ĐTC Phanxicô chủ sự Thánh Lễ ở Verona: “Chúa Thánh Thần thay đổi cuộc sống của chúng ta”

Chủ sự Thánh lễ Vọng Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống ở Verona, Đức Thánh Cha Phanxicô nêu bật quyền năng biến đổi của Chúa Thánh Thần, và khuyến khích các Kitô hữu hãy cởi mở để Chúa Thánh Thần thay đổi tâm hồn họ.

Linda Bordoni

Chúa Thánh Thần là ai?

Trong bài giảng tự phát, Đức Thánh Cha bắt đầu bằng việc kể lại một câu chuyện trong Sách Công vụ Tông đồ, trong đó Thánh Phaolô đến thăm một cộng đoàn Kitô hữu và hỏi: “Anh em đã nhận được Chúa Thánh Thần chưa?” Câu trả lời của cộng đồng mà là: “Chúa Thánh Thần là ai?”

Đức Thánh Cha nói tiếp, sự thiếu hiểu biết này phản ánh sự hiểu biết của nhiều Kitô hữu hiện đại: “Tôi nghĩ rằng ngày nay, nếu tôi hỏi nhiều cộng đồng Kitô hữu rằng Chúa Thánh Thần là ai, họ sẽ không biết trả lời thế nào”.

Nhân vật chính của cuộc đời chúng ta

Đức Thánh Cha nói Chúa Thánh Thần là “nhân vật chính của cuộc đời chúng ta”. “Chúa Thánh Thần là Đấng thúc đẩy chúng ta tiến lên, giúp chúng ta tiến bộ, giúp chúng ta phát triển đời sống Kitô hữu”. Chúng ta đã được nhận Chúa Thánh Thần qua bí tích rửa tội và được củng cố hơn nữa bằng bí tích Thêm sức. Tuy nhiên, ngài nói với những người hiện diện: “Tôi có lắng nghe Chúa Thánh Thần ở trong tôi không?”

Lòng dũng cảm và sự chuyển hóa

Suy tư về Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, Đức Thánh CHa nhắc lại rằng các tông đồ ban đầu rất sợ hãi và ẩn mình sau những cánh cửa đóng kín. Tuy nhiên, khi nhận được Chúa Thánh Thần, họ đã được biến đổi: “Chúa Thánh Thần đã đến, thay đổi tâm hồn họ và họ đã can đảm ra đi rao giảng”.

Đức Thánh Cha nói rằng lòng can đảm này không chỉ dành cho các tông đồ mà còn cho tất cả các Kitô hữu. “Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta lòng can đảm để sống đời sống Kitô hữu, và vì lý do này, với lòng can đảm này, Người đã thay đổi cuộc đời chúng ta”. Đức Thánh Cha khuyến khích các tín hữu hãy “Lắng nghe Chúa Thánh Thần, cầu nguyện với Chúa Thánh Thần, và nếu đó là Người thay đổi cuộc sống của bạn, hãy tin tưởng vào Thánh Thần”.

Sự hòa hợp và hiệp nhất

Một khía cạnh quan trọng khác mà Đức Thánh Cha Phanxicô đề cập đến là vai trò của Chúa Thánh Thần trong việc thúc đẩy sự hòa hợp và hiệp nhất.

Ngài nói rằng vào Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, mọi người thuộc mọi quốc gia, ngôn ngữ và văn hóa đều hiện diện, Chúa Thánh Thần “xây dựng Giáo Hội” bằng cách quy tụ họ lại với nhau.

Tuy nhiên, ngài nói rõ: “Điều đó có làm cho mọi người giống nhau không? Không, tất cả đều khác nhau, nhưng cùng một trái tim, với tình yêu thương gắn kết chúng ta”.

Kêu gọi hành động

Trong suốt bài giảng “đối thoại” trong đó ngài đặt câu hỏi trực tiếp với cộng đoàn và khuyến khích họ tương tác với ngài, Đức Thánh Cha Phanxicô kết thúc bằng lời kêu gọi đón nhận quyền năng của Chúa Thánh Thần để mang lại sự biến đổi cá nhân và cộng đồng.

