Sáng thứ Năm ngày 2 tháng 2, Đức Thánh Cha bắt đầu ngày thứ ba của chuyến viếng thăm tại CHDC Congo và Nam Sudan, với buổi gặp gỡ các bạn trẻ và giáo lý viên tại Sân vận động các vị Tử đạo.
Sân vận động nằm ở khu vực Lingwala của thủ đô Kinshasa, được xây dựng từ tháng 10 năm 1988 và hoàn tất vào tháng 10 năm 1993. Cho đến trước năm 1997, sân này có tên là Kamanyola. Hiện nay sân mang tên của 4 chính trị gia đã bị treo cổ vào ngày 1 tháng 6 năm 1966 tại khu vực có nhà máy, vì bị buộc tội âm mưu chống lại nhà độc tài Mobutu. Sân có 80.000 chỗ ngồi và chủ yếu được sử dụng cho các cuộc họp quốc tế, các sự kiện thể thao hoặc văn hóa.
Khi đến sân vận động, Đức Thánh Cha đã đi xe mui trần vòng quanh sân để chào các bạn trẻ giữa tiếng reo vui của họ.
Mở đầu buổi gặp gỡ, Đức cha Timothée BODIKA, Chủ tịch Ủy ban Giám mục đặc trách Tông đồ Giáo dân đã chào mừng Đức Thánh Cha. Ngài giới thiệu với Đức Thánh Cha các bạn trẻ Congo đang nỗ lực làm việc để góp phần biến đổi xã hội bằng cách làm thấm nhuần các giá trị Tin Mừng vào đời sống xã hội, bất chấp vô số thách thức, bao gồm nạn thất nghiệp, sự khó khăn trong việc tiếp cận với môi trường giáo dục, tình trạng mất an ninh và bạo lực, đặc biệt là ở miền đông nước Cộng hòa Dân chủ Congo.
Chứng từ của một bạn trẻ
Trong chứng từ tiếp sau đó, một bạn trẻ chia sẻ với Đức Thánh Cha rằng họ là những người trẻ thiếu vắng Hòa bình; chiến tranh để lại những hậu quả cho việc giáo dục và đào tạo người trẻ, cả về đời sống lẫn đức tin; nhiều người trẻ buộc phải gia nhập các nhóm vũ trang. Bạn cũng chia sẻ mong muốn của người trẻ Congo là sống tốt, xây dựng xã hội tốt hơn, nhưng có những khó khăn từ bản thân cũng như xã hội ngăn cản họ. Bạn hy vọng lời cầu nguyện và lời huấn dụ của Đức Thánh Cha giúp họ là những Kitô hữu tốt và công dân lương thiện.
Xen kẽ giữa các chứng từ là những vũ điệu truyền thống của Congo, một nét văn hoá không thể thiếu trong đời sống của dân tộc này.
Chứng từ của một giáo lý viên
Trong chứng từ thứ hai, một giáo lý viên nói rằng ở Châu Phi, và ngay tại Congo, đời sống đức tin được lan truyền hay bị ngăn chặn, phần lớn tùy thuộc vào chứng tá, lòng nhiệt thành và hành trang được chuẩn bị của các giáo lý viên. Tuy nhiên, hoạt động dạy giáo lý đối mặt với những thách thức như thiếu nhân sự, tài chính, người trẻ bị khích động bởi bạo lực, tìm kiếm cuộc sống lạc thú và dễ dàng… Bạn mong ước các giáo lý viên sẽ luôn ý thức hơn về trách nhiệm của mình trong việc loan báo niềm hy vọng và dấn thân để làm chứng cho lời mình loan báo.
Năm ngón tay: năm thành phần cốt yếu để xây dựng tương lai tốt đẹp và hoà bình
Trong diễn văn đáp từ, Đức Thánh Cha mời gọi các bạn trẻ suy nghĩ về đôi bàn tay của mình, những đôi bàn tay độc đáo như mỗi người trong họ là kho báu độc nhất vô nhị, không thể lặp lại và không thể so sánh: đôi bàn tay này của tôi để làm gì? Để xây dựng hay phá hủy, để cho đi hay gom góp, để yêu thương hay ghét bỏ? Đó là chọn lựa của các bạn cho tương lai và hoà bình mà đất nước còn thiếu. Và Đức Thánh Cha chia sẻ với các bạn trẻ và các giáo lý viên 5 điểm quan trọng, là thành phần cốt yếu để xây dựng tương lai tốt đẹp và hoà bình.
