Hồng Thủy – Vatican News
“Với con”: mầu nhiệm tình yêu
Khẩu hiệu của cuộc hành hương lần thứ 13 này là “với con”, một cụm từ được trích từ sách Ngôn sứ Isaia 41,10: “Đừng sợ hãi: Ta ở với con”. Đức Thánh Cha nói rằng chủ đề của cuộc hành hương – “với con” – đánh động ngài. Ngài nói rằng đây là một cụm từ gói gọn mầu nhiệm của sự sống của chúng ta, mầu nhiệm của tình yêu, như khi người cha, người mẹ nói với thai nhi “ta ở với con”, và cả khi họ cảm nhận được thai nhi nói với họ “con ở với mẹ/ với cha”.
Thiên Chúa ở “với chúng ta” qua Mình và Máu Đức Kitô
Hướng đến các lễ sinh, Đức Thánh Cha giải thích về ý nghĩa mới của cụm từ “với con”. Ngài nói rằng, đối với họ, những người phục vụ trong phụng vụ, Thiên Chúa là nhân vật chính của cụm từ “với con” thông qua Mình và Máu của Đức Kitô Con Thiên Chúa trong Thánh lễ.
Đức Thánh Cha nói: “Khi chúng ta Rước Lễ, chúng ta có thể cảm nghiệm rằng Chúa Giêsu ở ‘với chúng ta’ cách thiêng liêng và cách thể lý. Người nói với các con: ‘Ta ở với con’, không chỉ bằng lời nói, Người nói qua hành động đó, trong hành động của tình yêu là Thánh lễ. Và các con cũng thế, khi Rước Lễ, các con có thể nói với Chúa Giêsu: ‘Con ở với Ngài’, không chỉ bằng lời nói, nhưng bằng trái tim và thân xác, bằng tình yêu của các con. Nhờ điều này, Người ở với chúng ta và cả chúng ta cũng thật sự ở với Người”.
Chúng ta “ở bên” tha nhân
Và Đức Thánh Cha nói tiếp rằng nếu các lễ sinh, giống như Đức Maria, giữ trong trái tim và trong xác thịt mình mầu nhiệm Thiên Chúa ở cùng bạn, thì họ sẽ có khả năng ở bên người khác theo một cách thức mới. “Nhờ Chúa Giêsu, luôn luôn và chỉ nhờ Người, các con cũng có thể nói với người lân cận của mình rằng ‘tôi ở bên bạn’, không phải bằng lời nói, nhưng bằng việc làm, bằng cử chỉ, bằng trái tim, bằng sự gần gũi cụ thể: hãy khóc với người khóc, hãy vui với người vui, không phán xét và thành kiến, không khép kín, không loại trừ”.
Đức Thánh Cha mời gọi các lễ sinh hãy “ở cùng bạn” cả với người không thích chúng ta; “ở cùng bạn” với người khác với chúng ta; “ở cùng bạn” với người khách lạ; “ở cùng bạn” với người mà chúng ta cảm thấy không được thấu hiểu; “ở cùng bạn” với người không bao giờ đến nhà thờ; “ở cùng bạn” với người chúng ta cho rằng họ không tin vào Chúa. (CSR_3237_2024)