Cả đời ẩn dật, tôi thường chỉ loanh quanh với bốn bức tường nhà, có chăng ra đến thánh đường rất gần nhà mà thôi. Thật hiếm khi tôi đi ra ngoài tiếp xúc với mọi người ngoài xã hội.
Hơn tháng đi chữa bệnh vừa rồi, tôi có dịp tiếp xúc với các y bác sĩ và những bệnh nhân khác. Từ ngày dịch covid hoành hành thế giới, tôi bắt đầu nể phục, rất trân trọng và quý mến những người thuộc nghành y tế. Họ là những chiến sĩ áo trắng trên mặt trận hàng đầu chống dịch, là những vị lương y chữa trị cho mọi người đủ thứ bệnh hoạn tật nguyền, là ân nhân cứu mạng cho bất cứ ai đến khám chữa tại bệnh viện.
Là bệnh nhân đặc biệt khác người vì phải ngồi xe lăn, đến đây tôi cảm nhận mình luôn gây sự chú ý từ mọi người. Ai cũng quan tâm, có khi là những ánh nhìn ái ngại, thương cảm, hoặc vài lời hỏi thăm, rồi gật gật đồng cảm. Với hành trình dài năm tuần gắn bó với bác sĩ, nên tôi phải ngoại trú, hằng ngày có bác sĩ đến theo dõi chăm sóc, dăm bảy ngày đến hẹn lại lên, lại gặp gỡ. Có bác sĩ nhìn tôi và khen hôm nay thấy bệnh nhân này tươi tỉnh quá! Tôi cười trả lời: “Em chỉ giòn cười tươi khóc thôi, lát nữa có khi bác sĩ lại làm em khóc cho mà xem!” Quả đúng như vậy, mỗi lần từ cái phòng phẫu thuật ra là mặt tôi lại méo xệch vì đau.
Tôi âm thầm không tỏ ra mình là người công giáo, nhưng với bác sĩ hằng ngày chăm sóc, vì anh rất thân thiện và nhiệt tâm, tôi mới khoe mình là con Chúa, rằng chính Chúa đã chữa tôi qua những bàn tay này. Hôm sau đến, anh bảo có bác sĩ siêu âm cho chị cũng là người công giáo cùng chị đấy! Tôi mừng vì ở nơi đây mà cũng có người đồng đạo. Lần kia đến siêu âm, anh này nhìn màn hình rồi bảo tôi: chắc phải ở lại mất tháng nữa. Tôi thất vọng kêu: “Lạy Chúa con!” Cháu tôi giải thích rằng trên nhà đã nới lỏng giãn cách, mở cửa thánh lễ rồi nên cô sốt ruột (điều này trúng tim tôi). Anh bảo thì chị tiếp tục lễ online vậy. Tôi nghe biết các bác sĩ vừa hội chẩn, còn nói với nhau nhiều về ca bệnh, về bệnh nhân khác người này.
Trong ca phẫu thuật, tôi chỉ cầu nguyện trong Chúa, với Chúa, Đức Mẹ, thánh Giuse thầm thì bên trong cái khẩu trang, không ai biết tôi là người công giáo hết. Nhưng khi bị hết thuốc gây tê không chịu nổi, tôi lại chuyển gam, một hai xin bác sĩ nhẹ tay. Bác động viên, tôi lại xấu hổ thưa vâng, xin bác cứ làm điều tốt nhất cho. Cháu kém sức chịu đựng nên kêu vậy thôi. Nhưng lần kia khi bác sĩ đang cố luồn ống dẫn dịch vào thật sâu bên trong vết thương, tôi đau quá sức lại buột miệng la lên: “Lạy Chúa con! con chết mất!” Lúc này chắc cả ba bác sĩ trong êkip đều biết tôi là người công giáo nên mới kêu Chúa của tôi như vậy. Sau này tôi được biết bác sĩ K, người trực tiếp ca phẫu thuật tâm sự với người nhà tôi rằng, bất giác ông chợt nhận ra một điều: tưởng rằng bệnh nhân chỉ một niềm hy vọng, phó cả mạng cho bác cứu giúp, nhưng không, hóa ra tôi còn hy vọng có Chúa là Vị Lương Y cao tay, Đấng ở trên cao đầy quyền năng sẽ cứu chữa tôi cơ. Bác thú nhận mình là người công giáo nhưng còn mải mê với công danh sự nghiệp, một ngày nào đó sẽ cố gắng để làm lại. Một hôm tôi mạnh dạn nhắn tin hỏi bác có phải người công giáo không? Bác chỉ trả lời dè dặt rằng bác là người thân và rất cảm tình với người công giáo, cứ coi bác là người công giáo. Thời gian trước tôi chỉ cầu nguyện cho bác nhiệt tâm hết tình với nghề cứu bệnh nhân của bác. Nhưng từ hôm ấy tôi âm thầm cầu nguyện cho bác ơn trung thành, để thực sự sống đức tin giữa lòng đời, trong môi trường cứu nhân của bác.
Lạy Chúa! Chúa đã phán rằng: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong lửa ấy cháy bùng lên.” (Lc 12, 49). Ước chi nhờ ơn Chúa, con cũng được trở nên như một đốm lửa nhỏ, thắp lên tình Chúa yêu nhân loại, trong con tim của những người mà Chúa cho con gặp gỡ, dù giữa đời con thật nhỏ bé mong manh. Amen.
Én Nhỏ