Trước hết, ngài nhớ lại cuộc trao đổi với một người lớn tuổi: “Cha ơi, con đã 90 tuổi rồi, không thể thay đổi được”. “Nhưng ông còn lại bao nhiêu ngày trong cuộc đời?” “Con không biết.” “Chỉ trong một ngày, Chúa Thánh Thần có thể thay đổi cuộc đời ông, có thể thay đổi trái tim ông”.

Và sau đó Đức Thánh Cha chỉ ra rằng sự hòa hợp là đối nghịch của chiến tranh: “Đối lập với hòa hợp là chiến tranh, đó là đấu đá lẫn nhau. Và khi có chiến tranh, khi chúng ta chiến đấu với nhau, liệu Chúa Thánh Thần có làm điều này hay không? Không! Chúa Thánh Thần tạo ra sự hòa hợp”.

Đức Thánh Cha viếng thăm nhà tù Montorio ở Giáo phận Verona

Sau cuộc Gặp gỡ “Đấu trường Hòa bình”, vào lúc 11 giờ 45 phút, Đức Thánh Cha đến thăm nhà tù Montorio để nói chuyện với các tù nhân và chia sẻ bữa trưa với họ. Trong bài nói chuyện, Đức Thánh Cha khích lệ các tù nhân không nản lòng, nhưng luôn biết bắt đầu lại. Bởi vì cuộc đời luôn đáng sống, sự hiện hữu của mỗi người rất quan trọng, là hồng ân duy nhất cho chúng ta và cho người khác, cho tất cả mọi người, và trên hết là cho Thiên Chúa,

 

Đức Thánh Cha nói với các tù nhân:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Cám ơn bà Giám đốc vì sự chào đón và tất cả anh chị em vì sự ấm áp, niềm vui và tình cảm mà anh chị em dành cho tôi. Xin chào tất cả những người làm việc trong trung tâm này: các quản giáo, các nhà giáo dục, nhân viên y tế, nhân viên hành chính và tình nguyện viên. Tôi cũng muốn chào tất cả nhữngai đang nhìn từ các cửa sổ. Tôi thực sự muốn gặp tất cả anh chị em.

Đối với tôi, bước vào nhà tù luôn là một khoảnh khắc quan trọng, bởi vì nhà tù là một nơi của nhân loại vĩ đại. Của nhân loại bị thử thách, đôi khi mệt mỏi vì những khó khăn, cảm giác tội lỗi, phán xét, hiểu lầm và đau khổ, nhưng đồng thời tràn đầy sức mạnh, mong muốn tha thứ, mong muốn cứu chuộc.

Và trong nhân loại này, ở đây, trong tất cả anh chị em, trong tất cả chúng ta, hôm nay khuôn mặt Chúa Kitô hiện diện, khuôn mặt Thiên Chúa của lòng thương xót và tha thứ. Anh chị em đừng quên điều này: Thiên Chúa tha thứ tất cả và luôn tha thứ, trong nhân loại này, ở đây, giữa anh chị em.

Chúng ta biết tình trạng trong các nhà tù, thường quá tải, với hậu quả là căng thẳng và khó khăn. Vì lý do này, tôi muốn nói với anh chị em rằng tôi gần gũi với anh chị em, và tôi lặp lại kêu gọi của tôi, đặc biệt là những người có thể hành động trong lĩnh vực này, tiếp tục làm việc để cải thiện đời sống trong tù. Có lần, một phụ nữ làm việc trong nhà tù và có mối quan hệ tốt với các tù nhân – nhưng đó là nhà tù dành cho nữ -, một người mẹ của một gia đình, một phụ nữ rất nhân văn, nói với tôi rằng bà rất sùng kính một vị thánh. “Nhưng vị thánh nào?” – “Cửa Thánh” – “Tại sao?” – “Đó là cánh cửa hy vọng”. Và tất cả anh chị em phải nhìn vào cánh cửa hy vọng này. Không có cuộc sống con người mà không có chân trời. Xin đừng đánh mất những chân trời sẽ được nhìn thấy qua cánh cửa hy vọng đó.

