Quỹ Centesimus Annus Pro Pontifice được Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II thành lập vào năm 1993, nhân dịp kỷ niệm 100 năm Thông điệp Rerum Novarum của Đức Lêô XIII (1891), văn kiện đặt nền móng cho Học thuyết Xã hội Công giáo. Tên gọi Centesimus Annus nghĩa là “Năm thứ 100” – ám chỉ Thông điệp Centesimus Annus (1991) của chính Đức Gioan Phaolô II, đánh dấu thế kỷ ảnh hưởng của Học thuyết này.
Roma, 17/5/2025 – Vatican News
Trong buổi tiếp kiến riêng vào ngày bế mạc Hội nghị Quốc tế và Đại hội thường niên của Quỹ Centesimus Annus Pro Pontifice (15–17/5/2025), Đức Thánh Cha Lêô XIV đã mời gọi các thành viên của Quỹ hãy dấn thân phát triển Học thuyết Xã hội của Giáo hội “cùng với Dân Thiên Chúa, trong thời đại đầy biến động hiện nay, qua việc lắng nghe chăm chú và đối thoại cởi mở với mọi người”.
Xây dựng những nhịp cầu đối thoại
Đức Thánh Cha gợi nhắc lại sứ điệp ngài đã chia sẻ ngay trong đêm được bầu chọn Giáo hoàng: “Hãy xây dựng những nhịp cầu – qua đối thoại, qua gặp gỡ – để hiệp nhất mọi người thành một dân duy nhất, luôn trong bình an.”
Ngài nhấn mạnh rằng sứ mạng này không thể là điều ngẫu nhiên hay mang tính ứng biến, nhưng đòi hỏi phải kết hợp giữa ơn thánh và sự tự do.
Một thời đại của “đa khủng hoảng”
Đức Thánh Cha Lêô XIV cũng nhắc lại vị tiền nhiệm – Đức Giáo Hoàng Lêô XIII – người được xem là “cha đẻ của Học thuyết Xã hội Công giáo” với Thông điệp Rerum Novarum, đã tìm cách góp phần xây dựng hòa bình bằng cách thăng tiến đối thoại xã hội giữa những biến động của thời đại ngài.
Ngài lưu ý rằng thế giới hôm nay không hề kém phần thách đố. Trích lời Đức Thánh Cha Phanxicô, ngài gọi hiện tại là thời kỳ của “đa khủng hoảng” – gồm chiến tranh, biến đổi khí hậu, bất bình đẳng gia tăng, di dân cưỡng bức, nghèo đói và sự suy giảm các quyền cơ bản.
Trước những khủng hoảng ấy, Học thuyết Xã hội của Giáo hội trở thành chìa khóa giải mã thực tại, nối kết giữa khoa học và lương tâm.
Ngài khẳng định: “Quan trọng hơn chính các vấn đề là cách chúng ta đáp lại chúng – bằng những nguyên tắc đạo đức, các tiêu chí phân định lành mạnh và sự mở lòng đón nhận ơn Chúa.”
Học thuyết Xã hội giữa thế giới kỹ thuật số
Đức Thánh Cha Lêô XIV đặc biệt cảnh báo về những nguy cơ trong kỷ nguyên kỹ thuật số, khi đối thoại bị bỏ quên, còn những tiếng nói phi lý thì lan truyền tin giả và những lập luận cuồng tín.
Vì thế, ngài tha thiết kêu gọi cần tái khám phá và làm triển nở sứ mạng giáo dục tư duy phản biện, nhấn mạnh rằng: “Việc học tập và suy tư nghiêm túc là thiết yếu – cũng như những cuộc gặp gỡ và lắng nghe người nghèo.”
“Người nghèo là kho tàng của Hội Thánh”
Ngài khẳng định rằng: “Người nghèo là kho tàng của Giáo hội và của nhân loại, bởi nơi họ chứa đựng những cái nhìn thường bị loại trừ, nhưng lại là thiết yếu để có thể nhìn thế giới bằng ánh mắt của Thiên Chúa.”
“Hãy lên tiếng thay cho người nghèo” – Đức Thánh Cha nhấn mạnh. Ngài mời gọi Quỹ Centesimus Annus hãy “chủ động và sáng tạo tham gia vào tiến trình phát triển Học thuyết Xã hội của Giáo hội, cùng với Dân Chúa, trong thời đại đầy biến động hôm nay, nhờ vào sự lắng nghe chăm chú và đối thoại rộng mở với hết thảy mọi người.”