1. Đức Bênêđíctô XVI được tặng cảnh Chúa Giáng Sinh từ quê hương Bavaria

Giáo hoàng danh dự Benedict XVI đã nhận được cảnh Chúa Giáng Sinh từ quê hương Bavaria của ngài vào hôm thứ Tư.

Một hiệp hội chuyên duy trì và quảng bá cảnh Chúa Giáng Sinh đã tặng Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein, thư ký riêng của Đức Bênêđíctô XVI, hai máng cỏ Giáng Sinh. Theo CNA Deutsch, đối tác tin tức tiếng Đức của CNA, một máng cỏ dành cho vị giáo hoàng người Đức đã nghỉ hưu và máng cỏ còn lại dành cho Đức Thánh Cha Phanxicô.

Việc trao tặng các máng cỏ Giáng Sinh đã diễn ra trong chuyến hành hương đến Rôma của các thành viên trong Hiệp Hội Verband Bayerischer Krippenfreunde, do Đức Ông Martin Martlreiter, chủ tịch của Hiệp Hội dẫn đầu.

Nhóm này có sự tham gia của Đức Cha Rudolf Voderholzer, Giám Mục của Regensburg, một giáo phận ở Bavaria, một tiểu bang ở phía đông nam của Đức được biết đến như một trung tâm Công Giáo.

Đức Cha Voderholzer đã gặp Đức Bênêđíctô XVI vào ngày 8 tháng 12, Lễ trọng Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội, tại Vatican.

Giáo phận Regensberg đã đăng các bức ảnh trên tài khoản Twitter của mình cho thấy vị giáo hoàng 94 tuổi đang ngồi giữa Đức Giám Mục Voderholzer và Đức Tổng Giám Mục Gänswein, người đang cầm một trong hai máng cỏ Giáng Sinh.

Đức Bênêđíctô XVI sinh ngày 16 tháng 4 năm 1927, một ngày Thứ Bảy Tuần Thánh, tại làng Marktl am Inn ở Bavaria.

Các thành viên của hiệp hội Bavaria cũng đã tham gia cuộc triển lãm hàng năm “100 cảnh Chúa Giáng Sinh tại Vatican”, được tổ chức dưới một phần của hàng cột nổi tiếng Bernini, bao quanh quảng trường Thánh Phêrô.

Đức Ông Martlreiter cho biết: “Nhờ sự hỗ trợ của Đức Giám Mục Rudolf Voderholzer, chúng tôi đã có thể tham gia triển lãm quốc tế về Chúa Giáng Sinh dưới các cột trụ của Bernini trong năm nay”.

Các máng cỏ Giáng Sinh được trao tặng cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô đã được bao phủ bởi tuyết.

Đức Ông Martlreiter cho biết: “Tuyết là hình ảnh tự nhiên, và có một ý nghĩa rất đặc biệt ở các quốc gia phía bắc của dãy Alps”


Source:Catholic News Agency

2. Các buổi lễ Giáng Sinh của Vatican bị hạn chế do lo ngại về biến thể Omicron

Trong năm thứ hai của đại dịch coronavirus quỷ quái này, các hạn chế đã được đặt ra đối với các cử hành phụng vụ Giáng Sinh của Vatican do những lo ngại tiếp tục tại Vatican về COVID-19.

Phát ngôn viên của Vatican, Matteo Bruni, nói với tờ National Catholic Register hôm 9 tháng 12 rằng ông tin rằng số lượng tín hữu có thể tham gia các nghi lễ do Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành tại Đền Thờ Thánh Phêrô trong thời gian lễ hội sẽ bị “hạn chế” như đã xảy ra vào năm ngoái.

Tuy nhiên, trong khi Vatican vẫn duy trì chính sách Thẻ Xanh – tức là yêu cầu bằng chứng về việc tiêm phòng, hay sự phục hồi gần đây khỏi COVID-19 hoặc xét nghiệm âm tính đối với các du khách và nhân viên – thì yêu cầu này dự kiến sẽ được miễn cho những người tham dự các buổi cử hành và các buổi tiếp kiến chung của Đức Giáo Hoàng.

Tất cả các lễ kỷ niệm phụng vụ Giáng Sinh cũng sẽ được phát trực tiếp trên phương tiện truyền thông xã hội và các nền tảng khác.

Thánh lễ Vọng Giáng Sinh, do Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành tại Đền Thờ Thánh Phêrô, sẽ bắt đầu lúc 7h30 chứ không phải 9h30 theo thông lệ. Trong kỳ Giáng Sinh năm ngoái, lệnh giới nghiêm được áp đặt từ 10 giờ tối đến 5 giờ sáng. Tuy nhiên năm nay lệnh này không còn hiệu lực nữa nên không rõ tại sao thánh lễ này vẫn diễn ra quá sớm.

Chỉ một vài trăm tín hữu được phép tham dự Thánh lễ Canh thức Giáng Sinh năm ngoái tại Bàn thờ Ngai Tòa của Đền Thờ Thánh Phêrô, nhưng không chắc con số sẽ bị hạn chế nghiêm trọng như thế trong năm nay.

Vào trưa ngày Giáng Sinh, theo truyền thống, Đức Thánh Cha sẽ ban phép lành và đọc thông điệp “Urbi et Orbi” cho Rôma và toàn Thế giới. Năm nay, theo thông lệ, nó sẽ diễn ra tại ban công của Đền Thờ Thánh Phêrô, chứ không giống như năm 2020 khi được truyền trực tiếp từ bên trong điện tông tòa, mặc dù điều này vẫn chưa được xác nhận.

Mối quan tâm đối với người di cư, nạn nhân của các cuộc xung đột trên toàn thế giới và đề cập đến các điểm rắc rối toàn cầu khác có thể sẽ hình thành nội dung thông điệp của ngài, như những năm trước.

Vào ngày 31 tháng 12, Đức Giáo Hoàng sẽ chủ trì buổi hát Kinh Chiều Tạ ơn vì những ơn lành trong năm qua tại Đền Thờ Thánh Phêrô lúc 5 giờ chiều. Điều này sẽ được tiếp nối vào ngày đầu tiên của năm mới với Lễ trọng Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa – cũng là Ngày Thế giới Hòa bình lần thứ 55 – khi Đức Giáo Hoàng cử hành Thánh lễ lúc 10 giờ sáng tại Đền Thờ Thánh Phêrô.

Cũng được lên lịch tại Đền Thờ Thánh Phêrô là thánh lễ Hiển Linh do Đức Giáo Hoàng cử hành ngày 6 tháng Giêng lúc 10 giờ sáng.

Vào ngày 9 tháng Giêng lúc 9:30 sáng, tại Nhà nguyện Sistina, Đức Giáo Hoàng sẽ dâng Thánh lễ Lễ Chúa Giêsu Chịu phép Rửa, và theo thông lệ, ngài sẽ rửa tội cho một nhóm trẻ em của các nhân viên Vatican.

Ngoài các sự kiện phụng vụ, Vatican sẽ tổ chức Hòa nhạc Giáng Sinh lần thứ 29 vào ngày 16 tháng 12 tại Đại Thính Đường Phaolô Đệ Lục, một sự kiện bác ái mà số tiền thu được, trong vài năm qua, dành cho các dự án do Quỹ Scholas Occurrentes và Don Bosco đảm trách.

Các nghệ sĩ năm nay sẽ bao gồm ca sĩ người Jamaica Shaggy, nghệ sĩ thổi sáo Ian Anderson và ca sĩ Indonesia Anggun. Những người nổi tiếng trước đây bao gồm các ca sĩ Susan Boyle, Lionel Richie và Bonnie Tyler. Từ năm 2007 đến 2017, buổi hòa nhạc diễn ra bên ngoài Vatican sau khi một loạt nghệ sĩ gây ra tai tiếng bằng cách sử dụng sự kiện này để đưa ra những tuyên bố chỉ trích Giáo hội hoặc các giáo huấn đạo đức của Giáo Hội.