Theo tin tức nhận được từ đây, tôi đau buồn biết được rằng thật không may ở đây, gần đây, một số người, bằng một cử chỉ cực đoan, đã từ bỏ cuộc sống. Đây là một hành động khủng khiếp mà chỉ có sự tuyệt vọng và đau đớn không thể chịu đựng được mới có thể gây nên. Vì thế, trong lúc cùng cầu nguyện với các gia đình và tất cả anh chị em, tôi muốn mời gọi các anh chị em đừng nản lòng. Cuộc đời luôn đáng sống, và luôn có hy vọng cho tương lai, ngay cả khi mọi thứ dường như đang tắt dần. Sự hiện hữu của chúng ta, của mỗi người chúng ta, rất quan trọng, nó là một hồng ân duy nhất cho chúng ta và cho người khác, cho tất cả mọi người, và trên hết là cho Thiên Chúa, Đấng không bao giờ bỏ rơi chúng ta, và thực sự biết cách lắng nghe, vui mừng và khóc với chúng ta. Với Người ở bên cạnh, chúng ta có thể vượt qua nỗi tuyệt vọng. Và, như bà giám đốc đã nói, Thiên Chúa là một: nền văn hóa của chúng ta đã dạy chúng ta gọi Người bằng một tên, và một tên khác, và tìm thấy Người theo những cách khác nhau, nhưng Người là cùng một người cha của tất cả chúng ta. Là một. Và tất cả các tôn giáo, tất cả các nền văn hóa, đều nhìn vào một Thiên Chúa theo những cách khác nhau. Người không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Với Người ở bên cạnh, chúng ta và sống từng giây phút như là thời điểm thích hợp để bắt đầu lại.

Có một bài hát rất hay của người Piemonte mà tôi sẽ cố gắng dịch sang tiếng Ý như sau: “Trong nghệ thuật trèo lên cao, điều quan trọng không phải là không ngã mà là luôn đứng dậy”. Và với tất cả chúng ta, những người làm việc trong nhà tù này, kể cả với tư cách là tình nguyện viên, với các thành viên trong gia đình, với tất cả chúng ta, tôi xin nói một điều: chỉ được phép nhìn một người từ dưới một lần: để giúp họ đứng dậy. Do đó, trong những lúc tồi tệ nhất, chúng ta đừng đóng kín chính mình: chúng ta hãy nói với Chúa về nỗi đau của chúng ta và giúp nhau vượt qua, giữa những người bạn đồng hành trên hành trình và với những người tốt đang ở bên cạnh chúng ta. Xin giúp đỡ không phải là sự yếu đuối: chúng ta hãy làm điều đó với sự khiêm nhường và tin tưởng. Tất cả chúng ta đều cần nhau, và tất cả chúng ta đều có quyền hy vọng, vượt lên trên mọi lịch sử và mọi sai lầm hay thất bại.

Vài tháng nữa, Năm Thánh sẽ bắt đầu: một năm hoán cải, canh tân và giải thoát cho toàn thể Giáo hội; một năm của lòng thương xót, trong đó trút bỏ gánh nặng quá khứ hướng tới tương lai; trong đó tán dương khả năng thay đổi, để hiện hữu, khi cần thiết, trở lại thực sự là chính mình, trao ban điều tốt nhất. Mong sao đây cũng là một dấu chỉ giúp chúng ta đứng dậy và mỗi ngày nắm bắt lại cuộc sống của chúng ta, với sự tin tưởng.

Anh chị em thân mến, cám ơn anh chị em về cuộc gặp gỡ này. Chúng ta hãy tiếp tục bước đi cùng nhau, bởi vì tình yêu liên kết chúng ta vượt ra ngoài bất kỳ khoảng cách nào. Tôi nhớ đến anh chị em trong cầu nguyện và xin anh chị em cũng cầu nguyện cho tôi. Cám ơn anh chị em.

Sau cuộc gặp gỡ các tù nhân, Đức Thánh Cha dùng bữa trưa với các tù nhân. Tiếp đó, ngài đến sân vận động Bentegodi để cử hành Thánh lễ đồng tế tại đây vào lúc 3 giờ chiều.

Đức Thánh Cha gặp gỡ các linh mục và tu sĩ của Giáo phận Verona

Vào lúc 6 giờ rưỡi sáng thứ Bảy ngày 18/5/2024, từ Vatican, Đức Thánh Cha đáp trực thăng tới Verona, Bắc Ý, cách Roma 421 km, để dành trọn một ngày viếng thăm Giáo phận này.

Cuộc viếng thăm nằm trong khuôn khổ Lễ hội Học thuyết Xã hội của Giáo hội lần thứ 14, và kỷ niệm 1.650 năm ngày qua đời của Thánh Zeno thành Verona, Giám mục địa phương vào thế kỷ thứ 4 và là vị thánh bảo trợ thành phố.

Đến Verona vào lúc 8 giờ sáng, Đức Thánh Cha được Đức cha Domenico Pompili, Giám phục Verona và chính quyền địa phương đón tiếp. Sau đó, ngài đến Vương cung thánh đường Thánh Zeno gặp gỡ các linh mục và tu sĩ. Đức Thánh Cha nói với các linh mục và tu sĩ:

Bài nói chuyện của Đức Thánh Cha

Anh em linh mục thân mến,

Các tu sĩ nam nữ thân mến, chào buổi sáng!

Cám ơn anh chị em vì đã ở đây. Cám ơn Đức cha Domenico Pompili vì sự chào đón và tất cả những gì ngài đã làm với anh chị em. Thật là tốt đẹp khi chúng ta ở đây trong Vương cung thánh đường, một trong những thánh đường đẹp nhất ở Ý, nơi cũng đã truyền cảm hứng cho các nhà thơ như Dante và Carducci. Ở đây, khi nhìn lên trần nhà tráng lệ này chúng ta cảm thấy như thể chúng ta đang ở trên một con thuyền lớn, khiến chúng ta nghĩ đến mầu nhiệm của Giáo hội, con thuyền của Chúa giương buồn giữa biển lịch sử để mang niềm vui Tin Mừng đến cho tất cả mọi người.

Hình ảnh Tin Mừng này nhắc nhở chúng ta ít nhất hai điều mà tôi muốn cùng với anh chị em suy tư: thứ nhất là lời mời gọi, lời mời gọi được đón nhận và luôn được đón nhận; và thứ hai là sứ vụ, được thực hiện một cách táo bạo.

Trước hết, đón nhận lời mời gọi đã nhận. Khi bắt đầu sứ vụ ở Galilêa, Chúa Giêsu đi dọc theo bờ hồ và nhìn thấy một con thuyền và hai cặp anh em ngư phủ, cặp đầu tiên quăng chài xuống biển và hai người khác đang vá lưới trong thuyền. Người đến gần và gọi các ông đi theo Người (Mt 4,18-22; Mc 1,16-20). Chúng ta đừng quên điều này: ngay từ khởi nguồn của đời sống Kitô hữu có kinh nghiệm gặp gỡ Chúa, một cuộc gặp gỡ không tuỳ thuộc vào công trạng hay sự dấn thân của chúng ta, nhưng tùy thuộc vào tình yêu mà Người đến để tìm kiếm, gõ cửa trái tim và mời gọi chúng ta bước vào mối quan hệ với Người. Tôi tự hỏi và tôi hỏi anh chị em: tôi đã gặp Chúa chưa? Tôi có để cho Chúa gặp gỡ không? Hơn nữa, ngay từ khởi đầu của đời sống linh mục và thánh hiến, không có các ân sủng hay bất kỳ công trạng đặc biệt nào của chúng ta, nhưng có tiếng gọi ngạc nhiên của Chúa, cái nhìn thương xót của Người đã cúi xuống trên chúng ta và đã chọn chúng ta cho thừa tác vụ này, mặc dù chúng ta không tốt hơn những người khác, chúng ta tội lỗi như những người khác. Đó là ân sủng, sự nhưng không thuần khiết. Tôi thích những gì Thánh Augustinô đã nói: nhìn ở khía cạnh này và rồi khía cạnh khác, tìm kiếm công đức, và bạn sẽ không tìm thấy gì, chỉ có ân sủng. Là ân sủng thuần khiết, một hồng ân bất ngờ mở lòng chúng ta ra khiến chúng ta ngạc nhiên trước sự hạ mình của Thiên Chúa. Ân sủng làm ngạc nhiên: “Nhưng tôi chưa bao giờ tưởng tượng một điều như vậy…”. Ngạc nhiên khi chúng ta mở ra cho ân sủng và để Thiên Chúa hoạt động trong chúng ta.

