Ukraine xin luôn được giữ tượng Đức Mẹ Fatima

1. Vụ bắt giữ Đức Hồng Y Quân: Một bước ngoặt trong mối quan hệ giữa Giáo Hội Công Giáo và Trung Quốc

Vụ bắt giữ Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân tiếp tục gây ra các phản ứng từ nhiều phía. I. Media của Ý có bài nhận định nhan đề “L’arresto del cardinale Zen è una sfida per il Vaticano”, nghĩa là “Vụ bắt giữ Đức Hồng Y Quân là một thách đố đối với Vatican”. Bản dịch sang tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Vụ bắt giữ vị Hồng Y ủng hộ dân chủ đặt ra nhiều câu hỏi về chiến lược cải thiện quan hệ với Trung Quốc của Giáo Hội Công Giáo.

Bị bắt và sau đó được tại ngoại vào ngày 11 tháng 5 năm 2022, Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, giám mục hiệu tòa của Hương Cảng, xuất hiện hơn bao giờ hết như là hiện thân của sự phản kháng của Hương Cảng trước sự bóp nghẹt ngày càng chặt chẽ của Bắc Kinh. Bản cáo trạng nhắm vào ngài bởi cơ quan tư pháp địa phương về tội “thông đồng với một thế lực nước ngoài” đang gây ra “mối quan ngại lớn” từ phía Vatican, nơi đã gặp nhiều khó khăn trong mối quan hệ hợp tác với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trong những năm gần đây.

Đức Hồng Y Quân bị buộc tội cùng với bốn thành viên khác trong hội đồng quản trị của “Quỹ cứu trợ nhân đạo 612”, một hiệp hội ban đầu nhằm tài trợ cho những người biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hương Cảng. “Các cá nhân bị nghi ngờ có âm mưu và cấu kết với nước ngoài hoặc lực lượng nước ngoài để gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia – một hành động có tính chất nghiêm trọng”, Văn phòng Ủy viên, cơ quan đại diện Bộ Ngoại giao Bắc Kinh tại Hương Cảng, cho biết trong một tuyên bố.


Source:Aleteia

2. Fátima cầu nguyện cho sự man rợ trong cuộc chiến ở Ukraine có thể dừng lại

Hôm 13 tháng 5, Đức Cha José Ornelas, Giám mục Leiria-Fatima đã kêu gọi “ngăn chặn sự tàn bạo của chiến tranh”, đang diễn ra ở Ukraine, sau khi ban phép lành cho một hình ảnh của Đức Mẹ, tương tự như ảnh Đức Mẹ Fatima, sẽ được tôn kính tại nhà thờ chính tòa Lviv.

“Chúc tụng Chúa, một cách đặc biệt, vì hình ảnh này của Mẹ Ngài sẽ được gửi đến Ukraine. Cầu mong bức ảnh này là một dấu chỉ và nền tảng của hòa bình cho Ukraine và cho toàn thế giới”, Đức Cha José Ornelas nói vào lúc ban phép lành.

Bức ảnh là một món quà từ Đền Fatima cho Đức Tổng Giám Mục Ihor Vozniak, Tổng Giám mục Thủ đô Công Giáo Đông phương của Lviv; Khoảnh khắc làm phép ảnh đã được chào đón bằng một tràng pháo tay của khoảng 170.000 khách hành hương có mặt tại đền thánh Đức Mẹ Fatima.

Trong buổi cử hành đầu tiên với tư cách là Giám mục Leiria-Fátima cùng với những người hành hương quốc tế, Đức Cha José Ornelas đã nêu bật “thông điệp thúc đẩy cuộc sống và hòa bình” được thể hiện ở Cova da Iria kể từ năm 1917

“Cầu mong sự hiện diện từ mẫu của Đức Maria, hình mẫu của Giáo hội luôn chăm sóc những gì nhỏ bé và mong manh nhất, tỏa sáng trong thời kỳ khó khăn này”, của đại dịch và chiến tranh, “ảnh hưởng đến Ukraine và nhiều nơi khác trên hành tinh với sự tàn bạo và thảm khốc.”

