XEM THÊM HÌNH ẢNH
Để bày tỏ sự hiệp thông chia sẻ ấy, cũng như để chuyển trao tình yêu thương của những tấm lòng từ tâm đến với anh chị em tại vùng lũ, từ ngày 22 tháng 10 năm 2020 vừa qua, Dòng Đa Minh Rosa Lima đã có chuyến thăm và cứu trợ tại Quảng Bình, Gp Hà Tĩnh.
Chắc hẳn, mỗi người đều có những tâm tư cảm xúc khác nhau khi tận mắt chứng kiến, hay qua các phương tiện truyền thông, những cảnh đau thương: chồng vợ mất nhau, con nhỏ xa lìa, những mái nhà nhấp nhô trong biển nước, tài sản, hoa màu, vật nuôi bị lũ cuốn trôi, cuộc sống người dân lao đao, chới với.
Vì thế, sự chia sẻ dù ít hay nhiều lúc này sẽ là động lực để người dân nơi đây được an ủi phần nào. Và mỗi tấm lòng gửi về miền Trung ruột thịt sẽ tiếp thêm sức mạnh, nghị lực để người dân vững tin vượt khó, đứng lên tái thiết cuộc sống sau mưa lũ.
Hôm đầu tiên, vừa xuống sân bay chúng tôi đi Na, Hòa Ninh và Thanh Hà thuộc tỉnh Quảng Bình ngay như đã tường thuật hôm qua.
Ngày thứ hai, đoàn trực chỉ Hà Tĩnh, những nơi gần hồ Kẻ Gỗ nên ngập nặng, một căn nhà tôi ghé vào ngẫu nhiên thì được biết đây là ngôi nhà khá cao mà cũng bị ngập lút đầu người quãng đường gần 3 giờ đồng hồ. Chúng tôi đến với giáo họ Hương Lộc thuộc giáo xứ Lạc Sơn. Đây là giáo họ có cô bé cựu đệ tử kêu cứu khi biết Hội Dòng sẽ ra Quảng Bình. “Sơ ơi! Về Hà Tĩnh, giáo họ của con, cho mỗi nhà một thùng mì tôm cũng được, chúng con bị cô lập ba ngày mà chưa đoàn nào tới!”. Sau khi tặng quà nơi đây xong, tôi theo chân một chị vừa nhận quà đến thăm gia đình. Vườn cam nhà chị chuẩn bị đến ngày hái thì nước vào, ngập ba ngày, những quả cam trĩu cành chỉ trụ được ba ngày ngâm trong nước. Hôm nay là ngày thứ tư cam bắt đầu rụng xuống, xanh gốc và còn tiếp tục rụng nữa…. bao nhiêu vốn liếng đổ vào vườn cam, ba mẹ chị nhìn vườn cam nói trong nước mắt. Gia đình này không cùng tôn giáo và họ trong câu chuyện bà kể. Mấy ngày nước lụt, có người công giáo các giáo xứ lân cận nấu cơm chèo thuyền vào tận nơi cho ăn….
Tiếp tục đoàn trực chỉ đến giáo xứ Ngô Xá. Khung cảnh giáo xứ thật tấp nập., quần áo cũ đổ suối nhà thờ, các bà các chị các em chọn chọn lựa lựa ướm ướm. Nước suối sẵn đó, bánh chưng sẵn bên….cai cần tới lấy. Điện chưa có nên nhà xứ chạy máy nổ cho anh chị em sạc điện thoại và đèn pin. Chúng tôi đã gửi đến mỗi gia đình một phong bì và một vỏ bình đựng nước uống 20 lít. Niềm vui hân hoan hiện rõ lên từng gương mặt. Trẻ em thì được thêm hộp sữa, người lớn có thêm hộp dầu gió. Lúc chúng tôi gần ròi đi có bà chạy đến chỉ cho chúng tôi thấy đôi chân ba ngày ngâm nước của bà. Sưng tấy, nổi mần, ngứa… Lội bì bõm trong nước để cất đồ đạc, thu cái này vén cái kia và trong làn nước ấy nào rác nào xác động vật chết, nào là…. tôi không dám nghĩ tiếp. Các hình ảnh thấy nơi nhà dân khi tôi đi thăm vài nhà trong giáo xứ là: ngoài sân đầy giấy tờ sách vở, gạo, lúa, tủ lạnh, ti vi, bàn ghế, tủ và các vật dụng. Trên hàng rào nhà nào cũng chăn màn, quần áo sặc sỡ…mà lòng thì không như màu vải kia.
Quay trở lại Quảng Bình chúng tôi đi men theo dòng sông Son lên tối bản Rào Con, thuộc huyện Bố Trạch. Anh chị em bị mất trắng hoa mầu, nhà nào có trâu bò gà vịt gì cũng bị nước cuốn trôi. Đường đi lên không bóng dáng người, chẳng có nhà , chẳng có xe cộ qua lại, bạt ngàn cây và lên núi uốn khúc, bên phải là những ngọn núi nối tiếp nhau. Anh em trong bản biết chúng tôi tới nên đã từ bản đi xuống đón. Vì núi bị sạt lở nên chỉ đi bộ, anh chị em đã xuống chỗ gặp đoàn để nhận quà. Phải đi bộ 3 giờ đồng hồ. Nhìn những gương mặt mệt mỏi nhẫn nạn đợi chờ mà thương quá. Chúng tôi mở ngay các thùng sữa mua sẵn cho các em bé bây giờ mang ra cho anh chị em uống lấy sức.
Xuống núi chúng tôi tới Văn Phú, nơi này nằm ngay cửa biển của cảng Gianh nên nước ngập đầu tiên và nước ra cuối cùng.
Tạ ơn Chúa, qua quý vị ân nhân, Hội dòng chúng ta lại có cơ hội được chạm đến nỗi thống khổ của anh chị em đồng loại, để những lời kinh, lời cầu nguyện sớm chiều trở nên tha thiết, sâu lắng hơn, và trái tim của người tông đồ cũng vì thế mà ấm áp và rộng lớn hơn.