Anh em linh mục thân mến, anh chị em tu sĩ thân mến: chúng ta cố gắng đừng bao giờ đánh mất sự ngạc nhiên của lời mời gọi! Nhớ đến ngày Chúa kêu gọi tôi.  Mỗi người nhớ rõ tiếng gọi như thế nào, hoặc ít ta tiếng gọi xảy ra lúc nào. Nhớ đến tiếng gọi mang lại cho chúng ta niềm vui. Chúng ta đừng quên lúc Chúa gọi. Sự ngạc nhiên được nuôi dưỡng bởi ký ức về hồng ân nhận được bởi ân sủng, một ký ức luôn sống động trong chúng ta.

Đây là nền tảng đầu tiên của sự tận hiến và thừa tác vụ của chúng ta: đón nhận lời kêu gọi đã lãnh nhận, đón nhận hồng ân mà Thiên Chúa đã làm chúng ta ngạc nhiên. Nếu chúng ta đánh mất nhận thức và ký ức này, chúng ta có nguy cơ, thay vì đặt Chúa lại đặt mình vào trung tâm; chúng ta có nguy cơ bị tác động mạnh mẽ bởi các dự án và hoạt động phục vụ mục tiêu của chúng ta nhiều hơn là Vương quốc Thiên Chúa; chúng ta cũng có nguy cơ sống hoạt động tông đồ theo luận lý tự đề cao chính mình và tìm kiếm sự đồng thuận, thay vì dành cuộc đời cho Tin Mừng và phục vụ Giáo hội cách nhưng không. Chính Người đã chọn chúng ta (Ga 15,16): nếu chúng ta nhớ điều này, ngay cả khi chúng ta cảm thấy sức nặng của sự mệt mỏi và thất vọng, chúng ta vẫn thanh thản và tin tưởng, chắc chắn rằng Người sẽ không để chúng ta tay không. Như các ngư phủ, được tôi luyện để kiên nhẫn, giữa những thách đố phức tạp của thời đại, chúng ta cũng được được mời gọi trau dồi thái độ nội tâm chờ đợi, kiên nhẫn, cũng như khả năng đối diện với những bất ngờ, những thay đổi, những rủi ro liên quan đến sứ vụ của chúng ta. Nhưng chúng ta có thể làm điều này bởi vì ngay từ đầu sứ vụ của chúng ta là lời kêu gọi của Chúa, và Người sẽ không để chúng ta một mình. Chúng ta có thể giăng lưới và chờ đợi với sự tin tưởng. Điều này cứu chúng ta, ngay cả trong những thời điểm khó khăn nhất; vì vậy chúng ta hãy nhớ đến lời kêu gọi, chúng ta hãy đón nhận lời mời này mỗi ngày, và chúng ta hãy ở lại với Chúa. Chúng ta biết rằng có những thời điểm khó khăn,  tăm tối. Trong những lúc như vậy, hãy nhớ tiếng gọi, tiếng gọi đầu tiên và ở đó chúng ta lấy lại sức mạnh.

Khi kinh nghiệm này đã bén rễ sâu trong chúng ta, thì chúng ta có thể táo bạo trong sứ vụ phải hoàn thành. Và tôi cũng nghĩ đến Biển Galilê, lần này sau khi Chúa Giêsu sống lại. Cũng trên bờ hồ đó, Người gặp lại các môn đệ và thấy họ thất vọng, cay đắng vì cảm giác thất bại, vì đi đánh cá “nhưng đêm đó họ không bắt được gì” (Ga 21, 3). Sau đó, Người đưa các ông ra khỏi sự cam chịu, khích lệ các ông thử giăng lưới một lần nữa; Và các ông “thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi vì lưới đầy những cá” (câu 6). Trong những lúc thất vọng, đừng dừng lại. Nhiều khi chúng ta quên điều này: không ai trong chúng ta, khi bắt đầu con đường này, Chúa đã nói rằng mọi sự sẽ tốt đẹp, an ủi. Không. Cuộc sống có rất nhiều khoảnh khắc vui vẻ nhưng cũng có những khoảnh khắc đen tối. Kháng cự. Khả năng, lòng dũng cảm để tiến về phía trước và lòng dũng cảm để chống lại.

Sự táo bạo là một ân ban mà Giáo hội này biết rõ. Thực ra, nếu có một đặc tính của các linh mục và tu sĩ ở Verona, thì đó chính là sự dám nghĩ dám làm, sáng tạo, có khả năng thể hiện lời ngôn sứ Tin Mừng. Đó là một tinh thần đã đánh dấu lịch sử của anh chị em: chỉ cần nghĩ đến dấu ấn để lại của rất nhiều linh mục, tu sĩ và giáo dân trong thế kỷ XIX, những người mà ngày nay chúng ta có thể tôn kính như những vị thánh và chân phước. Những chứng nhân đức tin có khả năng kết hợp việc loan báo Lời Chúa với sự phục vụ quảng đại và cảm thương người nghèo, với một “sự sáng tạo xã hội” đã dẫn đến sự ra đời của các trường đào tạo, bệnh viện, viện dưỡng lão, nhà đón tiếp và nơi tâm linh.

Nhiều vị thánh trong số này là những người đương thời, dấn thân trong lịch sử hỗn loạn của thời đại của các ngài, qua trí tưởng tượng bác ái được Chúa Thánh Thần linh hoạt, các vị đã cố gắng tạo ra một loại “tình huynh đệ thánh thiện”, có khả năng đáp ứng nhu cầu của những người bị gạt ra bên lề xã hội nhất và nghèo nhất và chăm sóc các vết thương của họ. Đừng quên điều này: những vết thương của Giáo hội, những vết thương của người nghèo. Đừng quên người Samaritan nhân hậu dừng lại và đến đó để chữa lành vết thương. Một đức tin đã được chuyển thành sự táo bạo của sứ vụ. Đây cũng là những gì chúng ta cần ngày nay: sự táo bạo trong việc làm chứng và rao giảng, niềm vui của một đức tin tích cực trong bác ái, sáng kiến của một Giáo hội biết cách nắm bắt các dấu chỉ của thời đại và đáp ứng nhu cầu của những người đang gặp khó khăn nhất. Tôi nhắc lại với tất cả mọi người, chúng ta phải mang đến sự dịu dàng của lòng Chúa thương xót.

Và về vấn đề này, anh em linh mục thân mến, tôi sẽ dừng lại ở một điều – tôi ngỏ lời với các linh mục là thừa tác viên của Bí tích Sám hối. Xin hãy tha thứ tất cả, tha thứ tất cả. Và khi mọi người đến xưng tội, đừng hỏi “nhưng, thế nào?…”, chẳng có gì cả. Và nếu anh em không thể hiểu vào lúc đó, hãy tiếp tục, Chúa đã hiểu. Nhưng đừng tra tấn các hối nhân. Hãy tha thứ tất cả. Tất cả. Và tha thứ không gây đau khổ, tha thứ bằng cách mở rộng trái tim để hy vọng. Tôi xin các linh mục điều này. Giáo hội cần sự tha thứ và anh em là công cụ để tha thứ. Chúng ta phải mang sự dịu dàng của lòng thương xót Chúa đến cho mọi người, đặc biệt đối với những người khao khát hy vọng, những người bị buộc phải sống bên lề, bị tổn thương bởi cuộc sống, hoặc bởi một số sai lầm đã phạm, hoặc bởi những bất công của xã hội, vốn luôn gây thiệt hại cho những người dễ bị tổn thương nhất.

Anh chị em đã thừa hưởng sự táo bạo của một đức tin tích cực trong bác ái từ lịch sử của anh chị em. Và vì thế với Thánh Phaolô tôi muốn nói với anh chị em: “Hãy làm việc thiện, đừng sờn lòng nản chí” (2 Tx 3,13). Đừng nản lòng: hãy mạnh dạn trong sứ vụ của mình, hãy biết trở thành một Giáo hội gần gũi, đến gần ngã tư đường, chữa lành vết thương, làm chứng cho lòng thương xót của Thiên Chúa. Chính bằng cách này mà con thuyền của Chúa, giữa những cơn bão của thế giới, có thể cứu được nhiều người có nguy cơ bị đắm tàu. Bão tố, như chúng ta biết, không thiếu trong thời đại chúng ta; nhiều cơn bão tố trong số đó xuất phát từ sự hám lợi, tham lam, tìm kiếm không kiểm soát để thỏa mãn chính mình, và được nuôi dưỡng bởi một nền văn hóa cá nhân, dửng dưng và bạo lực.