Vào ngày 23 tháng 12, lúc 10 giờ sáng, Giáo hoàng sẽ gửi lời chào truyền thống của mình tới Giáo triều Rôma tại sảnh đường Clementê ở Vatican, không thay đổi so với năm ngoái. Cả Đức Phanxicô và Đức Bênêđíctô XVI đã sử dụng dịp này để có những bài phát biểu quan trọng trong quá khứ.

Vatican bắt đầu bước vào không khí Giáng Sinh khi cây thông Noel được thắp sáng và cảnh Chúa Giáng Sinh ở quảng trường Thánh Phêrô được khánh thành bởi Đức Tổng Giám Mục Fernando Vérgez Alzaga và Sơ Raffaella Petrini, thống đốc và thư ký của Chính quyền Thành phố Vatican.


Source:National Catholic Register

3. Nhật ký trừ tà số 167: Cuộc chiến tâm linh tiềm ẩn trong nạn phá thai

Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài vừa có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #167: The Underlying Spiritual Warfare in Abortion”, nghĩa là “Nhật ký trừ tà số 167: Cuộc chiến tâm linh tiềm ẩn trong nạn phá thai”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Tôi đang ở giữa một cuộc biểu tình chống phá thai. Có hàng trăm người ủng hộ cuộc sống và một số ít người biểu tình ủng hộ phá thai. Chúng tôi đang ở phía trước của một địa điểm mà nhiều điều ác và cái chết đã được tạo điều kiện thuận lợi. Tôi là một người kín đáo với khẩu trang che mặt và áo khoác kéo dài tới cổ vào ngày se lạnh đó.

Tôi bắt đầu đọc một cách kín đáo những lời cầu nguyện giải thoát của Đức Lêô XIII. Sau một vài phút, tôi bắt đầu trải nghiệm một số căng thẳng về mặt tâm linh. Vì vậy, tôi nghĩ rằng những lời cầu nguyện đã đạt được hiệu quả và rất quan trọng. Vì vậy, tôi bắt đầu cầu nguyện lần thứ hai với sự tập trung cao độ hơn nữa. Lần này tôi bao gồm rõ ràng tên của những con quỷ đôi khi liên quan đến việc phá thai: Baphomet, Baal, Moloch, Abyzou và tôi nói thêm, “Tất cả những con quỷ phá thai” theo sau lời cầu khẩn Đức Mẹ Guadalupe, Đấng Bảo trợ của Những đứa trẻ chưa sinh.

Nhanh chóng một nhóm những người ủng hộ việc phá thai di chuyển đến cạnh tôi và bắt đầu hô to khẩu hiệu của họ. Phải chăng chỉ là một chuyện tình cờ? Chắc là không. Tiếng hò hét của họ đinh tai nhức óc khiến tôi rất khó tập trung và khó nhớ những lời cầu nguyện mà tôi đã đọc theo trí nhớ. Đó là một cuộc đấu tranh thực sự.

Một nhóm thanh niên ủng hộ cuộc sống đã đến và bắt đầu hò reo những khẩu hiệu ủng hộ cuộc sống của chính họ. Tôi thấy, trong họ, các Quyền năng thiên thần đến giải cứu tôi. Khá nhanh chóng, nhóm ủng hộ phá thai tan biến và mọi sự trở nên yên tĩnh trở lại. Tôi đã có thể tiếp tục và hoàn thành những lời cầu nguyện.

Thánh Phaolô căn dặn chúng ta: “Vì chúng ta chiến đấu không phải với phàm nhân, nhưng là với những quyền lực thần thiêng, với những thế lực thống trị thế giới tối tăm này, với những thần linh quái ác chốn trời cao”(Ep 6:12). Cuộc chiến chống phá thai được tiến hành ở nhiều cấp độ, nhưng chúng ta không nên đánh giá thấp cuộc chiến tâm linh tiềm ẩn. Vào buổi sáng se lạnh đó, tôi đã trải qua điều đó. Tôi cũng có kinh nghiệm rằng các thiên thần thánh thiện không bao giờ ở xa và nhanh chóng đến trợ giúp chúng ta.


Source:Catholic Exorcism