Mong thông điệp hòa bình mà Mẹ mang đến cho chúng ta ở Fatima được chấp nhận trong trái tim của tất cả mọi người, đặc biệt là những người nuôi dưỡng cuộc chiến này, để sự dã man có thể được chấm dứt và một thế giới mới có thể được xây dựng, trong công lý, trong tình đoàn kết huynh đệ và trong hòa bình.

Bằng tiếng Ý, Đức Tổng Giám Mục Ornelas đã hoan nghênh sự chào đón dành cho những người tị nạn từ cuộc chiến ở Ukraine: “Giữa sự tàn khốc của chiến tranh, mong đây là một dấu hiệu về sự phục vụ của Giáo hội và của tình huynh đệ đã trở thành phổ quát”.

Ý cầu nguyện cho hòa bình ở Ukraine đi kèm với cuộc hành hương quốc tế ngày 13 tháng 5 này theo một cách đặc biệt, vì đây là lần đầu tiên không có hạn chế nào kể từ khi bắt đầu đại dịch vào tháng 3 năm 2020.

Buổi cử hành đã do Đức Tổng Giám Mục Edgar Peña Parra, Phụ tá Quốc vụ khanh Vatican, chủ trì.

Đức Cha José Ornelas nói với viên chức Tòa Thánh: “Tôi xin Đức Cha chuyển đến Đức Thánh Cha Francisco lòng kính trọng và sự hiệp thông của chúng tôi với chức vụ của ngài”.

Đức Tân Giám Mục Leiria-Fátima đã dành ra một khoảng khắc với “lời công nhận đặc biệt” cho Đức Hồng Y António Marto, nguyên Giám Mục giáo phận, được đánh dấu bằng một tràng pháo tay từ những người hành hương.


Source:agencia.ecclesia.pt

3. Ukraine xin luôn được giữ tượng Đức Mẹ Fatima

Ukraine xin luôn được giữ tượng Đức Mẹ Fatima

Ukraine phải trả lại tượng Đức Mẹ cho Fatima. Tuy nhiên, nhà thờ chính tòa ở Lviv sẽ có một bức tượng mới giống hệt, được ban phước tại đền thờ ở Fatima, Bồ Đào Nha.

Đền thánh Đức Mẹ Đức Mẹ Fatima đã gọi cho Ukraine, và họ muốn bức tượng của mình được đưa trở lại Fatima.

Tượng Đức Mẹ Fatima đã đến Ukraine vào ngày 17 tháng Ba, theo yêu cầu của Tổng Giám mục Công Giáo Đông phương Ihor Vozniak của Lyiv. Kể từ đó, vô số tín hữu ở đất nước bị chiến tranh tàn phá đã tìm kiếm sự an ủi nơi sự hiện diện của bức tượng.

Khi Đức Thánh Cha Phanxicô thánh hiến Ukraine và Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Đức Trinh Nữ Maria, bức tượng là một lời nhắc nhở hữu hình rằng Ukraine đang ở dưới sự bảo vệ của Đức Mẹ.

Nhưng những gì được hoạch định là một thánh đã được kéo dài đến gần hai tháng. Vị Tổng giám mục Ukraine sau đó hỏi rằng liệu đền thánh Đức Mẹ Fatima có thể cân nhắc việc tặng luôn bức tượng để bức tượng có thể ở lại Ukraine mãi mãi hay không.

Yêu cầu đó đã bị từ chối một cách lịch sự, nhưng ngôi đền đã hứa sẽ làm phép và gửi một bức tượng giống hệt như thế đến Ukraine.

Như tờ Tablet đã đưa tin, cha phó của nhà thờ chính tòa Lviv, là Cha Carlos Cabecinha, cho biết trong một cuộc họp báo trước lễ Đức Mẹ Fatima vào ngày 13 tháng 5, rằng bức tượng có thể ở lại Ukraine bao lâu cần thiết, nhưng cuối cùng bức tượng ấy phải trở về Bồ Đào Nha.

Cha cho biết: “Theo định nghĩa, hình ảnh người hành hương là hình ảnh rời đi và sau đó quay trở lại đền thờ ở Fátima”.