Theo nghĩa này, những lời của Thánh Zeno rất phù hợp: “Anh em thân mến, không phải là một lỗi đơn độc để cho mình bị mắc bẫy bởi xiềng xích của lòng tham. […] Nhưng kể từ khi cả thế giới bị thiêu đốt bởi ngọn lửa của bệnh dịch không thể dập tắt này, người ta tin rằng tính hà tiện không còn là một lỗi lầm. Mọi người đang lao đầu vào những lợi ích xấu xa. […] Đó là lý do tại sao các quốc gia sụp đổ do những vết thương gây cho nhau. Đối với chúng ta cũng có nguy cơ này: sự dữ trở nên “bình thường”, chúng ta đã quen với nó. Và thế là chúng ta trở thành đồng phạm! Trái lại, Thánh Zeno nói với người dân Verona: “Nhà của anh chị em mở cửa cho tất cả, người nghèo và người không có áo mặc. Giờ đây người nghèo của chúng ta không biết ăn xin thức ăn gì”. Có thể những lời này là đúng cho anh chị em ngày nay!

Anh chị em thân mến! Cám ơn anh chị em vì đã dâng cuộc đời cho Chúa và vì sự dấn thân của anh chị em cho việc tông đồ. Cách đây vài ngày, tôi được gặp gỡ với các linh mục đã “nghỉ hưu”, từ 40 năm làm linh mục trở lên, và tôi thấy những linh mục đã hiến dâng cuộc sống cho Chúa và có được sự khôn ngoan trong tâm hồn, tôi cũng nói với các linh mục này như vậy: cảm ơn các anh em vì sự dấn thân tông đồ. Hãy tiến về phía trước với lòng can đảm. Tốt hơn: chúng ta hãy tiến về phía trước với lòng can đảm! Chúng ta có ân sủng và niềm vui được ở bên nhau trên con tàu của Giáo Hội, giữa những chân trời tuyệt vời và những cơn bão đáng sợ, nhưng không sợ hãi, bởi vì Chúa luôn ở với chúng ta, và chính Người, hướng dẫn chúng ta, nâng đỡ chúng ta. Nhiệm vụ của chúng ta là đón nhận lời mời gọi và mạnh dạn trong sứ vụ. Như Thánh Daniel Comboni, một trong những vị thánh vĩ đại của anh chị em đã nói: “Thánh thiện và có khả năng. […] Có điều này mà không có điều kia thì chẳng có giá trị gì nhiều cho những ai đang hoạt động tông đồ. Người truyền giáo không thể lên thiên đàng một mình. Nếu đi một mình họ sẽ xuống địa ngục. Nhà truyền giáo phải lên thiên đàng cùng với những linh hồn được cứu. Vì vậy, trước tiên: thánh thiện, […] nhưng chưa đủ: cần phải có lòng bác ái” (Scritti, 6655).

Đây là những gì tôi mong muốn cho anh chị em và các cộng đoàn của anh chị em: một “sự thánh thiện có khả năng”, một đức tin sống động với lòng bác ái táo bạo gieo rắc Nước Thiên Chúa trong mọi tình huống của cuộc sống hàng ngày. Và nếu thiên tài của Shakespeare được truyền cảm hứng từ vẻ đẹp của nơi này để kể cho chúng ta nghe những câu chuyện đau khổ của hai người yêu nhau, bị ngăn cản bởi sự thù hận của gia đình hai bên, thì Kitô hữu chúng ta, được truyền cảm hứng bởi Tin Mừng, dấn thân gieo ở khắp mọi nơi một tình yêu: nơi đâu có hận thù, tôi đặt tình yêu, nơi đâu có hận thù, tôi gieo tình yêu. Một tình yêu mạnh hơn hận thù – ngày nay có quá nhiều hận thù trên thế giới – gieo một tình yêu mạnh hơn hận thù và mạnh hơn cái chết. Anh chị em hãy mơ về nơi này như thế, Verona, thành phố của tình yêu, không chỉ trong văn chương mà cả trong cuộc sống. Và xin tình yêu Thiên Chúa đồng hành và chúc lành cho anh chị em. Cám ơn anh chị em!

Vatican News

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *