đến với từng người giáo dân… Đồng thời, qua việc đọc kinh liên gia, một nét đẹp Ki-tô giáo, cũng như chính hình ảnh của Đức Ki-tô đang sống sẽ được lan tỏa cho mọi người.
Qua những hình ảnh của các buổi đọc kinh liên gia nơi các bản làng thực sự khiến nhiều người cảm động và mang lại nhiều ý nghĩa cho nhiều tâm hồn đang khao khát Chúa, nhất là như khơi lại và làm rực sáng ngọn lửa đức tin có thể đã leo lét nơi nhiều tâm hồn nơi đây. Nhưng vì đang là những bước đầu khởi động cho một quá trình dài hơi, nên đâu đó cũng còn sự rời rạc, chưa quy củ hay còn ít người tham gia. Tuy vậy, chắc chắn với sự kiên trì và sự nhiệt tâm của các mục tử cùng mọi người, việc đọc kinh liên gia sẽ từ một điều gì đó có thể ban đầu hơi gượng ép, dần trở thành thói quen, và thói quen ấy sẽ nên nhân đức và trở thành một nét đẹp mà mọi người, mọi cộng đoàn có thể nhân rộng và lan tỏa. Quả thật, ngắm nhìn nụ cười bình an, sự niềm nở của gia chủ mỗi khi cộng đoàn đến nhà mình, dù gia cảnh ra sao, chúng ta cũng có thể nhận ra chính Thiên Chúa đang hiện diện qua cộng đoàn và giữa gia đình đó, nên niềm vui và sự bình an ngập tràn trên gương mặt từng người, nhất là chủ nhà. Qua đó, thay vì bước đầu có đôi chút ngại ngùng vì chưa quen, những người giáo dân H’Mông đã bắt đầu thấu cảm, cũng như đón nhận lời mời gọi này một cách chân thành và sốt sắng hơn qua từng ngày. Nhờ đó mọi người như xích lại gần nhau trong tình yêu của Thiên Chúa. Dù mỗi buổi đọc kinh liên gia chỉ kéo dài khoảng 10 đến 15 phút với những lời kinh mân côi, Lạy cha (Zaj Peb Txiv), Kính mừng (Zaj Zoo Siab Ntau Mab Liab)… nhưng tất cả nói lên sự hiện diện và tác động của chính Chúa Thánh Thần, Đấng Thánh Hóa và đổi mới mọi sự, mọi tâm hồn, mọi cộng đoàn.
Tuy nhiên, phát động một phong trào đạo đức đã không phải dễ, nhưng để duy trì, nhân rộng và để phong trào ấy trở thành một thực hành có thể đi vào tâm thức của mọi người lại càng khó. Việc đọc kinh liên gia cũng thế, dù đây là một di sản của bao thế hệ cha ông, nhưng cách nào đó tại nhiều nơi đã mai một. Vì thế, dù việc đọc kinh liên gia có thể vẫn đang được thực hành tại một số nơi, nhưng để cổ võ, hay phục hồi hình thức này như trước đây chắc chắn cũng gặp phải nhiều khó khăn và thử thách không nhỏ. Nếu nơi các giáo xứ giáo họ miền xuôi, sự khó khăn có thể đến từ việc di cư, từ nhịp sống hiện đại và của những trào lưu tục hóa hay do các phương tiện truyền thông. Thì nơi các bản làng vùng cao, những khó khăn khiến khó duy trì hình thức đọc kinh liên gia lại đến từ việc thiếu thốn cơ sở vật chất, điện đóm, hay do đi lại khó khăn cùng nhiều nguyên nhân khác…
Nhưng sau tất cả, chúng ta cùng tin vào quyền năng Chúa Thánh Thần, đồng thời xác tín nếu Chúa muốn, Ngài sẽ có cách, chỉ cần con người cộng tác, mọi sự sẽ thành toàn vì với Thiên Chúa, mọi sự đều có thể. Theo đó, chúng ta cùng đặt niềm tin tưởng vào Chúa và hy vọng chắc chắn cộng đoàn anh em H’Mông sẽ làm sống lại nét đẹp đọc kinh liên gia, một di sản đã cách nhiệm mầu gìn giữ, lan tỏa và nuôi sống đức tin bao thế hệ người giáo dân nơi đây. Hơn nữa, ước mong nét đẹp này sẽ tiếp tục được cổ võ, duy trì, khôi phục và được lan rộng không chỉ nơi các bản làng, nhưng ngay tại các Giáo phận, giáo xứ, giáo họ miền xuôi có truyền thống. Để rồi, nhờ việc thực hành đơn giản này, đời sống đức tin của bao thế hệ sẽ được thăng tiến, và Tin Mừng sẽ luôn và mãi được loan báo giữa thế giới và cho con người trong thế giới hôm nay…
Tác giả: Thất Nguyễn
https://gpbuichu.org/news/bai-chia-se/doc-kinh-lien-gia-noi-ban-lang-h-mong-16571.html