Ngón cái: cầu nguyện
Trước hết, ngón tay cái, ngón gần trái tim nhất, tượng trưng cho kinh nguyện, là động lực trong cuộc sống của chúng ta. Đức Thánh Cha nói: “Cầu nguyện là thành phần đầu tiên, thành phần cơ bản cho tương lai, bởi vì chỉ tự mình chúng ta không thể thực hiện được. Chúng ta không toàn năng, và khi chúng ta nghĩ rằng mình toàn năng, chúng ta sẽ thất bại thảm hại.” Do đó, “chúng ta cần đâm rễ sâu trong cầu nguyện, trong việc lắng nghe Lời Chúa. Cầu nguyện là điều giúp chúng ta tăng trưởng mỗi ngày một cách sâu sắc, sinh hoa trái và biến đổi bầu khí ô nhiễm mà chúng ta hít thở thành khí oxy mang lại sự sống.”
Lời cầu nguyện sống động
Nhưng chúng ta cần lời cầu nguyện sống động. Đức Thánh Cha nhắc các bạn trẻ đừng trò chuyện với Chúa Giêsu như một thực thể xa vời và xa cách, như người khiến chúng ta sợ hãi, nhưng như một người bạn thân thiết nhất, người đã hy sinh mạng sống vì chúng ta. “Vì thế đừng sợ cầm lấy Thánh Giá trên tay và ôm vào ngực, trao những giọt nước mắt của các con cho Chúa Giêsu, và đừng quên chiêm ngắm khuôn mặt của Người, khuôn mặt của một Thiên Chúa trẻ trung, sống động và phục sinh! Vâng, Chúa Giêsu đã chiến thắng sự dữ, Người đã biến Thánh giá thành cây cầu dẫn đến sự phục sinh. Vì vậy, mỗi ngày hãy giơ tay lên ngợi khen và chúc tụng Người; hãy nói với Người những hy vọng trong lòng các con, hãy chia sẻ với Người những bí mật thầm kín nhất của cuộc đời: những người các con yêu thương, những vết thương các con mang trong lòng, những giấc mơ các con giữ trong tim. Hãy kể cho Người về khu phố, hàng xóm, thầy cô, bạn bè và đồng nghiệp của các con, đất nước của các con.”
Khi chúng ta cầu nguyện, Đúc Thánh Cha nói, chúng ta để cho Chúa can thiệp vào cuộc sống của chúng ta, ban cho chúng ta sức mạnh bình an của Người, là Chúa Thánh Thần, động lực của hòa bình, là sức mạnh thực sự của hòa bình. Đây là lý do tại sao cầu nguyện là vũ khí mạnh mẽ nhất hiện có. Nó mang đến cho chúng ta niềm an ủi và hy vọng của Chúa, luôn mở ra những khả năng mới và giúp vượt qua nỗi sợ hãi.
Ngón trỏ: cộng đoàn
Ngón trỏ được dùng để chỉ cho người khác một điều gì đó. Và Đức Thánh Cha giải thích rằng những người khác là cộng đoàn. Đây là thành phần thứ hai để xây dựng tương lai. Đức Thánh Cha nhắn nhủ các bạn trẻ “đừng để tuổi trẻ của mình bị hủy hoại bởi sự cô đơn và khép kín. Hãy luôn suy nghĩ cùng nhau và các con sẽ hạnh phúc, bởi vì cộng đoàn là cách để chúng ta cảm thấy hài lòng về bản thân, để trung thành với ơn gọi thực sự của mình.” Và ngài cảnh giác họ về “cám dỗ loại trừ một ai đó vì họ có nguồn gốc khác với các con; hãy cảnh giác với chủ nghĩa vùng miền, chủ nghĩa bộ lạc, hay bất cứ điều gì khiến các con cảm thấy an toàn trong nhóm của các con nhưng đồng thời lại không quan tâm đến đời sống cộng đồng.”
Xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn từ tha nhân, cộng đoàn
Đức Thánh Cha hỏi các bạn trẻ: “Đã bao giờ các con nói chuyện với những người từ các nhóm khác chưa hay luôn khép kín trong nhóm của mình? Các con đã bao giờ lắng nghe câu chuyện của người khác, đã biết được nỗi đau của họ chưa?” Ngài nói tiếp: “Tất nhiên, lên án ai đó thì dễ dàng hơn là hiểu họ; nhưng con đường mà Thiên Chúa chỉ ra để xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn thì lại đi từ tha nhân, từ tập thể, từ cộng đồng. Đó là xây dựng Giáo hội, mở rộng tầm nhìn, nhìn thấy tha nhân trong mọi người, quan tâm chăm sóc người khác.”
Thật buồn khi thấy những người trẻ dành hàng giờ trước điện thoại
Trước cám dỗ của lối sống ảo trên các mạng xã hội, Đức Thánh Cha nhận định rằng sống ảo thôi chưa đủ, chúng ta không thể hài lòng với việc giao tiếp với những người ở xa, thậm chí là giả mạo. “Chúng ta không thể chạm đến cuộc sống bằng một ngón tay trên màn hình. Thật buồn khi thấy những người trẻ dành hàng giờ trước điện thoại và rồi nếu các con nhìn vào khuôn mặt của họ, các con thấy rằng họ không cười, ánh mắt của họ có vẻ mệt mỏi và chán chường.” Ngài nhắn nhủ: “Không gì và không ai có thể thay thế được sức mạnh mà chúng ta có được khi ở bên nhau, ánh sáng của đôi mắt, niềm vui của sự chia sẻ! Nói chuyện và lắng nghe nhau là điều cần thiết… Vì vậy, mỗi ngày hãy cố dành thời gian ở bên nhau và cảm nghiệm vẻ đẹp của việc ngạc nhiên bởi những câu chuyện và trải nghiệm của họ.”
