1. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đang dưỡng bệnh hội đàm với chủ tịch Cuba tại Vatican
Đức Thánh Cha Phanxicô, trong tuần đầu tiên trở lại Vatican sau ca phẫu thuật bụng, đã gặp gỡ hôm thứ Ba với chủ tịch Cuba, như một phần trong sự chú ý của Tòa thánh đối với quốc đảo Caribe do cộng sản lãnh đạo.
Tuyên bố ngắn gọn của Tòa Thánh về cuộc gặp riêng với Chủ tịch Miguel Diaz-Canel không đưa ra chi tiết về những gì Đức Thánh Cha và nhà lãnh đạo Cuba đã thảo luận. Nhưng tuyên bố đã đề cập đến “tầm quan trọng của mối quan hệ ngoại giao giữa Tòa thánh, gợi lên trong số những điều khác chuyến thăm lịch sử của Thánh Gioan Phaolô II vào năm 1998,” và cuộc gặp sau đó với Quốc vụ khanh của Vatican, Hồng Y Pietro Parolin.
Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh và nhà lãnh đạo Cuba cũng đã thảo luận về “tình hình của Cuba và sự đóng góp mà Giáo hội mang lại, đặc biệt là trong lĩnh vực bác ái”, tuyên bố cho biết. Cuba đã và đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng kinh tế.
Đức Phanxicô đã đến thăm Cuba vào năm 2015, như một phần trong nỗ lực của Vatican nhằm khuyến khích các mối quan hệ quốc tế tốt đẹp hơn. Nhiệm vụ đó bao gồm cuộc hành hương của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II năm 1998, là chuyến hành hương đầu tiên của một giáo hoàng đến Cuba.
Đức Hồng Y Parolin và Diaz-Canel cũng thảo luận về “một số chủ đề quốc tế về lợi ích chung,” nhưng Vatican không chỉ rõ chủ đề nào. Tòa Thánh cho biết “Tầm quan trọng của việc tiếp tục cam kết luôn ủng hộ lợi ích chung” cũng được nhấn mạnh.
Các bác sĩ đã thúc giục Đức Thánh Cha Phanxicô, 86 tuổi, giảm bớt các hoạt động khi ngài hồi phục sau ca phẫu thuật vào ngày 7 tháng 6 để sửa chữa chứng thoát vị và loại bỏ vết sẹo đau đớn từ các ca phẫu thuật trước đó.
Nghe theo lời khuyên của họ, Đức Phanxicô sẽ không tổ chức buổi tiếp kiến truyền thống vào sáng Thứ Tư với những người hành hương và khách du lịch tại Quảng trường Thánh Phêrô trong tuần này. Các cuộc hẹn hàng tuần trong các mùa hè vừa qua đã bị đình chỉ trong tháng 7, do thời tiết nóng bức và để Đức Thánh Cha có chút thời gian nghỉ ngơi.
Ở cuối đại lộ dẫn đến quảng trường Thánh Phêrô, một số người đã biểu tình phản đối việc Đức Giáo Hoàng tiếp đón nhà lãnh đạo Cuba. Những người tham gia cuộc biểu tình yêu cầu nhân quyền được tôn trọng ở Cuba và trả tự do cho các tù nhân chính trị ở đó.
Đầu năm nay, một phái viên của Đức Giáo Hoàng tại Cuba đã thúc ép chính quyền Cuba trả tự do cho những người Cuba đã bị bỏ tù và ân xá cho những người bị kết án vì tham gia các cuộc biểu tình trên đảo vào năm 2021.
Thánh Gioan Phaolô II đã sử dụng chuyến hành hương đến Cuba để khuyến khích quốc gia này cởi mở hơn với thế giới và để các quốc gia khác đáp lại.
Nhìn chung, Vatican bày tỏ sự hoài nghi đối với tác dụng của các biện pháp trừng phạt kinh tế, chẳng hạn như những biện pháp do chính quyền Hoa Kỳ áp dụng đối với Cuba.
Source:AP
2. Mạc Tư Khoa, ‘sự quan tâm và kỳ vọng cho chuyến thăm của Zuppi’
“Có sự quan tâm và kỳ vọng từ phía chính phủ Nga” đối với chuyến thăm có thể xảy ra tới Mạc Tư Khoa của Đức Hồng Y Matteo Zuppi, đặc phái viên của Vatican về sáng kiến hòa bình cho Ukraine. Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Nga Maria Zakharova cho biết như trên.
Diễn biến này xảy ra sau khi bà ta nói hai tuần trước đó rằng Mạc Tư Khoa không quan tâm và không có bất cứ chuẩn bị nào cho một chuyến viếng thăm như thế.
“Chúng tôi đánh giá cao quan điểm cân bằng của Vatican và quan điểm do đích thân Đức Giáo Hoàng đề xướng,” Zakharova.
Sự thay đổi thái độ của Nga dường như đã diễn ra sau chuyến viếng thăm Putin của các nhà lãnh đạo Phi Châu.
Trong một thông cáo báo chí đưa ra sau chuyến viếng thăm này, Điện Cẩm Linh đã cố gắng tô vẽ Ukraine là quốc gia hiếu chiến và Nga là đất nước yêu chuộng hòa bình, bất chấp một thực tế hiển nhiên rằng Nga là nước xâm lược Ukraine.
Phát ngôn nhân của Điện Cẩm Linh, Dmitry Peskov, cho biết Nga nhận thấy rất ít cơ hội đàm phán hòa bình với Ukraine do lập trường của Kyiv về vấn đề này bất chấp những nỗ lực mang tính xây dựng của phái bộ hòa bình Phi Châu.
Ông Peskov cho biết Tổng thống Nga, Vladimir Putin, đã có các cuộc hội đàm “rất hiệu quả” với các nhà lãnh đạo Phi Châu vào hôm thứ Bảy và vẫn sẵn sàng đối thoại với các quốc gia và các tổ chức khác về hoạt động quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Nhưng ông nói với các phóng viên rằng cái mà ông gọi là lập trường lịch sử của Kyiv có nghĩa là “người ta khó có thể nói về những cơ sở ổn định” cho các cuộc đàm phán hòa bình.
Cơ sở ổn định cho cuộc đàm phán hòa bình là gì? Dmitry Medvedev, nguyên tổng thống Nga, và hiện là phó chủ tịch Hội Đồng An Ninh quốc gia Nga có một câu trả lời thẳng thừng.
Sau khi Tổng thống Zelenskiy đưa ra kế hoạch hòa bình 10 điểm tại hội nghị G20 tại Bali Indonesia hôm 14 tháng 11 năm ngoái, Medvedev nói 10 điểm là nhiều quá, ông ta có một kế hoạch hòa bình chỉ có một điểm duy nhất đó là Ukraine buông súng đầu hàng vô điều kiện.
Source:Sismografo
3. Đức Giáo Hoàng Phanxicô bổ nhiệm Đức Hồng Y Ghirlanda kế vị Đức Hồng Y Burke làm Hồng Y bảo trợ Dòng Malta
Hôm thứ Hai, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Hồng Y Gianfranco Ghirlanda, dòng Tên, kế vị Đức Hồng Y Raymond Burke làm Hồng Y bảo trợ của Dòng Malta.
Vatican đã công bố vào ngày 19 tháng 6 rằng vị Hồng Y Dòng Tên 80 tuổi sẽ đảm nhận vai trò là “Cardinalis Patronus”, đại diện của Đức Giáo Hoàng tại Dòng Malta, chịu trách nhiệm thúc đẩy lợi ích tinh thần của nhà Dòng với 13.500 thành viên.
Đức Hồng Y Ghirlanda đã đóng một vai trò tích cực trong cuộc cải cách của Dòng Malta. Ngài là thành viên của nhóm soạn thảo hiến pháp mới của Dòng và đã nói chuyện rất lâu với Đức Thánh Cha về tiến trình này, cùng với Đức Hồng Y Silvano Maria Tomasi, đặc sứ gần đây nhất của Dòng.
Dòng quân sự có chủ quyền của Malta vừa là một dòng tu giáo dân của Giáo Hội Công Giáo vừa là một quốc gia có chủ quyền tuân theo luật pháp quốc tế.
Vào năm 2017, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ra lệnh cải cách cả đời sống tôn giáo và hiến pháp của dòng. Ngài đã phê duyệt điều lệ hiến pháp mới và các quy định vào năm ngoái.
Đức Hồng Y Burke, một Hồng Y người Mỹ 74 tuổi, đã phục vụ với tư cách là Hồng Y bảo trợ của Dòng Malta từ năm 2014. Tuy nhiên, khi Đức Tổng Giám Mục Angelo Becciu được bổ nhiệm vào năm 2017 với tư cách là Đặc Sứ của Đức Giáo Hoàng để giám sát việc cải cách dòng này, Đức Hồng Y Burke chỉ còn giữ chức vụ trên danh nghĩa.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã tấn phong Hồng Y cho linh mục Ghirlanda vào năm 2022. Ngài là một trong số ít người được đội mũ đỏ với tư cách là linh mục mà không phải là giám mục. Đức Hồng Y Ghirlanda đã được trao cho Nhà thờ Dòng Tên Gesù của Rôma làm nhà thờ hiệu tòa của mình.
Vị Hồng Y và luật sư giáo luật người Ý là cựu hiệu trưởng của Đại học Giáo hoàng Grêgôriô ở Rome, đã phục vụ từ năm 1975.
Vị linh mục Dòng Tên đã có 10 năm làm thẩm phán tại Tòa phúc thẩm của Thành phố Vatican, từ năm 1993 đến năm 2003. Ngài là trưởng khoa giáo luật của Grêgôriô từ năm 1995 đến năm 2004 và hiệu trưởng của trường đại học từ năm 2004 đến năm 2010.
Thông báo về việc bổ nhiệm Đức Hồng Y Ghirlanda được đưa ra ngay sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ tân Đại Hiệp Sĩ của Dòng Malta vào ngày 19 tháng Sáu.
Tháng 5 vừa qua, Dòng Malta đã bầu Hiệp Sĩ John Dunlap làm nhà lãnh đạo thứ 81 của Dòng. Dunlap là người Canada và là hiệp sĩ đầu tiên từ Mỹ Châu lãnh đạo Dòng Malta trong lịch sử 975 năm tuổi của nó.
Source:Catholic News Agency