Tất cả 60 nghị sĩ, tại phiên họp toàn thể trong những ngày vừa qua, đã đồng ý thông qua Văn kiện về Tình huynh đệ nhân loại vì hòa bình thế giới và chung sống mà Tổng thống đắc cử Jose Ramos-Horta hy vọng sẽ thực hiện trong chương trình giảng dạy tại trường học để duy trì sự hài hoà và hòa bình liên tôn.
Văn kiện nhằm thúc đẩy “văn hóa tôn trọng lẫn nhau” giữa các Kitô hữu và Hồi giáo đã được ký vào ngày 4 tháng 2 năm 2019, bởi Đức Thánh Cha và đại Imam Ahmed el-Tayyeb tại Abu Dhabi trong chuyến thăm của ĐTC tới Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Do đó, tài liệu này còn được gọi là Tuyên bố Abu Dhabi.
Tổng thống Ramos-Horta đã tích cực vận động các nhà lập pháp thông qua văn kiện này. Ông cũng đã thảo luận về vấn đề này với cựu thủ tướng Mari Alkatiri, một người theo đạo Hồi, trong cuộc gặp gỡ vào ngày 28 tháng 4.
Ông nói: “Đông Timor sẽ là quốc gia đầu tiên trên thế giới áp dụng tài liệu này vào chương trình giảng dạy tại trường học. Tài liệu sẽ dạy cho học sinh về tôn giáo, dân tộc, tầng lớp xã hội và sự khoan dung chính trị trong xã hội.”
Chủ tịch Quốc hội Aniceto Guterres cho biết ông sẽ gặp Đức ông Marco Sprizzi, Đại biện Sứ thần Tòa thánh để đệ trình sắc lệnh liên quan đến việc thông qua.
Tổng thống nói thêm rằng thông báo chính thức của nhà nước về việc thông qua văn kiện sẽ được đưa ra vào ngày 20 tháng 5 trong khuôn khổ lễ nhậm chức của tổng thống đắc cử.
Tổng thống Ramos-Horta cũng cho biết điều quan trọng đối với Đông Timor với tư cách một quốc gia có đa số người Công giáo ở châu Á là phải duy trì danh tiếng về “một quốc gia không có bạo lực do tôn giáo.”
Ông Ramos-Horta, nhận Giải Nobel hoà bình năm 1996, là thành viên ủy ban của Giải thưởng Zayed 2022 về Tình huynh đệ nhân loại, một giải thưởng quốc tế được thành lập để đánh dấu cuộc gặp gỡ lịch sử của ĐTC và đại Imam Al-Azhar.
Vào tháng 10 năm ngoái, ông đã có cuộc gặp với ĐTC tại Vatican và được chính ĐTC tặng một bản của tài liệu.
Anh Roberto Fernandez, giáo viên tại Trường Thánh Phanxicô Assisi ở Fatuberliu, quận Manufahi, cách Dili khoảng 190 km về phía nam, cho biết việc thông qua tài liệu này “là bước đi đúng để khẳng định vị thế của Đông Timor như một quốc gia yêu chuộng hòa bình.”
Anh nói: “Chúng tôi sẵn sàng thực hiện nó ở đây… Nguyên tắc là Đông Timor cần phải là một ngôi nhà an toàn cho tất cả mọi người, đặc biệt là cho tất cả các tôn giáo.”
Trong số 1,3 triệu dân số Đông Timor, người Công giáo chiếm 97% trong khi người Hồi giáo chiếm dưới 1%. (Ucanews.com)