Và Đức Thánh Cha mời gọi các bạn trẻ nắm tay nhau và tưởng tượng mình là một Giáo hội, một dân tộc duy nhất, nhận ra mình có liên kết và phụ thuộc nhau và phúc lợi sẽ được gia tăng nhờ tập thể, mình được bảo vệ bởi người khác, mình có trách nhiệm với người khác và nhận ra mình là người không thể thiếu và có trách nhiệm đối với Giáo hội và đất nước.
Ngón giữa: sự trung thực
Ngón giữa, ngón cao nhất, nhắc chúng ta về điều cốt yếu, quan trọng để xây dựng tương lai, đó là sự trung thực! Đức Thánh Cha nói: “Trung thực có nghĩa là không bị vướng vào cạm bẫy của tham nhũng.
“Đừng để cho sự ác thắng được mình; nhưng hãy lấy thiện để thắng ác”
Để đánh bại căn bệnh ung thư tham nhũng dường như đang phát triển và không bao giờ dừng lại, Đức Thánh Cha nhắc lại lời thánh Phaolô: “Đừng để cho sự ác thắng được mình; nhưng hãy lấy thiện để thắng ác” (Rm 12,21), Ngài nhắc lại chứng tá của Floribert Bwana Chui, mười lăm năm trước, khi mới 26 tuổi, đã bị giết ở Goma vì đã chặn đường vận chuyển thực phẩm hư hỏng có thể gây hại cho sức khỏe của mọi người. Anh có thể dễ dàng nhắm mắt làm ngơ; không ai có thể phát hiện ra, thậm chí là anh có thể kiếm được lợi nhuận. Nhưng, vì anh là một Kitô hữu, anh đã cầu nguyện. Anh nghĩ đến người khác và anh chọn con đường lương thiện, nói không với sự dơ bẩn của tham nhũng. Đó là ý nghĩa của việc không chỉ giữ cho đôi tay của các con trong sạch, nhưng cả con tim trong sáng.
Ngón áp út: sự tha thứ
Ngón áp út là ngón yếu nhất, theo Đức Thánh Cha, nó nhắc nhở chúng ta rằng những mục tiêu mang lại cho chúng ta sự thỏa mãn lớn nhất trong cuộc sống, trên hết là tình yêu, đạt được qua sự yếu đuối, mệt mỏi và khó khăn.
Đức Thánh Cha nhắc rằng trong những lúc yếu đuối và trong những lúc khủng hoảng, sức mạnh giúp chúng ta tiến lên chính là sự tha thứ giúp chúng ta tiến lên. “Bởi vì tha thứ có nghĩa là có thể bắt đầu lại. Tha thứ không có nghĩa là quên đi quá khứ; nó có nghĩa không đầu hàng trước sự việc lặp đi lặp lại.”
Để tạo ra một tương lai mới, chúng ta cần tha thứ và đón nhận sự thứ tha. Đức Thánh Cha mời các bạn trẻ nghĩ về những người đã xúc phạm mình, và trước mặt Chúa, hãy tha thứ cho họ.
Ngón út: sự phục vụ
Cuối cùng, như ngón út, ngón bé nhỏ nhất, chúng ta có thể nghĩ điều mình làm chỉ là giọt nước trong đại dương. Nhưng Đức Thánh Cha nhấn mạnh, chìa khóa ở đây là sự phục vụ. Chính sự nhỏ bé, việc trở nên nhỏ bé của chúng ta đã thu hút Thiên Chúa.
Đừng bao giờ nản lòng!
Điều cuối cùng Đức Thánh Cha mời gọi những người trẻ và các giáo lý viên là “đừng bao giờ nản lòng! Ngài khích lệ họ khi sầu buồn, khi mất can đảm, hãy cầm lấy Phúc âm và nhìn vào Chúa Giêsu, Người sẽ ban cho chúng ta sức mạnh.
Sau khi cùng đọc kinh Lạy Cha và nhận lãnh phép lành từ Đức Thánh Cha, các bạn trẻ đã tặng Đức Thánh Cha các món quà lưu niệm.
Kết thúc buổi gặp gỡ, Đức Thánh Cha trở về Toà Sứ thần để nghỉ trưa trước khi tiếp tục các hoạt động vào ban chiều: gặp gỡ các Giám mục, linh mục và tu sĩ và sau đó, gặp gỡ riêng các tu sĩ dòng Tên.