Tượng Đức Mẹ được đưa đến Fatima là một trong 13 bản sao của bức tượng gốc do José Ferreira Tedin điêu khắc, dựa trên sự hướng dẫn chính xác của Sơ Lúcia, một trong ba trẻ em đã chứng kiến Đức Mẹ hiện ra ở Fátima năm 1917.

Các bản sao thỉnh thoảng được mang đi hành hương, một truyền thống bắt đầu vào cuối Thế chiến thứ hai, khi một linh mục quản xứ ở Berlin đề xuất rằng nên đưa bức tượng Đức Mẹ Fatima đi khắp Âu Châu. Sau 50 năm hành hương, và sau khi đến thăm hơn 100 quốc gia, các bức tượng giờ chỉ rời đi vào những dịp đặc biệt. Nhiều tín hữu đã cho rằng đã được chữa trị về thể chất và tâm linh là do sự hiện diện của một trong những bức tượng.


Source:Aleteia

4. Những gì quân đội Nga bỏ lại ở ngoại ô Kharkiv cho thấy sự tàn khốc của chiến tranh

Hai đoàn xe hơi dân sự tại một ngôi làng phía đông bắc Ukraine nói về việc Nga rút lui khỏi khu vực này và sự tàn bạo mà quân Nga để lại.

Đoàn xe đầu tiên gồm ba chiếc xe chở theo một linh mục đang vội vã chạy qua làng Staryi Saltiv từ phía bắc, chạy trốn bạo lực khi Ukraine đẩy lực lượng Nga ra khỏi Rubizhne.

“Chúng tôi thậm chí không biết chuyện gì đang xảy ra,” một tài xế nói. “Chúng tôi đã không quan sát xung quanh để tìm hiểu.”

Các quan chức Ukraine trong tuần này cho biết họ tiếp tục tiến mạnh về phía biên giới Nga, giải phóng những ngôi làng nhỏ ở ngoại ô Kharkiv, là thành phố lớn thứ hai của đất nước trước khi cuộc xâm lược bắt đầu. Những bước tiến của Ukraine đe dọa mang đến sự nhục nhã mang tính biểu tượng khi trục xuất lực lượng của Điện Cẩm Linh trở lại biên giới của chính họ, đồng thời đặt ra mối đe dọa chiến lược là cắt các đường tiếp tế của Nga vào Ukraine và các lực lượng của họ xa hơn về phía nam trong khu vực Donbas. Những tiến bộ này đã diễn ra rất nhanh chóng trong những tuần qua.

Đoàn xe thứ hai nói về những gì Ukraine họ đã thấy sau cuộc tấn công của quân Nga – 5 chiếc xe lỗ chỗ những vết đạn, và 2 chiếc bị cháy thành đống đổ nát.

Các quan chức Ukraine cho biết, đoàn xe này đang cố gắng rời thị trấn thì bị quân đội Nga phục kích. Các lỗ đạn tập trung ở một số cửa ra vào của người lái xe. Quần áo và đồ chơi của trẻ em vứt bừa bãi ở khu vực xung quanh các phương tiện giao thông. Giới chức Ukraine cho biết, 4 dân thường, trong đó có một bé gái 13 tuổi, đã thiệt mạng khi quân đội Nga nổ súng vào đoàn xe này.

Binh lính Ukraine đi chung với CNN thuộc lực lượng bảo vệ lãnh thổ thành phố Kharkiv cho biết một quả đạn pháo xe tăng đã bắn trúng một trong những chiếc xe, khiến phần trước của nó bị xoắn lại không thể nhận ra.

Mạc Tư Khoa cho biết các lực lượng của họ không nhắm mục tiêu vào dân thường. Đó là một tuyên bố trái ngược với bằng chứng về những hành động tàn bạo rõ ràng được CNN chứng kiến tận mắt ở đây và những nơi khác ở Ukraine.


Source:CNN

5. Tờ Avvenire của Hội Đồng Giám Mục Ý hoan nghênh đề nghị ngưng bắn tức khắc của Hoa Kỳ

Trong bản tin ngày 13 tháng Năm, tờ Avvenire, nghĩa là Tương Lai, đã hoan nghênh đề nghị ngưng bắn tức khắc của người đứng đầu Ngũ Giác Đài Lloyd Austin.

Thiếu tướng John Kirby, phát ngôn nhân Ngũ Giác Đài, cho biết trong cuộc họp báo hôm thứ Sáu 13 tháng 5 rằng:

“Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã có một cuộc điện đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu vào hôm thứ Sáu, trong đó ông kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức ở Ukraine.”

Trong cuộc gọi, Austin cũng “nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì các đường dây liên lạc”. Đây là lần đầu tiên Austin nói chuyện với Shoigu kể từ ngày 18 tháng 2, sáu ngày trước khi Nga xâm lược Ukraine.

Tướng Kirby cho biết đây là lần đầu tiên phía Nga chấp thuận đối thoại với Hoa Kỳ qua đường dây nói. Ông nói: “Điều gì đã thúc đẩy họ thay đổi suy nghĩ, và cởi mở với đối thoại, tôi không nghĩ rằng chúng tôi biết chắc chắn. Cuộc trò chuyện kéo dài một giờ là rất chuyên nghiệp”

Tướng Kirby nói thêm rằng không có vấn đề nào được vượt qua.

“Bản thân cuộc gọi không giải quyết cụ thể bất kỳ vấn đề cấp bách nào hoặc dẫn đến sự thay đổi trực tiếp trong những gì người Nga đang làm hoặc đang nói”. Tuy nhiên, Tướng Kirby cho biết Austin hy vọng cuộc gọi sẽ “đóng vai trò là bàn đạp cho các cuộc trò chuyện trong tương lai”.

Nga thường xuyên tố cáo Hoa Kỳ và Liên Hiệp Âu Châu đang tiến hành một cuộc chiến tranh uỷ nhiệm, tức là, mượn tay Ukraine để tấn công họ. Tuy nhiên, sự thật là khi Hoa Kỳ đề nghị ngưng bắn tức khắc, họ đã không chấp nhận.

Thư ký báo chí Tòa Bạch Ốc Jen Psaki cũng chỉ ra sự sai trái trong luận điệu của Nga: “Putin có thể kết thúc chiến tranh ngay ngày mai, ngay hôm nay, ngay bây giờ nếu ông ta muốn.”


Source:Avvnire

6. John Allen: Vụ bắt giữ Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân cho thấy Trung Quốc không hiểu được Giáo Hội Công Giáo

Liên quan đến việc Trung Quốc bắt giữ Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, John Allen, ký giả kỳ cựu chuyên về Vatican của tờ Crux, có bài bình luận nhan đề “Zen arrest suggests China just doesn’t get the Catholic Church”, nghĩa là “Vụ bắt giữ Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân cho thấy Trung Quốc không hiểu được Giáo Hội Công Giáo.”

Trước ngày 24 tháng 2, có khả năng, tuy rất mong manh, rằng Mạc Tư Khoa có thể thành công trong việc đưa ra một khiếu nại rằng cộng đồng nói tiếng Nga ở các khu vực Donetsk và Luhansk, miền đông Ukraine có những bất bình chính đáng với Kyiv, và nỗ lực giành quyền tự trị của họ có thể hưởng được ít nhất là một mức độ hợp pháp về mặt luân lý.

Tuy nhiên, một khi Putin đã chọn súng đạn thay cho thuyết phục bằng cách phát động một cuộc xâm lược tổng lực, thì cơ hội đó đã bị mất. Cuộc tấn công không chỉ phản tác dụng về mặt quân sự mà còn tạo ra sự ủng hộ chưa từng có trên toàn cầu đối với Ukraine bất chấp kỷ lục của nước này tại Donbass trên thực tế có thể là gì.

Bài học ở đây là quyền lực cứng thường là kẻ thù của quyền lực mềm, đôi khi biến kẻ thù của bạn thành kẻ tử vì đạo và chính bạn thành kẻ xấu xa tồi tệ.

Bắc Kinh nhận thấy mình đang phải đối mặt với những hệ lụy của bài học đó ngày hôm nay, mặc dù trong một phạm vi nhỏ hẹp hơn, sau vụ bắt giữ Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân 90 tuổi hôm thứ Tư vì cáo buộc vi phạm đạo luật an ninh của Hương Cảng, cụ thể là “thông đồng với lực lượng nước ngoài”.

Nếu Trung Quốc chú ý đến, họ sẽ nhận ra rằng trong vài năm qua, Đức Hồng Y Quân ngày càng bị gạt ra ngoài lề trong triều đại giáo hoàng Phanxicô vì những lời chỉ trích gay gắt của ngài đối với thỏa thuận giữa Vatican và Bắc Kinh về việc bổ nhiệm các giám mục; cũng như mối quan hệ ngày càng tăng của ngài với những người khác, cụ thể là với các nhà phê bình nổi tiếng chống lại Đức Phanxicô, nổi bật nhất là Đức Tổng Giám Mục người Ý Carlo Maria Viganò.

Câu chuyện nổi tiếng là Đức Hồng Y Quân đã đến Rôma vào tháng 10 năm 2020 để cố gắng gây ảnh hưởng đến việc Đức Phanxicô lựa chọn một giám mục mới cho Hương Cảng. Sự bùng nổ xảy ra sau khi có tin đồn rằng kế hoạch bổ nhiệm Đức Giám Mục Phụ Tá Giuse Hạ Chí Thành (Ha Chi-shing – 夏志誠) đã bị rút lại vì ngài bị chụp ảnh trong các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ, cho thấy một hình thức khác của Vatican trước sự nhạy cảm của Trung Quốc.

Tuy nhiên, Đức Hồng Y Quân thậm chí không thể gặp được Đức Giáo Hoàng, điều đó cho thấy rằng ngài đang bị phong tỏa một cách hiệu quả. Việc Vatican gia hạn thỏa thuận với Trung Quốc vì sự phản đối rõ ràng của ngài đã xác nhận quan điểm này.

Dấu hiệu không hài lòng đó của Đức Giáo Hoàng xuất hiện trong bối cảnh Đức Hồng Y Quân gọi đường lối của Vatican đối với Trung Quốc là “bệnh hoạn”, và buộc tội rằng Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, Đức Hồng Y Pietro Parolin, đã nói “một loạt những lời dối trá mà không chớp mắt”.

Dấu hiệu không hài lòng đó cũng xuất hiện sau khi có những biểu hiện cho thấy sự không hài lòng của Đức Hồng Y Quân với thỏa thuận giữa Trung Quốc và Vatican đã chuyển thành sự phản kháng chống Đức Phanxicô ở các khu vực khác. Ví dụ, Đức Hồng Y Quân là người ký vào một bức thư ngỏ do Đức Tổng Giám Mục Viganò viết vào tháng 5 năm 2020, tuyên bố rằng đại dịch coronavirus đang bị thao túng để áp đặt các chế độ độc tài của chính phủ trên toàn thế giới.

“Việc áp đặt các biện pháp phi đạo đức này là một khúc dạo đầu đáng lo ngại cho việc nhận ra một chính phủ thế giới nằm ngoài tầm kiểm soát của mọi người,” lá thư tuyên bố, đồng thời khẳng định rằng “với lý do quét sạch vi-rút, nhiều thế kỷ văn minh Kitô có thể bị xóa sổ” và “chế độ chuyên chế công nghệ đáng sợ” có thể được thiết lập.

Những người ký tên khác bao gồm cựu tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, Đức Hồng Y Gerhard Müller và Đức Tổng Giám Mục hiệu tòa của Riga, là Đức Hồng Y Janis Pujats, cả hai vị đều không có tên trong danh sách những người được yêu thích trong triều đại giáo hoàng này.

Do đó, thật hợp lý khi cho rằng nếu Trung Quốc không làm gì, Đức Hồng Y Quân có thể vẫn không quan trọng trong việc định hình các chính sách của Giáo hoàng và chỉ được ưa chuộng trong giới bảo thủ sâu sắc với những cái rìu để mài dũa với vị giáo hoàng này trên nhiều phương diện. Nói cách khác, Bắc Kinh sẽ không phải lo lắng nhiều, ít nhất là chừng nào Rôma còn giữ nguyên đường lối như hiện nay.

Tuy nhiên, giờ đây, Đức Thánh Cha Phanxicô không thể bỏ mặc Đức Hồng Y Quân, bởi vì việc bắt giữ ngài (và bất cứ điều gì tiếp theo có thể xảy ra sau khi ngài bị truy tố và thậm chí có thể bị tống giam) sẽ tạo ra sự cảm thông và những hành động thay mặt Đức Hồng Y Quân trên toàn thế giới.

Cuối ngày thứ Tư, Vatican đã đưa ra một tuyên bố nói rằng “Tòa Thánh đã nhận được tin tức về vụ bắt giữ Đức Hồng Y Quân với sự quan tâm, và đang theo dõi diễn biến của tình hình với sự chú ý cao độ”.

Benedict Rogers của Hong Kong Watch gọi vụ bắt giữ là “kinh khủng không thể tin được”, trong khi Sam Brownback, cựu Đại sứ Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế và thuộc đảng Cộng hòa, cùng với nhà hoạt động Dân chủ Katrina Swett, nói rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc đã “xuống đến một mức thấp mới” qua hành động của nó chống lại vị Hồng Y ở tuổi 90.

Giả sử rằng các quan chức Trung Quốc có ý định tiếp tục các cáo buộc, thì đây không phải chỉ là phản ứng một lần mà là bước mở đầu cho một chiến dịch toàn cầu, trong đó các nhà lãnh đạo Công Giáo ở tất cả các cấp sẽ bị áp lực phải đóng vai chính. Trên thực tế, Đức Hồng Y Quân sẽ trở thành Hồng Y József Mindszenty, là vị giám mục người Hung Gia Lợi bị Liên Xô bắt giam và sau đó bị lưu đày trong đại sứ quán Hoa Kỳ ở Budapest, là một nguyên nhân linh hứng cho người Công Giáo trong Chiến tranh Lạnh.

Bất kể tất cả các luận điệu của họ đưa ra chống lại các Giám Mục, những người Công Giáo trên khắp thế giới không vui lòng nhìn thấy các Giám Mục của họ bị quăng bên trong song sắt sau các phiên tòa nặng phần trình diễn chỉ vì những xác tín chính trị của các ngài.

Để bắt đầu, hiệu quả ròng gần như chắc chắn sẽ là việc đầu tư cho Đức Hồng Y Quân với thẩm quyền đạo đức lớn hơn và có tiếng nói lớn hơn trong các cuộc đối thoại Công Giáo toàn cầu. Chắc chắn là nếu ngày hôm nay Đức Hồng Y Quân có chuyến công du tới Rôma, thì không thể nào tưởng tượng được rằng Đức Giáo Hoàng sẽ không tìm thấy chỗ trống cho ngài trên lịch của mình.

Nói rộng hơn, trong vụ Đức Hồng Y Quân, nếu Bắc Kinh kết hợp tính toán sai lầm ban đầu của mình với nỗ lực cố tìm ra cho được ngài có tội gì đó, thì điều này sẽ gây áp lực lên Vatican để xem xét lại toàn bộ chính sách đối với Trung Quốc, đặc biệt là đối với thỏa thuận về bổ nhiệm giám mục.

Nếu đưa một vị Hồng Y vào tù là cách Trung Quốc thể hiện sự cân nhắc song phương của họ đối với Vatican, thì tư duy tiếp theo của Tòa Thánh sẽ là: chính xác thì thỏa thuận này đã thu được những gì, điều gì có thể biện minh cho việc nhường cho Trung Quốc một sự kiểm soát đáng kể đối với việc bổ nhiệm lãnh đạo Công Giáo của đất nước?

Các nhà phê bình, bao gồm cả Đức Hồng Y Quân, thường nói rằng Vatican không hiểu Trung Quốc. Tuy nhiên, vụ bắt giữ Đức Hồng Y dường như chứng tỏ rằng có một xu hướng bình đẳng và đối lập đó là Trung Quốc không hiểu Vatican, hoặc, về vấn đề này, Giáo Hội Công Giáo quá lớn đối với họ.


Source:Crux

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *