ĐTC tiếp kiến chung 12.04.2023: Lòng nhiệt thành tông đồ của các tín hữu

 

Sáng thứ Tư, ngày 12 tháng Tư năm 2023, hơn 30.000 tín hữu hành hương đã đến tham dự cuộc gặp gỡ với Đức Thánh cha Phanxicô tại Quảng trường thánh Phêrô. Đây là buổi tiếp kiến chung hằng tuần đông đảo nhất từ đầu năm nay. Như thường lệ, Đức Thánh cha tiến ra quảng trường trước 9 giờ để chào thăm các tín hữu.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Buổi tiếp kiến mở đầu với bài đọc ngắn trích từ thư thánh Phaolô gửi tín hữu Êphêsô, chương 6 (13-15):

“Anh em hãy nhận lấy toàn bộ binh giáp vũ khí của Thiên Chúa; như thế anh em có thể vận dụng toàn lực để đối phó và đứng vững trong ngày đen tối. Vậy hãy đứng vững: lưng thắt đai chân lý, mình mặc áo giáp là sự công chính, chân đi giày là lòng hăng say loan báo Tin mừng bình an”.

Bài giáo lý

Trong bài huấn dụ tiếp đó, Đức Thánh cha đã tiếp tục loạt bài giáo lý về “sự hăng say loan báo Tin mừng: lòng nhiệt thành tông đồ của tín hữu”. Bài thứ mười này có tựa đề: “Các chứng nhân: Thánh Phaolô”. Đây là bài thứ hai nói về thánh tông đồ dân ngoại.

Đức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

“Sau khi đã thấy, cách đây hai tuần, lòng hăng say của thánh Phaolô đối với Tin mừng, hôm nay chúng ta có thể suy tư sâu hơn về lòng nhiệt thành đối với Tin mừng như chính thánh nhân đã mô tả trong vài lá thư.

Lòng nhiệt thành không đúng

“Do chính kinh nghiệm bản thân, thánh Phaolô không phải là không biết tới nguy hiểm của lòng nhiệt thành sai trái, đi theo một hướng đi lệch lạc; nguy hiểm này chính thánh nhân đã rơi vào trước khi Chúa quan phòng cho ngài ngã ngựa trên đường Damasco. Đôi khi chúng ta cũng gặp phải một sự sốt sắng lệch hướng, chỉ lo tuân giữ những quy luật hoàn toàn là phàm nhân và cũ kỹ đối với cộng đoàn Kitô. Thánh Tông đồ đã viết: Những người ân cần đối với anh chị em, nhưng không lương thiện” (Gl 4,17).

“Chúng ta không thể không biết đến sự mau mắn mà một số người tận tụy đối với vài việc sai trái, cả trong chính cộng đoàn Kitô; ta có thể tự hào về sự hăng hái không đúng đối với Tin mừng, nhưng trong thực tế, ta đang theo đuổi hư danh hoặc những xác tín riêng của mình.”

Khí giới tinh thần

“Đâu là những đặc tính của lòng nhiệt thành chân chính hợp Tin mừng theo thánh Phaolô? Tôi thấy là hữu ích văn bản mà chúng ta đã nghe đầu buổi tiếp kiến này, một danh sách “các võ khí” mà thánh Tông đồ chỉ rõ cho trận chiến tinh thần. Trong số những khí giới ấy, có thái độ sẵn sàng loan báo Tin mừng, mà một số người dịch là “lòng nhiệt thành”, và được mô tả là “một đôi giầy”. Tại sao? Làm sao mà sự hăng hái đối với Tin mừng gắn liền với điều được đặt ở chân? Hình ảnh biểu tượng này lấy lại một văn bản của ngôn sứ Isaia: “Đẹp thay những bước chân trên núi của sứ giả loan báo hòa bình, của người loan tin vui, loan truyền ơn cứu độ, nói với Sion: “Thiên Chúa của ngươi hiển trị” (62,7).

“Ở đây chúng ta cũng tìm thấy một sự tham chiếu về đôi chân người loan báo tin vui. Tại sao? Vì người đi loan báo phải bước đi! Nhưng chúng ta cũng nhận thấy rằng thánh Phaolô, trong đoạn văn này, nói về giày như thành phần của một mã giáp, tương tự với quân trang của một binh sĩ ra trận: trong các cuộc chiến đấu, điều cơ bản là có một sự hỗ trợ ổn định, để tránh những cạm bẫy của đất, vì nhiều khi đối phương gieo rắc những cạm bẫy ở chiến trường, và để có sức mạnh cần thiết hầu chạy và chuyển động theo chiều hướng đúng.

Cần “đi ra ngoài”, không khép kín

Lòng nhiệt thành Tin mừng là sự nâng đỡ cho việc loan báo, và những người loan báo phần nào cũng giống như những chân của thân mình Chúa Kitô là Giáo hội. Không có loan báo nếu không có chuyển động, không “đi ra ngoài”, không có sáng kiến. Ta không loan báo Tin mừng như người đứng yên, khép kín trong một văn phòng, nơi bàn làm việc hoặc nơi máy vi tính, bút chiến như “những con sư tử với bàn tính” và mạo nhận tinh thần sáng tạo của việc loan báo theo kiểu cắt dán các ý tưởng lấy từ chỗ này chỗ khác. Tin mừng được loan báo khi chuyển động, bước đi, tiến bước.

Thái độ sẵn sàng, có chuẩn bị

Từ mà thánh Phaolô sử dụng, để chỉ giầy của người loan báo Tin mừng là một từ tiếng Hy Lạp chỉ sự sẵn sàng, có chuẩn bị, mau mắn. Nó ngược với sự cẩu thả, không thể dung hợp với tình thương. Thực vậy, nơi khác thánh Phaolô nói: “Anh em đừng lười biếng về lòng nhiệt thành; trái lại hãy sốt sắng trong tinh thần, hãy phụng sự Chúa: (Rm 12,11). Thái độ này là điều mà sách Xuất Hành yêu cầu để cử hành hy tế giải phóng dịp Vượt Qua: “Đây là cách thức các ngươi ăn: lưng thắt đai, dép mang ở chân, tay cầm gậy; các ngươi hãy ăn vội vã. Đây là cuộc Vượt Qua của Chúa! Trong đêm nay ta sẽ đi qua” (12,11-12a).

“Một người loan báo sẵn sàng ra đi và biết rằng Chúa đi qua một cách không ngờ; vì thế, họ phải được giải thoát khỏi những khuôn mẫu và sẵn sàng đối với một hành động bất ngờ và mới mẻ. Ai loan báo Tin mừng thì không thể bị hoá thạch trong cái lồng của sự hợp lý hoặc trong thái độ “từ trước đến nay ta vẫn làm như vậy”, nhưng phải sẵn sàng theo sự khôn ngoan không thuộc thế gian này, như thánh Phaolô đã nói về chính mình: “Lời nói và việc rao giảng của tôi không dựa trên những diễn văn khôn ngoan thuyết phục, nhưng dựa trên sự biểu hiện của Thần Khí và quyền năng của Người, để đức tin của anh chị em không dựa trên sự khôn ngoan của phàm nhân, nhưng trên quyền năng của Thiên Chúa” (1 Cr 2,4-5).

Sẵn sàng đón nhận sự mới mẻ của Tin mừng

“Vì thế, điều quan trọng là có thái độ sẵn sàng đối với sự mới mẻ của Tin mừng. Thái độ này là một đà tiến, một sự đưa ra sáng kiến mới. Đó là không để vuột mất những cơ hội để công bố Tin mừng hòa bình, hòa bình mà Chúa Kitô biết mang lại tốt đẹp hơn thứ hòa bình mà thế gian ban tặng.”

Chào thăm và kêu gọi

Sau bài huấn giáo của Đức Thánh cha, buổi tiếp kiến được nối tiếp với phần tóm tắt bài giáo lý và những lời chào thăm của ngài.

Bằng tiếng Pháp, Đức Thánh cha đặc biệt chào thăm các giáo dân và người trẻ đến từ Thụy Sĩ và Pháp, đồng thời khuyến khích họ xin Chúa ban ơn trở thành một Giáo hội đi ra ngoài, cộng đồng các môn đệ thừa sai đưa ra sáng kiến và dấn thân loan báo Tin mừng hòa bình và thương xót.

Khi chào các tín hữu Ba Lan, Đức Thánh cha nhắc nhở rằng: “Chúng ta sắp cử hành Chúa nhật Lòng Thương Xót của Chúa, do thánh Gioan Phaolô II thiết lập, theo ý Chúa Giêsu muốn, qua thánh nữ Faustina Kowalska, cách đây gần một thế kỷ. Ngày nay, thế giới ngày càng bị thử thách vì chiến tranh và xa lìa Thiên Chúa, chúng ta càng cần Lòng Thương Xót của Chúa Cha. Vì thế, chúng ta hãy dâng lời cầu nguyện với Chúa Kitô: “Vì cuộc khổ nạn của Chúa, xin thương xót chúng con và toàn thế giới”.

Bằng tiếng Ý, Đức Thánh cha đặc biệt chào 20 phó tế của Dòng Tên mới thụ phong ở Roma, chiều ngày thứ Ba, 11 tháng Tư vừa qua. Trong số các phó tế ấy cũng có ba thầy người Việt. Đức Thánh cha khuyên các thầy mỗi người hãy trung thành bước theo Thầy Chí Thánh.

Ngài cũng nêu danh tính nhiều cộng đoàn hiện diện tại buổi tiếp kiến, đặc biệt là các thiếu niên thuộc Tổng giáo phận Milano và nhắn nhủ các em sống trọn vẹn sứ điệp Phục sinh, luôn trung thành với bí tích rửa tội đã nhận lãnh và vui mừng làm chứng về Chúa Kitô đã chịu chết và sống lại vì chúng ta.

Sau cùng, Đức Thánh cha nói: “Như thường lệ, tôi nghĩ đến các bạn trẻ, bệnh nhân và người cao niên cũng như các đôi tân hôn. Tôi mời gọi anh chị em hãy sống mùa Phục sinh này với cái nhìn hướng về Chúa Kitô sống lại, Đấng đã chịu hiến tế vì chúng ta và vì phần rỗi chúng ta. Và chúng ta hãy kiên trì cầu nguyện cho Ucraina đau thương”.

Buổi tiếp kiến chung kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành của Đức Thánh cha.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *